Khi châu Âu và Mỹ trở thành tâm dịch COVID-19, các công dân Âu, Mỹ chọn cách ở lại Việt Nam để bảo đảm an toàn và thường xuyên thăm hỏi người thân ở quê nhà.

-Quảng Cáo-

Tính đến 20h ngày 16-3 (giờ Việt Nam), đã có 10 quốc gia châu Âu ghi nhận 1.000 ca nhiễm virus corona chủng mới trở lên, bao gồm Ý, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển và Áo. Trong đó, Ý giữ vị trí “đỉnh bảng” với gần 25.000 ca nhiễm và hơn 1.800 người chết; trong khi Mỹ xác nhận hơn 3.800 ca nhiễm và 69 người chết.

Cảm giác yên tâm

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Wayne Paris (người Mỹ) cho biết anh vừa hủy chuyến bay về Mỹ ngày 19-3 để ở lại Việt Nam. “Cách đây hơn 3 tuần, tôi quyết định hủy chuyến bay về thăm nhà của mình. Dù được hoàn tiền cho chuyến bay từ Việt Nam đến Mỹ, tôi vẫn mất khoảng 1.000 USD cho các chuyến bay nội địa. Dù vậy, tôi rất vui khi ở lại Việt Nam, nơi tôi thấy an toàn hơn và được khỏe mạnh” – Paris kể.

Paris nhận xét Chính phủ Việt Nam làm khá tốt trong việc thông tin về COVID-19 đến mọi người, chẳng hạn như thông báo trên trang web của Chính phủ. Theo cảm nhận của anh chàng người Mỹ này, người dân ở TP.HCM có thái độ nghiêm túc trong việc phòng chống dịch bệnh.

“Khi có việc ra đường, tôi thấy mọi người có ý thức giữ khoảng cách ở hầu hết mọi nơi, đa số ở nhà, tránh tụ tập. Thậm chí tôi để ý thấy ít người ho hơn bình thường (lúc không có dịch). Điều này chứng tỏ họ ở nhà nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân” – Paris nói.

Anh cho biết hiện rất lo cho gia đình của mình nhưng cũng liên lạc với họ thường xuyên và biết rằng mọi người đều ổn. “Những dự báo xấu đã xảy ra và trên thực tế còn xấu hơn những gì tôi đã hình dung. Số ca mắc bệnh và cả số người chết đều tăng từng ngày” – Wayne trải lòng.

“Tôi cho rằng tại thời điểm này, có thể cả ở Mỹ và ở Việt Nam, có ai đó trong chúng ta có thể nhiễm virus rồi mà họ không hay biết. Tuy nhiên, tôi thấy rõ ràng ở Việt Nam mọi người nghiêm túc hơn trong tình huống này. Vì thế, tôi cảm thấy ở Việt Nam tốt hơn cho mình” – chàng trai người Mỹ thẳng thắn nói và bày tỏ sự an tâm vì Việt Nam đã cung cấp cho anh thông tin đầy đủ về dịch bệnh cũng như người dân có thái độ phòng chống dịch nghiêm túc.

Nhiều khách du lịch đã chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng

Lo người nước ngoài nhiễm bệnh đến

Ông David James, người Anh đang sống ở Cần Thơ, cho biết ông thường xuyên đọc báo chí ở Việt Nam để theo dõi tin tức về các biện pháp, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam.

James nói ông rất ấn tượng với cách mà Việt Nam đã và đang làm với dịch bệnh. “Tôi cảm thấy an toàn ở Cần Thơ và cảm thấy mọi thứ đang được kiểm soát tốt. Hãy so sánh số ca bệnh Việt Nam và Anh đang có hiện nay mà xem, trừ khi bị buộc phải về nước chứ tôi chắc chắn sẽ chọn ở lại Việt Nam qua mùa dịch. Hơn nữa, nếu về nước, tôi cũng phải bị cách ly hai tuần, điều này rất bất tiện” – James nói.

James khoe hôm nay ông bắt đầu đeo khẩu trang như khuyến cáo mới và không có vấn đề gì với điều này. “Mọi người đã lên dây cót tinh thần để đối phó với dịch bệnh. Chỉ có một điều hơi quá là nhiều người cũng đang có cách đối xử lạnh lùng hay đúng hơn là kỳ thị người nước ngoài” – James phàn nàn.

Tương tự, anh Wayne Paris cũng phàn nàn về tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài của một số ít người Việt Nam. “Ở một mức độ, cũng có thể là người dân đang phản ứng hơi quá. Chẳng hạn như bây giờ, người nước ngoài đang bị xa lánh. Họ không bán đồ cho bạn, họ không giúp đỡ bạn nữa, điều đó là hơi quá vì chúng tôi có phải là virus đâu. Nhưng đây chỉ là một số trường hợp, không phải là số đông” – Paris nói.

Trong khi đó, anh Patrick M Davies, một công dân người Anh khác đang sinh sống ở TP. HCM, khẳng định anh cảm thấy an toàn ở Việt Nam. Davies cho biết điều anh lo lắng nhất hiện nay là trường hợp người nước ngoài nhiễm bệnh đến Việt Nam.

“Tôi không muốn Việt Nam có thêm người nhiễm bệnh vì các trường hợp lây nhiễm thế này. Là giáo viên dạy tiếng Anh và đã ngừng dạy từ hơn tháng nay, tuy ảnh hưởng đến thu nhập nhưng tôi thấy quyết định và các biện pháp của chính quyền là đúng đắn. Việt Nam đã đưa ra các biện pháp quyết liệt và họ đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Tôi thấy mình an toàn hơn ở đây nên có cho tiền tôi cũng không trở về Anh” – James trải lòng.

James nói khá lo cho bố mẹ mình ở Anh vì họ đã lớn tuổi. Bố anh 69 tuổi, thuộc nhóm đối tượng dễ tổn thương trước dịch bệnh.

Đeo khẩu trang còn hơn không có gì!

Theo anh Wayne Paris, những người chủ quan với dịch bệnh mà anh thấy ở Việt Nam lại chính là người nước ngoài, vì họ nghĩ họ “biết tuốt” nên không cần lắng nghe ai. Paris quan sát thấy số đông người nước ngoài không chịu đeo khẩu trang.

“Mặc dù tôi hiểu rằng khẩu trang không nhất thiết sẽ bảo vệ bạn 100% khỏi nhiễm virus, nhưng có giá trị bảo vệ nếu đeo đúng cách, nhất là khi chúng ta đi ngang qua người có thể đang ủ bệnh mà mình không hay, hoặc khi họ khạc nhổ bừa bãi gần mình. Khẩu trang có thể bảo vệ chúng ta chút ít, dù là 50% thì cũng tốt hơn là không có gì” – Paris nói.

Du khách Anh: Tôi cảm thấy giống đi nghỉ hơn là đi cách ly

Du khách Anh Gavin Wheeldon – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gavin Wheeldon, du khách Anh cách ly tại Hà Nội từ ngày 14-3 đến nay, đã viết lại nhật ký hàng ngày về cuộc sống trong khu cách ly. Trong đó, anh dành nhiều lời khen cho Việt Nam.

5h sáng, tôi đáp máy bay xuống Nội Bài với nhiều kỳ vọng về cuộc sống ở quốc gia ưa thích. Cuối cùng, tôi đã làm được. Tôi rời máy bay và phải khai báo y tế. Có rất nhiều nhân viên đang mặc quần áo bảo hộ. Nỗi lo bây giờ đã trở nên rất thật chứ không chỉ là tiêu đề trên báo nữa.

Mọi người trong đoàn phải chờ để khai báo và nộp hộ chiếu. Tôi thấy may mắn khi đã điền vào tờ khai trực tuyến và không phải xếp hàng. Tôi đã từng gặp nhiều hình thức khai báo phiền phức hơn. Họ lấy mẫu bệnh phẩm từ họng và mũi tôi và ra hiệu cho tôi ngồi ở một khu vực tập thể.

Tôi nhìn lại hàng người đang di chuyển chậm. Người phương Tây, người Việt, ai cũng phải chờ đợi. Thời gian trôi qua, tình trạng bất ổn tăng lên và không ai trong số hành khách biết thêm thông tin gì.

Một nhóm du khách đi nghỉ lễ ở gần đó cất tiếng phàn nàn. Nhưng rõ ràng là không chỉ du khách thấy bối rối mà ngay cả nhân viên cũng không biết phải làm gì với chúng tôi. Tôi nhận ra là ở đâu đó, có ai đó đang họp bàn về nơi chúng tôi sẽ đến.

Khoảng 4-5 tiếng sau, chúng tôi được thông báo có 2 lựa chọn. Nhận lại hộ chiếu và bắt chuyến bay khác về nước hoặc cách ly 14 ngày tại Việt Nam. Mọi thứ đều miễn phí trừ khi chúng tôi dương tính, khi đó người nước ngoài phải trả viện phí và người Việt được điều trị miễn phí.

Mọi người bắt đầu phàn nàn và đặt nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại, tôi thấy tội cho người phiên dịch. Cô ấy ở đây để giúp chúng tôi. Mọi chuyện chuyển hướng theo cách rất người, chúng tôi là khách tại một đất nước đang làm hết sức để tự bảo vệ mình và lịch sự cung cấp điều tương tự cho chúng tôi. Đây là bản chất tốt của người Việt Nam.

Tất cả người Việt Nam đều vào khu cách ly và chúng tôi phải lựa chọn. Dù lựa chọn nào đi nữa thì cũng không thể quay đầu. Số người nước ngoài chỉ còn 4, chúng tôi không biết sẽ đi đâu và điều gì đang chờ đợi. Tôi chỉ nghe đồn là sẽ đi đâu đó rất xa.

Khu cách ly – Ảnh nhân vật cung cấp

Chúng tôi lên xe. Hộ chiếu được cho vào túi sinh học màu vàng sáng. Khi ra khỏi sân bay, chúng tôi nghĩ ngợi sẽ cách ly trong điều kiện ra sao? Liệu chúng tôi có được cho ăn uống đầy đủ? Chúng tôi có ở gần người bệnh? Khung cảnh thay đổi nhanh chóng từ cao tốc sang vùng quê cho đến khi chúng tôi đến một doanh trại quân đội.

Họ phun thuốc khử trùng và đưa chúng tôi đến một khoảng sân rộng, nơi hành lý của chúng tôi cũng được khử trùng. Tôi nhìn xung quanh và thấy hai ký túc xá lớn và hàng rào. Ai cũng mặc quần áo bảo hộ. Lần lượt chúng tôi tới đăng ký và được đưa đến phòng.

Khử trùng phòng ngủ khu cách ly – Ảnh nhân vật cung cấp

Người châu Âu ở tách biệt so với người khác, và nam nữ cũng ở riêng. Những ai sức khỏe yếu hoặc đi cùng trẻ nhỏ thì được ở riêng. Sân bay hỗn loạn nhưng chỗ cách ly được tổ chức rất tốt. Rõ ràng khi cả thế giới bị động, Việt Nam đã có chuẩn bị.

Khi đến phòng của mình, nhìn một lượt tôi thấy hàng rào, sân tập và cánh đồng ở xa – nơi có nhiều nông dân đang làm việc. Điều kiện tốt hơn nhiều so với mong đợi của tôi.

Bốn người phương Tây ở chung một phòng với 10 giường tầng theo kiểu quân đội. Chúng tôi trò chuyện rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, chúng tôi có cuộc cãi vã nhỏ về việc nói chuyện trong khi người khác ngủ. Chúng tôi đã giải quyết sau đó và thống nhất cần phải để ý đến người khác. 

Bữa sáng thỏa mãn cơn đói bằng món bánh mì – trước đây tôi đã bỏ lỡ hương vị của bánh mì thật sự.

Sau đó, một người lính quay lại và mua thẻ sim cho tôi. Tôi muốn boa cho anh ta vì đã giúp tôi từ lúc tôi đến đây, nhưng anh ta từ chối, chỉ lấy tiền sim.

Người phiên dịch của chúng tôi đến và hỏi thăm chúng tôi. Cô ấy tiết lộ không phải đến từ đại sứ quán mà là tự nguyện đến. Cô ấy mạo hiểm để giúp chúng tôi.

Chúng tôi nghe nói kết quả xét nghiệm đã có trong đêm và tất cả chúng tôi đều âm tính, trừ một người cao tuổi ở khoang thương gia. Tôi thấy nhẹ nhõm nhưng cũng lo lắng. Lỡ tôi đứng gần người đó? Tôi đã chạm vào thứ gì đó mà người đó chạm vào? Tất cả những gì tôi biết là người đó không đi theo chúng tôi ở sân bay.

Chúng tôi liên lạc với người thân, trấn an họ và nói với họ rằng chúng tôi phải ở đây trong 14 ngày.

Bên ngoài, mọi thứ đều yên bình. Nơi cách ly rất yên tĩnh. Những người lính làm việc không mệt mỏi để khử trùng phòng ốc hàng ngày, ghi nhận thân nhiệt của chúng tôi và dọn sạch các thùng rác.

Họ sống ở đây để phụng sự đất nước và họ rất thân thiện, chu đáo. Cho đến nay, tôi cảm thấy giống đi nghỉ hơn là đi cách ly. Trong phòng, chúng tôi chia sẻ đồ ăn nhẹ, trái cây với nhau và nhận được nhu yếu phẩm tiếp tế từ người thân.

Khi tôi đi ra ngoài ở phía sau khu vực được chỉ định cho chúng tôi, một người đàn ông nói “Xin chào”. Anh ta hỏi tôi vài câu hỏi và hỏi có bao nhiêu người trong phòng. Tôi nói có 4 người, anh ta nói anh ta ở cùng 16 người. Bạn tôi liền cảnh báo tôi cẩn thận không là họ sẽ nghĩ có đặc quyền trong chuyện cách ly.

Chúng tôi biết khu cách ly này sẽ sớm chứa đầy 700 người. Trong vòng 12 giờ, dòng xe đến và đi liên tục trong đêm. Đến sáng, chúng tôi đã có hàng xóm mới và tòa nhà đối diện đã đông đúc. Bạn có thể nghe thấy tiếng của đám đông từ chỗ của tôi.

Chúng tôi liền lo lắng liệu đông người thì có khả năng lây nhiễm hay không. Cho tới nay thì vẫn ổn nhưng người phiên dịch nói chúng tôi ở đây là để cách ly khỏi Việt Nam chứ không phải cách ly với nhau.

Xe đẩy trẻ em và hành lý ngoài sân khu cách ly – Ảnh nhân vật cung cấp

Tôi chụp vài bức ảnh và đi bộ xung quanh. Số ít hành lý vì một lý do nào đó vẫn còn ở ngoài sân và có cả xe đẩy trẻ em. Cảnh tượng thư giãn lạ lùng.

Tình hình nơi đây vẫn ổn định nhưng chúng tôi lo là điều này sẽ thay đổi. Có thể là do càng đông người xa lạ thì căng thẳng càng tăng. Như nỗi sợ bị lây từ người khác sẽ khiến mọi người tự thiết lập ranh giới với nhau. Điều này thì không chắc, nhưng chúng tôi đều đang ở đây cùng nhau. 

Rõ ràng là Việt Nam đang rất nỗ lực để giữ cho mọi người được an toàn.

Tuổi Trẻ 

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận