Tối 29/3, chính quyền quân sự cập nhật có 1.644 người chết do động đất ở thành phố Mandalay hôm 28/3, Myanmar hôm 28/3/2025, 3.408 người khác bị thương, và có các nạn nhân được giải cứu khỏi đống đổ nát sau hơn 30 giờ mắc kẹt.
Số người chết do động đất Myanmar tiếp tục gia tăng sau khi chính quyền quân sự tiếp tục nhận được thông tin cập nhật từ các vùng bị nạn.
Cơ quan thông tin của Myanmar cho biết ít nhất 139 người vẫn còn mất tích sau cơn địa chấn cường độ 7,7 độ Richter hôm 28.3.
Đội ngũ cứu hộ sau nhiều giờ đào bới bằng tay đã cứu được một phụ nữ khỏi phần còn lại của khu chung cư Sky Villa Condo ở thành phố Mandalay, theo AFP ghi nhận tại hiện trường.
Bà Phyu Lay Khaing (30 tuổi) đã được đưa khỏi đống đổ nát sau 30 giờ kể từ khi tòa nhà bị sập và được đoàn tụ với chồng tên Ye Aung, người luôn túc trực tại hiện trường.
“Ban đầu, tôi không nghĩ bà ấy có thể sống sót”, người chồng Ye Aung kể lại. Hai vợ chồng có hai con trai còn nhỏ, lần lượt mới 5 tuổi và 8 tuổi.
Trước đó, một nhân viên Chữ thập Đỏ cho hay có hơn 90 người có thể bị mắc kẹt khi tòa chung cư sập xuống.
Reuters dẫn thông tin đáng lo ngại về số phận của hàng trăm người Hồi giáo đang cầu nguyện trong các đền thờ vào thời điểm trận động đất xảy ra. Ước tính có hơn 50 đền thờ Hồi giáo bị hư hại, theo Reuters dẫn nguồn thạo tin.
Bên cạnh đó, các cơ sở Phật giáo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do động đất, với khoảng 670 tu viện và 290 ngôi chùa bị tổn hại, dựa trên thông tin từ chính quyền quân sự Myanmar.
Động đất ở Myanmar tương đương ‘334 quả bom nguyên tử’, dư chấn kéo dài hàng tháng
Trận động đất xảy ra tại Myanmar chiều 28-3 giải phóng năng lượng tương đương hơn 300 vụ nổ bom nguyên tử, nhà địa chất học Jess Phoenix cho biết.
Là nhà khoa học chuyên nghiên cứu về núi lửa và thảm họa thiên nhiên, bà Jess Phoenix là Đại sứ Khoa học của Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS), đồng dẫn chương trình Hunting Atlantis trên Discovery và tác giả của cuốn sách Ms. Adventure. Bà còn là thành viên của nhiều tổ chức khoa học uy tín, bao gồm Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU), Hiệp hội Địa chất Mỹ (GSA) và câu lạc bộ thám hiểm The Explorers Club.
“Lực giải phóng từ một trận động đất như thế này tương đương khoảng 334 quả bom nguyên tử”, bà Phoenix nói với CNN.
Bà cũng cảnh báo các dư chấn có thể kéo dài trong nhiều tháng tới, khi mảng kiến tạo Ấn Độ tiếp tục va chạm với mảng Á – Âu bên dưới đất nước Myanmar.
Ngoài ra, bà Phoenix nhận định sự tàn phá do động đất ở Myanmar sẽ càng nghiêm trọng hơn, khi xảy ra trong bối cảnh nội chiến đang diễn ra tại đất nước này, khiến công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn
“Một tình huống vốn đã khó khăn nay lại càng trở nên gần như không thể kiểm soát”, bà nói.
Myanmar đã chịu đựng bốn năm nội chiến kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Giao tranh giữa chính quyền quân sự và các nhóm nổi dậy khiến đất nước rơi vào hỗn loạn, hủy hoại nền kinh tế.
Thêm vào đó xung đột, tình trạng mất liên lạc khiến cộng đồng quốc tế khó nắm bắt mức độ thiệt hại thực sự của trận động đất.
Theo các chuyên gia, động đất lần này xuất phát từ đứt gãy Sagaing – một trong những đứt gãy nguy hiểm nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là ranh giới giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và mảng Sunda, với chiều dài lên tới 1.200 km.
Đứt gãy này hoạt động theo cơ chế “trượt ngang” giống như đứt gãy San Andreas ở California (Mỹ), có khả năng gây ra những trận động đất mạnh và hủy diệt trên diện rộng.
Cùng với việc tâm chấn khá nông khiến Myanmar rung lắc dữ dội hơn, làm gia tăng mức độ thiệt hại tại các khu vực đông dân cư.
Tuy Myanmar từng hứng chịu nhiều trận động đất mạnh trong quá khứ, nhưng sự khác biệt lớn lần này là sự bùng nổ các tòa nhà cao tầng bằng bê tông cốt thép trong những thập kỷ gần đây. Trải qua nhiều năm xung đột khiến các tòa nhà tại nước này có mức độ thực thi quy chuẩn xây dựng thấp.
Nạn nhân nằm la liệt bên ngoài phòng cấp cứu bệnh viện vì quá tải, và phòng cấp cứu không đủ điều kiện cơ sở vật chất sau trận động đất kinh hoàng – Ảnh: AFP
Hiện có ít nhất 2,8 triệu người đang sống trong vùng bị ảnh hưởng nặng, phần lớn cư trú trong các công trình kém chất lượng, dễ đổ sập khi có rung chấn. Theo các chuyên gia, chính phủ Myanmar cần siết chặt quy định xây dựng để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
“Động đất không giết người, mà các công trình sụp đổ mới là nguyên nhân chính gây thương vong”, giáo sư Ilan Kelman, chuyên gia hàng đầu về giảm thiểu rủi ro và thiên tai ở Đại học College London (UCL), nhận định.
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý địa cầu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – nhận định về trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar. Theo ông Phương, động đất ở Myanmar là động đất kiến tạo, không phải động đất do tác động của con người.
“Ở Myanmar có đứt gãy sâu, là nguồn phát sinh ra các trận động đất rất mạnh ở vùng này. Đây không phải là trận động đất mạnh duy nhất, mà còn là một trong những trận động đất mạnh nhất xảy ra từ trước đến nay. Với cường độ 7,7, có thể coi đây là trận động đất phá hủy, gây ra thiệt hại khá nặng nề về người và của” – ông Phương nhận định.
Theo ông Phương, Hà Nội, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn an toàn sau trận động đất ở Myanmar, vì khi động đất mạnh xảy ra thì thiệt hại nặng nhất xảy ra ở khu vực tâm chấn.
“Hà Nội cách Myanmar hơn 1.000km, chỉ chịu ảnh hưởng chấn động lan truyền, giống như việc chúng ta đập cái bàn thì có thể vỡ cốc ở gần đó, còn ở phía xa trên mặt bàn các cốc khác chỉ rung động, lay lắt thôi.
Hà Nội có thể bị rung lắc, đặc biệt trên các nhà cao tầng có biên độ dao động mạnh thì con người sẽ cảm nhận rõ hơn. Trường hợp có nhà vỡ kính thì lực rất mạnh, nhưng đây là lực do lan truyền từ xa tới, chứ không phải từ lòng đất lên nên sẽ không gây ra thiệt hại mang tính hủy diệt như ở Myanmar.” – ông Phương nhận định.
Tìm thấy dấu hiệu sống dưới tòa nhà sập tại Bangkok do ảnh hưởng động đất Myanmar
Tòa nhà Văn phòng Kiểm toán nhà nước đang thi công tại quận Chatuchak của Bangkok bị sập vào ngày 28.3 do ảnh hưởng từ trận động đất tại Myanmar. Giám đốc Sở Cứu hỏa và Cứu hộ Bangkok Suriyan Rawiwan ngày 29.3 cho biết số người thiệt mạng do vụ sập tòa nhà hiện là 8 người, trong khi 47 người vẫn đang mất tích và danh tính chưa được xác nhận.
Các nhân viên cứu hộ đã phát hiện dấu hiệu sinh tồn của 15 người bị mắc kẹt trong tòa nhà cao tầng, tờ Bangkok Post dẫn lời ông Suriyan. Máy móc hạng nặng đã được triển khai để dọn dẹp đống đổ nát và mở đường để đội cứu hộ tiếp cận các nạn nhân.
“Thời gian cứu hộ được đặt ra là 72 giờ, do nguy cơ bị đói và mất nước. Các nạn nhân có thể bị sốc và tử vong nếu việc cứu hộ kéo dài hơn”, ông Suriyan nói.
Đội cứu hộ chưa thể đưa nước và thực phẩm đến khu vực có dấu hiệu sự sống vì những người mắc kẹt nằm ở độ sâu khoảng 3 mét.
Hiện trường tòa nhà 30 tầng đang thi công ở Thái Lan bị đổ sập do trận động đất, khiến ít nhất 81 người mắc kẹt bên trong – Ảnh: Reuters
Tòa nhà đang thi công nằm trên khu đất rộng 17.600 m2 trên đường Kamphaeng Phet ở quận Chatuchak. Tòa nhà đổ sập sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở Myanmar vào chiều 28.3. Công trình trị giá 2,1 tỉ baht (1.582 tỉ đồng) này bắt đầu được xây dựng từ năm 2020 và đã đạt đến tầng cao nhất.
Chính quyền Bangkok đang triển khai 130 kỹ sư tình nguyện để kiểm tra các tòa nhà cao tầng trong thành phố. Khoảng 200 tòa nhà cần được đánh giá, đặc biệt là tại các quận Din Daeng và Huai Khwang. Hai tòa chung cư ở Lat Phrao phải sơ tán vì lo ngại an toàn, theo ông Chadchart.
BMA đã mở cửa các công viên công cộng cho những người bị ảnh hưởng sau trận động đất mạnh ở Myanmar gây ra rung chấn tại Bangkok. Hơn 300 người đã tìm nơi trú ẩn tại các công viên vào đêm 28.3, tỉnh trưởng cho biết các công viên sẽ tiếp tục mở cửa thêm một đêm nữa nếu tình hình không cải thiện.
Tổng cộng có 9 người chết tại Thái Lan sau trận động đất.
Vì sao động đất ở Myanmar lại ảnh hưởng nặng đến Thái Lan?
Trận động đất mạnh tại Myanmar vừa qua không chỉ gây thiệt hại trong khu vực tâm chấn mà còn có tác động đáng kể đến các nước láng giềng, đặc biệt tại Thái Lan.
Theo Hãng tin AFP, trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra tại Myanmar ngày 28-3 vừa qua đã gây thiệt hại không chỉ ở đất nước này mà còn rung chấn đến các nước lân cận, đặc biệt là Thái Lan.
Dù cách tâm chấn khoảng 1.000km, thủ đô Bangkok (Thái Lan) vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, với rung chấn mạnh đến mức làm sập một tòa nhà 30 tầng đang trong quá trình xây dựng, khiến hơn 100 công nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Nguyên nhân chính được cho là liên quan đến đặc điểm địa chất và kỹ thuật xây dựng tại thủ đô Bangkok.
Các chuyên gia nhận định nền đất mềm và phương pháp xây dựng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan là nguyên nhân khiến khu vực này bị ảnh hưởng nặng dù cách tâm chấn động đất khoảng 1.000km – Ảnh: AFP
Chuyên gia Christian Malaga-Chuquitaype từ Viện Kỹ thuật dân dụng và môi trường ICL cho biết nền đất mềm của thành phố này là yếu tố quan trọng khiến rung động từ trận động đất ở Myanmar trở nên mạnh hơn tại đây.
“Dù Bangkok cách xa các đứt gãy hoạt động, nhưng nền đất mềm của thành phố lại khuếch đại sự rung lắc. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các tòa nhà cao tầng trong các trận động đất từ xa”, ông nhận định.
Bên cạnh đó, kỹ thuật xây dựng phổ biến tại thành phố Bangkok cũng góp phần làm gia tăng mức độ thiệt hại.
Nhiều tòa nhà cao tầng trong thành phố này được áp dụng phương pháp xây dựng “sàn phẳng” – tức là sàn nhà chỉ được chống đỡ bởi các cột mà không có dầm gia cố – là một “thiết kế có vấn đề”. Điều này khiến công trình trở nên yếu hơn và không có khả năng chống chịu động đất.
Theo ông Malaga-Chuquitaype, kiểu thiết kế này thường bị sụp đổ một cách giòn và đột ngột khi chịu rung lắc mạnh, như đã xảy ra với tòa nhà bị sập ở Bangkok.
Chuyên gia về mô phỏng rủi ro thảm họa Roberto Gentile từ UCL cho biết thêm sự sụp đổ của tòa nhà này là dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy có thể nhiều công trình cao tầng khác ở Bangkok cũng gặp nguy cơ tương tự.
Thanh Niên, Tuổi Trẻ