Cả xã đối mặt với đại dịch HIV/AIDS vì dùng chung kim tiêm ở nhà một bác sĩ

0
1952

Xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đang trải qua không khí u uất bao trùm cả khu vực khi nguy cơ nhiều người nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS chỉ vì… dùng chung kim tiêm ở nhà một bác sĩ.

Nguy cơ đại dịch HIV

-Quảng Cáo-

Chỉ trong khoảng một tháng nay, người dân xã miền núi Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) liên tiếp nhận được những cái tin bàng hoàng, sửng sốt khi có thể tới hàng chục người bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, dù chưa hiểu nguyên do chính xác là gì.

Bước chân vào cổng làng, điều đầu tiên chúng tôi thấy là những cánh ruộng tan hoang vừa bị tàn phá do lũ, thấp thoáng sau những quả đồi là những căn nhà với đầy đủ 3 thế hệ đang u uất vì bệnh. Không khí đau thương dường như bao phủ lấy cả một vùng.

Không khó để có thể hỏi chuyện về những người bỗng nhiên nhiễm HIV ở Kim Thượng vì câu chuyện về những người bị nhiễm căn bệnh quái ác đó vẫn là đề tài thời sự được người làng truyền tai, đồn thổi với nhau hàng ngày. 

Chúng tôi tìm đến một căn nhà nhỏ nằm nghiêng trên con dốc bên cạnh quả đồi thuộc xóm Chiềng 3. Đây là nhà của bà H.T.G (59 tuổi) – một người mới hay tin mình nhiễm HIV khoảng 1 tháng nay.

Bà G. cho biết, ban đầu, biểu hiện bệnh của bà khá bình thường, vốn chỉ là những vết nấm lở loét ở lưỡi. Tuy nhiên, bà đâu có ngờ, sau đó là những tháng ngày đau khổ tới tột cùng khi nghe tin mình nhiễm HIV.

“Tôi nhớ vào khoảng tháng 4 vừa rồi, tôi được gia đình đưa vào Bệnh viện huyện Tân Sơn khám và được điều trị 1 tuần tại đây. Nhưng tình trạng không có nhiều chuyển biến nên tôi lại tiếp tục được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Lên đây, tôi mới biết mình nhiễm HIV. Sững sờ, choáng váng và hoảng loạn, ngay lúc đó sự sống như sụp đổ trước mắt tôi”, bà G. đau xót kể lại.

Xa mien nui ngheo o Phu Tho u uat bao trum truoc nguy co dai dich HIV hinh anh 1

Bà H.T.G đau xót khi biết mình “bỗng dưng” nhiễm HIV

Tuy nhiên, có một điều lạ là tới nay bà vẫn chưa biết tại sao mình lại nhiễm HIV, dù từ trước tới nay, theo lời bà kể, bà vẫn chỉ biết lao động quanh xóm làng, cả đời chưa từng đi đâu và làm gì bên ngoài.

“Chuyện quan hệ vợ chồng cũng không phải, bởi tôi và chồng 10 năm nay không quan hệ, không thể có chuyện mang bệnh về nhà vì quan hệ với người khác được”, bà G. tự tin khẳng định.

Trong căn nhà tối om ở xóm Tân Lập (xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn), chị P.T.T tiếp PV VTC News với đôi mắt ngấn nước và khuôn mặt thất thần. Gần một tháng nay, sau khi chồng chị là anh P.V.T bị phát hiện nhiễm HIV, không khí u ám bao trùm cả gia đình.

Chị P.T.T cho biết, trước khi bị nhiễm HIV, chồng chị có đi làm thợ xây trên Hà Nội. Cách đây gần một tháng, anh P.V.T có dấu hiệu sốt, viêm phổi, chị cùng chồng lên khám tại Hà Nội. Tại đây, bác sĩ kết luận, chồng chị mắc HIV.

“Lúc đầu mới nghe tin chồng bị nhiễm HIV, tôi thật sự sốc, không muốn làm ăn gì nữa, chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng nghĩ tới hai đứa con nên lại cố gắng”, chị P.T.T nói trong nước mắt.

Chị P.T.T cho biết, từ trước cũng nghe tới sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỷ này, nhưng không nghĩ nó lại rơi vào nhà mình. “Biết nó nguy hiểm nên chồng đi làm xa, tôi cũng chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà làm may với bán hàng lặt vặt thôi, chứ không bao giờ dám quan hệ linh tinh gì với ai”, chị P.T.T nói.

Cũng theo chị P.T.T, trước khi chồng bị chẩn đoán là nhiễm HIV, chị và chồng cũng có quan hệ. Hiện, chị P.T.T đã đi xét nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa biết là có bị nhiễm hay không mà vẫn phải chờ thêm một thời gian.

Biết bị nhiễm HIV cùng thời điểm với chồng chị P.T.T là một trường hợp khác ở xóm Chiềng 2 (xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn). Nhưng phải nói đây là một trường hợp hy hữu. Đó là người phụ nữ trẻ tên T.T.T. Chị T. dù quanh năm chỉ làm việc quẩn quanh bên những cánh đồng nhưng bỗng nhiên nhận phải “án tử”.

Ngồi trên chiếc giường ọp ẹp, chị T.T.T chỉ còn nặng hơn 30 kg. Khuôn mặt hốc hác, chỉ còn da bọc xương. Miệng chị bắt đầu có dấu hiệu lở loét. Trong nước mắt, chị T.T.T cho biết: “Bây giờ, tôi không thể ăn được gì với phần miệng bị lở nặng”.

Theo lời chị T., cách đây khoảng 3 tháng, chị có tới nhà một bác sĩ cùng xóm tên Th. để chữa nhiệt miệng. Nhưng điều trị mãi không thấy khỏi, chị sau đó lên Bệnh viện tỉnh Phú Thọ để khám chữa thì lúc này mới biết là nhiễm HIV.

“Tôi sốc lắm, mình suốt ngày chỉ làm đồi, trồng sắn, làm nương mà giờ bị HIV. Tôi không biết nguyên nhân từ đâu nữa”, chị T.T.T nói.

Ngồi ngay bên cạnh, chồng chị T.T.T, anh H.V.V cho biết: “Trước khi biết vợ nhiễm HIV, anh có đi làm thợ xây trên Hà Nội. Lúc đầu, cả nhà nghi ngờ tôi đi làm quan hệ lăng nhăng rồi rước bệnh về cho vợ, nhưng sau hai lần xét nghiệm thì kết quả của tôi đều âm tính với HIV”. Anh H.V.V cũng cho PV xem bản xét nghiệm mới nhất là cuối tháng 6 với kết quả âm tính, tức là sau khi vợ anh bị phát hiện nhiễm HIV.

Anh H.V.V cho hay, sau khi vợ bị bệnh, anh cũng bỏ việc ở Hà Nội để về nhà chăm sóc vợ. Anh H.V.V cùng vợ nghi ngờ, rất có thể chị nhà lây bệnh khi khám tại nhà bác sĩ Th. Vì theo lời chị T.T.T, trong đợt khám bệnh tại nhà bác sĩ Th., chị có tiêm nhiều lần.

Theo tìm hiểu của PV, ở xã Kim Thượng, ngoài các trường hợp nói trên thì có tới hàng chục người khác đang có nguy cơ đối diện với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Thậm chí, con số này còn có thể sẽ tăng lên.

Hàng xóm, người hỏi thăm, kẻ quay lưng

Bà G. cho biết, trước đây bà vốn là một người hay lam hay làm, cả ngày chăm bón đồng ruộng, tối về lại lo cho con cháu. Bà vẫn được bà con trong xóm gọi là một người phụ nữ của gia đình. Thi thoảng, hàng xóm láng giềng tập trung nói chuyện tâm sự chuyện làng, chuyện xã hay chuyện hoa màu rất vui vẻ.

Tuy nhiên, từ sau khi biết tin bà bị mắc bệnh, họ không còn sang đó nữa, căn nhà của bà giờ đây trở nên u ám hẳn, không còn tiếng cười nói đùa vui như vốn có. Thay vào đó là tâm lý sợ hãi, lo lắng và tủi hổ.

“Trước đây, khi làng xóm có cỗ, cưới xin, nếu ông nhà tôi không đi được thì tôi đi. Giờ thì không được nữa rồi, mình không dám ngồi gần, ăn cùng mâm, uống cùng cốc và nói chuyện cùng ai. Tất cả như xa lánh dần với tôi – nghĩ mà càng tủi”, bà G. lau vội dòng nước mắt trên má, vừa khóc vừa kể lại.

Thương cho số phận của mẹ mình, chị Hà Thị P. – con gái bà G. cũng cho biết thêm, từ khi biết tin bị bệnh, bà G. cũng chủ động ăn riêng và dùng các dụng cụ vệ sinh riêng. Nhưng tôi biết là mẹ buồn nhiều, mọi thứ như đóng sập lại.

“Ngày xưa vui đùa bên các cháu, giờ nào còn dám âu yếm ai”, chị P. nói trong xót xa.

May mắn hơn gia đình bà G., vợ chồng anh H.V.V và chị T.T.T, chị cho biết, sau khi biết tin chị bị bệnh, hàng xóm láng giềng, anh em bạn bè vẫn sang thăm hỏi, động viên thường xuyên và không xa lánh, mặc kệ tiếng đồn ác ý.

“Vỗn dĩ mình bị những bệnh bình thường thì không sao, nhưng giờ lại nhiễm HIV, người ta không kỳ thị là tốt lắm rồi. Tuy nhiên, tôi thấy mình vẫn hạnh phúc hơn nhiều người khi có được anh em họ hàng, làng xóm luôn động viên giúp đỡ. Họ vẫn hỏi thăm tôi, không xa lánh như tôi vẫn lo sợ”, chị T nói.

HIV/AIDS vốn là một căn bệnh thế kỷ, dù y học tiến bộ vượt bậc so với trước nhưng bệnh đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Bởi vậy, số phận của những con người bị nhiễm HIV tại Kim Thượng càng lâm bi đát và khốn khổ hơn bao giờ hết.

Họ, có thể vì vô tình, có thể vì lý do nào đó mà nhiễm phải căn bệnh quái ác này, nhưng với họ, những người quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lo từng bữa cơm, manh áo cho gia đình, thì khi nhận tờ kết quả xét nghiệm trên tay, chẳng khác nào như án tử đã tới với họ. Và có thể thần chết đã chọn họ như là những người phải “ra đi” tiếp theo.

Chẳng biết, tương lai sẽ còn bao nhiêu con người ở cái làng quê nghèo này phải nhận án tử từ căn bệnh thế kỷ, nhưng chắc chắn không thể phủ nhận rằng, HIV/AIDS “con thú dữ” đang ngủ yên đã bị đánh thức, “nuốt trôi” những tâm hồn bất hạnh tại xã nghèo.

VTC News