Xuất khẩu gạo trong quý 1 năm nay biến động liên tục, sau khi tăng mạnh trong tháng đầu năm, thì tháng 2 sụt giảm, tuy nhiên sang tháng 3/2018 tăng mạnh trở lại, tăng 93,9% so với tháng liền trước, đạt 658.818 tấn, kim ngạch cũng tăng trên 100%, đạt 338,44 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu tháng 3 tăng 3,3%, đạt 513,7 USD/tấn.
Tính chung trong cả quý 1/2018, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,49 triệu tấn và kim ngạch tăng 31,8%, đạt 744,96 triệu USD. Giá xuất khẩu gạo trung bình trong quý 1 tăng 14,2% so với quý 1/2017, đạt mức 501 USD/tấn.
Hầu hết xuất khẩu sang các thị trường đều được giá cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Chi Lê đạt mức cao nhất 834,5 USD/tấn, tăng 114%. Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang thị trường này lại sụt giảm rất mạnh 95% và kim ngạch giảm 90% so với cùng kỳ.
Giá gạo xuất khẩu sang một số thị trường cũng được giá tương đối cao như: Pháp 685 USD/tấn, giảm 26,5 %; Bỉ 660 USD/tấn; Ghana 606,2 USD/tấn, tăng 20,9%; Mỹ 601,4 USD/tấn, tăng 17,2%; Australia 653,7 USD/tấn, tăng 16,7%,.
Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ gạo số 1 của Việt Nam, chiếm 27,7% trong tổng lượng gạo xuất khẩu gạo của cả nước, với 411.605 tấn, trị giá 216,55 triệu USD. Tuy nhiên so với qúy 1/2017, vẫn giảm 22% về lượng và giảm 11,5% về kim ngạch. Giá gạo xuất sang thị trường này tăng 13,5%, đạt 526,1 USD/tấn. Xét riêng trong tháng 3/2018, xuất sang Trung Quốc tăng rất mạnh 164,5% về lượng và tăng 170% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 216.761 tấn, tương đương 117,45 triệu USD.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia trong tháng 3 giảm mạnh 44% cả về lượng và kim ngạch so với tháng trước đó, nhưng do trong tháng 1 và tháng 2 xuất khẩu sang thị trường này tăng rất mạnh, nên tính chung cả quý 1, gạo xuất sang Indonesia tăng gấp 520 lần về lượng và tăng gấp 378 lần về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 234.099 tấn, tương đương 110,62 triệu USD. Mặc dù, lượng và kim ngạch tăng rất mạnh, nhưng giá xuất khẩu sang thị trường này lại giảm trên 27%, chỉ đạt 472,5 USD/tấn.
Xuất khẩu sang Philippines trong tháng 3/2018 sụt giảm rất mạnh 87,6% về lượng và giảm 89,4% về kim ngạch so với tháng trước đó. Vì thế đã đẩy Philippines xuống thứ 3 thị trường (sau Indonesia). Xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng mạnh vào tháng đầu năm 2018, sau đó giảm rất mạnh trong tháng 2 và tháng 3, do đó, tính chung cả quý 1, xuất khẩu sang Philippines giảm 24,8% về lượng và giảm 11,7% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 177.092 tấn, tương đương 79,21 triệu USD. Tuy nhiên, giá xuất khẩu lại tăng 17,5%, đạt 447,3 USD/tấn.
Lượng gạo xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á nói chung trong quý 1 đạt 429.093 tấn, trị giá 197 triệu USD, chiếm 28,9% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 26,4% trong tổng kim ngạch, tăng 21% về lượng và tăng 35,7% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Trong số các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam quý 1 năm nay, thì có 40% số thị trường tăng cả về lượng và kim ngạch, còn lại 60% số thị trường sụt giảm. Trong đó, thị trường Bangladesh rất đáng được chú ý, với mức tăng gấp 89 lần về lượng và gấp 59 lần về kim ngạch; Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng gấp 16 lần về lượng và gấp 23 lần về kim ngạch; Iraq tăng gấp 11 lần về lượng và gấp 16 lần về kim ngạch; Malaysia tăng 207,7% về lượng và tăng 232,5% về kim ngạch; Pháp tăng 151% về lượng và tăng 84,7% về kim ngạch.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang các thị trường như Achentina, Chi Lê, Ucraina, Angola, Singapore, Nam Phi, Hà Lan sụt giảm mạnh khoảng 60 – 95% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường quý 1/2018
Cơ hội xuất khẩu gạo khi CPTPP có hiệu lực
Xuất khẩu gạo đang có nhiều khởi sắc, cơ hội còn lớn hơn trong thời gian tới khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Điều đáng mừng là cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 – 100 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, việc chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu là điều bắt buộc để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới. CPTPP sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động này.
Mới đây, trong buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với ông Masayoshi Fujimoto – Chủ tịch Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), DN này cho biết, đang triển khai dự án sản xuất gạo đặc sản, chất lượng cao tại Việt Nam, điều này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội nâng cao chất lượng gạo XK, tăng kim ngạch XK sang Nhật Bản và các thị trường khác…
Tại thị trường Australia, các quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ, đầu tư trong CPTPP sẽ giúp thu hút, tăng đầu tư từ Australia vào Việt Nam. Đơn cử, SunRice – Tập đoàn lúa gạo lớn nhất của Australia – dự kiến đầu tư từ 100 – 200 triệu USD vào vùng nguyên liệu cũng như nghiên cứu và phát triển các giống gạo, cải tiến công nghệ, đầu tư vào xay xát, chế biến gạo, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ gạo. Việc đầu tư của SunRice sẽ giúp DN nước ta được tiếp cận được với cách làm nông nghiệp hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao. Chưa kể, với hệ thống phân phối rộng khắp của SunRice trên toàn thế giới, cơ hội tăng kim ngạch XK của gạo Việt Nam rất cao. Hiện nay, Tập đoàn SunRice đang nhập khẩu khoảng 50% gạo Japonica của Việt Nam để phân phối đi khắp thế giới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo từng bước thâm hập và gia tăng xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia hiệp định có đòi hỏi chất lượng cao, an toàn như: Nhật Bản, Australia, NewZealan.
Triển vọng thị trường gạo thế giới năm 2018 không mấy sáng sủa
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, sản lượng gạo thế giới trong năm 2017 – 2018 đạt 484,3 triệu tấn, giảm 0,4 triệu tấn so với dự báo trước đó, do sản lượng gạo của Bangladesh, Venezuela và Argentina giảm.
Dự báo lượng tiêu thụ gạo toàn cầu trong năm 2017 – 2018 là 480,8 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với dự báo trước đó, do nhu cầu tiêu thụ gạo tại Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam giảm. Do vậy, lượng cung sẽ vượt quá lượng cầu về gạo trong năm 2017 – 2018, sẽ làm cho các kho dự trữ gạo trên toàn thế giới năm 2018 tăng lên khoảng 3% và đạt mức 140,8 triệu tấn – mức cao nhất kể từ năm thu hoạch 2000 – 2001. Kim ngạch thương mại gạo toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,2 triệu tấn trong năm 2018, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm từ Bangladesh, Brazil, Iran và Sri Lanka.
Cafef