Thu hút du khách bằng vẻ đẹp đầy mê hoặc, Châu Đốc (An Giang) không chỉ là điểm hành hương với các ngôi Chùa, Miếu linh thiêng, mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng bởi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Thành phố Châu Đốc là điểm du lịch nổi tiếng ở An Giang. Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang là Cồn Tiên và xóm Châu Giang cây trái xanh rờn trĩu quả. Cuộc sống nơi đây vừa có vẻ nhộn nhịp, tấp nập của những phiên chợ quê sung túc, vừa có vẻ bình yên đặc trưng của miền Tây với sông nước mênh mông, đồng ruộng phì nhiêu, sản vật dồi dào, đất đai màu mỡ.
Nên đi du lịch Châu Đốc vào thời gian nào?
Cũng như nhiều nơi khác ở miền Tây, Châu Đốc có khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa là mùa mưa và mùa nắng. Thời tiết khí hậu ở Châu Đốc nói chung thích hợp để du khách đến tham quan quanh năm.
Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, Châu Đốc sẽ có mưa nhiều từ tháng 8 đến tháng 11 cũng là mùa nước nổi. Đi du lịch vào mùa này sẽ cảm nhận rõ nét vẻ đẹp của vùng sông nước và cuộc sống của người dân Châu Đốc, tuy nhiên bạn cũng phải chú ý cẩn thận nếu như không quen với mưa lũ. Thời gian còn lại, ở Châu Đốc thường nắng và nóng, nhưng nhiệt độ không quá cao, không cản trở việc tham quan du lịch.
Nếu đến vào tháng 4 âm lịch, bạn sẽ được hòa mình vào lễ hội bà chúa Xứ núi Sam (23/4 – 27/4).
Phương tiện di chuyển
Xe khách
Từ TP. Hồ Chí Minh mất khoảng 6 tiếng đi xe đến Châu Đốc. Bạn có thể dễ dàng mua vé đi Châu Đốc tại bến xe miền Tây, có rất nhiều hãng xe chạy tuyến này như Hùng Cường, Vĩnh An, Tuấn Tú… với giá vé từ 130.000 – 200.000 đồng tùy vào chất lượng hãng xe.
Xe máy, xe hơi
Nếu bạn là người thích trải nghiệm một chuyến đi nhiều thú vị thì bạn có thể đến Châu Đốc bằng xe riêng với điều kiện phải lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho mình. Hành trình từ TP.HCM sẽ đi theo QL1A hướng về Tiền Giang, qua cầu Mỹ Thuận theo QL80 để đi Sa Đéc, tiếp tục qua phà Vàm Cống đến thành phố Long Xuyên, theo QL90 để đến Châu Đốc.
Còn có một cung đường khác nếu bạn muốn khám phá vùng ven biên giới. Cung đường này sẽ đi theo QL62 hướng cửa khẩu Bình Hiệp, tiếp tục đi theo đường sát biên giới hướng Hồng Ngự – Tân Châu là sẽ đến Châu Đốc.
Phương tiện đi lại ở Châu Đốc
Xe đạp
Đạp xe trên những cung đường miền Tây là một trải nghiệm rất đáng để thử, cho bạn nhiều thời gian hơn để cảm nhận cũng như ngắm nhìn một cách trọn vẹn nhất từng góc phố Châu Đốc.
Còn nếu bạn muốn ngắm nhìn thành phố thật chậm nhưng không muốn mất sức đạp xe thì nơi đây cũng có một kiểu xe đạp vô cùng riêng mà hiếm có nơi nào sở hữu: xe đạp lôi.
Xe bus
Thường tham quan các điểm đến ở Châu Đốc khá gần nhau nên có thể dùng xe đạp hoặc xe máy nhưng tại Châu Đốc có tuyến xe bus đi từ trung tâm đến Núi Sam, Tịnh Biên nên bạn có thể sử dụng phương tiện này. Các trạm xe bus ngay ở trung tâm cũng rất dễ tìm.
Ngoài ra, bạn có thể tham quan Châu Đốc bằng taxi hoặc thuê xe máy ở các công ty du lịch ở trung tâm thành phố hay đặt tour tại các khách sạn. Bên cạnh đó, nếu bạn tham quan một số khu vực như Búng Bình Thiên, Làng người Chăm ở Châu Giang… bạn có thể đón phà hoặc thuê tàu, thuyền tại Cảng Du lịch Châu Đốc.
Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc
Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc có khá nhiều, với nhiều loại giá khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết để có mức giá hợp lý.
Một số khách sạn nổi bật ở Châu Đốc như:
– Victoria Chau Doc Hotel: 1 Lê Lợi, Trung tâm thành phố/Bờ sông, Châu Đốc.
– Murray Guesthouse: 11-15 Trương Định, Châu Đốc.
– Victoria Nui Sam Lodge: Vĩnh Đông 1, Núi Sam, Châu Đốc.
– Dong Xanh Hotel: 227 Nguyễn Tri Phương, Hòa Bình, Châu Đốc.
– Hai Van Guesthouse: 102-104 Hoàng Diệu, Châu Phú B, Châu Đốc.
Đặc sản An Giang
Bánh bò thốt nốt
Bánh bò thốt nốt là món ăn ưa thích của miền Tây. Bánh làm từ các nguyên liệu chính là bột gạo, bột thốt nốt (bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lọc lấy nước pha chung với bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng), đường thốt nốt, nước cốt dừa.
Bánh bò thốt nốt màu vàng ươm, gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, trông rất hấp dẫn.
Bánh xèo rau rừng
Bánh xèo thì nơi đâu cũng có, nhưng món bánh xèo ở vùng Núi Cấm, Núi Sam của Châu Đốc lại đặc biệt hơn cả. Điểm đặc biệt của bánh xèo chính là ở các loại rau rừng tươi non, phong phú ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú với hơn 20 loại rau rừng như lá xoài, đọt sầu đâu, rau tía tô, cho đến các loại dưa giá rất phong phú.
Giá trung bình 20.000 – 35.000 VND/ phần bánh xèo kèm với đĩa rau khủng ăn thả ga. Bạn có thể thưởng thức món bánh ngon tuyệt này tại các quán bánh xèo rau rừng dọc đường lên núi Châu Đốc.
Cơm nị
Món Cơm nị là món ăn truyền thống nổi tiếng của làng Chăm Châu Giang. Cơm nị nấu gạo chung với sữa, còn cho thêm trái nho khô tùy theo sở thích của mỗi người.
Gỏi sầu đâu
Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, là một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím. Gỏi sầu đâu được biết đến như đặc sản đặc trưng nhất khi nhắc đến cây sầu đâu, từ gỏi tôm, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng ngon.
Khô cá sau khi nướng chín, xé ra từng miếng nhỏ rồi trộn chung với đọt sầu đâu, đem chấm chung với nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn, không mặn, nhằm làm tăng thêm hương vị đậm đà. Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng kích thích khẩu vị nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.
Bún cá Châu Đốc
Món bún cá Châu Đốc là món ăn trứ danh của vùng đất An Giang. Bún cá Châu Đốc có vị đậm đà hơn các vùng khác ở An Giang như Long Xuyên hay Tân Châu. Mỗi tô bún có giá từ 15.000 – 30.000 đồng.
Địa chỉ bán bún cá ngon: Bún cá Lê Công Thành, P. Châu Phú A, Châu Đốc; Bún cá Bé Hai đường Chi Lăng, P. Châu Phú A, Châu Đốc. Hoặc các gánh hàng rong trước chùa Bà cũng bán bún cá rất ngon, giá tầm 15.000 VND/tô.
Lẩu mắm Châu Đốc
Món lẩu mắm là một phần làm nên sức hút của ẩm thực Châu Đốc. Những loại mắm dùng để nấu lẩu là mắm các sặc, cá chốt…
Món lẩu mắm có vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của cá vùng sông nước và các loại rau giá… Sự hòa vị đặc sắc này tạo nên ấn tượng trong lòng khách phương xa. Tuy nhiên, nếu ai không quen ăn mắm và không thích mắm thì món ăn này thật sự là một thử thách khó. Giá của một nổi lẩu mắm 4 người ăn tầm 80.000 – 150.000 VND tùy vào từng quán ăn.
Địa chỉ quán ăn lẩu mắm ngon: Quán lẩu mắm số 1 ở chợ Châu Đốc; Quán Đồng Quê 108 Trưng Nữ Vương, Phường 8; Quán Bảy Bồng 2, số 46 Trưng Nữ Vương, Châu Phú B.
Các điểm tham quan nổi tiếng
Rừng tràm Trà Sư
Nhắc đến sông nước là nhắc đến rừng tràm, và sẽ là một thiếu sót vô cùng nếu bỏ lỡ rừng tràm Trà Sư, điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với nhiều loài động vật quý hiếm. Còn gì tuyệt vời hơn việc buông bỏ muộn phiền, thả mình trên chiếc thuyền gỗ trôi theo dòng nước, đắm chìm dưới bóng mát của cây tràm.
Trên đầu là lá, dưới thuyền là thảm bèo li ti dập dềnh theo làn nước, thiên nhiên như ôm trọn con người vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về với tiếng chim ríu rít trên cao, thứ âm thanh nổi bật trong cái yên tĩnh mà bình yên mà ta khó lòng tìm thấy nơi đô thị bộn bề.
Núi Cấm
Núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn cao khoảng 710m so với mực nước biển, nằm trong vùng trung tâm của vùng Bảy Núi. Chính vì thế, Núi Cấm có vị thế núi non hùng vĩ, một vùng sơn địa đặc thù hết sức độc đáo không chỉ của tỉnh An Giang mà của cả vùng Đồng bằng Nam Bộ.
Núi Cấm với hệ thống sinh thái rừng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khí hậu quanh năm dịu mát (nơi đây được mệnh danh là Đà Lạt 2), toàn cảnh tạo nên nét hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và cảnh sắc thiên nhiên, tạo thành khu du lịch hành hương nghỉ dưỡng độc đáo và hấp dẫn.
Làng người Chăm Châu Giang
Là một trong những điểm dừng chân nổi bật trong hành trình du lịch về với Châu Đốc. Qua phà Châu Giang đến Cồn Tiên, bạn sẽ đặt chân đến khu làng người Chăm Châu Giang, ấn tượng đầu tiên sẽ là bầu không khí khá bình yên của người dân hồn hậu, cùng sự thích thú bởi những ngôi nhà sàn độc đáo, thánh đường Hồi Giáo uy nghi. Bạn sẽ có cơ hội hoà mình cùng nếp sống dung dị, đậm đà bản sắc văn hoá của đồng bào tại đây.
Chùa Hang
Chùa Hang nằm trên triền núi Sam là danh lam thắng cảnh của tỉnh An Giang và là một di tích lịch sử cấp quốc gia tại Việt Nam. Nằm tách rời với cụm di tích núi Sam trên độ cao hàng trăm mét, ở một nơi thanh tịnh, Chùa Hang là nơi trang nghiêm cổ kính với nhiều huyền thoại, truyền tụng từ đời này sang đời khác, tạo sức hấp dẫn với du khách. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1840 – 1845. Từ vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên, lại được con người vun đắp, Chùa Hang ngày nay đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch.
Chùa Tây An
Chùa Tây An còn được gọi Chùa Tây An núi Sam hay Tây An cổ tự, là một ngôi chùa tọa lạc tại ngã ba cận kề chân núi núi Sam (cao 284m so với mặt nước biển), thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, cách thị xã Châu Đốc 5 km. Chùa Tây An mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Hồi giáo, kết hợp với kiến trúc Chùa cổ của Việt Nam. Chùa không chỉ là một danh lam hành hương, lễ bái, mà còn là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng.
Miếu Bà Chúa Xứ
Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa.
Búng Bình Thiên (cách Châu Đốc 25 km)
Là hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa.
Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn)
Như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ – dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.
Anh Tú