Vì sao quá đông người Việt, người Trung Quốc bị buôn vào nước Anh?

0
1774

Vụ phát hiện 39 thi thể trong container ở Anh là cú sốc cho thấy thực trạng đáng sợ khi các vụ buôn bán người đang gia tăng số nạn nhân người Việt Nam và Trung Quốc.

-Quảng Cáo-

Bất kể tính chất bi thảm cũng như số người thiệt mạng trong vụ việc, những con số đó vẫn chỉ là một phần nhỏ trong thực tế chưa được phanh phui về nạn buôn người ở Anh. 

Rất nhiều nô lệ hiện đại vẫn đang ẩn khuất đâu đó phía sau những trang trại trồng cần sa bất hợp pháp, những tiệm nail, và các nhà thổ.

Phần nổi của tảng băng chìm

Theo báo South China Morning Post, số người Việt liên đới trong các vụ việc nô lệ hiện đại được chuyển tới Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh trong năm 2018 nhiều hơn bất cứ quốc tịch nào khác, không kể Anh và Albania, với 702 vụ.

Trong khi đó số nạn nhân Trung Quốc cũng tăng 50%, với 451 người Trung Quốc được đưa tới cơ quan này trong năm 2018, trong đó có 17 trẻ em. Con số này cũng cao hơn 293 người năm 2017 và Trung Quốc là nước có số nạn nhân bị làm nô lệ hiện đại cao thứ tư ở Anh.

Dẫu thế, những con số này cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đó chỉ là những người liên đới trong các vụ việc nhà chức trách Anh nắm được và xử lý.

Đã có thông tin có thể có nạn nhân người Việt trong số 39 thi thể được phát hiện trong chiếc container ở Essex (Anh) và cảnh sát Anh vẫn đang trong quá trình điều tra, xác minh quốc tịch cụ thể của từng người.

Cảnh sát Essex từ chối xác nhận một số giấy tờ tùy thân tìm thấy trên các thi thể là hộ chiếu giả của Trung Quốc. Trong lúc này, cả Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam đều đã phối hợp với công tác điều tra của cảnh sát Anh và cảnh sát Bỉ. Tài xế Robinson đã nhận container chở 39 người trên đó từ cảng Zeebrugge của Bỉ.

Cảnh sát cũng đã kêu gọi trực tiếp cộng đồng người Việt tại Anh cung cấp những thông tin có thể giúp ích cho tiến trình điều tra vụ việc.

“Tại sao họ muốn đến Anh?”

“Tôi vẫn luôn tự hỏi mình câu đó”, anh Đức Tuấn, điều phối viên tại câu lạc bộ Vietnamese Luncheon ở quận Poplar phía đông London, nói. “Tôi không biết, nhưng tôi muốn biết”, anh nói.

“Họ (các nạn nhân buôn người) không muốn nói chuyện với chúng tôi. Họ chưa bao giờ tới gặp chúng tôi xin giúp đỡ”.

Một trong những lý do thôi thúc di dân tìm tới Anh có thể vì nền kinh tế tự do của nước này. Việc thuê đất hay khởi nghiệp khá dễ dàng, cùng với những chính sách tương đối hạn chế về ma túy so với các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Trên thực tế, các tổ chức từ thiện trong nhiều năm qua đã cảnh báo tình trạng nhiều người Việt bị bọn buôn người biến thành tù nhân trong các khu nhà dùng trồng cần sa ở Anh.

Những phụ nữ làm việc trong các tiệm làm móng (nail) có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng họ cũng vẫn bị bắt ép phải lao động cho những kẻ tổ chức để họ đi lậu sang Anh. Họ hiểu rõ tình thế của mình là phi pháp nên không dám, hoặc không thể tới trình báo nhà chức trách.

Đầu tháng này, cảnh sát ở Rochdale phía bắc nước Anh đã giải cứu được 3 thiếu niên người Việt trong độ tuổi từ 15-17 đang phải chăm sóc cây cần sa trong điều kiện sống tồi tệ.

Cảnh sát tin rằng các em đã bị cấm rời khỏi ngôi nhà đó. Tuy nhiên những kẻ chủ mưu vụ việc này vẫn chưa bị bắt.

 

Cảnh sát tại hiện trường phát hiện 39 thi thể trong container. 39 nạn nhân có thể đã bị nhốt trong thùng đông lạnh trong ít nhất 10 giờ ở nhiệt độ -25 độ C. – Ảnh: REUTERS

Ngành công nghiệp nhiều tỉ USD

Tổ chức cho người đi lậu, các hoạt động buôn bán ma túy và mại dâm là những lĩnh vực làm ăn trị giá nhiều tỉ USD tại Anh.

Hành trình đi từ Việt Nam sang châu Âu mất khoảng từ 10.000 – 40.000 USD mỗi người, theo thông tin từ các tổ chức chống nô lệ hiện đại. Mức phí này cũng đã được các nhà báo có liên hệ với một số gia đình nạn nhân trong vụ việc mới nhất xác nhận.

Các nhà điều tra quốc tế vẫn đang cố ráp lại các mảnh ghép của sự việc để định rõ một mạng lưới tội phạm quốc tế đã đẩy 39 con người xấu số kia đến thảm kịch.

Bà Shalini Patel, một luật sư đại diện cho các nạn nhân buôn người, tố cáo: “Chúng tôi chưa thấy đủ số trường hợp bị kết tội với những kẻ buôn người vì sự bóc lột trong các nhà thổ, tiệm nail, nhà trồng cần sa, nhưng phần lớn những nạn nhân mà tôi đại diện đã phải trải qua khoảng thời gian đáng kể tại các trung tâm giam giữ. Họ đã bị biến thành phạm pháp vì là những nạn nhân”.

Bà Patel đã đại diện bảo vệ quyền lợi cho một số phụ nữ Trung Quốc bị bọn buôn người đưa sang Anh để làm việc trong các tiệm massage và nhà thổ.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Anh, phụ nữ Trung Quốc cũng là nhóm đông nhất tại trung tâm giam giữ phụ nữ di cư với 420 người bị giam năm 2018.

Hầu hết họ đều được đưa tới Trung tâm giam giữ người di cư Yarl’s Wood ở Bedfordshire do công ty dịch vụ đa quốc gia Serco điều hành.

“Tất cả khách hàng Trung Quốc của tôi đã đi máy bay tới Anh, sau khi những kẻ cho vay cắt cổ đã nhận visa và hộ chiếu giả cho họ”, bà Patel cho biết.

“Chi phí cho hành trình này được cộng thêm vào khoản nợ khổng lồ họ đã có, và được dự kiến sẽ phải trả lại thông qua các dịch vụ họ bị ép buộc làm khi đến và trên hành trình đến nước Anh”, bà nói tiếp.

Vì họ thiếu thông tin?

Theo bà Patel, một nguyên nhân lớn của thực trạng này là việc thiếu những lộ trình an toàn và hợp pháp cho di dân.

“Trách nhiệm của chúng ta là phải đảm bảo cho những hành trình này an toàn, và mọi người không bị bóc lột khi đến Anh trong những hoàn cảnh khủng khiếp mà rốt cuộc họ sẽ chết”, bà nói.

Tuy nhiên anh Đức Tuấn cho rằng cũng có những điều nhỏ hơn có thể làm được ngay. “Tại sao chính phủ không thiết lập một đường dây nóng chuyên trợ giúp, hay một cái gì đó tương tự”.

“Tại sao họ không làm một bộ phim để nói với mọi người ở Việt Nam rằng mọi chuyện thực sự là như thế nào để họ không còn tới nữa”, anh nói.

Tuổi Trẻ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận