Sau gần 13 năm mòn mỏi chờ đợi kể từ ngày bắt đầu lập dự án, “giấc mơ” Metro đang khiến người dân TP.HCM ngày càng chán nản, thậm chí mất dần niềm tin.
“Quả bóng” đẩy qua đẩy lại vẫn chưa thể “dứt điểm”
Chính thức khởi động năm 2006 nhưng phải đến ngày 28/8/2012, dự án tuyến Metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) mới được khởi công xây dựng do nhiều khó khăn đến từ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 17.388 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng. Cũng từ đó, việc chậm trễ thông qua chủ trương tăng vốn khiến tuyến metro số 1 không ít lần rơi vào tình cảnh “khốn khổ”, nhiều lần đứng trước nguy cơ ngừng thi công do nợ tiền nhà thầu, chậm bàn giao mặt bằng so với cam kết…
Gần 4 năm chật vật chờ giải ngân vốn, TP.HCM liên tục phải gồng mình, giật gấu vá vai tạm ứng đến nay đã gần 3.500 tỉ đồng để đưa dự án về đích đúng hẹn. Hồ sơ cứ gửi lên các Bộ, ngành, Chính phủ lại bị chuyển về TP bổ sung, rồi lại tiếp tục trình lên vẫn chưa được thông qua.
Nút thắt lớn nhất vẫn là chờ các cấp thẩm quyền “gật đầu” điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án để TP.HCM được giải ngân khoản tiền 35.000 tỉ đồng vay với Nhật Bản.
Đáng nói, sau một thời gian dài gặp khó, ngày 11/2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì hướng dẫn TP.HCM thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ để bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ.
Tại phiên họp về tình hình kinh tế xã hội ngày 5.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết Bộ KH-ĐT đã làm việc với TP theo hướng sẽ trình Thủ tướng ủy quyền cho TP phê duyệt tổng mức đầu tư, trên cơ sở thẩm định của Sở GTVT TP. TP cố gắng giữa tháng 4 sẽ hoàn thành việc phê duyệt tổng mức đầu tư với metro 1.
Sau đó, ngày 9.5, Bộ KH-ĐT đã có ý kiến hướng dẫn, theo đó, Hội đồng thẩm định TP do Sở GTVT chủ trì được giao thẩm định, tham mưu và trình UBND TP phê duyệt thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư. Thế nhưng đã gần 4 tháng trôi qua, vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Việc thẩm định nguồn vốn cũng đang vướng tại Sở KH-ĐT.
Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết nếu chưa được thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư, TP.HCM không thể ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính, không thể giải ngân vốn vay ODA và tiếp tục phải tạm ứng vốn để Ban Quản lý thanh toán cho nhà thầu. Chưa kể thủ tục thanh toán cũng gặp nhiều khó khăn.
Như vậy, sau nhiều năm “cầu cứu” Chính phủ nhanh chóng thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư, tuyến metro số 1 khi được giao về cho TP.HCM quyết định, vẫn tiếp tục phải nằm chờ.
Chậm ngày nào, thiệt hại ngày ấy
Là dự án giao thông công cộng khối lượng lớn đầu tiên được triển khai tại TP.HCM, tuyến metro số 1 được kỳ vọng sẽ giúp người dân TP thoát khỏi “khổ ải” kẹt xe, mang đến một diện mạo mới, nâng tầm đô thị cho TP.HCM. Thế nhưng thực tế việc dự án tắc mãi chưa được khơi thông đang kéo theo nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Các đoạn đào hở, xây trên cao yêu cầu dựng nên nhiều lô cốt, hàng rào khoanh vùng làm giảm tiết diện mặt đường, gây ùn tắc giao thông, đồng thời làm “đóng băng” toàn bộ các dịch vụ kinh doanh, thương mại khu vực này.
Bên cạnh đó, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho rằng việc không đảm bảo tiến độ như đã cam kết với các đối tác còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, cản trở các cơ hội vay vốn. Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu nhiều thiệt hại trong việc kéo dài thời gian thi công, khấu hao máy móc thiết bị. Do đó, khi TP đã được phân cấp ủy quyền, cần nhanh chóng, thúc giục các Sở, ban, ngành hoàn thành các thủ tục cần thiết để dự án chạy đúng tiến độ. “Metro chậm ngày nào, tất cả đều thiệt hại ngày ấy” – ông nhấn mạnh.
Đồng tình, chuyên gia về xây dựng cầu đường Vũ Thắng nhận xét, tình trạng chậm trễ của tuyến metro số 1 ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giao thông TP.HCM vì trong quy hoạch, hầu hết giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông của TP đều trông cậy vào hệ thống đường sắt đô thị.
Chính vì tiến độ của dự án bị lùi lại quá lâu, tình hình giao thông của TP diễn biến ngày càng căng thẳng mà không có phương án giải quyết tận gốc. Các tuyến đường từ cửa ngõ, thậm chí cả đường nội đô, tất cả đều tắc nghẽn. Giao thông công cộng không phát triển được vì Metro là xương sống nhưng chưa hoàn thành. Ngay cả đề án quy hoạch “siêu” phố đi bộ, quy hoạch không gian ngầm, giãn dân… thiếu Metro cũng không thể thành công.
“Hạ tầng giao thông yếu kém chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của TP.HCM”, ông Thắng nói.
Thanh Niên