Đỉnh cao và vực thẳm của Vivien Leigh, nàng Scarlett trong phim “Cuốn theo chiều gió”

0
4083

Những năm 1930, nước Mỹ đã trải qua thời kỳ nội chiến hỗn loạn. “Cuốn theo chiều gió” – bộ phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell ra mắt và thành công vang dội trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang trị vì đất Mỹ. Vai nữ chính trong phim “Cuốn theo chiều gió” của Vivien Leigh  – nàng Scarlett O’Hara xinh đẹp và đầy bản lĩnh – đã trở thành biểu tượng để người dân xứ cờ hoa hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

-Quảng Cáo-

Vivien Leigh (1913-1967)

Sau khi đem lại cho cô gái miền Nam gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử văn học sức sống mãnh liệt trên màn ảnh, nữ diễn viên trẻ người Anh Vivien Leigh bỗng trở thành ngôi sao sáng chói trên bầu trời điện ảnh thế giới. Trong khi công chúng vô cùng phấn khích với nàng Scarlett của Vivien thì có một người chẳng hề vui mừng trước thành tựu của nàng – đó là nam diễn viên Laurence Olivier. Anh e ngại sự nổi tiếng ấy rồi sẽ đánh cắp mất người phụ nữ yêu dấu của mình.

Năm 1935, vở kịch “Romeo và Juliett” đại thắng trên sân khấu London và người thủ vai chàng Rome đầy đam mê, quả cảm ấy chính là Laurence Olivier. Điều đặc biệt là “chàng hoàng tử của sân khấu London” này đã sáng tạo ra một Romeo rất mới mẻ. Anh đã khiến cho nhân vật của mình “đời” hơn, giàu xúc cảm hơn rất nhiều so với những Romeo trên sân khấu trước đó. 

Laurence Olivier đã xuất hiện huy hoàng như vậy trước Vivien, nữ diễn viên trẻ nhiều đam mê đang bắt đầu được biết đến trên sân khấu London. Hình tượng chàng Romeo sôi nổi, rạng ngời qua diễn xuất của Laurence đã đóng đinh trong trái tim Vivien. Chàng chính là một bạch mã hoàng tử mà nàng từng kiếm tìm trong giấc mơ thời thiếu nữ. 

Kể từ đó Vivien luôn tìm cách để xem tất cả các vở diễn có Laurence đóng. Nàng thậm chí còn vào tận hậu trường để làm quen với chàng. Tự hào vì được một người đẹp ngưỡng mộ, Laurence đã “đáp lễ” bằng cách đến xem vở “Chiếc mặt nạ đạo đức” mà Vivien đóng vai chính để rồi như chìm đắm trong vẻ yêu kiều mà nàng thể hiện trên sân khấu. Mà chẳng riêng gì Laurence, hầu như cả khán phòng đều bị hút mắt vào nhân vật của Vivien. Các nhà phê bình sau đó cũng rất khen ngợi nàng. Kể từ đó, người ta thường bắt gặp Laurence đứng ở hậu trường chờ đón Vivien sau mỗi đêm diễn.

Vivien Leigh và Laurence Olivier

Dường như định mệnh đã đẩy Laurence và Vivien đến với nhau. Mối quan hệ ngọt ngào của họ càng trở nên gắn bó hơn khi cả hai được mời vào vai cặp tình nhân lãng mạn trong bộ phim “Ngọn lửa trên đất Anh”. Khi cuộc đời bỗng dưng mang tặng bạn đúng “món quà” mà bạn hằng mơ ước thì quả là rất khó cưỡng. Sau 3 tháng ở trường quay, chuyện tình giả trong phim đã biến thành tình thật ngoài đời. Vivien và Laurence đều không che giấu nổi tình cảm của mình. Tuy thường ý tứ đứng tách xa nhau nhưng ánh mắt thiêu đốt của họ đã tố cáo với tất cả. “Không thể nào không phải lòng cô ấy!”, – Laurence đã thú nhận.

Cuốn theo tình yêu

Vivien và Laurence quả là một cặp đôi tuyệt hảo nếu như không có một chiếc barie to đùng: chàng và nàng đều đã yên bề gia thất. Vivien có chồng là vị luật sư thông minh, khả kính cùng cô con gái 4 tuổi xinh xắn. Còn Laurence Olivier thì đã kết hôn với nữ diễn viên Jill Esmond và sắp lên chức bố…

Vợ Laurence và chồng Vivien đều không chấp nhận ly hôn. Mẹ của Vivien phát hoảng khi biết con gái mình định bỏ chồng để chạy theo một nam tài tử. Hành vi ấy không phù hợp với một tín đồ Công giáo ngoan đạo và một phụ nữ từng thụ hưởng nên giáo dục ở ni viện như Vivien! 

Dẫu vẻ ngoài rất chỉn chu, gia giáo, nhưng Vivien lại sở hữu sự nổi loạn và tính khí bướng bỉnh. Vì tình yêu với Laurence, cô nàng sẵn sàng đoạn tuyệt với cả người thân lẫn Nhà thờ. Mặc dù chưa ly dị được chồng, Vivien đã khăn gói đến chung sống với Laurence tại một căn hộ riêng.

Thời gian đầu cặp tình nhân này hầu như không ra khỏi nhà. Họ bận rộn trong những âu yếm nồng nàn, những cuồng si đắm đuối. Laurence chết chìm trong niềm khoái cảm được chiêm ngưỡng Vivien. Chàng chẳng thấy loài hoa nào mà chàng dành tặng nàng có thể sánh được với vẻ đẹp vừa mong manh lại vừa gợi cảm nơi nàng. Những sắc thái tâm trạng khôn lường của người phụ nữ này – thoắt vui tươi sôi nổi, thoắt khắc khoải u buồn – đã hút hồn Laurence.

Vivien Leigh với vẻ đẹp vừa mong manh, vừa gợi cảm

Nếm trải vinh quang với bộ phim “Cuốn theo chiều gió”                  

Là một diễn viên đầy tham vọng, Vivien không ngủ quên trong tình yêu mà luôn khát khao vươn lên trong sự nghiệp. Tháng 11/1938, trong dịp sang Mỹ thăm Laurence (anh bị chấn thương khi đang tham gia đóng một bộ phim của Hollywood), Vivien đã tận dụng cơ hội để ra mắt David O. Selznick, nhà sản xuất đang đau đầu vì chưa chọn được diễn viên nữ chính cho bộ phim “Cuốn theo chiều gió” dù đã quay thử gần 100 ứng viên.

Hôm đó Selznick đang ngồi tại trường quay để chỉ đạo quay cảnh một đám cháy lớn thì Vivien xuất hiện trong bộ váy trắng lộng lẫy bó sát người nổi bật trên nền đỏ rực của ngọn lửa phía sau lưng, Selznick quay lại và nhận ra ngay đó chính là Scarlett! Vẻ đẹp bướng bỉnh, bất cần với ánh nhìn táo tợn dưới cặp lông mày tung cánh rất Scarlett của Vivien đã làm lu mờ các ứng viên khác, trong đó có không ít tên tuổi đình đám đến từ Hollywood.

Vivien Leigh và Cark Gable trong phim “Cuốn theo chiều gió”

Cả Laurence người tình lẫn người chồng chính thức của Vivien đều phản đối việc cô nàng tham gia bộ phim này, nhưng nữ diễn viên đã kiên định ký vào bản hợp đồng và bắt đầu cuốn theo những ngày tháng nhọc nhằn trên phim trường. Scarlett xuất hiện trong hầu hết các cảnh phim nên Vivien cực kỳ vất vả. “Tôi đã sống cuộc sống của Scarlett gần 6 tháng ròng, từ sáng sớm đến đêm khuya, – nữ nghệ sĩ thổ lộ. – Tôi muốn mỗi cử chỉ, điệu bộ của mình đều là của Scarlett, và thậm chí tôi cần phải cảm thấy những thói xấu của cô ấy cũng hoàn toàn là của tôi”.

Tuy nhiên vai diễn Scarlett cũng là nguyên nhân thúc đẩy mối bất hòa giữa Vivien với Laurence. Anh ghen với công việc của người tình, với nhiệt huyết bất tận mà cô dành cho vai diễn và nhất là với người đóng cặp với cô – Clark Gable, người vẫn được xem là một Don Juan của Hollywood. Chàng sợ rằng gã điển trai ấy sẽ “nẫng” mất vợ chưa cưới của mình. Tuy nhiên, trên thực tế thì Vivien và Cark ghét nhau hơn xúc đất đổ đi. Sự đắm đuối mà hai người dành cho nhau trên màn ảnh chỉ đơn giản là họ diễn xuất quá điêu luyện mà thôi.

Clark Gable luôn chế nhạo lối phát âm kiểu Anh của Vivien, còn Vivien thì rất ghét phải hôn nam diễn viên này vì mồm anh ta nặng mùi! Tuy vậy, cô nàng vẫn cố gắng vượt lên tất cả và thường có mặt ở phim trường 16 tiếng mỗi ngày.

Nỗ lực của Vivien cuối cùng đã được đền đáp. Tháng 9/1939, sau khi bộ phim được công chiếu, khán giả Mỹ vốn không tin một nữ diễn viên người Anh xa lạ lại có thể lột tả được tính cách của Scarlett, rốt cuộc đã bị chinh phục hoàn toàn và hết lời tung hô Vivien. Bộ phim đã được trao tặng 10 Oscar, trong đó có giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Vivien Leigh.

Cuốn theo chiều gió ra mắt khán giả vào cuối năm 1939, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell. Bộ phim xô đổ mọi kỷ lục lúc bấy giờ. Với kinh phí 3,85 triệu USD, doanh thu của Cuốn theo chiều gió chạm mốc vượt 390 triệu USD.

Tại lễ trao giải Oscar, Cuốn theo chiều gió đoạt 8 giải thường niên và 2 giải tôn vinh đặc biệt từ Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ. Khán giả thế giới say mê Cuốn theo chiều gió bởi câu chuyện tình của nam chính và nữ chính không theo mô típ thông thường.

Những nụ hôn với bạn diễn khiến Vivien Leigh khó chịu vì cô cho rằng hơi thở Clark Gable nặng mùi.

Scarlett O’Hara là người phụ nữ tham vọng, ngạo mạn, dám yêu và dám tỏ tình. Nàng khác hẳn những cô gái miền Nam thời bấy giờ.

Người mà Scarlett đem lòng yêu là một quý tộc trẻ tuổi nhiều hoài bão tên Ashley. Scarlett yêu và thất vọng trong tình yêu khi Ashley kết hôn với em họ cô.

Giữa những lúc đau khổ nhất, Scarlett luôn có một người đàn ông ở bên. Tiếc rằng, gã trai này không phải người tử tế như Ashley. Rhett Butler là tay chơi giàu có và đào hoa.

“Tôi yêu em vì chúng ta đều là những người xấu xa, chúng ta thông minh, ích kỷ. Tôi yêu em hơn tất cả những người phụ nữ từng qua đời tôi. Tôi sẵn sàng chờ đợi em”, Rhett Butler nói. Scarlett không tin vào lời nói này.

Nhưng quả thật Rhett Butler đã làm nhiều hơn những gì anh nói. Rhett Butler bên cô sau khi cô đổ vỡ cuộc sống riêng, dỗ dành cô khi gia đình O’Hara rơi vào bế tắc. Trong hành trình đó, O’Hara chưa bao giờ nghĩ rằng mình yêu gã đàn ông này. Dù kết hôn với anh, cô vẫn gọi đó là sự trao đổi. Giây phút cuối cùng khi Rhett Butler quyết định rời bỏ tình yêu, Scarlett mới bỏ đi cá tính kiêu ngạo và cố chấp. Cuối cùng cô mới chịu nói yêu người bạn đời.

Rhett Butler đáp trong sự lạnh lùng như bản tính của gã: “Em yêu, anh cóc cần quan tâm”.

Cuối bộ phim là câu nói đầy nghị lực quen thuộc của Scarlett O’Hara khi cô quyết định trở lại Tara, bắt đầu mọi thứ lại từ con số không: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày khác”.

Vivien Leigh và Clark Gable không ưa nhau

Rhett Butler và Scarlett O’Hara không đi đến trọn vẹn ở cuối phim nên không ít người mong ngóng Vivien Leigh và Clark Gable sẽ nên duyên ngoài đời. Nhưng đó luôn là sự tưởng tượng không có thật.

Khi đang quay Cuốn theo chiều gió, Clark Gable giải quyết thủ tục ly hôn với nữ diễn viên Hedy Lamarr – từng được chọn là “Người đàn bà đẹp nhất thế giới”. Anh còn biến mất khỏi đoàn phim trong 2 ngày để tổ chức lễ cưới bí mật với diễn viên nổi tiếng Carole Lombard ở Arizona sau khi bỏ rơi Hedy Lamarr. Còn Vivien Leigh lại chỉ muốn phim sớm kết thúc để có thể ở bên tài tử danh giá Laurence Olivier.

Minh tinh nổi tiếng Carole Lombard, tình yêu và người vợ đầu tiên của Clark Gable

Hedy Lamarr có cuộc đời lận đận, đau khổ vì liên tục bị Clark Gable bỏ rơi. 

Với Hedy Lamarr, những ngày sống bên Clark Gable là quãng thời gian hạnh phúc nhất của bà. “Đời tôi, tôi đã quyến rũ được nhiều đàn ông nhưng điều quan trọng là không làm cho họ thất vọng. Thế nhưng, người mà trái tim tôi đã dâng hiến trọn vẹn vẫn là Clark Gable”. Năm 1960, Hedy Lamarr ly hôn với người chồng thứ 5 là ông trùm dầu mỏ Howard Lee, trở về bên Clark Gable và sống như vợ chồng với ông cho đến khi ông qua đời sau đó không lâu. 

Mối quan hệ giữa Vivien Leigh và Clark Gable còn bị miêu tả là “bất hòa”. Trong một lần phỏng vấn, Vivien Leigh thẳng thắn nói: “Hôn Clark Gable không hề thú vị chút nào. Tôi không thích hàm răng giả và hơi thở đầy mùi của anh ta”.

Một điều khiến Vivien Leigh không ưa Clark Gable còn vì khoảng cách thù lao quá lớn giữa hai người. Cô này phải làm việc trong 125 ngày và được nhận 200 USD một ngày (1.400 USD cho mỗi tuần). Trong khi bạn diễn nam làm việc trong 10 tuần và nhận 12.000 USD cho mỗi tuần. Cô không hài lòng khi bạn diễn nam tan làm vào 18h, như một viên chức nhà nước.

Điểm chung giữa Clark Gable và Vivien Leigh trên phim trường có chăng chỉ là thuốc lá. Clark Gable có thể hút 3 bao thuốc mỗi ngày còn Vivien Leigh hút tới 4 bao.

Họ cũng có những bước ngoặt buồn trong cuộc đời. Vivien Leigh từ một ngôi sao hàng đầu trở thành nữ diễn viên bị chê gàn dở, tâm thần bất ổn, nghiện rượu. Vivien Leigh ly hôn Laurence Oliviver vào năm 1961 và qua đời vì bệnh lao khi mới 54 tuổi.

Clark Gable từng rơi vào giai đoạn bế tắc vì rượu và chất kích thích sau khi bạn đời Carole Lombard qua đời do tai nạn máy bay. Ông mất năm 1960 do đột quỵ, ở tuổi 59.

Những nấc thang danh vọng dựng đứng

Sau “Cuốn theo chiều gió”, những lời mời đóng phim tới tấp đến với Vivien. Một tin vui nữa là cuối cùng thì chồng Vivien cũng chấp thuận ly dị để nàng chính thức kết hôn với Laurence. Lễ cưới của hai người diễn ra rất im ắng với khách mời chỉ gồm những bạn bè thân thiết nhất. Đôi tân lang tân nương sau đó cùng được mời vào vai chính trong phim “Lady Hamilton” kể về một cuộc tình éo le chẳng khác gì cuộc tình mà họ vừa trải qua ngoài đời. Và bộ phim lại gặt hái thành công rực rỡ. Báo chí hết lời ca ngợi Vivien còn phụ nữ thì thi nhau bắt chước cách ăn mặc, trang điểm của nàng. Nhân vật Hamilton của Vivien trong trắng và rạng ngời đến nỗi Laurence trong vai “sói biển” kiêu hùng cũng phải lu mờ khi ở cạnh nàng.

Trong các vở kịch và bộ phim sau đó độ “chênh” trong diễn xuất và sự khác biệt trong cách tiếp cận nhân vật của Vivien và Laurence ngày càng thể hiện rõ. Laurence Olivier dẫu gì cũng chỉ coi nghệ thuật là công việc, còn Vivien luôn tận hiến cho nó bằng cả tâm hồn, luôn sống từng giây từng phút với cuộc đời của mỗi nhân vật.

Laurence vẫn sùng bái vợ mình như trước, chỉ có điều chàng ghen với công việc của vợ đến độ bức tượng Oscar vinh danh Vivien đã có lần bị ném qua cửa sổ.

Vivien cứ đi đóng hết phim này đến phim khác, gần như chẳng ăn uống gì và ngủ mỗi ngày chỉ 2-3 tiếng. Laurence phát hoảng vì lượng thuốc lá mà vợ mình đã hút trước mỗi cảnh quay. Chàng thường xuyên phải đem thuốc giấu đi, nhưng trước sau gì Vivien cũng tìm lại được. Vivien còn thường xuyên phải cầu viện đến thuốc ngủ. Nhan sắc rực rỡ của cô nàng vì thế cũng phai nhạt dần. Đang bước đi trên chiếc thang dựng đứng của thành công trong sự nghiệp, Vivien không nghĩ đến lúc mình sẽ phải trả giá đắt.

Cô đơn – cái giá của đam mê 

Tình yêu của Laurence dường như không còn là thứ quan trọng nhất với Vivien nữa. Sân khấu và màn ảnh đã truất ngôi nó. Hai người đều hy vọng đứa con chung sẽ cứu vớt mối quan hệ ngày một xấu đi của họ. Thế nhưng Vivien thường xuyên ở trong trạng thái suy kiệt, căng thẳng nên niềm vui làm mẹ không dễ dàng đến. Lần nào mang thai Vivien cũng bị sảy.

Thêm vào đó, năm 1944, gia đình họ lại nhận được tin xấu: Vivien mắc bệnh lao! Các bác sỹ chỉ định nàng phải nằm một chỗ để điều trị. Đối với Vivien thì không được lên sân khấu hay đến phim trường chẳng khác nào một hình phạt. Nàng liên tục gây sự, kình cãi với Laurence dù chàng cư xử không chê vào đâu. Nàng cũng bắt đầu kết bạn với rượu, y như nhân vật Scarllet của nàng những lúc tuyệt vọng.

Năm 1951, vai Blanche mà Vivien Leigh đóng trong bộ phim “Chuyến tàu mang tên dục vọng” đã đem đến cho nàng giải Oscar thứ hai. Vivien phải chật vật lắm mới hoàn tất các cảnh quay cho bộ phim này: nàng thường xuyên ngất xỉu và bệnh lao mãn tính của nàng càng trầm trọng hơn.

Năm 1953, Khi đến Srilanka để quay phim “Elephant walk”, sức khỏe của Vivien tồi tệ đến mức người ta buộc phải để Elizabeth Taylor đóng thay.

Có lẽ cũng hiểu rằng những cuộc chạy đua cho các vai diễn đã khiến sức khỏe và nhan sắc mình suy sụp, nhưng Vivien luôn muốn chứng minh với cả thế giới rằng nàng thực sự có tài chứ không chỉ nhờ cậy vào nhan sắc.

Các loại thuốc đặc trị lao cũng ảnh hưởng nhiều đến thần kinh của Vivien, khiến tính khí cô trở nên thất thường, khi sầu não lúc cuồng tưởng. Bạn bè Vivien còn cho rằng vai Blanche bị tâm thần do Vivien đóng đã làm căn bệnh thần kinh tiềm ẩn trong Vivien phát lộ. Mệt mỏi với thói cáu bẳn và những cơn cuồng nộ vô cớ của Vivien, tình yêu mà Laurence dành cho nàng cũng dần cạn kiệt và chàng bắt đầu tìm cách giải sầu với những người đẹp khác.

Người ta cho rằng Vivien bị ảnh hưởng tâm thần bởi nhân vật Blanche

Vẫn thường nghe Laurence ca ngợi vẻ trẻ trung tươi mát của nữ diễn viên trẻ Joan Plowright  nhưng Vivien không bao giờ  nghĩ rằng Laurence có thể bỏ rơi mình vì cô gái ấy. Bởi vậy trái tim nàng như vỡ vụn khi Laurence tổ chức một bữa tối lãng mạn để nói lời chia tay nàng trước khi đến hẳn với Joan.

Giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly đau đớn của Vivien chính là đám cưới của Laurence. Nàng vẫn hy vọng rằng anh sẽ quay lại, nhưng Laurence đã hết kiên nhẫn với những cơn tam bành, những trận đập phá của Vivien. Chàng thèm sự bình yên, tươi trẻ mà Joan luôn hào phóng tặng cho chàng.

Ngọn nến lụi tàn

Sau ly hôn với Laurance (vào năm 1960), Vivien càng suy sụp hơn. Mỗi ngày bà hút hết vài gói thuốc và hầu như không ăn, không ngủ. Công việc, thứ mà trước đây bà đã chọn để thay thế tình yêu giờ đây không còn đem lại cho bà niềm vui nữa. Trong một lần trả lời phỏng vấn Vivien đã nói: “Ngay khi nữ diễn viên có tuổi thì những vai diễn cũ và mới của cô ấy lập tức bị lãng quên. Các nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn sẵn sàng dâng cả thế giới dưới chân những nữ diễn viên tuổi đôi mươi, nhưng khi sang tuổi 50, tên cô ấy lập tức bị quẳng ra khỏi bộ nhớ”.

Để chống chọi với nỗi cô đơn, Vivien đã kết bạn với nhiều người, tìm kiếm sự tán thưởng từ những người hâm mộ thế hệ cũ. Bà sống không hôn thú với nam diễn viên Jack Merivale, người vẫn thầm yêu bà suốt nhiều năm. Jack đã săn sóc bà rất tận tình. Nhưng bệnh tật đã làm bà suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần, bà thường phải dùng morphine để trấn áp những cơn đau cấp tính. Tháng 5/1967, bệnh lao phổi của Vivien Leigh tái phát.

Đêm 7/7/1967, khi Jack từ nhà hát trở về thì thấy Vivien đang nằm bất động trên sàn nhà. Cơn tràn dịch màng phổi khiến bà ngưng thở trong lúc cố gắng vào nhà tắm. Bà qua đời khi đang nghe “Điệu van của những ngọn nến lụi tàn”.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận