2017 không phải là năm đầu tiên bitcoin tăng giá điên cuồng. 4 năm trước, giá của bitcoin từng tăng gấp 85 lần chỉ trong 12 tháng và rồi rớt thảm hại sau sự sụp đổ của sàn giao dịch Mt. Gox. Kể từ đó, bitcoin loanh quanh ở khoảng 500-1500 USD mà không thể bứt phá thoát khỏi ngưỡng đó mặc dù cũng có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ.
Cho đến ngày 21/5/2017, khi mà nhóm hacker WannaCry tuyên bố đòi tiền chuộc bằng bitcoin, giá đồng tiền này đã tăng 50%, chính thức phá mốc 2.000 USD lần đầu tiên sau 1271 ngày. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ mối lo lắng về một cuộc bùng nổ bong bóng tài sản tại một thị trường không được quản lý bởi bất kỳ một cơ quan nào. Nhưng phần lớn, chẳng ai có thể ngờ rằng chỉ 4 tháng sau bitcoin tăng giá gấp đôi và 6 tháng sau thì tăng giá gấp 9.
Những chỉ trích, tiên đoán về một vụ nổ bong bóng bitcoin vẫn không ngừng được đưa ra sau mỗi lần đồng tiền này lập đỉnh. Điển hình là CEO JPMorgan Chase – người đã thẳng thừng nói rằng bitcoin là một trò lừa đảo và chỉ có những kẻ ngu ngốc mới mua vào bitcoin. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, bitcoin vẫn chưa hề sụp đổ như những lời cảnh báo trên. Không những thế, đầu tháng 12 một loạt sàn giao dịch lớn trên Phố Wall như CME, CBOE, Nasdaq thông báo kế hoạch phát hành hợp đồng tương lai bitcoin – một động thái góp phần đưa bitcoin trở thành một sản phẩm đầu tư chính thống được các tổ chức tài chính công nhận.
Meltem Demirors – giám đốc phát triển của Digital Currency Group nói: “Chúng ta đang có một cơ hội tạo ra sự của cải lớn nhất thế kỷ và nhiều người muốn tham gia”. DCG hiện quản lý một danh mục đầu tư tiền số trong đó bitcoin chiếm 1%. Ngoài ra, quỹ này cũng đầu tư vào các startup hoạt động trong lĩnh vực blockchain và công cụ kế toán sử dụng mạng máy tính để duy trì hệ thống sổ sách chia sẻ mà không phải dựa vào bất kỳ tổ chức trung gian bên ngoài nào.
Ra đời trong hoàn cảnh hệ thống ngân hàng thế giới bị mất uy tín với khủng hoảng nợ dưới chuẩn và sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, bitcoin được hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho thị trường tài chính toàn cầu, giảm sự phụ thuộc của tài sản vào quyền lực quản lý kém hiệu quả và không minh bạch của các chính phủ và NHTW.
Bitcoin không phụ thuộc vào một chính phủ hay NHTW nào. Giá trị của bitcoin không bị xói mòn bởi chính sách lạm phát hoặc phát hành tiền tệ ồ ạt bởi các quy định liên quan đến bitcoin được xác định ngay từ đầu và bất di bất dịch. Ban đầu, bitcoin có thể thu hút được những người tò mò về công nghệ blockchain, ưa thích những thứ đổi mới. Nhưng về sau, nhiều người tham gia vào bitcoin là bởi đồng tiền này giúp họ thực hiện ước mơ thầm kín: thay đổi lại trật tự tiền tệ, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước. Giá bitcoin thường tăng lên khi những lo lắng địa chính trị dâng cao điển hình như cuộc trưng cầu dân ý về sự ra đi của Anh năm 2016, Tổng thống Donald Trump giành được chiến thắng vào Nhà Trắng và các lần thử tên lửa của Triều Tiên.
Đối với những kẻ hoài nghi, thị trường bitcoin giống như một ly cocktail mới pha trộn giữa hưng phấn, làm giàu nhanh chóng và một kết cục không mấy vui vẻ hiện ra lờ mờ. “Bitcoin giống như bong bóng dotcom hoặc bong bóng nhà đất nhưng có quy mô trên toàn cầu”, Robert Shiller – nhà kinh tế học đoạt giải Nobel và từng dự đoán chính xác về hai quả bong bóng trên nhận định.
Tuy nhiên, khả năng hồi phục phi thường của đồng tiền này sau mỗi lần rơi vào thị trường giá xuống cho thấy chủ nghĩa lạc quan vẫn đang áp đảo hơn cả. “Bitcoin sẽ chẳng bao giờ biến mất. Nhưng nếu muốn thực hiện những lời hứa hẹn, bitcoin phải phát triển nhiều hơn nữa”, Emin Gün Sirer – PGS ĐH Cornell – một trong những người có tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực tiền số cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Mashable mới đây.
Một số thay đổi lớn đã được thực hiện, nhưng lại không phải trên blockchain của bitcoin. Thay vào đó, một vài nhóm phát triển đã “phân tách” từ bitcoin – phát hành một giao thức mới được cải tiến dựa trên đoạn blockchain cũ của bitcoin làm sinh ra một đồng tiền nhân bản có hiệu quả cao hơn, điển hình là bitcoin cash. Do quy mô ngày càng tăng lên, mạng lưới blockchain đã cho thấy tình trạng tắc nghẽn, không xử lý kịp giao dịch. Nhiều người dùng phàn nàn khi phải chờ đợi vài ngày mới có thể thoát khỏi trạng thái chờ xác nhận giao dịch. Có ý kiến cho rằng chính những đồng tiền nhân bản mới là chiếc kim chọc thủng quả bong bóng bitcoin. Mặc dù vậy, bitcoin vẫn là thứ đầu tiên được nhắc đến mỗi khi người ta nói chuyện về tiền số. Số liệu thống kê từ công ty Sensor Tower cho biết các ứng dụng liên quan đến bitcoin đạt hơn 4 triệu lượt tải về chỉ trong riêng tháng 11/2017. Những lời dự báo về giá bitcoin trong tương lai vẫn không ngừng được đưa ra từ bà nội trợ cho đến nhà đầu tư quỹ.
Chưa bao giờ việc dự báo bong bóng tài sản lại khó khăn như thế và định giá tài sản trong tương lai lại dễ dàng đến thế. Những con số dự báo về mức giá bitcoin được đưa ra một cách rất mơ hồ bởi 3 lý do.
Thứ nhất, nếu một vài chuyên gia dự đoán giá bitcoin sẽ tăng mạnh trong tương lai thì nhà đầu tư cũng dễ dàng tìm thấy một nhóm chuyên gia cũng nổi tiếng không kém dự đoán giá bitcoin trở về 0. Điển hình như người dẫn chương trình Mad Money – Jim Cramer cho rằng bitcoin sẽ đạt 1 triệu USD vào một ngày nào đó thì Chuyên gia Roy Sebag – người quản lý quỹ Goldmoney lại cho rằng bitcoin sẽ về lại điểm xuất phát là 0 USD trong dài hạn.
Thứ hai, hầu hết các dự đoán đều không dựa trên những phân tích cơ bản bởi bitcoin không có nguyên tắc cơ bản để xác định. Khi định giá một công ty, bạn có thể so sánh giá với lợi nhuận (P/E) hoặc dùng cổ tức như một chỉ dẫn giá trị. Nhưng bitcoin không phải là một công ty, nó không tạo ra doanh thu, không trả cổ tức. Bitcoin cũng không giống như vàng bởi nó không có giá trị sử dụng công nghiệp và không thể chế biến thành mặt dây chuyền sáng bóng.
Thứ ba, một vài thước đo ít ỏi mà chúng ta có với bitcoin lại là vô dụng. Nguồn cung cố định 21 triệu đồng là một chỉ số quan trọng, nhưng rất nhiều chuyên gia cho rằng sự ra đời của hằng hà sa số các đồng tiền số khác tạo ra lạm phát về số lượng tiền ảo nói chung. Do đó con số 21 triệu đồng của bitcoin trở nên vô nghĩa. Bên cạnh đó, theo quy luật Metcalfe, giá trị của một mạng lưới sẽ tăng theo cấp số nhân tương ứng với khả năng kết nối giữa các thiết bị trong mạng lưới với nhau. Trong tình hình hiện nay, người dùng chỉ đơn giản mua vào bitcoin để giao dịch, đầu cơ. Như vậy do nhu cầu sử dụng bitcoin để thanh toán không được hình thành, định luật để định giá giá trị tiền số – Metcalfe cũng trở nên ít liên quan, thậm chí không thể áp dụng.
Qua đó mới thấy, thị trường mà bitcoin sẵn sàng phá vỡ là rất lớn và bitcoin với 277 tỷ USD thị phần vẫn là một dấu chấm nhỏ trên thị trường. Nếu bạn đủ lạc quan, bạn sẽ luôn tìm ra một vài dư địa để bitcoin tăng trưởng cho dù giấc mơ thay thế tiền pháp định đã gần như bị đặt sang một bên. Bitcoin là hiện thân của một công nghệ hoàn toàn mới với nhiều tiềm năng chưa được khai thác và có sức hút truyền thông mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này cũng không thể kéo dài mãi nếu bản thân công nghệ này không phát triển và tính hữu dụng của bitcoin vẫn chưa rõ ràng.
Đó sẽ chỉ là vấn đề thời gian và có lẽ thêm một chút kiên nhẫn bởi chúng ta vẫn đang ở trong những ngày đầu tiên của công nghệ blockchain. “Thị trường tài chính đang bắt đầu nhìn nhận bitcoin như một loại tài sản nghiêm túc. Tuy nhiên, thật khó để dự đoán thị trường sẽ giải quyết các vấn đề kỹ thuật như thế nào, trong khi bitcoin vẫn đang tiếp tục tăng giá nhờ động lực như một tài sản cất trữ giá trị. Điều đó có nghĩa là bitcoin và các đồng tiền số khác sẽ có vốn đầu tư để giải quyết vấn đề quy mô và phát triển theo cách không làm ảnh hưởng đến giá trị của chúng”, Marco Krohn – đồng sáng lập của Genesis Mining nhận định.
Bong bóng nào thì cũng có lúc phải vỡ, nhưng bong bóng bitcoin vỡ đi sẽ để lại một hệ thống siêu máy tính mà không một đồng tiền số khác nào sở hữu. Forbes ước tính năng lực tính toán của mạng lưới bitcoin hiện nay đã lớn gấp 100.000 lần tổng 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới cộng lại.
Vào tháng 4/2017, bitcoin đã chính thức trở thành một phương thức thanh toán tại Nhật Bản. Theo số liệu của Forbes, hiện nay hơn 260.000 cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán café trên toàn cầu chấp nhận thanh toán bằng tiền số. Năm 2017 cũng chứng kiến khối lượng giao dịch bitcoin tăng 55%, cùng với 30.000 ví điện tử mới được tạo thành. Nhiều tin đồn còn cho rằng Amazon sẽ bắt đầu chấp nhận bitcoin trong năm 2018. Nếu điều đó là sự thực, mức độ phủ sóng của tiền số sẽ vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người.
Mô hình chung, những thực tế này đang đặt ra một tiền lệ cho thị trường tài chính toàn cầu. Trong đó, thành công của bitcoin tại một quốc gia đi đầu như Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng tới cách tiếp cận với tiền số của các quốc gia khác trong năm 2018.
Với những thành tựu đạt được trong năm qua, Mike Poutre – CEO The Crypto Company cho rằng 2018 sẽ là năm của các nhà đầu tư quỹ trên thị trường tiền số. Đồng tình với ông Poutre, Dave Nadig – CEO ETF.com dự kiến quỹ ETF hợp đồng tương lai bitcoin sẽ được Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) chấp thuận vào năm 2018. Điều này cho phép các định chế tài chính đầu tư vào tiền số và cung cấp thêm công cụ đầu tư mới cho các khách hàng của họ. ETF sẽ đưa bitcoin tới một nhóm các nhà đầu tư lớn và có tầm quan trọng hơn – những người chẳng hề ưa với việc mua bitcoin và cất nó vào một nơi an toàn.
Không chỉ có ETF, sàn giao dịch LedgerX đã sẵn sàng cung cấp hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi swap (SEF) và nhận được giấy phép hoạt động thanh toán bù trừ các sản phẩm phái sinh (DCO). Tập đoàn CME – một đối tác chiến lược của BitGo và CBOE đã tuyên bố phát hành hợp đồng bitcoin tương lai trong quý cuối cùng của năm 2017. Sản phẩm phái sinh là công cụ đưa bitcoin trở thành một tài sản chính thức trên thị trường tài chính.
Công nghệ blockchain là một cuộc cách mạng và sẽ mở rộng nhanh chóng trong năm 2018. Hiện nay trên thế giới có 1.200 đồng tiền số khác nhau được xây dựng dựa trên công nghệ này. Mặc dù cùng có cùng nền tảng là blockchain, mỗi đồng tiền số ra đời với một mục đích khác nhau. Ví dụ như Ripple (XRP) được tạo ra để thay đổi hoàn toàn cách thức giao dịch xuyên biên giới trên toàn cầu. Thay vì chiến đấu với blockchain, các ngân hàng đã bắt đầu làm việc với Ripple để xây dựng một hệ thống chuyển tiền mới, hiệu quả và minh bạch hơn. Trong một động thái tương tự, Civic coin cũng là một đồng tiền số được xây dựng trên nền tảng blockchain nhằm xác minh danh tính và bảo vệ danh tính doanh nghiệp cũng như cá nhân. Đó là 2 trong số rất nhiều ví dụ và tất cả mới chỉ đang bắt đầu.
Sang năm 2018, nhà đầu tư cũng bắt đầu để ý đến nhiều đồng tiền số khác ngoài bitcoin như ethereum, litecoin, IOTA hay Dash. Theo Mark Lurie – CEO Biddable, từ chấp nhận bitcoin như một sản phẩm đầu tư, nhà đầu tư sẽ tiến tới đa dạng hoá tài sản số.
Sau khủng hoảng tài chính 2008, thế giới vẫn chưa hề quên các khoản vay nợ dưới chuẩn dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và nhà nước phải đứng ra để cứu trợ các ngân hàng. Năm ngoái, vụ việc ngân hàng Wells Fargo trục lợi từ tài khoản khách hàng để bơm giá cổ phiếu sau nhiều năm một lần nữa lại làm tổn thương lòng tin của người dân vào Phố Wall. Phố Wall đã không còn được các tổ chức tài chính tin cậy như trước.
Bitcoin với công nghệ blockchain loại bỏ nhu cầu cần có một NHTW, bằng cách cung cấp một cách thức chuyển tiền an toàn trực tiếp từ người này sang người khác. Nó hoàn toàn minh bạch và loại trừ được các khoản phí không cần thiết cũng như thất bại có hệ thống ngân hàng truyền thống.
Khi nhiều công ty cùng nhận ra tính ứng dụng của công nghệ blockchain và áp dụng chúng, các quy tắc tồn tại hàng thập kỷ – thậm chí hàng thế kỷ – sẽ thay đổi.
Trí Thức Trẻ