Thảm án Lệ Chi Viên oan khuất, tru di tam tộc Nguyễn Trãi

0
3005

Nguyễn Thị Lộ là một nữ quan triều Lê sơ và là người vợ thứ của Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc và danh nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi Nguyễn Thị Lộ từ lâu đã gắn liền với thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến thảm nạn tru di tam tộc Nguyễn Trãi.

-Quảng Cáo-

Bà được cho là sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Về năm sinh của bà, có hai giả thiết là năm 1400 và 1390.

Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách, cầm kỳ thi họa. Ngoài ra, Nguyễn Thị Lộ còn có tiếng về nhan sắc.

Sau khi cha đi phu bị giặc Minh giết chết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em ăn học. Trong một lần lên kinh thành Thăng Long bán chiếu (làng Hới có nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng), Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành vợ thứ của ông.

Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc và khai quốc công thần triều Lê Lợi

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai (1380-1442) sinh năm 1380 tại Thăng Long ở nhà ông ngoại là Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán dưới triều Trần. Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) vốn là tôn thất quý tộc nhà Trần, dòng dõi của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Ông là bậc quân tử hiền từ, nho nhã.

Ông có hai con gái là Trần Thị Thái và Trần Thị Thai, nuôi hai nho sinh là Nguyễn Ứng Long (sau này đổi thành Nguyễn Phi Khanh) dạy Thái, và Nguyễn Hán Anh dạy Thai. Hai nho sinh dan díu với hai tiểu thư. Thái có chửa, Phi Khanh và Hán Anh sợ bỏ trốn. Trần Nguyên Đán gọi về, tha tội, và gả con gái cho Nguyễn Phi Khanh, sinh ra Nguyễn Trãi.

Sau hai người đều thi đỗ. Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn nhưng Vua Trần Nghệ Tông không cho hai người làm quan, vì cái tội “thường dân mà thông dâm lấy con gái tông thất”. Phi Khanh phải về làng Nhị Khê, Hà Đông làm nghề dạy học.

Mẹ Nguyễn Trãi mất sớm, cha ông ở rể nhà ngoại, 5 anh em Nguyễn Trãi sống với ông ngoại Trần Nguyên Đán, đến năm 1390 thì Trần Nguyên Đán mất. Nguyễn Phi Khanh phải một mình nuôi các con.

Tương truyền, khi Nguyễn Trãi 26 tuổi, đang làm quan Ngự sử đài dưới triều Hồ Quý Ly, một hôm gặp một cô gái bán chiếu trẻ đẹp, ông đã ứng khẩu mấy câu thơ:

Bài thơ chiếu gon

Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa, được mấy con?

Không ngờ Nguyễn Thị Lộ nhanh trí họa lại ngay:

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, có chi con!

Nguyễn Trãi yêu sắc, mến tài bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới Nguyễn Thị Lộ làm thiếp.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú chép: “Ông Nguyễn Trãi lúc nhỏ đi đường gặp nàng ở Vũ Lăng, yêu về tài sắc mới lấy làm vợ”.

Theo tài liệu “Đất và Người Thái Bình”, sau khi trở thành người bạn đời của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng vào Lam Sơn tụ nghĩa dưới ngọn cờ của Lê Lợi. Tại đây, bà dạy con em các thủ lĩnh và là trợ thủ đắc lực cho chồng trong mọi công việc. Tuy nhiên, thông tin này không thấy chép trong sử cũ.

Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua (tức Lê Thái Tổ), Nguyễn Trãi là khai quốc công thần được phong tước hầu. Nhưng rồi những mâu thuẫn nội bộ triều đình bắt đầu phát sinh dưới thời Lê Lợi.

Sự nghi kị, nhỏ hẹp, nghe lời bọn gian thần nịnh bợ của Lê Lợi đã dẫn đến việc bức hại tàn tệ các bậc khai quốc công thần từng cùng Lê Lợi “nếm mật nằm gai” như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo là hai vị đại thần thân thiết với Nguyễn Trãi. Bản thân Nguyễn Trãi cũng bị Lê Lợi bắt giam. Sau đó, ông được tha nhưng không còn được Lê Lợi tin dùng như trước, không được giao các trọng trách của triều đình.

Trần Nguyên Hãn vốn là dòng dõi của Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán – ông ngoại của Nguyễn Trãi. Sau khi Trần Nguyên Hãn bị bức tử chết, Lê Lợi cho tịch thu toàn bộ gia sản của ông, bắt vợ con ông về Kinh quản thúc. Mãi đến năm 1455, nhận thấy ông bị giết oan, vua Lê Nhân Tông mới ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là “Phúc thần”.

Nguyễn Thị Lộ làm Lễ nghi học sĩ

Năm 1433, Lê Lợi mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức vua Lê Thái Tông. Nghe tiếng tăm của Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung ban chức Lễ nghi học sĩ, phụng chỉ để dạy dỗ cung nữ. Sử thần Phan Huy Chú chép:

“Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ”.

Ở cương vị này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Vũ Quỳnh – sử thần nhà Lê khen là: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước”

Năm 1439, Nguyễn Trãi và bà xin về quy ẩn tại Côn Sơn, nhưng đến năm 1441 thì cả hai lại được vua mời ra giúp việc nước. Nhưng chỉ một năm sau đó (1442), giữa lúc vợ chồng bà đang gánh vác việc triều chính thì tai họa khủng khiếp bỗng đổ ập xuống cả dòng tộc.

Phe phái giữa các phi tần để tranh đoạt ngôi Thái tử

Vua Lê Thái Tông là người hiếu sắc, hậu cung có rất đông phi tần. Thái Tông có 4 hoàng tử sinh liền nhau. Con trưởng là Nghi Dân (vua Thiên Hưng sau này), con thứ là Khắc Xương, con thứ ba là Bang Cơ (vua Lê Nhân Tông sau này), con thứ tư là Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này).

Các phi tần sử dụng mưu sâu kế hiểm nhằm tranh giành ngôi Thái tử cho con mình nên trong triều xảy ra xung đột, phe phái thù hằn nhau.

Theo lời sàm tấu của thần phi Nguyễn Thị Anh, vua Thái Tông đã phế ái phi Dương Thị Bí và truất ngôi Thái tử của con bà là hoàng tử Nghi Dân 2 tuổi, lập con của thần phi Nguyễn Thị Anh là Bang Cơ chưa đầy 1 tuổi làm Thái tử.

Cùng lúc đó một người vợ khác của Lê Thái Tông là tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao lại sắp sinh. Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế nên bày kế hiểm hại Ngọc Dao.

Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ tìm mọi cách xin vua tha cho bà, cứu Ngọc Dao đang mang thai đem nuôi giấu trong Chùa, sau bà sinh được hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này).

Cái chết đột tử của vua Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên và sự hiểm độc của thần phi Nguyễn Thị Anh

Cuối tháng 7 âm lịch năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở Chùa Côn Sơn, là nơi từng ở của mình.

Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định, lộ Kinh Bắc (nay là thôn Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Khi sinh sống ở đây, Nguyễn Trãi đã trồng rất nhiều vải. Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vì có tài văn chương nên luôn được vua cho theo hầu. Theo sử cũ thì vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà tại đấy.

Quan điểm của các sử gia xưa cho rằng vua Lê Thái Tông dan díu với Nguyễn Thị Lộ khi bà làm nữ quan dạy các cung nữ trong cung cấm. Khi vua đi tuần du phía Đông, xa giá qua về đến Lệ Chi Viên thì vua mắc chứng sốt rét. Nguyễn Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Vua mất, Nguyễn Thị Lộ bị kết tội giết vua, bị triều đình bắt giam và tra khảo tàn bạo. Chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải nhận tội. Án được thi hành ngay, Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông đến chết.

Thảm án Lệ Chi Viên tru di tam tộc Nguyễn Trãi. (Hình minh họa)

Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ nhà ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Tuất (19/9/1442). Máu oan nhuốm đỏ pháp trường Thăng Long.

Đây là một vụ thảm án làm hao tổn rất nhiều giấy mực và tranh cãi của các sử gia. Các nhà nghiên cứu lịch sử thời nay cho rằng sử cũ đã viết không khách quan, thiên vị, có dụng ý đổ mọi tội lỗi cho Nguyễn Thị Lộ.

Vì lẽ đó, nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho bà. Dựa vào những kết quả thu nhặt được, một số nhà nghiên cứu dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn cuốn “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” xuất bản năm 2004. Trong đó, các nhà khoa học đã chỉ rõ chủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là thần phi Nguyễn Thị Anh bản chất vốn nham hiểm độc địa, rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vì hai người đã giúp phi tần Ngô Thị Ngọc Dao đang mang thai thoát khỏi âm mưu sát hại tàn độc của Nguyễn Thị Anh. Bên cạnh đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của nhiều quan lại ô trọc trong triều lúc bấy giờ trước tài năng và tính tình cương trực, thanh liêm của Nguyễn Trãi.

Còn một lý do lớn dẫn đến việc thần phi Nguyễn Thị Anh muốn giết cả họ Nguyễn Trãi. Triều đình vốn có nhiều lời dị nghị rằng Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và thái tử Bang Cơ không phải là con ruột của Thái Tông. Từ khi bà ta gặp Thái Tông tới khi sinh Bang Cơ, thời gian chỉ có 6 tháng, nhiều đại công thần trong đó có Nguyễn Trãi biết rất rõ việc mờ ám này.

Có tin đồn trước khi nhập cung, Nguyễn Thị Anh đã ăn nằm với Lê Nguyên Sơn, một người thuộc chi dưới của Lê Khoáng – ông nội của vua Thái Tông.

Cùng thời điểm, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao cũng đang mang long thai. Sợ chuyện con hoang bị bại lộ, ngôi Thái tử sẽ thuộc về con của Ngọc Dao nên Nguyễn Thị Anh lập tức bày mưu nham hiểm để trừ khử hậu họa. Bà ta cấu kết với tên hoạn quan tâm phúc bên cạnh mình là Đinh Thắng làm một hình nhân rồi lấy bảy mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua.

Thần phi Nguyễn Thị Anh sử dụng nhiều thủ đoạn nham hiểm để hãm hại hoàng thân quốc thích và khai quốc công thần. Bà ta còn được cho là thủ phạm mưu giết vua Lê Thái Tông, gây nên thảm án Lệ Chi Viên tru di tam tộc Nguyễn Trãi. (Hình minh họa)

Nguyễn Thị Anh đổ tội cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Vua Thái Tông tuy băn khoăn trước sự việc này nhưng vẫn hạ chỉ khép Ngọc Dao vào tội phát lưu (đày đi xa). Phát hiện điều bất thường, Nguyễn Trãi lập tức can gián, tâu lên vua rằng một vài chứng cứ không xác đáng chưa đủ để kết tội Tiệp dư, đồng thời xin phép vua cho mình đích thân điều tra sự việc. Được sự đồng ý của Thái Tông, ngay trong đêm, Nguyễn Thị Lộ đã đưa Tiệp dư Ngọc Dao đang mang long thai ra ẩn náu ở chùa Huy Văn (thuộc ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội ngày nay).

Sau khi Ngô Tiệp dư sinh hạ con trai là hoàng tử Tư Thành, lời đồn đại về dòng máu của thái tử Bang Cơ ngày một ầm ĩ. Vốn đã ôm lòng căm phẫn với vợ chồng Nguyễn Trãi vì đã cứu Ngọc Dao, nhân thời điểm con trai mình còn đang ở ngôi Thái tử, Nguyễn Thị Anh chủ động ra tay trước.

Nhân dịp Thái Tông ngự ở Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình, nói ra thân thế của Bang Cơ và nói tốt cho hoàng tử Tư Thành nên bà ta sai người sát hại vua Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi, dẫn đến thảm án tru di tam tộc oan khuất thấu Trời xanh đối với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Về phần Nguyễn Thị Lộ, các nhà khoa học cho rằng bà là người tài hoa trong văn học, sắc bén trong chính trị, đoan chính trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng với Nguyễn Trãi. Việc dạy dỗ cung nữ về văn chương, thơ phú của bà góp phần làm chốn hậu cung thêm tốt đẹp.

Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc bên tượng thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ 

Nhận xét của vua Lê Nghi Dân về cái chết của cha mình đồng thời tố cáo âm mưu tàn độc của Nguyễn Thị Anh: “Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn Hoàng đế, trước đây đã được phong là Hoàng thái tử, giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm đế, bắt Trẫm làm phiên vương xứ Lạng Sơn. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt khẩu.”

Đại Việt sử ký toàn thư tập II viết về nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông như sau: “Cũng là bậc vua giỏi thủ thành. Song, ham mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng hà ở ngoài là tự mình làm vậy”.  Mới 19 tuổi mà vua đã có rất nhiều cung tần mỹ nữ. Trong suốt 7 ngày đi tuần, duyệt quân, viếng Chùa Tứ Quốc ở Côn Sơn, đến Lệ Chi Viên thì Thái Tông uống rượu vô độ. Rượu vào sức khỏe chông chênh, gió sương đêm nhiễm lạnh thì làm sao mà nhà vua không đột tử?

Khai quốc công thần Nguyễn Trãi được minh oan

Tháng 7 năm Giáp Thân (1464), dưới triều vua Lê Thánh Tông (tức hoàng tử Tư Thành con của tiệp dư Ngọc Dao đã được vợ chồng Nguyễn Trãi cứu thoát cả mẹ lẫn con), vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan cho bậc khai quốc công thần triều Lê sơ Nguyễn Trãi và dòng tộc của ông.

Bình Ngô Đại Cáo khắc trên đá hoa cương ở Lệ Chi Viên

Nhân cơ hội này, người dân đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, thuộc thôn Khuyến Lương, nay là phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ngôi đền nằm cạnh đê sông Hồng, cách đền thờ Nguyễn Trãi chừng 500m. Trong đền hiện nay có một bức tượng và một tấm tranh vẽ bà. Hằng năm, vào ngày 16/8 âm lịch, dân làng đều tổ chức lễ giỗ trọng thể.

Ngoài ra, bà còn được thờ chung với Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên, nơi xảy ra vụ thảm án oan khuất. Trải qua bao năm xây dựng, trùng tu, Lệ Chi Viên hôm nay uy nghi từ tượng thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cho đến áng “Bình Ngô Đại Cáo” bất hủ khắc trên đá hoa cương.

Truyền thuyết rắn báo oán

Một hôm, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn để làm chỗ dạy học. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con dại tới xin ông thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dọn nhà. Đến khi học trò của ông phát cỏ, đập chết một bầy rắn con, lúc ấy ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ…

Đêm đó, lúc ông đang đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ “tộc” (tức “họ”) qua ba lớp giấy ứng với việc gia tộc ông sẽ bị diệt đến ba họ. Sau này, rắn mẹ đầu thai làm Nguyễn Thị Lộ để làm hại ba đời nhà ông. Đến đời Nguyễn, trong “Lịch triều hiến chương loại chí” lại có thêm chi tiết: Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy…

Mặc dù câu chuyện trên được nhiều sách cũ chép đi chép lại, nhưng nhiều người tin rằng nó chỉ nhằm đổ mọi tội cho Nguyễn Thị Lộ, giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Lê Thái Tông và dòng tộc Nguyễn Trãi. Ngoài ra, nội dung truyện cũng chẳng có gì mới mẻ mà chỉ là mô phỏng từ các tích xưa của Trung Quốc. Ngày nay, truyền thuyết này đã bị bác bỏ.

Thiên Bình – Minh Anh

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận