Sông, hồ, kênh, rạch… ở TP HCM, Hà Nội và khắp các tỉnh – thành ngày hôm qua ngập cá chép, nhang đèn, vàng mã và bao ni-lông.
Ấy là vì 23 tháng chạp hằng năm là ngày người Việt làm lễ cúng ông Công ông Táo, còn gọi là đưa ông Táo về trời. Cùng với việc bày mâm cúng bái là hành động phóng sinh cá chép theo truyền thuyết: Táo quân là người được Ngọc Hoàng thượng đế phái xuống trần gian để theo dõi dương thế, cuối năm phải cưỡi cá chép bay về trời báo cáo lại với thiên đình.
Truyền thuyết Táo quân cưỡi cá chép là cái cớ để hành khiển một nét đẹp khác của con người, đó là tục phóng sinh. Phóng sinh thể hiện lòng từ bi, đạo hiếu, hướng thiện của người Việt; qua đó cho thấy con người sống hòa ái với thiên nhiên. Không chỉ vậy, thuyết “cá chép vượt vũ môn” còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần vượt khó và mong ước thành công, thăng hoa của người Việt Nam ta. Tóm lại, đó là một tín ngưỡng đẹp, tồn tại cả ngàn năm theo chiều dài lịch sử dân tộc. Tín ngưỡng ấy được duy trì là bởi ý nghĩa thuần khiết vốn có của nó chứ không phải nhằm buôn thần bán thánh.
Thế nhưng, tập tục đó đã bị biến tướng khi người ta hoặc do cố ý hoặc vì kém hiểu biết mà biến phóng sinh thành… sát sinh bằng cách ném cá chép từ trên cầu cao xuống mặt sông; hoặc chuẩn bị sẵn bộ đồ nghề canh me người khác ném/thả cá xuống là chích điện, vợt cá lên để… đem bán lại cho người khác! Có những con cá chịu không nổi lực va đập nên đã phơi trắng bụng sau vài phút tiếp nước; còn những con cá sống được thì bị vớt lên, bán lại, rồi ném/thả rồi bị vớt lên…, cứ thế xoay tua, muốn hóa kiếp cũng không được. Thậm chí còn có dịch vụ đặt hàng cá chép, cá vàng qua mạng và cá được “ship” đến tận nơi để người mua đem thả.
Tội nghiệp con cá đã đành, tội nghiệp cho cả môi trường xung quanh khi ao, hồ, bãi sông, kênh, rạch sau ngày 23 tháng chạp trắng xóa bao ni-lông, vàng mã và xác cá. Nhất là bao ni-lông, vật dụng rất có hại cho môi trường đất và nguồn nước, tác động trực tiếp trở lại sức khỏe con người. Như vậy, đâu chỉ sát sinh loài cá, con người còn sát sinh cả chính cuộc sống của mình!
‘ Giải quyết chuyện này thế nào? Bỏ phong tục dân gian thờ cúng ông Công ông Táo là chuyện bất khả thi. Nhưng ngăn chặn hành vi phóng sinh vô văn hóa, gây ô nhiễm môi trường thì hoàn toàn có thể làm được. Trước hết là tuyên truyền giáo dục thêm, sau là phải xử phạt nghiêm khắc những trường hợp xả rác, phá hoại môi trường “nhân danh” phóng sinh.
Dẫu sao các hình thức trừng phạt cũng chưa phải là hay nhất. Tốt hơn cả là từng con người tự ý thức về hành động của chính mình. Mọi thứ vật chất, mâm cao cỗ đầy đem cúng tế đều là hình thức, sự thành tâm đảnh lễ mới là quan trọng, do đó cách thức thả cá cũng có thể thay đổi theo cách tối giản hóa, chẳng hạn cá thật có thể thay bằng cá giấy – loại giấy sinh học tự hủy, sau khi cúng thì đem đi hóa, vẫn bảo đảm nét đẹp văn hóa thờ cúng đồng thời không gây hại môi trường.
Bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa chứ kỳ thực xưa nay ở nhiều vùng miền, nhất là nông thôn, người ta cũng chỉ dùng cá chép bằng giấy đó thôi!
Người Lao Động