Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho hay 22 sĩ quan, chiến sĩ của đoàn kinh tế Quốc phòng của Sư đoàn 337 (đóng quân tại Hướng Hoá, Quảng Trị) đã bị đất đá vùi lấp sau sạt lở núi.
-Quảng Cáo-
Sáng 18/10, trước khi chính thức thông báo lễ viếng và truy điệu 13 cán bộ chiến sĩ đi cứu nạn hi sinh ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, Thượng tướng Phan Văn Giang – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xác nhận hơn 20 chiến sĩ của sư đoàn 337 bị đất sạt lở chôn vùi vào 1h sáng hôm nay. Xác nhận với VTC News, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết hiện 5 người trong vụ sạt lở đã được cứu ra an toàn, 22 người hiện vẫn mất tích.
Trong số 22 người bị vùi lấp, có 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp, 8 chiến sĩ.
Trận lở núi nghiêm trọng xảy ra tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4, đóng quân tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) vùi lấp hơn 20 cán bộ chiến sĩ của đoàn kinh tế Quốc phòng đang đóng quân tại đây.
Hiện lực lượng quân đội đã lập hàng rào cách điểm sạt lở 300m, để giữ an toàn.
Hiện tại, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đang cùng các cán bộ trực tiếp xuống hiện trường vụ việc.
Ông Đồng cho biết: “Con số chính xác như thế nào chưa cung cấp được, phải đến nơi mới có thể nắm và thông tin thêm”.
Hiện có khoảng 200 cán bộ chiến sĩ của đơn vị 968 đang tham gia tìm kiếm cứu nạn tại đây. Ngay lúc 2h ngày 18/10, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp khẩn cấp.
Tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn công tác khẩn cấp và lập Ban chỉ huy tiền phương tại huyện Hướng Hóa do ông Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn, cùng ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lên ngay huyện Hướng Hóa để chỉ đạo ứng cứu, trên tinh thần huy động tất cả lực lượng, phương tiện tham gia. Ngoài ra tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 hỗ trợ…
Đến chiều nay, trời đổ mưa, lực lượng chức năng đã tìm thấy 12/22 thi thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 bị đất đá vùi lấp.
Hiện, lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm 10 cán bộ, chiến sĩ đang bị vùi lấp dưới đống đất đá.
Nhân chứng bàng hoàng kể lại thời điểm núi lở, vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337
Thoát chết trong vụ sạt lở đất, anh Phạm Tấn An, nhân viên thông tin vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh đau xót, run rẩy kể lại thời điểm núi lở, vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337.
Rạng sáng nay (18/10), tại khu nhà tập thể của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4, địa điểm xã Hướng Phùng, Hướng Hoá) xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp cả căn nhà. Lúc này, trong khu nhà có 27 người. Khi phát hiện sự việc, 5 người trong đoàn đã kịp chạy thoát ra ngoài, trong đó có 1 người bị thương nặng ở chân.
Đến chiều cùng ngày, các lực lượng tìm thấy 12 thi thể cán bộ, chiến sĩ gặp nạn. Hiện công tác tìm kiếm những cán bộ, chiến sỹ còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ.
Anh Phạm Tấn An, nhân viên thông tin, một trong 5 người thoát nạn rùng mình kể lại đêm sạt lở khiến nhiều đồng đội của mình tử vong.
Anh An nhớ lại, lúc 1h5 phút sáng nay, khi anh cùng 26 cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đang nằm ngủ trong khu nhà tập thể. Anh giật mình tỉnh giấc bởi một tiếng nổ lớn sau núi.
Hoảng sợ, anh An chạy ra sau núi để xem thì thấy đất đá trên đồi ùn ùn tuồn xuống nhà. Lúc này, anh nghe thấy tiếng kêu cứu của đồng đội.
“Lúc đó có đồng chí Thắng lái xe bị đất đá đẩy lên trên nóc nhà, đồng chí Huy kêu cứu trong phòng. Tôi chạy vào hỏi đồng chí Huy có bị gì không? Đồng chí Huy đáp “em không bị gì nhưng không ra được”. Tôi vội gọi thêm người, cạy đất đá đưa đồng chí Huy ra”, anh Phạm Tấn An nhớ lại.
Sau khi cứu được anh Huy ra ngoài, anh Phạm Tấn An cùng mọi người định vào để cứu thêm đồng đội, xem còn ai sống sót nữa không thì bất ngờ đất đá tuồn xuống thêm 3 lần nữa. Lúc này, anh An cùng 5 người khác vội chạy ra ngoài cổng để tránh nạn.
“Nếu lúc đó anh em chúng tôi không bỏ chạy ra ngoài thì chắc giờ cũng…”, anh An nghẹn ngào nhớ lại thời điểm núi lở cướp đi những người đồng đội thân quý.
Đồng đội hô to “còn ai không?”
Anh N.H.H. (35 tuổi, lái xe) đau xót kể lại giây phút chứng kiến 22 người đồng đội của mình bị núi lở vùi lấp và mình may mắn vì được đồng đội cứu sống.
Anh H. kể, khoảng 1h sáng cùng ngày, khi anh đang ngủ trong phong tham mưu của Ban Hành chính, lái xe và nuôi quân thì nghe tiếng nổ lớn. Ngay lập tức, đất đá bất ngờ tuồn xuống, xô đổ tường, đè lên nhiều căn phòng nơi anh và đồng đội đang nằm ngủ.
N.H.H định bật dậy chạy nhưng bị tường đổ đè lên người, anh bị thương nhẹ ở đầu và tay, bị mắc kẹt trong phòng không thoát ra ngoài được.
Lúc này anh H. nghe thấy tiếng bước chân của đồng đội bên ngoài, và nghe tiếng có người hô to “còn ai không”? Lúc này, dù mệt và đau nhưng anh H. vẫn cố nói to vọng ra ngoài “còn em nữa” chỉ để mong đồng đội nghe thấy và kịp thời ứng cứu.
Nghe tiếng đáp của anh H., một cán bộ bảo anh H. “Em chờ đấy, để anh gọi thêm người đến cứu em ngay”. Sau đó một nhóm cán bộ đã đến vị trí anh H. đang mắc kẹt, cạy bê tông, đất đá đưa anh thoát nạn ra bên ngoài.
Thiếu tướng Hà Tân Tiến – Phó Tư lệnh Quân khu 4 có mặt ở hiện trường cho biết, hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm những người bị mất tích, vùi lấp do núi lở.
Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã huy động hơn 150 cán bộ chiến sỹ biên phòng cùng với lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, huy động các phương tiện, máy móc bới đất tìm kiếm nạn nhân.
Hiện lực lượng cứu nạn đang gặp rất nhiều khó khăn do hiện trường xuất hiện mưa lớn, có nguy cơ sạt lở cao.
Để đảm bảo an toàn cho công tác tìm kiếm, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn yêu cầu mọi người giữ khoảng cách an toàn với hiện trường tìm kiếm hàng trăm mét.
Danh tính 22 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn:
1. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Hương Trà (SN 1984, quê quán Nghi Xuân, Hà Tĩnh); Lái xe.
2. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Toàn (SN 1983, Yên Thành, Nghệ An); Lái xe
3. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Thu (SN 1984, Yên Thành, Nghệ An); Lái xe
4. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Đức Thiện (SN 1980, Thanh Hóa), Quản lý
5. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Quốc Dũng (SN 1984, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); Nuôi quân
6. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Cao Cường (SN 1983, Nghệ An); Nhân viên xăng dầu
7. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Cao Cường (SN 1977, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); Nhân viên bảo mật
8. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Cảnh Trung (SN 1978, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); Nhân viên Văn thư
9. Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Đình Toàn (SN 1970, Nghệ An); Lái xe
10. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Ngô Bá Văn (SN 1984, Hà Tĩnh); Nuôi quân
11. Thượng tá Lê Văn Quế (SN 1971, Thanh Hóa); Chủ nhiệm Hậu cần
12. Trung úy Lê Hải Đức (SN 1989, Quảng Bình); Trợ lý Doanh trại
13. Thiếu tá Phùng Thanh Tùng (SN 1979, Nghệ An); Trợ lý Quân Lực
14. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Ngọc Quyết (SN 1977, Quảng Bình); Trợ lý Quân Lực
15. Binh nhất Cao Văn Thắng (SN 1997, Hà Tĩnh); Chiến sỹ
16. Binh nhất Lê Tuấn Anh (SN 2000, Quảng Trị); Chiến sỹ
17. Binh nhất Nguyễn Anh Duy; Chiến sỹ
18. Binh nhất Phạm Văn Thái (SN 2000, Quảng Bình); Chiến sỹ
19. Binh nhất Hồ Văn Nguyên (SN 1998, Quảng Trị); Chiến sỹ