Đã 20 năm trôi qua kể từ khi vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 do tổ chức Hồi giáo cực đoan Al-Qaeda gây ra. Đối với nhiều người sống sót, có thể vết thương da thịt đã liền sẹo, nhưng nỗi đau tinh thần vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua.
Đó là một ngày đẹp trời như bao ngày khác, nhưng tất cả đã thay đổi kể từ 8 giờ 45 phút sáng. Thời gian đó vẫn nằm yên trong ký ức, để lại dấu vết sống động của âm thanh, mùi vị và cảm xúc.
Ông Don Basco sống tại Chicago, người may mắn thoát chết trong vụ khủng bố ngày 11/0, vẫn nhớ như in những ký ức kinh hoàng của vụ khủng bố 20 năm trước. “Cho đến hiện tại, tôi vẫn dựng tóc gáy khi ngửi thấy mùi nhiên liệu máy bay, bụi bê tông hoặc những thứ tương tự”, ông Basco nói.
Ông không phải người duy nhất sống chung với những ký ức kinh hoàng của tấn bi kịch ngày 11/9. 20 năm đủ khiến một đứa trẻ sơ sinh thành người trưởng thành nhưng những nỗi ám ảnh đó vẫn tồn tại trong ký ức của của những người sống sót. Giống với vết sẹo ăn sâu vào da thịt, những xúc cảm tột cùng từ vụ khủng bố sẽ không bao giờ biến mất với những người từng thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong ngày định mệnh đó.
Mẹ bị bỏng tới mức con không nhận ra
Lauren Manning có lẽ là một trong những người bị thương nặng nhất là sống sót trong vụ khủng bố. 80% cơ thể bà bị bỏng cấp độ 3 trở lên. “Theo bất kỳ tiêu chuẩn y tế nào, đáng lẽ tôi đã chết”, Manning nhớ lại.
Người phụ nữ cho biết bà vừa bước vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới thì chiếc máy bay bị cướp đầu tiên lao vào tòa nhà, khiến một quả cầu lửa đi theo trục thang máy xuống tận sảnh đợi, nơi bà đang đứng. “Sau một âm thanh chói tai cực kỳ lớn, tất cả chìm trong biển lửa. Bị thiêu sống là cách diễn tả tốt nhất tình trạng của tôi lúc đó”, Manning nhớ lại.
Như một ngọn đuốc sống, Manning nỗ lực hết sức để cahyj ra ngoài. Bà băng qua con đường rồi ngã xuống một bãi cỏ, nơi một người đàn ông tốt bụng nhìn thấy và lao vào giúp đỡ.
Trong lúc chờ được đưa tới bệnh viện, Manning vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra những kẻ khủng bố tiếp tục đâm chiếc máy bay thứ hai vào Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Bà cũng chưa bao giờ quên hình ảnh mọi người rơi xuống từ các tòa nhà chọc trời lúc đó.
Người phụ nữ này cũng vẫn đủ tỉnh táo để nghĩ về các đồng nghiệp tại công ty tài chính Cantor Fitzgerald vẫn còn bị mắc kẹt ở các tầng trên. Tất cả 658 nhân viên của công đã thiệt mạng vào ngày hôm đó.
Sau đó, Lauren đã được đưa lên xe cứu thương nhưng cơ hội sống sót của bà rất mong manh. Bà được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê trước khi được chuyển đến một trung tâm chuyên khoa bỏng.
Nằm trên giường bệnh, ám ảnh với suy nghĩ con không nhận ra mình
Lúc vừa tỉnh lại, bà phải đối mặt với sự thật kinh hoàng là cả cơ thể bà hầu như không còn chỗ nào nguyên vẹn. “Cơ thể tôi bị bỏng 82,5%, hầu hết là cấp độ ba. Hơn 20% là độ 4 hoặc độ 5. Nhiều bộ phận bị mất cơ hoặc xương, nên tôi phải cắt cụt nhiều ngón tay”.
Khi nhớ lại khoảng thời gian này, bà xúc động kể lại trong nước mắt: “Điều tôi sợ nhất chính là con trai một tuổi không nhận ra mẹ”. Ban đầu đúng là cậu bé không nhận ra, nhưng qua giọng nói và ánh mắt, đứa trẻ đã phát hiện ra đây là mẹ mình và đó chính là niềm an ủi lớn nhất dành cho một người mẹ vừa trải qua nỗi đau tột cùng về thể xác và cả tinh thần.
Lauren đã nằm viện hơn sáu tháng nhưng không chỉ vậy, bà phải dùng gần 10 năm để phục hồi hoàn toàn qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, nhiều đến nỗi chính bà còn không nhớ nổi số lượng.
Lauren được đoàn tụ với con trai khoảng ba tháng sau vụ tấn công khủng bố 11/9
Bị chôn sống ngay trước sinh nhật con
Một nạn nhân khác may mắn sống sót sau vụ khủng bố là Tom Canavan. Ông cho biết mình đã thật sự bị chôn sống tại Trung tâm Thương mại Thế giới khi một trong hai tòa thấp sụp đổ vào ngày 11/9 của 20 năm trước. Vài phút sau khi thoát khỏi đống đổ nát, tòa tháp thứ 2 sập xuống đúng nơi họ vừa thoát thân.
Canava cho biết, ông có mặt trên tầng 47 Tháp Bắc khi chiếc máy bay của hãng American Airlines lao vào tòa nhà lúc 8 giờ 46 phút sáng. Canavan và các đồng nghiệp tại công ty môi giới First Union nhận thấy điều bất thường, họ từ từ men theo cầu thang xuống nơi an toàn.
Ngược phía họ, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đang đi lên để giải cứu những người sống sót bị thương. Trong lúc họ đang chạy vì mạng sống của mình, chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào Tháp Nam.
Khi xuống tới khu vực trung tâm thương mại gần sát mặt đất của tòa Tháp Bắc (bị tấn công trước nhưng sập sau), Canavan và 4 đồng nghiệp của mình đã bị chôn vùi trong đống đổ nát khi tòa tháp Nam ngay cạnh đó đổ sập.
Canavan kể lại: “Tôi còn không biết liệu tiếng hét của mình có thoát ra khỏi miệng được không. Tôi chỉ nghe thấy tiếng tim mình đập thình thịch và sau đó cả cơ thể tôi bị đập xuống đất như một con bọ. Mọi thứ trở nên tối tăm”.
Trước khi bị vùi lấp, ông đã nghĩ về bữa tiệc sinh nhật lần thứ ba sắp tới của con trai mình, và sẽ không bao giờ gặp được đứa con gái nhỏ mà vợ ông đang mang thai. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ông “cảm nhận được vị sạn trong miệng và ngửi thấy mùi khói”. Đó là lúc ông biết mình còn sống.
Tom Canavan, người đàn ông thoát chết trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Canavan cho biết ông được cứu vì một bức tường xi bê tông đã đổ đè lên trên, tạo ra khoảng trống an toàn trong đống cốt thép và gạch đá vỡ vụn.
Ông bắt đầu bò và đào bới để tìm cách thoát khỏi đống đổ nát. Sau 20 phút, Canavan đã nhìn thấy một tia sáng nhỏ và có thể hít thở không khí trong lành.
“Tôi chui qua cái lỗ với một thân mình đầy vết thương. Tuy bị thương nặng nhưng tôi không hề cảm thấy đau đớn”, Canavan nhớ lại.
Nếu chỉ chậm vài phút nữa, chắc chắn hai con của người đàn ông này sẽ mồ côi cha. Không lâu sau khi Canavan thoát khỏi đống đổ nát, Tháp Bắc cũng sập xuống vào lúc 10 giờ 28 phút sáng.
Tuy thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng Canavan cho biết những trải nghiệm về ngày 11/9 đã trở thành một phần của cuộc đời ông. “Không có ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến buổi sáng hôm đó. Những người hoảng sợ, tiếng ồn, hoặc hình ảnh những chiếc máy bay chao nghiêng thường hiện về trong tâm trí tôi. Kí ức này sẽ không bao giờ biến mất. Tôi đã chấp nhận điều đó. Mọi người vẫn thường khuyên tôi ‘hãy vượt qua’ nhưng tôi biết đây không phải là điều có thể vượt qua được”, Canavan chia sẻ 20 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng.
22.000 bộ phận cơ thể trong đống đổ nát vụ khủng bố 11/9 và những phần hài cốt 20 năm sau mới xác định được nhân thân
20 năm trôi qua vẫn còn 1.106 người chưa được tìm thấy sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, nỗ lực trả lại tên cho những người đã khuất chưa bao giờ dừng lại.
Người mẹ “trở về” sau 20 năm
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Trong suốt 20 năm qua, Văn phòng giám định Y khoa đã âm thầm tiến hành cuộc điều tra những người mất tích với quy mô lớn chưa từng có trên toàn quốc. Họ liên tục kiểm tra 22.000 bộ phận cơ thể được phục hồi một cách cẩn thận trong đống đổ nát sau các vụ tấn công. Các nhà khoa học vẫn đang kiểm tra kho di hài khổng lồ chưa được xác định để tìm mối liên hệ di truyền với 1.106 nạn nhân, chiếm 40% số người bị vùi lấp, để gia đình họ có thể nhận lại hài cốt và tiến hành mai táng.
Giống như người thân của hầu hết các nạn nhân khác, cô Morgan đã gửi một mẫu tham chiếu ADN của mẹ cô cách đây gần hai thập kỷ, lâu đến nỗi cô không còn nhớ rõ từ bao giờ. Cho đến gần đây, thông qua công nghệ mới, Văn phòng giám định Y khoa đã khớp mẫu ADN cô gửi với một mảnh xương nhỏ được tìm thấy giữa hàng nghìn bộ hài cốt.
Mẹ cô đã trở thành nạn nhân thứ 1.646 của vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới được xác định thông qua xét nghiệm ADN. Đáng chú ý, người thứ 1.647 đã được xác minh danh tính vài ngày sau đó.
Được biết, họ là những những người được nhận dạng đầu tiên kể từ năm 2019. Việc xác định danh tính nạn nhân ngày càng khó hơn qua mỗi năm, khác xa so với những năm sau 2001, khi đó, trong một năm người ta có thể tìm ra tên tuổi của hàng trăm người.
Nhiều hài cốt được tìm thấy đã bị hư hại và phân hủy ở đống đổ nát trong nhiều tuần hoặc lâu hơn, vì vậy chỉ chiết xuất ra rất ít ADN.
Các nhân viên tại phòng thí nghiệm vẫn làm việc chăm chỉ để xác định danh tính nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001
Vào năm 2005, khi việc tìm kiếm gặp khó khăn, một thời gian dài không có thêm kết quả khả quan nào, những quan chức buộc phải nói với các gia đình rằng họ tạm dừng dự án vì trình độ công nghệ pháp y lúc bấy giờ không thể đáp ứng được nhu cầu của công việc.
Tuy nhiên, cơ quan nhanh chóng trở lại tiếp tục nhiệm vụ trong cùng năm đó, các kỹ thuật tinh vi hơn đã giúp họ kiểm tra lại thành công các mẫu đã phân tích trước đó trong kho hài cốt. Các mẫu này được phân chia tại trụ sở Midtown Manhattan và kho lưu trữ đặc biệt tại Bảo tàng Tưởng niệm 11/9.
Trong thời gian gần đây, dự án xét nghiệm ADN phần nào bị gián đoạn bởi đại dịch. Tuy nhiên, Tiến sĩ Barbara Sampson, Giám đốc Sở y tế thành phố New York cho biết việc thực hiện lời hứa với các gia đình vào năm 2001 vẫn là “nghĩa vụ thiêng liêng” và được ưu tiên hàng đầu.
Cách thức tìm lại danh tính nạn nhân
Tuần trước, Carl Gajewski, người giám sát phòng thí nghiệm ADN của dự án 11/9, đã đến kiểm tra “Phòng mài xương”. Tại đây, các nhân viên phải mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân để tránh làm ô nhiễm vật liệu nghiên cứu, đồng thời đảm bảo rằng việc cắt các mảnh xương được thực hiện bằng một chiếc cưa điện nhỏ và bụi xương được hứng bởi một hộp nhựa trong suốt.
Ông Gajewski đã bật mí cách các nhân viên chuẩn bị những mảnh xương để phân tích. Đầu tiên, họ cạo các mảnh vỡ bằng dao, sau đó cọ rửa bằng bàn chải cùng các chất tẩy rửa khác nhau. Vì rất khó để tách ADN từ một khúc xương nguyên vẹn, nên đoạn xương sau đó sẽ được nghiền thành bột mịn nhất có thể.
Ông cho biết, khi dự án bắt đầu triển khai vào năm 2001, các nhân viên sử dụng cối và chày để nghiền các mảnh xương một cách thủ công. Tuy nhiên, hiện tại công đoạn này đã được tự động hóa thông qua các ổ bi và dao động siêu âm. Các mảnh vỡ sẽ được làm đông bằng nitơ lỏng trong ống thủy tinh và cho vào một máy “nghiền xương” có độ lắc mạnh.
Các nhà khoa học hiện cũng sử dụng phương pháp ủ và các hóa chất khác nhau để chiết xuất ADN nhằm đối sánh với các mẫu người thân của nạn nhân đã gửi. Các mẫu này có thể có trong đồ dùng sinh hoạt của nạn nhân như quần áo, bàn chải đánh răng,…
Sự thật gây ra đau thương và mất mát
Mark Desire, trợ lý Giám đốc Sinh học Pháp y của cơ quan cho biết viễn cảnh mọi nạn nhân đều được xác định danh tính sẽ không thể xảy ra. Một số người có thể không bao giờ được xác định vì đã bị thiêu hủy hoàn toàn, ngoài ra còn có gia đình của gần 100 nạn nhân từ chối gửi mẫu hoặc đưa một mẫu tham chiếu có quá ít ADN để điều tra.
Ông Desire kể rằng quá trình xác định rất tẻ nhạt và lặp đi lặp lại, vì vậy trường hợp hiếm hoi khi tìm ra tên tuổi của một nạn nhân sẽ khiến cả phòng thí nghiệm sôi sục và “tiếp thêm năng lượng cho nhóm”.
Cơ quan trả lại những hài cốt mới được xác định cho gia đình trong một gói chân không được niêm phong và đánh dấu bằng lá cờ Mỹ, cùng “số nhận dạng thảm họa” được chỉ định. Nếu thân nhân không đến nhận, hài cốt sẽ được cất giữ tại kho lưu trữ của khu vực tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ tấn công.
Rosemary Cain, một người mẹ đã nhận được thi hài của con trai là một lính cứu hỏa vào năm 2002, cho rằng chờ đợi thông tin về hài cốt từ người giám định y tế là “một thử thách đau đớn đối với các gia đình”. Bà đề nghị thành phố nên xem xét việc hỏi ý kiến người nhà nạn nhân về việc có muốn tiếp tục điều tra ADN hay không, nhất là trong khi các nhà nghiên cứu không chắc chắn về việc có thể tìm ra tất cả danh tính nạn nhân.
Ngay chính Nykiah Morgan, người vừa được thông báo về hài cốt của mẹ, cũng không chắc chắn liệu sau bao nhiêu năm, cô có còn muốn tìm lại hay không. Cô đã từng không tin mẹ mình qua đời trong vụ khủng bố, đi tìm kiếm khắp nơi, rồi chấp nhận sự thật và bỏ cuộc. Morgan cho biết: “Đột nhiên phải quyết định làm gì với một người thân yêu đã chết cách đây 20 năm là một việc khơi lại vết thương lòng. Thời gian trôi qua, khi cảm xúc đã ổn định hơn đôi chút thì điều tương tự lại xảy đến và bạn phải đối mặt với nỗi đau một lần nữa”.
Tuy vậy, Văn phòng giám định Y khoa vẫn tiếp tục cập nhật thông tin về tình trạng của cuộc điều tra ADN cho người thân của nạn nhân vào Ngày Gia đình 10/9 hàng năm. Họ tin rằng vẫn còn nhiều người không ngừng mong ngóng tin tức của người thân đã khuất và trách nhiệm của họ là cố hết sức để đưa nạn nhân trở về với gia đình mình.
Doanh nghiệp và Tiếp thị