Phần 2: Những cái chết trùng tang trong đại gia đình ông Rạng
Ông Nguyễn Văn Thung – anh vợ ông Trần Văn Rạng là người chứng kiến từ đầu đến cuối những cái chết bi thảm diễn ra với gia đình ông Rạng
Cái chết đầu tiên
Sau cái chết của đàn vật nuôi xảy ra ở nhà anh Út và anh Viết, thì đại gia đình ông Trần Văn Rạng đón nhận nỗi đau buồn đầu tiên, đó là cái chết của anh Trần Văn Viết, anh trai của anh Út.
Anh Viết sinh ra đã là một trai làng khỏe mạnh, vâm váp. Đến tuổi trưởng thành, thì anh lấy thôn nữ ở xã bên, cách Vũ Tây chưa đầy 10 cây số làm vợ. Vợ chồng được ông bà Rạng chia cho mấy sào ruộng, tích cực cày cuốc, trồng cấy mới đủ ăn. Để có thêm đồng ra đồng vào, anh Viết chịu khó đi làm thuê làm mướn. Do cuộc sống không dư giả, nên anh chị chỉ mới đẻ 1 cháu trai, dự tính xây nhà xong, tích cóp được một chút, mới tiếp tục đẻ đứa nữa. Có chút vốn liếng, vợ chồng anh Viết xin ông bà Rạng cho ra ở riêng. Ông bà Rạng cắt cho một mảnh đất chừng 200m, ngay trước mặt, chếch về phía tay phải nhà bố mẹ, cạnh bờ ao. Vợ chồng anh Viết xây một ngôi nhà. Dù là nhà cấp 4, lợp ngói, song khá rộng rãi, khang trang, có sân vườn đầy đủ. Ngôi nhà quay cùng hướng Đông với nhà ông bà Rạng, và quay lưng về phía nhà bố mẹ, nhưng vẫn đi chung một ngõ.
Anh Viết xây nhà xong một thời gian, thì cậu em Trần Văn Út đã phá ngôi miếu để xây nhà riêng cho vợ chồng mình. Vậy là, trên mảnh đất rìa xóm 9, có 3 ngôi nhà của 3 bố con ông Rạng quây quần bên nhau. Hồi xảy ra sự việc chết chóc, cậu con duy nhất của vợ chồng anh Viết mới tròn 5 tuổi.
Ngay khi anh Trần Văn Út phá ngôi miếu và khởi công xây nhà, thì anh Viết tự dưng lăn ra ốm đau, khật khừ, tính tình trở nên khó hiểu. Lúc anh kêu đau chỗ này, lúc kêu đau chỗ kia, nhưng đi khám thì chẳng ra bệnh gì. Anh này cũng không ăn uống gì lạ, chỉ ăn con cua, con cá bắt được ở cánh đồng, dưới ao. Do hay kêu đau, đi khám lại không ra bệnh, nên có người đặt câu hỏi, hay là anh này bị thần kinh?
Trước hôm chuẩn bị đổ mái nhà em trai, anh Viết tự dưng rú lên sợ hãi, rồi lăn đùng ra đất co giật, mắt cứ trợn lòng trắng, như thể sắp lòi ra ngoài. Thấy tính mạng anh Viết có thể gặp nguy hiểm, nên cậu Út nổ xe máy, mọi người lấy vỏ chăn quấn chặt anh Viết, rồi một thanh niên ngồi sau xe máy ôm, phóng nhanh lên thị xã, cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Các bác sĩ nhanh chóng cho anh nhập phòng cấp cứu, cho thở ô-xy. Được tiêm thuốc trợ sức, thở bình ô-xy, anh Viết dần tỉnh táo lại. Suốt mấy ngày ở bệnh viện, các bác sĩ đã cho chiếu chụp tim, phổi, não, xét nghiệm máu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra bệnh gì. Trong máu anh Viết cũng không có dư lượng chất độc nào cả. Nằm viện vài hôm, khỏe lại như thường, anh được xuất viện.
Mọi người cũng liên hệ chuyện Thần linh quở phạt với sự đau yếu, đặt biệt là cảnh tượng lăn đùng ra đất co giật đến mức suýt chết mà không tìm ra bệnh của anh Viết, khiến không khí trong gia đình càng trở nên ngột ngạt. Từ bệnh viện về nhà buổi chiều, thì đến đêm anh Viết có vẻ đuối sức, cứ đi lại khật khừ. Sáng hôm sau, ông Nguyễn Văn Thung chạy sang, thì thấy mọi người ngồi trong nhà đông đúc, còn anh Viết ngồi trên giường, mặt mũi cứ tái nhợt. Anh Viết chẳng nói chẳng rằng, cứ nhìn mọi người với ánh mắt buồn bã. Bà Đào, em gái ông Thung, mẹ đẻ anh Viết thì cứ liên tục đốt nhang, khấn vái ở bàn thờ. Bà khóc lóc cầu xin Thánh Thần tha mạng cho cậu con trai của mình.
Tầm 8 giờ sáng, anh Viết đòi nằm xuống giường. Anh nằm ngửa, cứ lịm đi, rồi chết. Một cú giật cứng người, và anh ra đi mãi mãi.
Chị vợ anh Viết là người đàn bà cứng cỏi, mạnh mẽ. Trong khi mọi người đổ chuyện chồng mình chết do Thần linh quở phạt, do phá miếu nơi rắn thần cư ngụ, thì chị không tin. Chị này còn đứng giữa sân xa xả tuyên bố không sợ Thần Thánh, ma quỷ gì cả. Sau này, lần lượt từng thành viên trong gia đình nhà chồng lăn ra chết, chị vẫn là người cáng đáng chính mọi việc, lo ma chay chu toàn cho cả nhà chồng. Ông Thung là người gan dạ, song cũng phải nể chị này. Ông thường trêu đùa chị là “con dái trong”, tức là đàn bà, nhưng mạnh mẽ như đàn ông.
Tuy nhiên, sự việc bi thảm xảy ra với đại gia đình mình quá kinh hãi, liên tiếp những cái chết tức tưởi không tìm được nguyên nhân, khiến chị cũng phải chờn lòng. Dân làng và những người trong dòng họ đồn rằng Thần linh sẽ bắt hết những người trong dòng họ Trần, nên chị này đâm ra lo lắng cho sinh mệnh cậu con trai duy nhất của mình. Và, sự việc xảy ra đúng như lời đồn đại. Cậu con trai duy nhất của vợ chồng anh Viết liên tiếp lăn ra ngất, sau khi xảy ra cái chết của bố, chú và ông nội. Đã mấy lần gia đình phải cấp tốc đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện. Cũng như bố, bệnh viện không thể tìm ra nguyên nhân khiến cháu bé này liên tục bị choáng, ngất, co giật, sùi bọt ở miệng.
Sợ hãi quá, chị đã phải gửi con về quê ngoại, cách quê nội chừng 10 cây số. Điều đặc biệt là cháu ở nhà ngoại thì không sao, nhưng cứ có việc về quê nội, thì lại lăn ra bất tỉnh nhân sự. Hôm tổ chức trăm ngày cho ông nội, cháu bé đã lăn ra ngất cùng với nhiều người trong gia đình. Đó là hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Cũng may, gia đình đưa đi bệnh viện kịp thời, nên mạng cháu còn giữ được. Dù là người gan dạ, nhưng vì sợ hãi trước lời đồn về cái chết của những người trong họ Trần, nghe theo lời mọi người, chị này đã cho cháu bé làm con nuôi một gia đình khác, để cháu mang họ khác, là người của gia đình khác, không có cớ nào để Thần Thánh bắt đi nữa. Tuy nhiên, dù cháu đã là con của dòng họ khác, nhưng khi về nhà dự tang lễ người thân, cháu bé vẫn lăn ra ngất.
Đến hôm bà Nguyễn Thị Đào, mẹ chồng chị mất mạng, mọi người mới giật mình nhận ra rằng, Thần linh đã “bắt” cả người ngoài dòng họ, vì bà Đào chỉ là dâu, mang họ khác. Đúng hôm bà Đào chết, ngay trong đêm, mọi người đã đưa 2 mẹ con vợ anh Viết trốn khỏi làng. Đích thân mấy người trong họ Trần, cùng những người bên ngoại đã góp tiền đưa hai mẹ con lên tận bến xe thành phố để vào tuột trong Tây Nguyên, tránh xa vùng đất có đại gia đình đang chìm trong chết chóc khủng khiếp với lời đồn “Thánh vật” vô cùng nghiêm trọng. Hai mẹ con trốn sống trong Nam từ đó đến nay, không dám về lại quê chồng ở xã Vũ Tây nữa.
Cái chết của ông Trần Văn Rạng
Sự việc anh Trần Văn Viết chết co giật, rồi vật nuôi lăn ra chết sạch sẽ, khiến đại gia đình ông Trần Văn Rạng (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) hoang mang tột độ. Lời đồn bị trách phạt do phá miếu thiêng nơi rắn thần trú ngụ khiến không chỉ đại gia đình này mà cả khu dân cư sợ hãi. Tuy nhiên, chỉ đến khi xảy ra cái chết của ông Rạng, thì nỗi sợ hãi mới dâng cao khủng khiếp.
Ngay khi anh Viết qua đời, mọi việc xây dựng nhà cửa phải đình lại. Ông bà Rạng cùng con cháu chạy ngược xuôi tìm thầy cúng bái ghê gớm, với mong muốn được tai qua nạn khỏi. Nhiều thầy cúng đã đến tận nơi làm lễ, trấn yểm, và đại gia đình đã lấy lại niềm tin, đỡ sợ hãi hơn. Giải quyết xong chuyện tang ma cho anh Viết, thì gia đình bàn tính chuyện tiếp tục cất nóc nhà anh Út. Tuy nhiên, việc này chưa kịp thực hiện, thì ông Rạng có biểu hiện lạ.
Ông Rạng từng đi bộ đội, ra sống vào chết, tuy nhiên, ông may mắn là không bị thương tích gì, cũng không bị nhiễm chất độc hóa học. Về quê, ông làm nông dân, dù tuổi cao, nhưng sức vóc vẫn như thanh niên. Ông Rạng vốn không tin chuyện Thánh Thần, ma quỷ, tuy nhiên, những sự kiện kỳ lạ diễn ra liên tiếp với gia đình, khiến ông không khỏi hoang mang, nên cũng tin vào chuyện cầu cúng, lễ bái. Thật khó có thể tin nổi, người như ông Rạng lại có biểu hiện lạ, tâm tính thay đổi, thi thoảng lại rơi vào trạng thái vật vờ, ngờ nghệch. Sức khỏe ông cứ yếu dần. Gia đình hết sức lo lắng, liên tục đưa ông đi bệnh viện mỗi khi ông kêu mệt, tay chân run lẩy bẩy. Các bác sĩ làm đủ các loại xét nghiệm, chiếu chụp, đều chẳng tìm ra căn nguyên bệnh tật từ cơ thể ông Rạng. Ông Rạng vốn thi thoảng cũng uống rượu, nhưng mỗi bữa chỉ 1-2 chén. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông uống rượu nhiều hơn. Dường như ông uống để muốn quên đi nỗi sợ hãi, lo lắng, hoặc để khỏi phải suy nghĩ về những hiện tượng kỳ quái đang diễn ra với gia đình mình.
Cái gì đến cũng đã đến, đúng 1 tháng sau ngày con trai Trần Văn Viết mất, ông Trần Văn Rạng đã đột ngột qua đời, sau một cơn co giật cứng người giống hệt anh Trần Văn Viết.
Cái chết của ông Rạng khiến đại gia đình sợ hãi cực độ. Con cháu ở khắp trong Nam, ngoài Bắc đã tụ họp về nhà. Lễ tang ông Rạng diễn ra long trọng, tiếng khóc lóc thảm thương của con cái khiến xóm làng rơi lệ.
Tấn thảm kịch trong buổi cúng trăm ngày ông Trần Văn Rạng – ngày oan nghiệt
Trong lễ cúng trăm ngày ông Trần Văn Rạng, một tấn thảm kịch khủng khiếp đã diễn ra. Khi mọi người đang làm lễ cúng, thì cháu Khánh – con trai của anh Trần Văn Út ngã bật ngửa chết tại chỗ. Bà Đào, vợ ông Rạng chết trên đường đến bệnh viện. Người con của ông Rạng là anh Trần Văn Út bất tỉnh tại chỗ, phải đi cấp cứu, nhưng chết sau đó nửa tháng. Rất nhiều con cháu, anh em trong lễ cúng trăm ngày của ông Rạng cùng ngất xỉu.
100 ngày mất của ông Trần Văn Rạng rồi cũng đến. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới thế mà ngôi mộ ông Rạng cỏ đã xanh rì. Trước hôm trăm ngày, bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Rạng (thường gọi theo tên chồng là bà Rạng), cùng con cháu ra đồng dẫy cỏ mọc lút gối. Nhìn cảnh cỏ mọc trùm kín, lấp mất tấm bia nhỏ, chỉ có tên tuổi và ngày tạ thế của chồng, bà Đào rưng rưng nước mắt. Ông Rạng là trụ cột gia đình, là chỗ dựa của bà và con cháu mấy chục năm nay, ấy vậy mà…
Lễ cúng cơm trăm ngày ông Rạng diễn ra ấm cúng. Con cháu khắp nơi kéo về đông đủ. Bàn thờ ông Rạng bài trí đơn sơ, với bát nhang, di ảnh, lọ hoa, chén nước, đĩa muối, bát cơm, quả trứng, ngọn nến leo lét cháy. Mâm cơm được bày trước bàn thờ. Ông Lưu thay mặt gia đình cúng bái, mời vong hồn ông Rạng cùng tổ tiên về thụ hưởng. Phong tục cúng trăm ngày ở khắp đất Thái Bình đều như vậy. Người ta tin rằng 100 ngày sau khi chết, vong hồn người chết vẫn còn quyến luyến người thân, hồn vía còn nặng, chưa thể siêu thoát được. Sau khi cúng trăm ngày, người chết sẽ đoàn tụ với tiên tổ, người sống cũng không nên quyến luyến nhiều nữa.
Sáng hôm làm trăm ngày cho ông Rạng, ông Nguyễn Văn Thung cũng có mặt. Từ ngày xảy ra sự việc, gần như ngày nào ông Thung cũng đáo qua nhà em gái. Ông cũng tích cực cùng ông Lưu chạy đôn chạy đáo mời thầy cúng, thầy bói làm lễ giải hạn. Lúc đó, khoảng 10 giờ sáng, khi ông Lưu bắt đầu làm lễ cúng bái, thì con cháu đã tụ họp ngồi trên mấy chiếc chiếu quây quần trước bàn thờ. Lúc đó, bỗng dưng ông Thung thấy mệt và bảo bà Đào: “Tự dưng tôi thấy mệt. Chả thiết ăn uống gì đâu. Tôi về nhà nghỉ ngơi một lúc, ăn cơm ở nhà, rồi tôi sang sau. Cô cúng bái ông ấy rồi ăn uống đi nhé, lát nữa hàng xóm kéo sang đông, mải nước nôi rồi lại không ăn được gì đâu”.
Ông Thung nói xong, chuẩn bị ra về, thì bé Trần Quốc Khánh, khi đó mới 6 tuổi, là con trai của anh Trần Văn Út và chị Vũ Thị Nhung từ nhà tắm đi ra, khăn tang quấn đầu, tíu tít theo mẹ đòi được cúng ông nội. Thằng bé Khánh sống với ông từ nhỏ, được ông nội bồng bế, chăm bẵm từ khi lọt lòng, nên quấn ông hơn cả bố mẹ. Mới 6 tuổi, nhưng Khánh khôn lớn, phổng phao, da trắng như bột, đôi mắt to, đen láy. Từ ngày ông mất, bé Khánh rất buồn, thi thoảng nhìn di ảnh ông nội, Khánh lại khóc đòi ông. Hôm trước, khi bà Đào và mấy người ra mộ ông Rạng dọn cỏ, Khánh cũng đi theo. Sớm hôm nay, mọi người thắp hương ở mộ, Khánh cũng thắp hương cho ông, đòi ông về bế Khánh. Do nghĩa địa xâm xấp nước, lầy lội bùn đất dính lên quần áo, nên Khánh được mẹ tắm táp cho sạch sẽ. Vừa tắm xong, Khánh đã đòi ngồi cúng ông nội cùng với mọi người. Bé Trần Quốc Khánh vừa ngồi xuống, chắp tay lạy ông, chưa kịp nói câu gì, bé bỗng lăn ra chiếu.
Ông Nguyễn Văn Thung sợ hãi nhớ lại: “Lúc đó, tôi vừa dặn dò bà Đào, chuẩn bị ra về, thì cháu Khánh bỗng ngã lăn ra chiếu, lên cơn co giật, sùi bọt mép, mắt cứ trợn lên. Tôi có cảm giác như cháu bị ngạt thở, hoặc lên cơn đau tim đột ngột. Cháu không nói được gì. Chỉ vài phút sau, khi mọi người còn đang hoảng loạn, chưa biết tính toán thế nào, thì cháu đã tắt thở. Nhìn thấy cháu Khánh chết như vậy, tự dưng tôi thấy choáng váng đầu óc, mất thăng bằng hoàn toàn, rồi đổ kềnh ra đất, không biết gì nữa. Sau mọi người mới kể lại là tôi lăn ra bất tỉnh, gọi mãi không dậy. Khi đó cả gia đình náo loạn sợ hãi, không biết xử trí tôi thế nào, thấy tôi vẫn còn thở, nên gọi người nhà tôi sang khênh tôi về. Con cháu chườm nước mát, xức dầu gió một lúc thì tôi tỉnh dậy. Lúc tỉnh lại, đầu óc nhận biết rõ mọi thứ, hình dung lại được mọi việc, nhưng người thì mệt lử, cảm giác như bị rút mất hết sức lực. Tôi nằm đến 3 giờ chiều, thì bên nhà ông Rạng chạy sang báo là bà Đào em gái tôi vừa qua đời ở bệnh viện. Lúc đó, dù mệt lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng gượng gọi con chở tôi lên bệnh viện đa khoa tỉnh”.
Chiều hôm đó, ông Nguyễn Văn Thung mới biết sự thể diễn ra tại lễ cúng trăm ngày ông Rạng cực kỳ khủng khiếp. Ngay khi cháu Khánh chết tại chỗ, ông Thung ngất xỉu, thì hàng loạt người có mặt đều lăn ra bất tỉnh nhân sự. Tuy nhiên, một lúc sau thì hầu hết đều tỉnh lại, riêng bà Đào, anh Út và vợ là chị Nhung bị nặng nhất. Cả 3 mẹ con bà Đào đều bị những cơn co giật rúm người, mặt mũi méo xệch, mắt mũi trợn ngược, nhìn rất hãi hùng. Anh Út đang ngồi trên ghế mà cơn co giật mạnh đến nỗi đổ ghế, bật ngửa ra sau bất tỉnh.
Đại gia đình xúm vào đưa bà Đào, anh Út, chị Nhung đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Lúc ông Thung lên đến nơi, thấy phòng cấp cứu đóng kín cửa, mọi người đứng ở bên ngoài nói chuyện rầm rì. Bên trong phòng cấp cứu, bà Đào nằm bất động trên giường, đeo mặt nạ thở ô-xy.
Ông Nguyễn Văn Thung buồn bã nhớ lại cái chết đột ngột của em gái: “Lúc tôi lên bệnh viện, thấy khuôn mặt mọi người đều buồn bã, nên tôi biết có chuyện chẳng lành. Lát sau thì tiếng còi hú xe cấp cứu vang lên, rồi bác sĩ đưa bà ấy lên xe. Họ không cho người nhà lại gần. Tôi nhìn thấy cô ấy vẫn đeo mặt nạ thở ô-xy. Mấy người bảo cô ấy đã chết, nhưng tôi không tin. Tôi tưởng họ đưa lên tuyến trên ở Hà Nội, nào ngờ xe chạy ngược về Vũ Tây. Con trai chở tôi bằng xe máy chạy sau xe cấp cứu. Xe chạy về đến đầu ngõ thì cô y tá gỡ bình ôxy khỏi mặt bà ấy và yêu cầu mọi người đưa bà ấy vào trong nhà. Lúc đó, tôi mới biết bà ấy đã chết trên đường đến bệnh viện. Bác sĩ vẫn cho đeo bình thở để đánh lạc hướng mấy chục người trong gia đình ông Rạng. Có lẽ họ không công bố rộng rãi cái chết của bà ấy ở bệnh viện, để tránh làm náo loạn lên, gây hoang mang cho mọi người.”.
Sau khi em gái mình chết, ông Thung lại quỵ xuống. Vừa đau buồn vì mất em gái, vừa mệt mỏi sau lần ngất hồi trưa, nên ông không còn chút sức lực nào. Em gái chết nằm đấy, mà con cháu lại phải khênh ông Thung về nhà nằm, vì ông không làm được gì nữa. Nhà ông Rạng thì còn loạn cả lên với cái chết của cháu Khánh.
Rồi vợ chồng anh Út, chị Nhung vẫn đang thập tử nhất sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, chưa biết sống chết thế nào. Buổi trưa làm cúng 100 ngày cho ông Rạng hôm ấy, rất nhiều người lăn ra ngất, hai người chết, mấy người phải cấp cứu, khiến dân tình náo loạn, không ai dám bén mảng đến nhà ông Rạng nữa.
Lúc ông Thung tỉnh táo lại, gượng ngồi dậy được, liền sai con cháu chạy sang nhà ông Rạng xem tình hình thế nào, nhưng chỉ có một người con dám mò sang. Nhìn cảnh hai chiếc quan tài, một của bà, một của cháu kê trong nhà, chỉ có lèo tèo vài người lớn tuổi ngồi trông áo quan mà người con này nơm nớp lo sợ, chạy về báo với ông Thung. Ông Thung đau xót quá, mới bắt con cái dìu sang hương khói cho em gái. Ông cũng yêu cầu con cháu, anh em nhà mình sang giúp đỡ gia đình ông Rạng, bởi đại gia đình ông Rạng đang trong cơn bấn loạn khủng khiếp.
— Tang lễ bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh diễn ra trong không khí sầu thảm. Người dân trong xóm xót thương, rơi lệ, nhưng chẳng ai dám đến tiễn đưa. Người ta chỉ dám đứng từ xa nhìn đám con cháu họ Trần đẩy xe tang, khóc thương ai oán.
Nhớ lại cảnh đau buồn đó, ông Thung thắc mắc: “Thầy cúng, thầy bói, rồi người dân đều đồn rằng, vì gia đình ông Rạng phá miếu, nên Thần linh bắt người trong gia đình họ Trần. Em gái tôi là họ Nguyễn, chỉ làm dâu, có làm gì nên tội, sao lại bị bắt đi chứ? Tôi cũng không hiểu như thế là sao nữa!”.
Khi mộ bà Đào đã đắp xong, mọi người làm lễ cúng cơm 3 ngày, thì chị Vũ Thị Nhung con dâu được xuất viện. Mọi người đưa chị về nhà, để chị thắp nén nhang, quỳ gối trước di ảnh mẹ chồng, và khóc ngất trước di ảnh cậu con trai duy nhất. Không để chị Nhung ở lại lâu, gia đình đã đưa ngay chị này về nhà cha mẹ đẻ ở xã Vũ Đông, để tránh thảm họa được đồn đại là “Thánh vật” đang diễn ra thảm khốc tại nhà chồng. Những ngày ở nhà bố mẹ đẻ, dù vô cùng đau buồn vì cái chết của mẹ chồng và của cậu con trai duy nhất, rồi người chồng đang đấu tranh giành sự sống với tử thần ở bệnh viện, nhưng chị Nhung không ngất lần nào. Thế nhưng, hễ cứ về nhà chồng, lập tức chị run lẩy bẩy, có dấu hiệu xảy ra hiện tượng bị co giật. Hãi quá, không ai cho chị về nhà nữa.
Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, rồi một số bệnh viện ở Hà Nội, anh Trần Văn Út đã được ra viện. Mọi người khuyên can nên về nhà vợ ở xã Vũ Đông ở tạm, chờ thời gian nữa hãy về nhà mình, nhưng anh Út không nghe. Anh bảo rằng, nếu Thánh Thần nhất quyết bắt anh, thì dù ở nhà vợ, hay ra nước ngoài, Thánh Thần cũng sẽ bắt được. Anh muốn về nhà, hương khói cho bố mẹ, anh trai và cậu con trai duy nhất. Chị Nhung thấy chồng nhất quyết về, nên cũng can đảm theo chồng về nhà.
Và mất mát tiếp tục diễn ra đối với gia đình ông Rạng, đó là sự ra đi đột ngột sau cơn co giật cứng người của anh Trần Văn Út. Bữa đó, vợ chồng anh Út đang ngồi ăn cơm trên ghế thì anh Út làm rơi bát, co rúm người, ngã vật xuống đất và tắt thở, không kịp trăng trối câu gì. Chị Nhung nhìn chồng ngã vật ra đất, bỗng cứng đờ người, không há nổi miệng kêu cứu. Cấm khẩu độ mấy phút thì chị cũng bất tỉnh luôn, đái hết cả ra quần. Mấy người thân trong gia đình đưa chị Nhung đi bệnh viện kịp thời, nên cứu sống được chị. Anh Út chết quá nhanh, không thể cứu nổi.
Dựng lại ngôi miếu thiêng
Tang gia bối rối, đại gia đình họ Trần họp lại và tiến cử ông Trần Văn Lưu là trưởng chi họ Trần, đứng ra lo liệu mặt tâm linh. Sau khi gặp gỡ nhiều thầy bà, ông Lưu đã mời được thầy Dược ở xã Vũ Đông (TP. Thái Bình). Ông Dược không chỉ là thầy cúng nổi tiếng trong tỉnh, mà còn nổi tiếng với tài xem phong thủy, địa lý, trấn yểm long mạch. Sau khi làm lễ lớn tại điện ở nhà mình, ông Dược xuống tận nhà ông Rạng.
Ông thầy này bỏ mấy ngày liền đi khắp khu vực, tìm hiểu từng gốc cây, bụi cỏ, đền, miếu, ao, mương. Ông kết luận rằng, ngôi miếu mà các cụ nhà ông Rạng dựng nên trong phần đất nhà mình, thực ra là để trấn yểm long mạch. Việc phá ngôi miếu đã vô tình làm hỏng long mạch, nên theo ông ta, chuyện chết chóc tất yếu xảy ra. Ông thầy này cũng lớn tiếng khẳng định rằng, may mắn gia đình gặp được thầy cao tay, nếu không thì sẽ chết hàng loạt.
Sau lễ cúng linh đình xin Thần linh Thổ địa bỏ qua sự mạo phạm của người trần mắt thịt, có mắt như mù, ông xem xét kỹ lưỡng và cắm phần đất sát bờ ao, cạnh bụi tre, ngay chái căn nhà cũ của vợ chồng anh Trần Văn Út từng ở, và yêu cầu gia đình lập tức dựng ngôi miếu nhỏ tại điểm ông chọn.
Ông bảo rằng: “Gia đình đã mời các Thần đến ngự, để trấn yểm long mạch, nay phá miếu đuổi Thần đi, khác nào mở cửa rước quỷ vào nhà”. Ông thầy yêu cầu dừng việc xây nhà, lập tức khởi công xây miếu. Khi nào xây xong miếu, mời các vị thần đến ngự, rồi muốn làm gì thì làm.
Ông thầy Mơ lập đàn cúng bái ở giữa sân, rồi trong nhà ông Thung. Làm lễ xong, ông Mơ tiếp tục sang nhà ông Rạng cúng bái tiếp. Hôm đó, cũng có mấy nhà tâm linh đang làm lễ ở ngôi miếu nhà ông Rạng. Đích thân ông Mơ cùng mấy thầy pháp cùng thống nhất xây ngôi miếu đối diện ngôi nhà mái bằng đang xây dở của anh Trần Văn Út. Ngôi miếu này được xây giống hệt ngôi miếu đã phá, cách nền ngôi miếu đã phá khoảng 5m. Mặt tiền miếu quay thẳng vào nhà anh Út. Không gian giữa ngôi miếu và ngôi nhà là cái sân rộng rãi, sạch sẽ.
Khi đó, lời của ông thầy Dược là sấm truyền, đại gia đình họ Trần này đâu dám trái lời. Chỉ vài ngày xây dựng, ngôi miếu nhỏ, chỉ cỡ 2 mét vuông đã được hoàn thành. Tại ngôi miếu ấy, ngày đêm gia đình ông Rạng hương khói nghi ngút. Chẳng biết việc khói hương có giúp những người trong gia đình này giữ được tâm hồn thanh tịnh hay không, nhưng những câu chuyện thần bí và khói hương mờ ảo dường như càng làm cho lời đồn Thánh Thần nổi giận vật người ở ngôi làng thoi loi giữa cánh đồng này thêm khủng khiếp, rợn gáy.
Cái chết thứ 6 cuối cùng khép lại bi kịch bí hiểm của đại gia đình
Sau khi anh Trần Văn Út đột tử tại nhà, thì trụ cột gia đình chỉ còn mỗi bà Phạm Thị Tâm là mẹ nuôi ông Rạng và anh Việt, con trai còn sống sót của vợ chồng ông Rạng. Khi đó, bà Tâm đã 77 tuổi. Anh Việt thì chưa có vợ con gì cả. Gia đình sợ hãi, nên sơ tán hết cháu chắt, không cho ai về nữa. Những người con gái của ông Rạng cũng ở hết nhà chồng, hoặc di chuyển đi nơi khác. Chị Vũ Thị Nhung, vợ anh Út về nhà bố mẹ đẻ ở xã Vũ Đông. Còn vợ anh Viết thì đưa cậu con trai duy nhất trốn vào miền Nam trong một đêm mưa gió.
Tóm tắt những bi kịch xảy đến liên tiếp với đại gia đình ông Trần Văn Rạng (Xóm 9, Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) như sau: Sau khi phá ngôi miếu Thần linh ở vườn để xây dựng nhà, anh Trần Văn Viết, con trai ông Rạng bà Đào bỗng đãng trí, lẫn lộn, thường ngủ li bì, rồi chết sau một cơn co giật cứng người. Anh Viết chết vào tháng 3, thì đến tháng 5, ông Trần Văn Rạng rơi vào trạng thái bị co giật tương tự, và chết sau một cú sốc, dù đã được bệnh viện chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ không tìm được nguyên nhân, nên chỉ có thể kết luận là tai biến mạch máu não. Đến trăm ngày ông Rạng, khi mọi người đang thực hiện lễ cúng thì bất ngờ hàng loạt người trong gia đình ông Rạng đột nhiên lăn ra co giật, miệng sùi bọt, bất tỉnh nhân sự. Cả nhà anh Trần Văn Út (con trai thứ 3 của ông Rạng), gồm anh Út, vợ là Vũ Thị Nhung, cùng cháu Trần Quốc Khánh con trai duy nhất đều bất tỉnh nhân sự. Điều đau xót là cháu Khánh, cháu nội ông Rạng đã chết tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Rạng cũng lăn ra co giật và mất tại bệnh viện, cùng ngày với cháu Khánh. Anh Trần Văn Út được chăm sóc ở bệnh viện Bạch Mai rất chu đáo, nhưng sau khi ra viện thì anh đột ngột qua đời.
— Tất cả những cái chết này đều được kết luận là mắc hội chứng não cấp. Bác sĩ Phạm Duệ, khi đó là Phó trưởng Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tin rằng hiện tượng này là ngộ độc bởi loại hóa chất gây co giật. Tuy nhiên, tất cả các xét nghiệm đều không tìm ra loại chất độc nào gây nên triệu chứng chết người, mặc dù trong quá trình nằm viện, họ cứ lúc tỉnh lúc mê, là trạng thái của những người trúng độc nặng.
Mảnh đất rộng mênh mông, với tổng số 3 ngôi nhà khang trang rộng rãi của đại gia đình ông Rạng chỉ còn mỗi bà Phạm Thị Tâm 77 tuổi trụ lại. Con trai, con dâu, cùng các cháu, chắt đều đã vong mạng, khiến lòng bà đau như cắt. Dù sợ hãi lắm, nhưng bà là người còn lại duy nhất của gia đình, nên phải ở nhà để khói hương. Người đi về giúp đỡ bà Tâm là ông Nguyễn Văn Thung và ông Trần Văn Lưu. Chỉ có 3 con người già cả đó dám đối diện với cái chết tưởng như đang cận kề trước mắt. Họ hàng ngày lo hương khói cho những người đã khuất, tiếp đón các nhà tâm linh ở khắp nơi về, trả lời hàng ngàn câu hỏi của các nhà khoa học, quan chức, lực lượng công an…
Vào ngày 1-10, đúng một tháng sau hôm trăm ngày ông Rạng, thì bà Phạm Thị Tâm đã bị vận hạn ghé thăm. Theo lời ông Nguyễn Văn Thung, hôm đó là buổi sáng, bà Tâm đang ăn cơm cùng 2 đứa cháu, thì bà kêu khó chịu, chân tay run lẩy bẩy, sùi bọt mép rồi rơi vào trạng thái co giật toàn thân y như đám con cháu đã chết trước đó. Gia đình đã khẩn cấp đưa bà đi Bệnh viện Đa khoa Thái Bình.
Bà Phạm Thị Tâm, còn gọi là bà Khuê, vì có chồng là ông Trần Văn Khuê. Ngày đó, nhiều người thắc mắc, không hiểu sao, bà Tâm là mẹ ông Rạng, nhưng lại chỉ nhiều hơn ông Rạng có 12 tuổi (Khi đó bà Tâm 77 tuổi, ông Rạng 65 tuổi). Thực ra, bà Tâm là thím của ông Rạng. Bà Tâm lấy ông Khuê, nhưng không có con. Ông Khuê mất sớm, bố mẹ ông Rạng cũng mất sớm, nên bà Tâm nuôi dưỡng ông Rạng từ bé và coi ông như con ruột của mình. Vợ chồng ông Rạng từ trong sâu thẳm đã coi bà Tâm là mẹ và các cháu coi bà Tâm là bà, các chắt coi là cụ.
Bà Tâm được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Các bác sĩ phải luồn ống nội khí quản để bà Tâm thở dễ dàng, nhằm tìm cách bảo toàn tính mạng cho bà, và tiếp tục điều tra nguyên nhân khiến bà rơi vào trạng thái co giật nguy hiểm.
Mặc dù các bác sĩ khẳng định bà Tâm đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng, sau đúng 20 ngày điều trị, theo dõi thận trọng, bà Tâm đã qua đời sau một cơn co giật bất ngờ, ngay trên giường bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thung vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm đó: “Cái ngày bà Tâm chết vẫn ám ảnh tôi đến hôm nay. Hôm đó, khoảng 5 giờ chiều, nghe tin bà Tâm chết, cả gia tộc họ Trần bỏ chạy tán loạn, không ai dám bén mảng đến nữa. Dân làng thì không ai dám lại gần nhà ông Rạng, chứ đừng nói chuyện vào nhà. Những người dân sống gần nhà ông Rạng thì đã bỏ đi hết. Các nhà tâm linh, người chào thua, người không dám đến nữa, vì họ cúng bái mãi mà không có tác dụng gì. Hôm đó, chỉ có mỗi tôi và ông Lưu trực chiến ở nhà ông Rạng. Xe cấp cứu đỗ ở đầu ngõ, bác sĩ và lái xe đeo khẩu trang kín mít đẩy xác bà Tâm vào nhà. Mặc dù bà Tâm đã chết, nhưng họ vẫn cho đeo mặt nạ thở ôxy. Đưa xác bà Tâm vào nhà, bác sĩ tháo mặt nạ, rồi bỏ đi. Lúc đó, nhìn cảnh giữa sân rộng trống hoác, chẳng có ai, tôi hãi quá, nên cũng bỏ về, mặc kệ ông Lưu. Nhà họ Trần còn đông người, con cháu bà Tâm cũng đông, mà chẳng ai dám đến, thì tôi hà cớ gì phải ở lại? Nói thì nói vậy, nhưng quả thực tôi sợ ở đó thì mình cũng bị vật ngay thôi.
Tôi về nhà một lúc thì ông Lưu chạy sang nhà tôi, đề nghị tôi sang trông nom xác bà Tâm cùng ông ấy. Tuy nhiên, tôi từ chối, tôi bảo trông nom hương khói cho bà Tâm không phải trách nhiệm của tôi, bà Tâm là con dâu họ Trần, chẳng có liên quan gì đến tôi cả. Con cháu bà ấy còn sống, thì chúng nó phải có trách nhiệm lo lắng chứ, sao lại tìm tôi. Nghe tôi nói vậy, ông ấy bỏ về. Đến 9 giờ tối, ông ấy lại mò sang tìm tôi. Ông Lưu bảo, có mỗi mình ông, ông sợ quá, nên nhờ tôi sang giúp. Tuy nhiên, tôi cũng sợ, nên nhất định không sang. Nhờ vả không được, ông Lưu đứng ở cổng chửi bới. Ông bảo, tao còn mỗi cái xác già, sợ đếch gì. Thánh thần có bắt tao thì cứ trói tao vào mà đánh, đánh chết thì thôi. Chửi đổng mấy câu rồi ông ấy về.
— Cả đêm hôm ấy, có mỗi cái xác bà Tâm đắp chiếu và ông Lưu trong nhà ông Rạng. Ông Lưu cứ sang thắp hương cho bà Tâm, rồi lại bỏ về nhà mình”.
Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây nhớ lại: “Sau cái chết của bà Tâm, thì quả thực dân làng vô cùng hoang mang. Con cháu cũng không dám đến làm tang ma cho bà Tâm. Thấy tình hình căng thẳng, và lại quá tủi phận cho bà Tâm, nên anh Bùi Văn Vượng, khi đó là Chủ tịch UBND xã, đã chỉ thị cho đóng cửa UBND xã, không làm việc nữa, và yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của xã phải đến nhà ông Trần Văn Rạng làm tang lễ, đưa bà Tâm ra cánh đồng. Khi đó, lòng dân hoang mang, đồn đại dị đoan ghê lắm, nếu chúng tôi không bạo gan đứng ra làm việc đó, thì làm sao nói được dân chúng, với lại lấy ai làm tang ma cho bà Tâm. Nói thật, khi đó anh chị em cán bộ xã cũng run lắm, nhưng đây không chỉ là góc độ tình cảm, mà còn là nhiệm vụ chính trị, nên không ai được lảng tránh”.
Sợ hãi cảnh tượng chết chóc kinh hoàng nên nhiều gia đình ở xóm 9 (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) đã bỏ hoang nhà cửa, trốn đi nơi khác. 5 hộ dân ở cạnh nhà ông Rạng đã dọn hết đồ đi, khóa cửa để đó. Phải thời gian khá dài sau, tình hình yên ổn, không xảy ra chết chóc nữa, họ mới tìm về.
Theo lời bà Đào (vợ của ông Lưu – chú ông Rạng), ông Lưu đã đi xem bói ở nhà một ông thầy ở huyện Đông Hưng. Ông thầy này phán rằng, cái chết của bà Tâm chưa phải đã chấm hết, mà người chủ sẽ là người cuối cùng bị vật. Ông thầy bói này ám chỉ “người chủ” chính là ông Lưu, người đứng đầu họ Trần, là chú ruột ông Rạng, cũng là người thay mặt ông Rạng đứng ra làm chủ, lo lắng mọi việc tang ma cho con cháu ông Rạng. Chẳng hiểu lời ông thầy bói đó có đúng không, nhưng 2 năm sau khi bà Tâm mất, ông Lưu cũng ra đi vì bạo bệnh. Mặc dù ông Lưu qua đời vì bệnh tật, tuổi già, nhưng bà Đào cũng như dân làng nơi đây, đều liên hệ cái chết của ông với thảm kịch nhà ông Rạng.
Còn một cái chết cũng bị đồn đại rùng rợn nữa, là cái chết của ông trưởng thôn Phạm Văn Đức. Vào năm 2010, sau khi kiểm tra các cháu tập dượt cho ngày lễ Trung thu, khoảng 9 giờ tối, ông Đức lên giường ngủ. Sáng hôm sau, không thấy dậy, vợ gọi, thì ông ta đã chết tự lúc nào, miệng chảy máu. Trước đây, ông Đức là người uống rượu say, cầm gậy xua đuổi thầy cúng ở nhà ông Rạng, nên người dân đã liên hệ cái chết bất đắc kỳ tử của ông Đức với chuyện “Thánh vật” ở nhà ông Rạng. Theo lời ông Thung, ông Đức là người tốt, nhiệt tình trong công tác và được dân quý mến. Hành động xua đuổi thầy cúng khi đó là do ông say rượu, chứ không có ý đồ xấu gì cả. Trao đổi với lãnh đạo xã, thì ông Đức vốn bị đau dạ dày nặng, lại hay uống rượu, nên ông qua đời vì chảy máu dạ dày, chứ chẳng có chuyện ma hành gì cả. Việc gắn cái chết của ông Đức với chuyện nhà ông Rạng là suy diễn vô căn cứ.
Khu nhà, ao, vườn bỏ hoang của đại gia đình ông Rạng
Cho đến mãi về sau này, họ hàng, người thân, làng xóm vẫn còn hãi hùng mảnh đất nhà ông Rạng đến nỗi, bất cứ thứ gì thuộc về nhà ông Rạng, đều không ai dám động vào. Cây xoài cổ thụ đến mùa hè, quả sai trĩu chịt chẳng ai dám hái. Những quả trứng gà mọng vàng trên cây, tự rụng xuống đất tỏa mùi thơm lừng không ai dám ăn. Hoa trái trong vườn nhà ông Rạng cứ tự đơm, tự rụng, chẳng ai dám đụng đến.
Nhắc đến ao cá nhà ông Rạng, ông Thung tỏ vẻ tiếc nuối. Ngay cạnh mảnh vườn nhà 3 bố con ông Rạng, có một ao cá rất to. Ao nằm ngay cạnh cánh đồng, nước ra vào ăm ắp, nên cá lớn rất nhanh. Cá dưới ao toàn những con cá trắm nặng 7-10kg, quẫy ủng oảng, rất thích mắt, nhưng chẳng ai dám câu kẹo, vét lưới hay đánh điện, mặc dù nhà ông Rạng chẳng còn ai ở, bỏ hoang cả nhà, ao, vườn.
Theo lời ông Thung, sau khi nhà ông Rạng bỏ hoang 3 năm, nghe chuyện ông kể về ao cá toàn cá to, một anh làm rể họ Trần ở xóm 9, thích quá liền bảo: “Cá to thế mà không ai bắt thì phí lắm. Bố để con xuống ao kiếm ít cơm gạo”. Nói rồi, anh này đi thuê người đánh lưới. Tuy nhiên, nhắc đến ao cá nhà ông Rạng, mấy ông đánh lưới thuê đều từ chối. Không nhờ được ai, anh này tự mượn lưới vét chở đến bờ ao. Anh gọi ông Thung, nhưng ông chỉ ra xem, không dám lội xuống ao. Không còn cách nào khác, anh này đành cột một đầu lưới, rồi tự mình cầm một đầu kéo vòng quanh ao. Mẻ lưới thu được vô số cá. Anh này chỉ tóm vài con trắm cỏ, toàn 7-8kg một con, còn lại thả cho cá ra hết, để lần sau đánh bắt tiếp. Anh trút cá vào bao, vác ra chợ bán, ế 2 con đem về ăn. Vài hôm sau buổi đánh cá, anh ta lăn ra chết đột ngột.
Theo ông Thung, anh này hoàn toàn khỏe mạnh, béo tốt, không có tiền sử bệnh tật gì cả. Cái chết của anh này ngẫu nhiên trùng khớp vào thời điểm đánh cá ao nhà ông Rạng khiến cả làng kinh sợ, đồn thổi rất hãi hùng. Từ đó, không ai dám động vào ao cá nhà ông Rạng nữa. Ông Thung thì cho rằng, sau khi đại gia đình ông Rạng người chết chóc, người bỏ đi, khu đất nhà ông Rạng đã thuộc sự quản lý của các vị thần, do đó, nếu ai lấy thứ gì, phải xin phép đàng hoàng mới được. Mặc dù nghĩ như vậy, nhưng ông cũng chẳng dám tơ hào bất cứ thứ gì ở mảnh đất Thần linh đang ngự ấy.
Vietkhampha