Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây choáng váng toàn thị trường BĐS khi trúng đấu giá lô đất vàng Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (1,1 tỷ USD, tương đương 2,4 tỷ đồng/m2), thì nay lại tát một cú trời giáng vào mặt thị trường khi Tân Hoàng Minh tuyên bố bỏ cọc 600 tỉ đồng.
Ngày 11/1/2022, Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, UBND TP.HCM… xin bỏ cọc lô đất vàng đấu giá ở Thủ Thiêm mà công ty này bằng mọi cách đã giành quyền sở hữu vào giữa tháng 12/2021 trong cuộc đấu giá.
Cũng trong chiều ngày 11/1, mạng xã hội lan truyền hình ảnh văn bản được cho là tâm thư của Tân Hoàng Minh về việc đơn phương hủy hợp đồng mua bán đấu giá tài sản liên quan đến lô đất vàng ký hiệu 3-12 tại Thủ Thiêm.
“Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung”, ông Đỗ Anh Dũng nói trong tâm thư.
“Tập đoàn này tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng đã được ký kết ba bên giữa tôi với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Đấu giá của TP.HCM và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công”, ông này cho biết thêm.
Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh viết tâm thư xin bỏ cọc 600 tỷ đồng lô đất vàng đấu giá ở Thủ Thiêm
Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo Trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tài sản TP.HCM (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) trả lời báo Thanh Niên, phía Trung tâm không thể xác định đây là văn bản thật hay giả. Hiện tại, Trung tâm chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Tân Hoàng Minh cũng như các đơn vị trúng đấu giá về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản liên quan đến các lô đất ở Thủ Thiêm.
Với việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng từ phía Công ty Ngôi Sao Việt – thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, kết quả đấu giá lô đất Thủ Thiêm diện tích gần 10.060 m2 tại mức giá 24.500 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD) sẽ không còn hiệu lực.
Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại buổi đấu giá lô đất Thủ Thiêm vào giữa tháng 12/2021
Theo báo Tuổi Trẻ phỏng vấn một chuyên gia tư pháp tại TP.HCM, chuyên gia này cho biết lô đất Thủ Thiêm trên sẽ không thể bán được cho đơn vị trả giá cao thứ hai nếu Tân Hoàng Minh từ chối mua, vì các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP.HCM cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá.
“Việc đơn vị trả giá cao thứ hai được mua tài sản đấu giá chỉ áp dụng khi đơn vị trúng đấu giá từ chối mua ngay sau khi trúng đấu giá kèm theo điều kiện giá được trả cao thứ hai cộng với số tiền đặt cọc đấu giá bằng hoặc cao hơn giá mà đơn vị trúng đấu giá vừa từ chối“, vị chuyên gia giải thích.
Với các điều kiện nêu trên, ngay cả khi Tân Hoàng Minh từ chối mua lô đất Thủ Thiêm ngay tại phiên đấu giá thì UBND TP.HCM cũng không thể mời đơn vị thứ 2 mua lô đất bởi giá mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá cao hơn giá của đơn vị thứ 2 tham gia đấu giá đến 700 tỉ đồng. Nghĩa là số tiền đặt cọc 600 tỉ đồng của Tân Hoàng Minh + giá của đơn vị thứ 2 vẫn nhỏ hơn giá mà Tân Hoàng Minh trúng.
Điều rất lạ là như có chủ đích từ trước, Tân Hoàng Minh đặt mức giá trúng 24.500 tỷ đồng, cao hơn 700 tỷ so với mức giá 23.800 tỷ đồng của đơn vị thứ 2 là Công ty Capital One Financial. Câu hỏi đặt ra: 700 tỷ là con số ngẫu nhiên hay cố tình để khiến khoản cọc 600 tỷ cộng lại với 23.800 tỷ đồng cũng vẫn bị thấp hơn giá trúng 24.500 tỷ của Tân Hoàng Minh, khiến Capital One Financial không thể thỏa điều kiện mua lô đất Thủ Thiêm nếu Tân Hoàng Minh từ chối mua.
Theo Cafef, Capital One Financial có trụ sở chính tại tại Tầng 31, Tòa nhà Trade Center 37 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM. Công ty này thành lập từ năm 2018, có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Cả 3 cổ đông của Capital One Financial đều là người gốc Hoa, quốc tịch Việt Nam. Cổ đông lớn nhất và giữ vị trí Tổng giám đốc là ông Trương Hồng Võ.
Qua tìm hiểu cho thấy các cổ đông của Capital One Financial không có cổ đông yếu tố “nước ngoài” nhưng đều ít nhiều có những mối liên quan – dù không chính thức – đến một tập đoàn bất động sản lớn sở hữu nhiều bất động sản vàng tại khu vực phía Nam, đặc biệt là tại khu vực trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn này đã từng đầu tư mua lại 2 dự án có tính biểu tượng tại đường Nguyễn Huệ nhưng hiện 2 công trình này đều đang do các pháp nhân trụ sở tại Hongkong sở hữu.
Nhìn tổng thể thì quy trình bỏ cọc trên có vẻ không trái pháp luật, nhưng nó lại gây ra hệ lụy và tai tiếng cực kỳ xấu về sự lũng đoạn thị trường BĐS của những tập đoàn BĐS khổng lồ tại VN. Dư luận bàn tán xôn xao có hay không 1 nhóm lợi ích liên kết với nhau để cố tình đạo diễn một kịch bản đấu giá gây sốc nhằm đẩy giá các lô đất vàng Thủ Thiêm lên cao chót vót, từ đó khiến các khu đất xung quanh cũng tăng phi mã, giúp cho nhóm lợi ích thu những khoản lợi khủng nên việc bỏ cọc 600 tỉ đồng chỉ là con muỗi so với con voi…
Thậm chí nhiều ý kiến của cộng đồng mạng còn đề xuất Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính nên vào cuộc điều tra các khoản thu nhập, tình hình đóng thuế của Tập đoàn Tân Hoàng Minh xem có gì bất thường, bất minh hay không mà dám nhẹ nhàng vất đi 600 tỉ đồng – một số tiền được xem là khủng đối với nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Nhà nước luôn chủ trương đưa ra các chính sách bình ổn thị trường BĐS để bảo vệ những người nghèo yếu thế trong xã hội, giúp họ có thể có được chỗ ở trong các đô thị lớn giá đất rất đắt đỏ như Sài Gòn, Hà Nội. Tuy nhiên, những cú chiêu trò đẩy giá, thổi giá tạo bong bóng BĐS của các đối tượng tổ chức và cá nhân đầu cơ BĐS luôn bóp méo thị trường, gây ra những bất ổn tiêu cực cho nền kinh tế.
Nhìn về mọi khía cạnh thì màn drama đấu giá và bỏ cọc 600 tỉ đồng của Tân Hoàng Minh giống như một trò đùa đối với Nhà nước và thị trường BĐS Việt Nam.
Minh Quân (Tổng hợp)