Ngày 30/8/2020, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thu hồi 13 sản phẩm của Cty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới, trong đó có nhãn hàng Pate Minh Chay.
Khoảng 7.000 sản phẩm pate Minh Chay đã được bán ra thị trường, 1/7 đến 22/8/2020. Ảnh: Cục An toàn Thực phẩm cung cấp.
Nguyễn Ngọc Minh, người đồng sáng lập Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới cho biết, 5 người điều hành doanh nghiệp đều là thành viên trong gia đình.
Chỉ trong vòng một tháng (từ 13.7 đến 18.8.2020) đã xuất hiện 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca bệnh), Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.Hồ Chí Minh (2 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở… Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới có địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng.
Tại TP.Hồ Chí Minh, hiện có 7 bệnh nhân phải nhập viện điều trị sau khi ăn phải sản phẩm “Pate Minh Chay” có chứa độc tố botulinum.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh – thông tin, bệnh viện đang điều trị 2 ca nhiễm độc tố botulinum từ khoảng 2 tuần trước. Hai bệnh nhân này là chị em tuổi trung niên, nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó nuốt, không há miệng được. Tình trạng bệnh nhân trở xấu khi liệt cơ toàn thân (kể cả cơ hô hấp). Bệnh nhân phải thở máy.
“Hiện tại, người em hồi phục tốt hơn, đã cai máy thở ngắt quãng và cử động được chân tay. Người chị dù đã tỉnh táo nhưng chỉ mới cử động được các đầu chi và mấp máy môi, hiện đang tiếp tục thở máy” – TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
TS-BS Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong 6 ngày từ 24 – 30.7, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân gồm hai vợ chồng và 3 người bạn, bị nhiễm độc tố botulinum sau khi ăn “Pate Minh Chay” đóng hộp.
Vợ chồng bệnh nhân H.M.C (36 tuổi) và N.Đ.H.0 (36 tuổi) cùng ngụ tại Nha Trang (Khánh Hoà). Người chồng có tiền sử tăng huyết áp còn người vợ khoẻ mạnh, đang mang thai 19 tuần tuổi. Bệnh sử ghi nhận, trưa ngày 19.7, hai vợ chồng cùng ăn “Pate Minh Chay”, đến 9h ngày hôm sau người chồng đột ngột buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nuốt khó, sụp mi mắt, không sốt. Người bệnh được đưa đến Bệnh viện Khánh Hòa cấp cứu, sau 4 ngày điều trị thì tình trạng bệnh nặng hơn nên được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 24.7.
Ngày 21.7, người vợ cũng buồn nôn, nôn ói và mệt mỏi. 3 ngày sau thì mờ mắt, sụp mi mắt, nuốt khó, nói khó. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Đến 27.7, hai vợ chồng ngày càng khó thở, suy hô hấp nên phải đặt nội khí quản, thở máy. Các bác sĩ chẩn đoán hai bệnh nhân bị ngộ độc botulinum nghi do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn.
3 bệnh nhân cũng gặp tình trạng tương tự là một nhóm bạn nam, tuổi từ 20 đến 26, 2 người ở Đồng Nai và 1 người ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Cả ba người đều khoẻ mạnh trước đó, đến 24.7 khi cùng nhau ăn “Pate Minh Chay” đã biểu hiện đột ngột nôn ói, mệt mỏi. Tại Bệnh viện địa phương, cả ba bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng nói khó, sụp mi mắt, khó nuốt, khó thở, yếu tứ chi. Sau đó, các bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Hiện tại, các bệnh nhân đều tỉnh, không sốt, sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp và phải thở máy.
Độc tố botulinum nguy hiểm thế nào?
Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – cho biết, kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Viện Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.
Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: Rất may mới có 9 bệnh nhân, đây cũng là bài học cần tuân thủ chặt chẽ hơn về quy định chống nhiễm khuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các bác sĩ, chuyên gia thực phẩm đều sợ khi nói tới vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố của nó là botulinum. Với liều 0,004μg/kg cân nặng, botulinum sẽ giết chết một người trưởng thành. Ngộ độc botulinum không phải là cá biệt, do vi khuẩn tồn tại tương đối phổ biến, ngộ độc chủ yếu vẫn xảy ra ở thịt bảo quản trong điều kiện thiếu không khí. Tuy nhiên, ngộ độc có thể vô tình xảy ra ở bất cứ thực phẩm nào. Giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, nghĩa là từ khâu nuôi trồng đến chế biến và vận chuyển, cuối cùng là ăn uống, cần phải thực hành sạch sẽ.
Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, rồi ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.
Nguy hiểm như vậy nhưng botulinum không chịu được nhiệt, nếu đun ở 100⁰C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đun đến 10 phút có thể bị phá hủy. Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi nhiệt độ xấp xỉ 100⁰C, nên đồ ăn tươi nấu chín về cơ bản là yên tâm.
Nhưng với thực phẩm chế biến sẵn, dù đã đun nóng ở nơi sản xuất, thì vẫn còn công đoạn vận chuyển và lưu thông, nó được bảo quản trong vài ngày đến vài tháng, người sử dụng sẽ ăn ngay chứ không đun sôi lại, vì thế mà khó đảm bảo an toàn. Để tránh bị độc tố botulinum gây hại, từ lâu các nhà sản xuất đã tìm ra phương pháp bổ sung Nitrit, đây là chất đặc biệt hiệu quả trong việc ức chế độc tố botulinum.
Mặc dù Nitrit cũng độc, nhưng với liều lượng nhỏ vẫn chấp nhận được, nó sẽ tổng hợp thành nitrosamine trong thịt. Tất cả các nước trên thế giới đều cho phép bổ sung Nitrit vào các sản phẩm thịt đã qua chế biến.
13 sản phẩm của “Pate Minh Chay” bị thu hồi
Ngày 30.8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi văn bản số 1995/ATTP-NĐTT về việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Văn bản do ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) – ký ngày 29.8.2020 gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh.
Văn bản nêu rõ, từ ngày 20.8.2020, các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thông báo trực tiếp cho khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm “Pate Minh Chay”, niêm phong và bảo quản ở khu vực riêng biệt.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị triển khai gấp việc phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai kiểm tra, giám sát trên thị trường, chủ động thu hồi các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo số lượng cụ thể về Cục An toàn thực phẩm gồm 13 sản phẩm: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi.
Thông tin cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm. Đối với sản phẩm “Pate Minh Chay” ngừng ngay việc sử dụng sản phẩm, niêm phong sản phẩm và phần sản phẩm còn lại nếu còn và bảo quản ở khu vực riêng biệt; theo dõi, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời. Đề nghị các đơn vị nhanh chóng tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp và báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.
Về việc từ ngày 20.8, công ty ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thông báo trực tiếp cho khách hàng ngừng sử dụng sản phẩm “Pate Minh Chay”, niêm phong và bảo quản ở khu vực riêng biệt, nhưng đến ngày 29.8 mới thông báo trên truyền thông, Cục An toàn thực phẩm cho biết: Ngay sau khi có thông tin một số ca ngộ độc, ngày 20.8 cơ quan kiểm tra công ty và yêu cầu tạm dừng sản xuất. Đến ngày 23.8 có kết quả mẫu xét nghiệm sản phẩm phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Mẫu xét nghiệm phải làm đi làm lại chính xác nên ngày 28.8, Cục mới có kết luận cuối cùng và đến ngày 29.8 thông báo rộng rãi đến người tiêu dùng.
Báo động quy trình sản xuất và bảo quản thực phẩm đóng hộpQua vụ việc 9 người bị ngộ độc bởi ăn đồ chay do “Pate Minh Chay” sản xuất, câu hỏi được đặt ra rằng liệu có lỗ hổng trong công tác quản lý chất lượng, kiểm nghiệm thực phẩm dẫn đến bỏ lọt các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí chứa độc tố như pate Minh Chay ra thị trường, đến tay người tiêu dùng. PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội – cho rằng thời điểm kiểm nghiệm có thể không phải lúc nào cũng phát hiện ra các độc tố, vi khuẩn có thể sinh ra do chế biến không đảm bảo rồi vi khuẩn đó phát triển trong quá trình bảo quản lâu dài và sinh ra độc tố và khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã gây hại. “Trong môi trường sản xuất đó có vi khuẩn, khi sản xuất lại thanh trùng sản phẩm không cẩn thận, vì vậy khi bảo quản và tiêu dùng thì vi khuẩn sinh sôi phát triển và sinh ra độc tố. Loại vi khuẩn này phát triển trong môi trường giàu protein, có trong nhiều loại sản phẩm không chỉ sản phẩm chay. Nếu chế biến và bảo quản tốt sẽ không có. Nếu sản phẩm bị nhiễm vi khuẩn rồi có thể sinh ra độc tố mạnh, nếu nồng độ mạnh có thể gây chết người ngay lập tức, nồng độ thấp thì sẽ gây ngộ độc. Vì vậy, khâu chế biến và bảo quản của sản phẩm này không tốt, rất đáng báo động”- PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím), phân tích: Clostridium botulinum là vi khuẩn yếm khí bắt buộc (anaerobic), chúng chỉ sống & phát triển trong môi trường không có ôxy. Loại vi khuẩn này có thể tạo bào tử (trạng thái tiềm sinh, dạng ngủ), ở trạng thái này chúng có khả năng chống chịu tốt để tồn tại trong những điều kiện không thuận lợi cho chúng như nhiệt độ cao, môi trường có nhiều ôxy… |
Lao Động