Tử Thư Tây Tạng: Nên làm gì với người sắp chết?

0
3103

Phần lớn mọi người đều sợ chết vì không ai biết chết sẽ đưa họ về đâu! Cái quan niệm chết là hết, là mất tất cả, nhà cửa, tài sản, thân quyến, và ngay cả chính mình nữa là một điều hết sức ghê gớm không mấy ai muốn nghĩ đến.

Đó là chưa kể sự sợ hãi về một chốn ác đạo gọi là “địa ngục” nên hiển nhiên chẳng ai muốn giáp mặt với cái chết hay có thể chấp nhận nó dễ dàng.

Bốn giai đoạn của vòng luân hồi

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng Tử Thư Tây Tạng là sách hướng dẫn người sắp lìa đời hoặc người đã chết vì nội dung cuốn sách đề cập rất kỹ đến các quy tắc cúng lễ, cầu siêu hay hướng dẫn cho người đang hấp hối. Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma lại gọi nó là Sinh Thư (Book of the Living) thay vì Tử Thư. Ngài nhấn mạnh: “Đạo Phật là đạo dành cho người sống chứ không phải người chết”.

Ngài đã giảng: “Trọn bộ Tử Thư có thể thâu gồm vào một ý chính như sau: Người nào biết sống một cách tỉnh thức thì sẽ chết tỉnh thức, và một khi đã tỉnh thức thì họ có thể chuyển thần thức, tránh được sự lôi kéo của nghiệp và thoát khỏi sinh tử luân hồi. Đa số con người vì bị vô minh che lấp nên không biết cách sống cho đúng với ý nghĩa của sự sống, thường thường nếu không hoài niệm về quá khứ thì họ cũng mơ tưởng về tương lai, họ luôn luôn ‘lo lắng để sống‘ chứ không hề ý thức rõ rệt sự sống. Vì sống một cách u mê, không tỉnh thức như vậy nên khi chết thì họ cũng không thể làm chủ được hoàn cảnh khi ấy, dĩ nhiên họ sẽ hoàn toàn để nghiệp lực lôi kéo và trôi nổi trong sáu nẻo luân hồi”.

Lời giải thích trên là một chìa khóa quan trọng đã rọi một tia sáng cho những người muốn tìm hiểu cuốn Tử Thư Tây Tạng. Người ta có thể coi nó là một Sinh Thư, sách hướng dẫn cho người sống, khuyên họ phải sống làm sao để khi chết có thể tự chủ, tỉnh thức để thoát luân hồi, hoặc người ta cũng có thể coi nó là một Tử Thư, sách hướng dẫn cho người chết biết cách tìm đến những cõi giới tốt lành, tránh đọa lạc vào ba đường ác là Ngạ Quỷ, Địa Ngục và Súc Sinh.

Theo cuốn Tử Thư, vòng luân hồi có thể tạm chia ra làm bốn giai đoạn như sau:

1/ Giai đoạn sống là khoảng thời gian từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, nói giản dị thì đó là một kiếp người.

2/ Giai đoạn chết là khoảng thời gian từ khi rời bỏ thể xác cho đến khi bước sang Cõi Sáng (Dharmata).

3/ Giai đoạn thứ ba là lúc sống trong Cõi Sáng, một khoảng thời gian rất đặc biệt khi thần thức được khai mở chân tâm.

4/ Giai đoạn thứ tư là giai đoạn tái sinh, khoảng thời gian từ lúc chuẩn bị tái sinh cho đến khi sinh ra để bắt đầu một đời sống mới.

Các danh sư Tây Tạng tin rằng trong lúc chuyển tiếp giữa hai giai đoạn sốngchết, cơ hội để giải thoát khỏi lưới sinh tử có thể thực hiện được. Đó chính là mật pháp của cuốn Tử Thư Tây Tạng về sự giải thoát nhờ biết cách chuyển thần thức, không để bị nghiệp lực tiếp tục dẫn đi vào vòng luân hồi sinh tử.

Trạng thái chuyển tiếp giữa hai giai đoạn sốngchết là một cơ hội đặc biệt có thể được hình dung qua thí dụ sau: Thử tưởng tượng một người làm việc khó nhọc và xây dựng được một sự nghiệp lớn. Vì một biến cố nào đó mà chỉ trong giây phút bỗng nhiên anh ta mất hết tất cả: nhà cửa, tài sản, vợ con, danh vọng, quyền thế. Hiển nhiên tâm hồn anh ta bị xúc động mạnh khiến anh ta chới với, hụt hẫng không biết phải làm gì. Ngay trong giây phút đó, tự nhiên anh bỗng cảm thấy như vừa trút bỏ được một gánh nặng, không phải khó nhọc, không phải lo lắng nữa. Cái cảm giác giải thoát này chỉ tồn tại rất ngắn vì bộ óc lý luận của anh ta sẽ hoạt động ngay, nó sẽ quy lỗi cho các nguyên nhân gây nên biến cố vừa xảy ra khiến anh ta cảm thấy tức giận hay tuyệt vọng. Chính vì thói quen lý luận này mà con người bị lôi kéo vào một mê hồn trận khiến tâm hồn luôn luôn bị động, mất tự chủ.

Cái giây phút ngắn ngủi của sự tĩnh lặng thoảng đến trong lúc đầu, trước khi lý trí của anh hành động, chính là cơ hội ngàn vàng để anh có thể thoát ra dòng miên man suy nghĩ lôi kéo anh vào trạng thái mất tự chủ. Cũng giống như giây phút “hốt nhiên chứng ngộ” của các Vị thiền sư, đó là một khoảng trống mà một người biết sống trong tỉnh thức có thể sử dụng để kéo dài cái trạng thái tĩnh lặng đấy, không để cho bộ óc lao xao rối tung suy nghĩ lôi kéo. Đó chính là cơ hội mà sự giải thoát có thể xảy ra.

Giai đoạn chuyển tiếp giữa sự sống và sự chết cũng như thế, chỉ một hơi thở đầy tỉnh thức mà một người công phu tu tập có thể ra khỏi lưới sinh tử, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nghiệp lực.

Nghiệp lực chi phối sự tái sinh

Nghiệp lực là sức mạnh của các thói quen xuất phát từ thân, khẩu và ý. Chúng sinh trải qua bao nhiêu kiếp luân hồi đã gây tạo vô số nghiệp lành cũng như nghiệp dữ, ẩn tàng dưới hình thức của chủng tử. Phân loại theo năng lực thì có bốn loại nghiệp lực chi phối sự tái sinh của con người như sau:

1/ Cực trọng nghiệp: là những nghiệp nhân cực trọng, gây ấn tượng cực mạnh và sâu trong tâm lý của con người. Nếu Cực trọng nghiệp thuộc về loại ác thì đó là những nghiệp như: Ngũ nghịch, Thập ác. Nếu Cực trọng nghiệp thuộc về loại thiện đó là những nghiệp như: Người chứng đắc các quả vị tứ thiền sắc giới trở lên.

2/ Tập quán nghiệp: Còn gọi là Thường nghiệp. Tập quán nghiệp là những việc làm, lời nói hàng ngày mà chúng ta hay làm và thường nhớ đến hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần dần uốn nắn tạo thành bản chất của con người. Ngay cả trong lúc vô thức đôi lúc chúng vẫn hiện khởi. Trong các loại nghiệp thì nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng.

3/ Tích lũy nghiệp: Đời sống của con người hôm nay là sự tích lũy bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong vòng luân hồi bất tận, con người ai cũng đã tích lũy cho mình một số lượng khổng lồ tài sản nghiệp. Như thế, Tích lũy nghiệp là những nghiệp do tích lũy nhiều đời nhiều kiếp.

4/ Cận tử nghiệp: là nghiệp nhân con người nhớ tưởng lúc lâm chung. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm ác tức sẽ tái sinh vào một trong các cảnh giới khổ. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm thiện tức sẽ tái sinh vào một trong các cảnh giới lành. Đây gọi là Cận tử nghiệp.

Tích lũy nghiệp, là nghiệp chất chứa nhiều kiếp, tùy theo nhân duyên mà dần dần phát động. Cận tử nghiệp phát động ngay trước khi chết. Thí dụ một người làm nhiều việc lành đáng kể nhưng trước khi chết lại gây ra một nghiệp ác và nghiệp quả này phát động ngay lúc chết (Cận tử nghiệp) nên thay vì được hưởng các điều lành, người đó lại bị đọa lạc vào ba đường ác. Dĩ nhiên những nghiệp lành kia không hề mất nhưng tiềm ẩn và sau khi trả dứt nghiệp ác, người nọ sẽ hưởng các điều lành theo đúng nguyên tắc của luật nhân quả.

Vì không ai biết nghiệp lực nào sẽ tạo tác trong giờ phút lâm chung nên sự tỉnh thức và tự chủ trước khi chết là một yếu tố hết sức quan trọng. Cuốn Tử Thư đã ghi rõ: “Tâm trạng của người chết sẽ quyết định cảnh giới nào mà người đó sẽ đến“, do đó cuốn sách này đã dành hẳn ra một chương cho các nghi thức hướng dẫn người đang hấp hối để họ có thể tĩnh tâm khi bước vào thế giới bên kia.

Nỗi sợ hãi của người sắp chết

Sogyan Rinpoche, một danh sư Tây Tạng chuyên nghiên cứu về các cảnh giới bên kia cửa tử đã viết: “Không gì làm tôi ngạc nhiên bằng thái độ của người Âu Mỹ đối với sự chết. Hình như người ta coi đó là một sự kiện bất bình thường, một điều ghê tởm đáng sợ và đáng tránh. Tôi thấy hình như đa số mọi người đều qua đời tại những nơi chốn xa lạ như bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão, rất ít ai được chết yên ổn tại nhà. Đã thế họ qua đời không người hướng dẫn, không ai cử hành một nghi thức nào cho đến khi người đó hoàn toàn chết hẳn.

Lần đó tôi gặp một thiếu phụ đang hấp hối vì chứng ung thư. Cả gia đình tề tựu an ủi và khuyên bà hãy cố gắng chống trả căn bệnh ngặt nghèo đó. Người chồng nói: ‘Đừng tuyệt vọng. Đừng buông xuôi tay. Hãy tiếp tục phấn đấu’. Các con bà cũng khuyên: ‘Hãy vui vẻ, lạc quan’. Dường như họ nghĩ rằng việc phấn đấu và lạc quan đó sẽ làm cho căn bệnh hiểm nghèo kia phải chấm dứt. Người đàn bà đã mệt lắm rồi, mạch bà ấy đập yếu ớt. Bác sĩ khám nghiệm và xác nhận bà ấy chỉ có thể sống trong vòng vài giờ nữa thôi. Cả gia đình bèn rút lui để lo việc tống táng, mặc cho thiếu phụ chịu đựng giờ phút ghê gớm đầy sợ hãi lúc lâm chung, đó là phải nằm một mình.

Không ai giải thích cho bà ấy biết cách chấp nhận sự chết, không ai chia sẻ giờ phút kinh khủng đó với bà, không ai hướng dẫn cho bà mà mặc bà ấy chịu đựng nỗi cô đơn, đau đớn khủng khiếp một mình. Hiển nhiên trong hoàn cảnh như thế, làm sao người phụ nữ đó có thể ung dung mà bước qua cõi giới bên kia được?

Tại sao một quốc gia đã phóng được phi thuyền lên tận không gian như Mỹ lại không có đủ những cách thức tối thiểu để giúp người sắp chết thoải mái về phương diện tinh thần?

Điều ngạc nhiên thứ hai của tôi là sự xa xỉ quá độ trong các nghi thức tống táng. Người Âu Mỹ có thể tổ chức những đám tang rất tốn kém với những cỗ quan tài trị giá bằng cả một gia tài, những vòng hoa khổng lồ, những ban nhạc được thuê bao đặc biệt, nhưng hình như không ai có thời giờ chân thành cầu nguyện cho người quá cố cả. Mặc dầu vẫn có những nghi lễ Tôn giáo nhưng gia quyến quá bận rộn đón tiếp những người đến chia buồn nên đã quên rằng người cần được giúp đỡ là người vừa nằm xuống chứ đâu phải là những người còn sống.

Phải chăng họ ỷ lại vào các giáo sĩ chuyên nghiệp cầu nguyện là đủ rồi? Có lẽ vì việc không chấp nhận sự chết, sợ hãi sự chết, ghê tởm sự chết mà họ đã hành động như vậy chăng? Nếu họ hiểu rằng chết là một sự kiện tự nhiên, một diễn tiến bình thường như người đi du lịch nơi xa, hay được học hỏi về cảnh giới bên kia cửa tử thì có thể họ đã hành động khác”.

Bác sĩ Elizabeth Kubler Ross, một nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất hiện nay về sự chết, cũng đã viết: “Một bác sĩ trẻ tuổi mới tốt nghiệp đến gặp tôi. Anh vừa khóc vừa nói: ‘Ngày đầu nhận việc tại một bệnh viện, tôi gặp một bệnh nhân già yếu đang hấp hối, thân quyến của ông ở xa chưa về kịp nên ông nằm một mình với nỗi lo sợ hằn trên khuôn mặt đầy vết thời gian. Ông nắm chặt tay tôi như không muốn rời: ‘Này bác sĩ, liệu Thượng Đế có cứu tôi không? Tôi là kẻ có tội, tôi đã làm nhiều điều tội lỗi, liệu tôi có xuống địa ngục không?’

Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Tôi là một bác sĩ y khoa, không phải một giáo sĩ. Tôi không hề được huấn luyện để đối phó với trường hợp như thế. Tôi cố gắng gỡ tay ông lão ra nhưng ông bám chặt lấy tay tôi không rời. Hai người y tá phải bước đến dùng sức mạnh mới gỡ được bàn tay của ông lão ra. Chúng tôi quyết định đưa ông ấy vào một căn phòng tối để ông ấy có thể chết một cách yên tĩnh. Ông lão nằm đó rên rỉ về những cảnh tượng địa ngục mà ông ấy nghĩ sẽ phải đến. Chúng tôi cho gọi vị giáo sĩ trực trong bệnh viện đến giúp ông ta, nhưng lúc đó có quá nhiều người chết, vị này bận rộn không thể đến được. Ông lão nằm rên rỉ suốt mấy ngày liền, không sao chết được.

Vị bác sĩ trẻ tuổi đặt câu hỏi: ‘Thưa bà, trong trường hợp như vậy tôi phải làm gì đây?’. Bác Sĩ Kubler Ross nhấn mạnh: “Điều đáng nói là đa số chúng ta, những người chuyên môn trong lĩnh vực y khoa, không hề có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi trên. Phải chăng chúng ta đã trở nên mất nhạy cảm, lạnh lùng sắt đá trước sự chết? Phải chăng đã chứng kiến quá nhiều cảnh tượng này nên chúng ta không buồn lưu tâm đến vấn đề đó nữa? Phải chăng sau khi đã làm tròn bổn phận một y sĩ là cố gắng cứu chữa bệnh nhân nhưng biết không thể làm gì hơn, chúng ta đã bó tay, mặc cho số mệnh mà quên rằng điều bệnh nhân cần là sự giúp đỡ của chúng ta trên phương diện tinh thần chứ không phải vật chất nữa?”

Thế nào là sự giúp đỡ trên phương diện tinh thần? Theo Phật Giáo Tây Tạng, điều quý báu nhất một người sống có thể giúp cho người sắp chết là làm sao để họ không sợ hãi. Đây gọi là ‘vô úy thí’. Trước khi có thể giúp cho người khác không sợ hãi thì chính người cho phải bình tĩnh, thoải mái và không sợ hãi đã. Điều này không đòi hỏi người cho phải làm những điều gì khác thường nhưng ít ra người đó phải có một lòng yêu thương chân thành và sự hiểu biết sáng suốt.

Sự giúp đỡ của người sống đối với người sắp chết

Vì người sắp chết thường lo lắng, hoảng loạn, có thể rơi vào tình trạng u mê, nói năng hàm hồ, nên người đến an ủi phải biết cách lắng nghe, giữ yên lặng để cho người kia thổ lộ tâm can. Thông thường sau khi được nói một cách thoải mái, người sắp chết dần dần bình tĩnh và bày tỏ nỗi lo sợ, lòng nghi ngờ, các thắc mắc, và cảm nhận của họ đối với đời sống. Cuốn Tử Thư ghi nhận: “Đây là lúc các chủng tử chất chứa trong tàng thức người sắp chết bắt đầu phát động, các yếu tố của Cận tử nghiệp bắt đầu hiện hành, giống như một ngọn đèn sắp cạn dầu chỉ còn bùng lên một lúc trước khi tắt…”.

Các danh sư Tây Tạng khuyên: “Hãy cố gắng giữ yên lặng, lắng nghe người hấp hối tâm sự, hãy mở rộng tâm hồn, tránh không phán đoán hay phản ứng vì không gì tai hại hơn sự phán đoán trong lúc này. Hãy đem hết tình thương truyền trao cho họ, khuyến khích họ giãi bày tâm sự và đừng quan trọng hóa những điều khó nghe mà họ nói. Đôi khi vì những chủng tử xấu phát động mà người hấp hối có thể nổi sân si, la hét, mắng chửi, kêu gào. Hãy tự chủ và biết rằng một người sắp chết đang mất bình tĩnh, đang chịu đựng những nghiệp quả bất ngờ, không ý thức rõ rệt về hoàn cảnh lúc đó thật không đáng trách.

Nhiều người vì quá thương xót đã lên tiếng khuyên giải nhưng việc này có thể làm người sắp chết thêm giận dữ mà thôi. Sự yên lặng, chăm chú lắng nghe và không phản ứng là món quà quý giá nhất, vì hơn bao giờ hết, người sắp chết đang cần sự thông cảm và thương yêu.

Đừng nghĩ rằng mình có thể cứu được người kia hay có thể làm được điều gì tốt hơn nên tốt nhất hãy giữ yên lặng, vì chúng ta không biết rõ được tâm thức của người sắp chết khi đó ra sao.

Sự yên lặng, lắng nghe là bước đầu tiên trong việc giúp đỡ người sắp qua đời, nhưng nếu đã thành công trên phương diện này, người ta có thể đi vào bước thứ hai là việc làm khơi dậy các chủng tử thiện. Cuốn Tử Thư ghi nhận: “Trong tàng thức con người có đầy đủ mọi hạt giống thiện ác, tốt xấu. Nếu biết khéo léo khơi dậy các chủng tử thiện, sẽ giúp cho người sắp chết tránh được các Cận tử nghiệp xấu xa”.

Khi người sắp chết thổ lộ tâm can, đừng chú ý tới những điều tội lỗi, xấu xa người đó đã làm mà chỉ nên đặc biệt chú trọng đến những điều người đó hãnh diện, thích thú, tự hào. Lúc lâm chung, ai cũng cảm thấy sợ hãi, lo sợ, hối hận hay tuyệt vọng, nhưng đôi khi họ cũng vô tình đề cập đến một điều gì tốt đẹp mà họ đã làm. Hãy khuyến khích hay nhắc nhở người đó khai triển đề tài này để cho thần thức của họ bớt mặc cảm sợ hãi, để họ thấy rằng cuộc đời của họ cũng có những lúc tốt đẹp, tươi sáng, đem lại cho họ một tia hy vọng trước khi chết. Nếu tâm thức họ chuyển qua những việc tốt thì các chủng tử xấu xa, tội lỗi không có dịp phát động, mà nhường chỗ cho các chủng tử thiện và điều này có thể đem lại những kết quả tốt đẹp bất ngờ.

Trong khóa huấn luyện các bác sĩ y khoa, Bác sĩ Elizabeth Kubler Ross đã nói: “Thật không có gì tốt đẹp hơn là làm cho người sắp chết trút được nỗi lo sợ, đem lại cho họ một niềm hy vọng. Nếu một người đặt câu hỏi: ‘Tôi là kẻ tội lỗi, liệu Thượng Đế có tha thứ cho tôi hay không?’ thì các bạn phải biết trả lời: ‘Thượng Đế chính là tình thương. Trong tình thương luôn luôn có sự tha thứ. Chúng ta đều là con của Ngài thì lẽ nào Ngài lại có thể không tha thứ cho con của Ngài?’.

Video: linh hồn lìa khỏi xác trong một bệnh viện ở Trung Quốc, ghi lại từ camera giám sát (CCTV) của bệnh viện vào ngày 20/7/2014  

Hiển nhiên không phải người nào cũng có đức tin Tôn giáo. Nhiều người nghĩ rằng nếu đem đức tin đến cho người sắp chết thì họ sẽ được thoải mái hơn, tuy nhiên, bác sĩ Rubler Ross khuyên: “Chúng ta cần thận trọng trong việc này. Nếu người đó yêu cầu, dĩ nhiên chúng ta nên làm, còn nếu không, đừng nên quan trọng hóa đức tin. Biết đâu trong đời người đó đã có ác cảm với một Tôn giáo nào đó và việc khơi dậy những điều này có thể mang lại những hậu quả tai hại bất ngờ”.

Phần lớn mọi người đều sợ chết vì không ai biết chết sẽ đưa họ về đâu! Cái quan niệm chết là hết, là mất tất cả, nhà cửa, tài sản, thân quyến, và ngay cả chính mình nữa là một điều hết sức ghê gớm không mấy ai muốn nghĩ đến. Đó là chưa kể sự sợ hãi về một chốn ác đạo gọi là “địa ngục” nên hiển nhiên chẳng ai muốn giáp mặt với cái chết hay có thể chấp nhận nó dễ dàng.

Hải Nguyên (theo Tử Thư Tây Tạng)

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận