Lũ lụt chưa từng có ở Châu Âu

0
1884

Hơn 1.000 người mất tích khi lũ lụt càn quét nước Đức

-Quảng Cáo-

Lực lượng cứu hộ Đức đang tìm kiếm hơn 1.000 người mất tích trong trận lũ khiến ít nhất 81 người thiệt mạng.

Nhiều người tại Đức tuyệt vọng trèo lên mái nhà chờ trực thăng cứu hộ tới đưa họ ra khỏi vùng chịu ảnh hưởng của trận lũ được nhận định là “thảm họa thời tiết tồi tệ nhất sau Thế chiến II”.

81 người thiệt mạng trong trận lũ, song con số có thể tăng khi hàng trăm người mất tích tại North Rhine-Westphalia và Rhineland-Palatinate, những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại huyện Ahrweiler của bang Rhineland-Palatinate, khoảng 1.300 người được cho là mất tích. Tuy nhiên, giới chức Ahrweiler cho biết con số cao có thể do mạng điện thoại hỏng làm gián đoạn liên lạc với những người này.

“Chúng tôi cho rằng còn 40-60 người mất tích. Khi bạn không nghe tin tức từ mọi người trong thời gian dài, bạn phải nghĩ đến điều tồi tệ nhất”, lãnh đạo cơ quan nội vụ bang Rhineland-Palatinate Roger Lewentz nói. “Số lượng nạn nhân có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới”.

Khu vực phía tây Đức được dự báo tiếp tục mưa trong những ngày tới. Mực nước sông Rhine và các nhánh đang tăng “một cách nguy hiểm”. Đức triển khai khoảng 1.000 binh sĩ tham gia cứu hộ cứu nạn, dọn dẹp đống đổ nát ở những làng và thị trấn chịu ảnh hưởng của trận lũ.

Nhiều ngôi nhà chìm dưới nước, ô tô bị lật và cây bật gốc tại những nơi lũ quét qua. Một số quận huyện bị chia cắt với bên ngoài. Một số ngôi nhà tại huyện Ahrweiler bị sập hoàn toàn, giống như một trận sóng thần vừa quét qua khu vực này.

Cảnh ngập lụt do mưa lũ tại Cologne, Đức ngày 16/7/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ít nhất 20 người chết tại Euskirchen, một trong những thị trấn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía bắc nước Đức. Khu vực trung tâm của Euskirchen thành đống đổ nát, nhiều ngôi nhà bị xé toạc trong trận lũ dữ. Một con đập gần thị trấn Euskirchen nguy cơ bị vỡ.

“Tôi sợ rằng chúng ta sẽ chỉ có thể thấy toàn bộ mức độ thảm họa trong những ngày tới”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói ngày 15/7, gửi lời chia buồn tới các nạn nhân cùng thân nhân của họ và cam kết sẽ “cố gắng hết sức để giúp đỡ”.

Mưa lớn bất thường cũng gây ngập lụt tại các quốc gia láng giềng của Đức gồm Luxembourg, Hà Lan và Bỉ. Riêng tại Hà Lan, hàng nghìn người dân ở thành phố Maastricht đã phải sơ tán.

Bỉ ghi nhận ít nhất 12 người thiệt mạng do mưa lũ trong khi hơn 21.000 người ở vùng Wallonia lâm vào cảnh mất điện. Bỉ đã điều binh sĩ đến 4 tỉnh để cứu hộ cứu nạn và tham gia sơ tán người chịu ảnh hưởng.

Nhiều ngôi nhà tại thị trấn Spa chìm dưới nước, dân cư tại đây được sơ tán đến khu lều trại gần đó. Elio Di Rupo, lãnh đạo vùng Wallonia của Bỉ, cảnh báo sông Meuse đang đe dọa thành phố Liege với 200.000 dân.

Cảnh ngập lụt do mưa lũ tại Liege, Bỉ ngày 16/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nguyên nhân có thể khiến Đức hứng lũ lụt lịch sử

Biến đổi khí hậu là một trong nguyên nhân gây ra trận lũ càn quét miền tây nước Đức và các quốc gia láng giềng, theo giới chuyên gia.

Ít nhất 93 người thiệt mạng và hơn 1.000 người mất tích tại Đức sau trận lũ lớn trong đêm được mệnh danh là “thảm họa thời tiết tồi tệ nhất sau Thế chiến II”. Các quốc gia láng giềng như Bỉ, Thụy Sĩ và Hà Lan cũng chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

Đức đã hứng chịu đợt nắng nóng và khô hạn trong nhiều tuần, sau đó là những mưa lớn. Trận mưa đêm 15/7 khiến các con sông và hồ chứa tràn bờ, gây ra trận lũ quét cuốn trôi xe cộ và phá hủy nhiều tòa nhà.

Giới chuyên gia nhận định hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy xảy ra ít nhất một lần sau vài thập kỷ, song có thể xuất hiện thường xuyên hơn trong tương lai với cường độ mạnh hơn, cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động đến cuộc sống của con người.

Bernd Mehlig, quan chức môi trường bang North Rhine-Westphalia của Đức, cho biết kiểu thời tiết mưa lớn thường xuất hiện vào mùa đông tại đây. “Hiện tượng với cường độ thế này là hoàn toàn bất thường vào mùa hè”, Mehlig nói.

Một phát ngôn viên nhóm xử lý khủng hoảng của thành phố Hagen, thuộc bang North Rhine-Westphalia của Đức, dự đoán nước lũ sẽ dâng tới mức chỉ xuất hiện khoảng 4 lần trong một thế kỷ. Nhiều khu vực thành phố Hagen vẫn bị cô lập với bên ngoài do nước dâng cao.

“Đây là hiện tượng bình thường mới”, Johannes Quaas, chuyên gia khí tượng tại Đại học Leipzig cho biết. “Biến đổi khí hậu đang thay đổi định nghĩa về thời tiết bình thường. Chúng ta đang tiếp cận hiện tượng bình thường mới gồm các kiểu mưa khác nhau”.

Nhiệt độ tăng khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên gay gắt hơn. Các nhà khoa học phát hiện hiện tượng không khí chứa nhiều hơn ẩm hơn khi nóng lên từ thế kỷ 19. Khả năng giữ ẩm của không khí tăng 7% khi nhiệt độ tăng 1°C.

Nhiệt độ toàn cầu tăng cũng dẫn đến hiện tượng nước bốc hơi nhanh hơn trên đất liền và trên biển, sau đó gây ra kiểu thời tiết mưa cực đoan và các cơn bão lớn hơn.

“Lượng mưa mà chúng ta chứng kiến trên khắp châu Âu trong những ngày qua là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt với cường độ được củng cố bởi biến đổi khí hâu. HIện tượng này tiếp tục tăng cường hơn nữa khi Trái đất nóng lên”, chuyên gia Friederike Otto thuộc Viện Biến đổi Môi trường của Đại học Oxford cho biết.

Chuyên gia Quass nhận định nhiệt độ tại Đức đang tăng gấp đôi so với tốc độ nóng lên toàn cầu do đây là nước công nghiệp. “Điều đó đồng nghĩa nguy cơ xuất hiện mưa lớn cao hơn 20% so với thế kỷ 19 và 10% so với 4 thập kỷ trước”, Quass nói.

Khi đất và hệ thống thoát nước không thể hấp thụ lượng nước nhanh chóng, hoặc các yếu tố như phát triển đô thị ngăn cản phân tán lượng mưa, dòng chảy bề mặt có thể gây ra lũ quét gây thiệt hại đáng kể.

Chuyên gia Quass nhận định dự báo thời tiết cực đoan không khó, song gần như không biết được chính xác bão sẽ đổ lượng mưa lớn xuống khu vực nào và đâu là nơi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này gây khó cho cộng đồng trong chuẩn bị cho thiên tai và giảm thiểu thiệt hại.

“Chừng nào còn tiếp tục thải ra khí CO2, chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến những trận mưa lớn như vậy”, Quass nói.

(Vnexpress, TTXVN)

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận