BBC đưa tin, hôm 20/7/2016, Trung Quốc đã phá dỡ các ngôi nhà tại Học viện Phật Giáo Larung Gar, một trong những trung tâm lớn nhất thế giới của Phật Giáo ở Tây Tạng.
Nhóm Free Tibet (Tây Tạng Tự do) có trụ sở tại London, Anh cho hay, việc phá dỡ diễn ra hôm 20/7/2016, bắt đầu ở những ngôi nhà mà chính quyền không cho cư trú. Nhiều người dân sống ở đó đã không còn nhà ở.
Nhóm cũng đăng tải một số hình ảnh và video lên Youtube, cho thấy các căn nhà gỗ bị phá hủy, trở thành những đống đổ nát.
Nhóm này cũng cho biết, cảnh sát và các lực lượng vũ trang Trung Quốc có tham gia giám sát việc phá dỡ nhưng họ mặc thường phục.
Ảnh: Nhóm Tây Tạng Tự do
Lý do Trung Quốc đưa ra cho hành động trên là nhằm giảm số lượng cư dân sinh sống ở Larung Gar xuống chỉ còn một nửa, tương đương với 5.000 người. Trước đó, các quan chức Trung Quốc thường xuyên bày tỏ sự lo ngại về tình trạng quá đông dân tại khu vực này.
Larung Gar là Học viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, được thành lập từ năm 1980. Học việc nằm trên một sườn núi ở quận Sertar, miền đông Tây Tạng, thu hút hàng ngàn tăng ni tới học tập. Khuôn viên của học viện được mở rộng đáng kể trong những năm gần đây.
Tây Tạng Tự do dẫn lời một tăng ni tại Larung Gar đặt câu hỏi: “Nếu cách duy nhất để giải quyết việc dân số quá đông là phá hủy các ngôi nhà, thì tại sao không áp dụng chính sách đó với các thành phố và thị trấn cũng rất đông dân khác của Trung Quốc?”.
Người này bức xúc nói: “Bình đẳng ở đâu, các quy định pháp luật, phúc lợi công cộng, tự do tôn giáo và quyền bình đẳng của các dân tộc (như Bắc Kinh nói) ở đâu khi họ phá dỡ nhà của những người theo Tôn giáo vô tội, đang sống một cuộc sống bình thường?”
Giám đốc Tây Tạng Tự do Eleanor Byrne-Rosengren cho biết: “Việc phá dỡ tại Larung Gar rõ ràng không liên quan gì tới tình trạng dân số quá đông – nó chỉ là một chiến thuật khác của Trung Quốc nhằm phá hoại ảnh hưởng của Phật Giáo ở Tây Tạng”.
Hình ảnh các ngôi nhà đã bị phá dỡ tại Học viện Phật giáo Tây Tạng. Ảnh: Nhóm Tây Tạng Tự do
Hiện chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về hành động trên.
Trong khi đó, một quan chức chính quyền quận Sertar đã liên lạc với hãng tin AP để khẳng định rằng, Bắc Kinh muốn cải tạo chứ không phải định phá hủy các ngôi nhà.
Theo BBC, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền từ nhiều thế kỷ qua đối với vùng Himalaya. Nước này đã gửi hàng nghìn binh sĩ tới đây để khẳng định tuyên bố chủ quyền vào năm 1950. Hiện một số khu vực đã trở thành Khu tự trị Tây Tạng và những nơi khác bị sáp nhập vào các tỉnh lân cận Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng, Tây Tạng đã phát triển đáng kể dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh. Nhưng các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc liên tục vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị và tôn giáo. Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc trên.
Trung Quốc tăng cường phá hủy học viện Larung Gar
Nhà chức trách Trung Quốc tại huyện Serta lại tiếp tục phá hủy nhiều ngôi nhà ở Trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới, Larung Gar, nơi các vụ phá hoại đã diễn ra từ tháng 7 năm 2016.
Theo một vị trụ trì cao cấp tại Larung Gar, 4.725 chỗ ở thuộc tu viện đã bị phá hủy và hơn 4.828 Tăng Ni đã bị đuổi khỏi chỗ ở từ năm 2016.
Infonet, Báo Giác Ngộ