Camille Claudel (1864–1943) là nữ điêu khắc gia tài hoa, là nàng thơ và là người tình bất hạnh, đau khổ của nhà điêu khắc Pháp nổi tiếng Auguste Rodin (1840–1917). Tuy có tài nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Camille lại rơi vào bi kịch sầu thảm vì sa vào mối tình ngang trái với Rodin.
Lịch sử điêu khắc Pháp ghi nhận cuộc tình đầy đau khổ của bậc thầy điêu khắc Auguste Rodin với Camille Claudel, nàng thơ và cũng là học trò cưng của ông.
Auguste Rodin từng yêu say đắm, rồi lạnh lùng rũ bỏ Camille Claudel. Người ta còn nhớ nhiều đến cuộc tình của họ qua các vật chứng đẫm nước mắt là những tác phẩm điêu khắc của Claudel.
Rodin sinh năm 1840 trong một gia đình lao động ở Paris. Ông là người con thứ hai của Marie Cheffer và Jean-Baptiste Rodin. Cha ông làm thư ký trong sở cảnh sát. Tuổi thơ của ông phần lớn được tự giáo dục, ông bắt đầu vẽ năm 10 tuổi. Từ năm 14-17 tuổi, Rodin theo học trường Petite École chuyên về hội họa và toán học.
Năm 1864 Rodin chung sống với Rose Beuret, một cô thợ may trẻ. Cuộc tình này tuy có khi lạnh nhạt, khi thắm thiết nhưng bền vững cho đến khi Rodin qua đời. Hai người có với nhau một người con trai tên là Auguste-Eugène Beuret (1866–1934). Sau 53 năm, Rodin và Rose Beuret chính thức kết hôn vào ngày 29/1/1917 nhưng chỉ hai tuần sau, Rose từ trần.
Rodin những năm 1862 thời trẻ
Auguste Rodin được tôn vinh là cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc hiện đại, là bậc thầy điêu khắc tượng chân dung bậc nhất tại Pháp với khoảng 400 tác phẩm điêu khắc, tiêu biểu như Thời đại đồng đen (L’Âge d’airain, The Age of Bronze, 1877), Cổng địa ngục (La Porte de l’enfert, The Gates of Hell, 1880), Mùa xuân vĩnh cửu (L’Éternel Printemps, Eternal Springtime, 1884), Nụ hôn (Le Baiser, The Kiss, 1889), Quý tộc Calais (Les Bourgeois de Calais, The Burghers of Calais, 1884–1889), Người suy tưởng (Le Penseur, The Thinker, 1902), Đứa con hư trở về (L’Enfant prodigue, 1905).
Kiệt tác “Người suy tưởng” của Rodin
Quý tộc Calais
Trong các tác phẩm và trong tình cảm cá nhân của Rodin, nàng thơ Camille Claudel đã để lại dấu ấn sâu sắc. Rodin coi Camille Claudel là một người mẫu lý tưởng mà ông hằng tưởng tượng và ao ước có được, với bờ vai trắng ngần, thân hình thon thả, eo thắt gọn gàng, cặp đùi thon dài.
Năm 1884, ở tuổi 20, Camille Claudel bắt đầu làm việc trong xưởng điêu khắc của Rodin. Cuộc gặp gỡ này nhanh chóng nảy nở thành mối tình sóng gió kéo dài nhiều năm, mang lại cho Claudel và nhà điêu khắc hơn cô 24 tuổi những thăng hoa trong nghệ thuật và niềm đam mê lẫn dằn vặt tội lỗi trong tình yêu.
Camille Claudel ở tuổi 19, là nàng thơ và cũng là học trò của nhà điêu khắc Auguste Rodin.
Rodin đã miêu tả về Claudel trong lần gặp gỡ đầu tiên với những lời hoa mỹ như sau: “Một vầng trán tuyệt mỹ trên đôi mắt kỳ lạ thăm thẳm một màu xanh sẫm, hệt như hình ảnh của các mỹ nữ dưới nét cọ của Botticelli. Cặp môi gợi cảm đầy đặn, mái tóc dày màu vàng nâu đổ xuống đôi bờ vai”.
Claudel vừa là tình nhân, vừa là học trò của Rodin – một học trò cực kỳ tài năng. Cô coi Rodin vừa là thầy, vừa là bạn, và vừa là người tình. Cặp thầy trò rất tâm đầu ý hợp, cả trong phong cách sáng tác lẫn đam mê nghệ thuật.
Nàng thơ tài hoa, xinh đẹp Camille là nguồn cảm hứng giúp Rodin tạc ra những tác phẩm đắm say như “Nụ hôn”, “Mùa xuân vĩnh cửu”, “Camille tóc ngắn”, “Gương mặt của Camille Claudel”, “Camille đội mũ”. Kể cả “Rạng đông” hay “Thần Apollon” cũng mang gương mặt của Camille. Đấy là một chương sáng tác mới trong nghệ thuật của bậc thầy Rodin.
Hai người tìm được sự hòa hợp, đồng điệu trong sáng tạo, tâm hồn, lẫn tình ái. Rodin và Claudel yêu nhau cuồng nhiệt và cùng nhau hiến dâng cho nghệ thuật điêu khắc suốt 14 năm.
Tượng cẩm thạch “Mùa xuân vĩnh cửu” của Rodin được đấu giá kỷ lục 20,4 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s ở New York.
Trong những năm từ 1884 đến 1889 (44 đến 49 tuổi), Rodin đã thực hiện một loạt những tượng đôi nhân tình, diễn tả sự dằn vặt, xâu xé giữa tuyệt vọng và ham muốn, nhục dục và xấu hổ, như phản ánh mối tình ngang trái không được xã hội chấp nhận giữa Rodin và Camille.
Cuộc tình tai tiếng của hai người kết thúc một cách bi thảm vì Rodin không thể bỏ rơi người phụ nữ chung sống đầu tiên của ông là Rose Beuret, người mẹ của đứa con trai duy nhất của Rodin.
Tác phẩm nổi tiếng “Nụ hôn”của Rodin hình thành từ mối tình mãnh liệt giữa ông và Camille.
Cha mẹ Claudel, đặc biệt là người mẹ đã quyết liệt cấm cản mối tình ngang trái đó, một phần vì bà không bao giờ muốn Claudel dính dáng vào lĩnh vực điêu khắc theo như định kiến xã hội thời ấy đối với nữ giới. Đó cũng là lý do khiến Claudel rời xa gia đình.
Năm 1892, sau một lần phá thai, quá tuyệt vọng, Camille Claudel phải rời bỏ Rodin trong đớn đau vô hạn. Rodin vẫn tiếp tục giữ liên hệ với Claudel cho đến năm 1898.
Sau khi chia tay với Rodin, vết thương lòng quá lớn đã khiến nàng dồn hết tâm huyết và tài năng vào các tác phẩm điêu khắc. Camille thường tự nhốt mình trong phòng và cứ miệt mài nặn các bức tượng rồi lại đập tan ra từng mảnh.
Các tác phẩm của Camille rất đặc sắc nhưng tài năng của cô không được công nhận xứng đáng. Vì định kiến giới tính và vì yếu tố nhục cảm trong những tác phẩm của mình, Camille khó lòng tìm được nguồn tài trợ để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tác táo bạo. Vì vậy, Camille hầu như phải sống phụ thuộc vào cái bóng quá lớn của Rodin trong nền điêu khắc Pháp, phải nhờ đến danh tiếng của Rodin công nhận các tác phẩm của mình, thậm chí cô còn bị nghi ngờ là mạo danh tác giả những bức tượng do Rodin tạc.
Nổi loạn từ bé và bất hạnh trên đường đời…
Camille bị mang tiếng là nữ điêu khắc gia núp bóng thiên tài và còn vướng vào chuyện tình cảm “bất chính”. Claudel không có được nhiều đơn đặt hàng nên cuộc sống của nàng khá nghèo túng trong sự cô độc. Claudel phải sống dựa vào nguồn tài chính từ bố và Rodin. Người cha đã nhiều lần đưa tay giúp đỡ cô con gái trong những năm tháng túng quẫn, cay đắng của cuộc đời. Người mẹ với quan điểm bảo thủ đương thời thì thường nghi ngờ và phản đối đời sống tình cảm cá nhân tai tiếng lẫn con đường điêu khắc mà Camille chọn.
Camille sinh trưởng trong một gia tộc được coi là danh giá. Cha cô, Louis-Prosper Claudel là một công chức rất thành công làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, mẹ cô xuất thân trong một gia đình Thiên Chúa Giáo ngoan đạo có tiếng về nghề làm rượu vang. Camille còn có một em trai và một em gái. Từ nhỏ, mặc dù không được ai dạy bảo nhưng Camille đã say mê nặn tượng dựa trên mẫu là người thân trong nhà.
Năm 1881, người cha đưa cả gia đình lên Paris để cho các con có điều kiện học lên cao tốt hơn. Camille được học ở Học viện Colarossi – một trong những nơi hiếm hoi nhận sinh viên nữ. Ở tuổi 16, Camille cùng các cô bạn người Anh thuê chung một phòng làm việc. Nhà điêu khắc Alfred Boucher đã kèm cặp các cô gái trẻ trong nghề.
Paul Claudel (1868-1955) là em trai của Camille. Ông là nhà thơ nổi tiếng của trường phái ấn tượng Pháp, có khuynh hướng hoài cổ và Tôn giáo. Theo lời của chính Paul Claudel thì cuốn sách gối đầu giường của ông là Kinh Thánh. Ông còn trở thành nhà ngoại giao và nhà soạn kịch. Từng làm đại sứ ở nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Paul Claudel được Nhà nước Pháp tặng thưởng huân chương Đại thập tự, và được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1946.
Nhờ Paul, mọi người mới biết được khá nhiều về tuổi thơ và tuổi trẻ của Camille. Theo lời Paul, ngay từ nhỏ, Camille đã không chút gì hoài nghi về tài năng điêu khắc của mình. Trong lời mở đầu quyển catalogue cho cuộc triển lãm các tác phẩm của chị gái năm 1951 (khi ấy, Camille đã qua đời năm 1943), Paul Claudel viết:
“Tôi tới giờ vẫn còn nhìn thấy rõ hình ảnh của chị, một thiếu nữ kiêu hãnh, trong đỉnh cao mặn mòi nhất của nhan sắc và tài hoa, tôi vẫn còn thấy ảnh hưởng, thường là khắc nghiệt, của chị đối với những năm tháng trẻ trung của tôi”.
Paul Claudel cũng không giấu giếm rằng, thuở ấy trong gia đình thường xuyên bùng nổ những tranh cãi to tiếng. Với cá tính nổi loạn, Camille không thể nào thích ứng được với những truyền thống nền nếp con nhà gia giáo và ngoan đạo của mẹ mình. Theo thời gian, người mẹ và người em gái, cũng có tính ngoan hiền như mẹ, đã trở thành nỗi kinh hãi của Camille, vốn mang tâm hồn lãng mạn bay bổng và khao khát tự do đến mức không chịu chấp nhận những khuôn mẫu sống đúng đắn nhưng lắm phần tẻ nhạt…
Auguste Rodin với Camille Claudel
Khi đã ở trong nhà thương điên rồi, Camille vẫn hay buộc tội mẹ và em gái mình vì cho rằng họ đã khiến cô quá đau đầu bởi những lời giáo huấn về đức hạnh của họ… Chỉ có người cha rộng lượng đã rất động viên Camille trong những bước đầu đi vào con đường nghệ thuật điêu khắc, cũng như ông khuyến khích Paul trong những thử nghiệm thi ca đầu tiên.
Trước năm 1888, Camille vẫn sống chung với cha mẹ nên thường xuyên phải nghe những lời khuyên bảo cắt đứt quan hệ với Rodin. Tới năm 1888, Rodin mua được một biệt thự sang trọng làm nơi sáng tạo và hai người bắt đầu công khai mối quan hệ yêu đương với xã hội. Họ cùng tham dự các hoạt động trong giới thượng lưu và nghệ thuật, cùng giao du với nhiều văn nhân nghệ sĩ nổi tiếng đương thời.
Họ là đôi tình nhân “không được luật pháp công nhận, Nhà Thờ lại càng không”, và bị dư luận lên án, vì Camille là tình nhân. Trước khi họ đến với nhau, Rodin đã có con, chung sống với một người phụ nữ khác suốt 20 năm, con trai ông ngang tuổi Camille.
Trái tim Camille vẫn trĩu nặng vì Rodin luôn nhắc đi nhắc lại rằng, ông không thể dứt áo ra đi khỏi người vợ đầu tiên, mặc dù ông đã nói hàng ngàn lần, ông chỉ yêu một mình Camille thôi. Đã có lúc Camille cay đắng viết cho Rodin: “Ông đừng lừa em thêm nữa!”. Đó là bi kịch thường thấy trong nhiều mối tình tay ba. Mỗi khi Camille van nài Rodin quyết định dứt khoát vì cô không thể chịu được cảnh “chồng chung vợ chạ” thì Rodin lại lảng tránh câu trả lời thẳng thắn, vì với ông, Camille quá hấp dẫn về thể xác và sự đồng điệu thăng hoa trong nghệ thuật, còn người vợ Rose không hôn thú kia thì quá tốt, rất sâu nặng tình nghĩa, lại đã có chung với ông một đứa con trai.
Người cha, thương con gái, có lúc đã khuyên Camille rời khỏi xưởng làm việc của Rodin và độc lập sáng tạo.
Tôn thờ người thầy và người tình Rodin đến mê muội, bên ông, Camille dạt dào tình yêu và đam mê sáng tác bất tận, cùng ông khắc nên biết bao tuyệt tác nghệ thuật. Khi phải rời xa Rodin trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, Camille bị mất luôn phương hướng và khả năng nhìn nhận cuộc sống, nàng chìm đắm trong nỗi đau ám ảnh khôn nguôi về mối tình nồng cháy kéo dài suốt 14 năm nhưng kết thúc trong bi thảm. Sầu uất với nỗi đau tình, chán nản với sự nghiệp, lại thêm nợ nần ngập đầu, nàng càng lúc càng suy sụp, rơi vào trầm cảm, tự nhốt mình trong phòng, có lúc tự tay đập tan nát các tác phẩm của mình.
Nỗi đau tình quá lớn đã được nữ nghệ sĩ dồn hết vào các tác phẩm điêu khắc, trong đó gây sửng sốt nhất là bức tượng “Người đàn bà cầu xin” (L’Âge mûr, The Mature Age hay Destiny, 1894–1900), miêu tả mối tình tay ba giữa Rodin và hai người đàn bà, tạc một phụ nữ trẻ khỏa thân, tuyệt vọng quỳ gối, vươn cánh tay cầu xin tình yêu trong khi người phụ nữ già đưa người đàn ông rời xa.
Trong suốt 28 năm sáng tác, rất nhiều bức tượng của Camille vẫn vấn vương dấu ấn sâu đậm của người thầy và người tình Rodin.
Sau biến cố người cha thương yêu nàng qua đời vào ngày 2/3/1913, Camille không được gia đình thông báo gì. Những day dứt và tổn thương tinh thần đã khiến Camille lâm vào tình trạng mất trí. Và ngày 10/3/1913, tám ngày sau khi cha mất, Camille đã phải vào nhà thương điên ở tuổi 49…
Bà bị giam cầm trong 4 bức tường của các bệnh viện tâm thần suốt 30 năm cho đến khi lìa đời. Trong suốt 30 năm cuối cùng, bà không tạc thêm một tác phẩm nào nữa.
Auguste Rodin qua đời ngày 17/11/1917. Nhận được tin này, Camille đã bật khóc nức nở, dù không còn tỉnh trí nữa. Bắt đầu từ đó, không ai còn biết bà đã suy nghĩ những gì cho đến khi nhà nữ điêu khắc tài hoa nhắm mắt từ giã cõi đời đầy đau khổ vào ngày 19/10/1943…
Bi kịch cuộc đời và mối tình mãnh liệt của nữ điêu khắc gia Camille Claudel đã được điện ảnh Pháp dựng thành phim “Camille Claudel”, với nữ diễn viên lsabelle Adjani đóng vai nàng Camille đầy đam mê, tài hoa nhưng bất hạnh gây ra bởi chính niềm đam mê ấy.
Ánh mắt đớn đau và điên dại của Camille khi bị bắt nhốt trên xe đưa vào nhà thương điên là hình ảnh được thể hiện đầy ám ảnh của nữ diễn viên lsabelle Adjani.
Thanh Phương