Ông già Khốttabít – Tác giả: Lazar Lagin

0
2920

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

 
CHƯƠNG 52 – ƯỚC MƠ VỀ TÀU “LAĐÔGA”
 
Đến đây, tôi thấy cần phải lùi lại một chút để kể tại sao ba người bạn của chúng ta lại có mặt trên tàu “Lađôga”.

-Quảng Cáo-

Bạn đọc hẳn chưa quên chuyện Vônca do lỗi của mình là chính (không được trông mong vào việc nhắc bài!) nên đã thi trượt môn địa lý một cách thảm hại. Sự việc như thế thì khó mà quên được. Dĩ nhiên, Vônca cũng vẫn còn nhớ và cu cậu đã chuẩn bị cẩn thận để thi lại. Nó quyết định thế nào cũng phải thi được điểm “5”.

Nhưng mặc dù Vônca có nguyện vọng hết sức chân thành là cố chuẩn bị thi lại sao cho thật tốt, song việc đó hoàn toàn chẳng đơn giản chút nào. Ông Khốttabít đã ngăn cản. Chính Vônca đã không dám nói cho ông già biết những hậu quả thực sự mà việc nhắc bài nguy hại của ông đã gây ra. Vì thế, bây giờ cũng phải giấu cả việc Vônca cần chuẩn bị thi lại. Vônca sợ ông Khốttabít sẽ trừng phạt các giáo viên, trước hết là cô Vácvara về việc Vônca thi trượt.

Đúng vào hôm trận đấu bóng đá giữa đội “Saiba” và đội “Dubilô” kết thúc một cách kỳ quái, đã xảy ra một chuyện hết sức bực mình.

Hôm ấy, ông Khốttabít lòng đầy hối hận về việc mình đã làm Vônca buồn phiền ở sân vận động, nên ông không rời Vônca nửa bước, cố tìm mọi cách lấy lòng cậu bé, hết lời khen ngợi nó và luôn luôn đưa ra những đề nghị hấp dẫn nhất. Mãi đến 11 giờ đêm, Vônca mới có thể cầm được cuốn sách giáo khoa.

– Hỡi cậu Vônca, xin phép cậu cho ta đi ngủ, bởi vì ta buồn ngủ quá rồi. – Cuối cùng, ông Khốttabít vừa ngáp vừa nói và chui vào chỗ quen thuộc của mình ơ dưới gầm giường.

– Ông Khốttabít, chúc ông ngủ ngon và có nhiều giấc mơ đẹp! – Vônca đáp, ngồi vào bàn và ngó về chiếc giường của mình với vẻ tiếc rẻ thực sự.

Nó mệt phờ và rất muốn đánh một giấc năm trăm, sáu trăm phút theo cách nói của nó. Nhưng cần phải học và Vônca đành gắng gượng chăm chú vào cuốn sách giáo khoa.

Than ôi, tiếng sột soạt của các trang sách đã làm cho ông thần đang thiu thiu ngủ phải chú ý. Từ dưới gầm giường, ông thò bộ râu xồm xoàm của mình ra và hỏi với giọng ngái ngủ:

– Khuya lắm rồi mà sao cậu vẫn chưa đi nằm, hỡi cái sân vận động của tâm hồn ta?

– Chẳng hiểu sao cháu không ngủ được, ông ạ. – Vônca nói dối. – Cháu bị bệnh mất ngủ.

– Chậc chậc chậc! – Ông Khốttabít chậc lưỡi thông cảm. – Thật là đáng tiếc! Mới tí tuổi đầu như cậu mà đã bị bệnh mất ngủ thì thật là nguy. Nhưng cậu chớ lo, bởi vì đối với ta, chẳng có việc gì là không làm được.

Ông liền rút mấy sợi râu, thổi phù phù vào những sợi râu ấy, rồi lẩm nhẩm một câu gì đó, thế là Vônca đã lập tức gục đầu xuống bàn ngủ khì, chẳng kịp phản đối sự giúp đỡ không phải lúc và không cần thiết của ông Khốttabít.

– Đội ơn đức Ala, vậy là mọi việc đều ổn! – Ông Khốttabít chui ra khỏi gầm giường và lẩm bẩm. – Cậu bé sẽ ngủ một mạch cho tói tận bữa ăn sáng.

Ông già nhẹ nhàng bế Vônca đang ngủ lên, thận trọng đặt nó xuống giường, đắp chăn và vừa hả hê lầm bầm ề à, vừa chui vào gầm giường.

Suốt cả đêm, ánh sáng của bóng đèn điện ở trên bàn đã rọi một cách vô ích xuống cuốn sách giáo khoa địa lý mở ra trơ trọi ở trang thứ 11…

Các bạn có thể hình dung Vônca đã phải vất vả như thế nào và phải giở bao nhiêu mánh khóe để có thể chuẩn bị thi lại một cách chu đáo! Đó chính là cái lý do quan trọng đã khiến Vônca cùng với ông Khốttabít và Giênia phải bay từ Ghêrôna về lại Mátxcơva, chứ không phải bay ra bờ Đại Tây Dương.

Nhưng hóa ra việc chuẩn bị tốt để thi lại mới chỉ là phân nửa công việc. Còn phải nghĩ cách làm sao thoát khỏi ông Khốttabít một khoảng thời gian cần thiết để đi thi lại.

Kể đến đây, tác giả cuốn truyện trung thực này thấy cần thiết phải báo cho các bạn đọc biết rằng đúng vào chiều hôm trước, máy điện thoại đã được chuyển từ phòng làm việc của bố Vônca ra phòng ngoài để mọi người tiện sử dụng.

Sự việc đó mới xem qua thì tưởng chừng không đáng kể, nhưng các bạn đọc chúng ta sẽ thấy rõ ngay bây giờ bất thình lình, nó đã dẫn đến một bước ngoặt quan trọng trong tâm trạng và những hoài bão của ông Khốttabít.

Số là lúc Vônca đang lo lắng nghĩ cách làm sao chuồn ra khỏi nhà mà ông Khốttabít không hay biết thì ở phòng ngoài, chuông điện thoại réo lên. Giênia gọi đến.

– Mình nghe đây! – Vônca nói. – Chào cậu… ừ, hôm nay. Đúng 12… Ông ấy vẫn còn ngủ. Sao?… Ồ, hoàn toàn khỏe mạnh. Nói chung, ông ấy là một ông già rất khỏe mạnh… Sao? Chưa, vẫn chưa nghĩ ra cách nào cả… Sao? Cậu điên mất rồi! Ông ấy sẽ buồn bực ghê gớm và bày ra những trò mà cậu có sống đến 300 tuổi cũng không hiểu ra nổi đâu… Thế có nghĩa là cậu sẽ đến mình lúc 10 giờ rưỡi? Chào cậu!

Từ cửa phòng Vônca, ông Khốttabít thò đầu ra. Ông thì thầm với vẻ trách móc:

– Hỡi cậu Khốttabít, tại sao cậu lại nói chuyện với cậu Giênia con trai của Côlia, người bạn tốt nhất của cậu và của ta, ở phòng ngoài? Như thế là bất lịch sự. Ví thử cậu mời cậu ấy vào phòng mình thì chẳng tốt hơn sao?

– Làm sao cậu ấy vào đây được trong khi lúc này cậu ấy vẫn còn ở nhà cậu ấy ạ?

Ông Khốttabít bực tức:

– Ta không hiểu tại sao cậu lài nỡ chế giễu một ông thần già rất yêu mến cậu! Đôi tai của ta chưa bao giờ đánh lừa ta cả. Chính ta vừa nghe cậu nói chuyện với cậu Giênia đấy thôi.

– Cháu nói chuyện với cậu ấy qua điện thoại, ông không hiểu hay sao? Qua – điện – thoại! Chao ôi, khốn khổ thân cháu! Thế mà cũng đòi bực tức! Ông đi ra đây với cháu, cháu sẽ chỉ cho ông rõ mọi chuyện ngay bây giờ.

Hai ông cháu bước ra phòng ngoài.

Vônca nhấc ống nghe, nhanh chóng quay con số quen thuộc và nói:

– Xin bác làm ơn gọi Giênia cho cháu.

Sau đó nó đưa ống nghe cho ông Khốttabít:

– Đây ông có thể nói chuyện với Giênia.

Ông Khốttabít thận trọng áp ống nghe vào tai và nở một nụ cười bối rối:

– Cậu đấy ư, hỡi cậu Giênia may mắn con trai của Côlia? Cậu bây giờ đang ở đâu?… Ở nhà à? Thế mà ta lại ngỡ rằng cậu đang ngồi trong cái ống đen mà ta cầm bên tai mình. Đúng, cậu đã không lầm, đây chính là ta, Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốt táp, người bạn trung thành của cậu… Cậu sắp đi đến đây à? Vậy thì xin chúc cậu đi đường bình an?…

Mặt tươi roi rói vì thích thú, ông Khốttabít trả lại ống nghe cho Vônca đang tủm tỉm cười.

– Lạ thật! – Ông già kêu lên. – Ta đã nói chuyện, thậm chí không cần cất cao giọng, với cậu Giênia ở cách ta hai giờ đi bộ!

Lúc quay về phòng Vônca, ông Khốttabít đưa mắt nhìn quanh với vẻ ranh mãnh rồi búng các ngón tay trái toanh toách, thế là ở trên tường, bên trên bể nuôi cá, lập tức xuất hiện một cái máy điện thoại y hệt cái máy treo ở phòng ngoài.

– Bây giờ, cậu có thể tha hồ nói chuyện với các bạn mà không phải rời khỏi phòng mình.

– Cảm ơn ông! – Vônca xúc động nói rồi nhấc ống nghe, áp vào tai và lắng nghe một hồi lâu mà chẳng nghe thấy một tiếng “tút tút” nào cả.

– Alô! Alô! – Vônca gào lên.

Nó hết lắc rồi lại thổi vào ống nghe. Tiếng “tút tút” vẫn chẳng thấy.

– Máy hỏng rồi, ông ơi! – Vônca nói với ông Khốttabít. – Bây giờ, cháu sẽ mở nắp ra xem bên trong có sao không.

Nhưng dù Vônca cố gắng hết sức, vẫn chẳng thể nào mở hộp máy ra được.

– Cái máy này được làm bằng nguyên cả cục cẩm thạch đen loại nhất! – Ông Khốttabít nói với vẻ hãnh diện.

– Thế có nghĩa trên trong đó chẳng có gì cả? – Vônca thất vọng hỏi.

– Chẳng lẽ bên trong cái máy này cũng phải có một cái gì sao? – Ông già băn khoăn. – Cũng như trong đồng hồ ấy à?

– Ồ bây giờ thì cháu mới hiểu tại sao cái máy điện thoại này lại không làm việc được… – Vônca nói. – Ông chỉ làm được mô hình máy điện thoại thôi, còn bên trong thì chẳng có tất cả những thứ cần thiết. Mà bên trong máy mới là cái quan trọng nhất.

– Vậy ở bên trong ấy cần phải có những gì? Một cái ruột đặc biệt chăng? Một cái ruột như ở trong đồng hồ chứ gì? Phải có đủ thứ bánh xe nhỏ? Cậu hãy giải thích đi, ta sẽ làm ngay lập tức tất cả những thứ cần thiết cho mà xem.

– Không phải như ở trong đồng hồ đâu, mà hoàn toàn khác. Nhưng không thể giải thích chuyện đó một cách dễ dàng được. – Vônca nói với vẻ quan trọng. – Để hiểu chuyện đó trước hết phải học về điện, ông ạ.

– Vậy cậu hãy dạy ta về cái mà cậu gọi là điện ấy đi!

– Để hiểu về điện, – Vônca hào hứng, – Để hiểu về điện, trước đó phải học số học, đại số, hình học, lượng giác, vẽ kỹ thuật và nhiều môn khoa học khác nữa.

– Vậy thì cậu hãy dạy ta cả các môn khoa học đó.

– Cháu… cháu… cháu vẫn chưa biết hết những môn khoa học đó. – Vônca thú nhận.

– Vậy cậu hãy dạy ta những gì mà cậu đã biết.

– Muốn thế, cần phải có nhiều thời gian, ông ạ.

– Dù thế nào ta cũng đồng ý. – Ông Khốttabít trả lời dứt khoát. – Cậu hãy trả lời ngay, đừng làm tình làm tội ta nữa, cậu có chịu dạy ta các môn khoa học có thể đem lại cho mỗi con người cái sức mạnh kỳ diệu đến thế không?

– Với điều kiện ông phải làm bài cẩn thận! – Vônca nghiêm nghị đáp. – Thôi, bây giờ ông hãy đọc báo đi, cháu phải chạy lại đằng này có chút việc.

Cậu bé giúi vào tay ông Khốttabít số báo Sự thật thiếu niên tiền phong mới phát hành và đi đến trường.

Ngôi trường xám nhạt trở nên yên tĩnh, vắng vẻ lạ thường. Chỉ có thầy hiệu trưởng, thầy trưởng phòng giáo vụ và cô Vácvara đang chuyện trò gì đó trong phòng làm việc ở lầu một, còn ở trên đấy hai lầu thì rộn lên tiếng nói vui vẻ của những người thợ quét vôi và thợ trát nữa: việc tu sửa trường lớp đã bắt đầu.

– Đồng chí Vácvara Xtêpanốpna thân mến, biết nói gì với đồng chí đây? – Thầy hiệu trưởng mỉm cười. – Một chuyến đi nghỉ phép như vậy thì ai cũng phải thèm. Đồng chí đi có lâu không?

– Hình như một tháng hay gần một tháng.

Vônca mừng rỡ, vì thế là ít ra trong vòng một tháng, cô Vácvara sẽ tránh được mối nguy là bị ông Khốttabít tình cờ bắt gặp. Chà, mong sao cô ra đi cho sớm!

– A-a-a, chào cái vòm trời phalê! – Thầy hiệu trưởng chào đùa Vônca. – Thế nào, em bình phục rồi chứ?

– Thưa thầy Paven Vaxiliêvích, em bình phục rồi ạ. Em hoàn toàn khỏe mạnh.

– Thế thì hay lắm! Em đã ôn thi xong chưa?

– Xong rồi ạ, thưa thầy Paven Vaxiliêvích!

– Thôi được, nếu vậy thì chúng ta bắt đầu cuộc thi vấn đáp nào.

Hai thầy trò đã vấn đáp về toàn bộ chương trình địa lý lớp 6. Nếu như Vônca bấm được giờ, nó sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng cuộc thi vấn đáp đã kéo dài gần 20 phút. Nhưng nó chẳng có thì giờ xem đồng hồ. Vônca cảm thấy thầy hiệu trưởng hỏi nó không được kỹ cho lắm. Nó muốn mỗi câu hỏi phải trả lời năm, mười phút kia. Nó đang có cái cảm giác vừa mệt mỏi lại vừa sung sướng của một học sinh thuộc làu làu môn học, và nó sợ nhất là ban giám khảo không nhận thấy điều đó. Qua nét mặt của cô Vácvara, nó đã thấy từ lâu rằng cô hài lòng với những câu trả lời của nó. Tuy nhiên, lúc cuối cùng thầy Paven nói: “Giỏi lắm! Bây giờ mới rõ là các thầy cô đã chẳng uổng công dạy dỗ em”, Vônca vẫn cảm thấy cái lành lạnh dễ chịu chạy khắp cơ thể, còn trên bộ mặt đầy tàn nhang của nó vẫn tự nhiên nở một nụ cười tươi tới mức cả thầy hiệu trưởng, thầy trưởng phòng giáo vụ và cô giáo địa lý cũng đều cười theo. Thầy trưởng phòng giáo vụ nói:

– Đúng, chúng ta có thể thấy ngay rằng Côxtưncốp đã học hành nghiêm chỉnh, theo đúng phong cách của một đội viên thiếu niên tiền phong.

Ôi nếu như thầy hiệu trưởng, cô Vácvara và thầy trưởng phòng giáo vụ biết được Vônca đã phải chuẩn bị cho cuộc thi vấn đáp này trong hoàn cảnh khó khăn chưa từng thấy ra sao! Nó phải tìm đủ mưu mẹo lẩn trốn ông Khốttabít như thế nào để có thể yên ổn ngồi cầm cuốn sách giáo khoa địa lý! Suốt thời gian đó, nó phải vượt qua những trở ngại khó khăn kỳ lạ ra sao mà ông Khốttabít đã gây ra cho nó trong khi chính ông cũng không hay biết về chuyện ấy! Nếu họ biết được như vậy thì sự trân trọng của họ đối với những thành công mà Côxtuncốp đạt được sẽ tăng lên biết chừng nào!

Vônca muốn khoe cả những thành công sư phạm của mình (không phải người nào cũng có thể khoe là đã dạy được một ông thần biết chữ), nhưng nó dã kịp thời kìm lại.

Thầy Paven trịnh trọng nói:

– Nào, Côxtưncốp, thầy chúc mừng em được lên lớp 7! Em hãy nghỉ ngơi cho đến tháng 9. Hãy bồi bổ sức lực. Chúc em mạnh khỏe!

– Cám ơn thầy Paven Vaxiliêvích! – Vônca trả lời nghiêm chỉnh như một học sinh lớp 7 cần phải trả lời. – Chào cô Vácvara Xtêpanốpna ạ? Chào thầy Xécgây Xêmiônôxêvích ạ!…

Lúc Vônca đi thi về, ông Khốttabít đang ngồi thoải mái dưới bóng cây sồi to lớn và đang đọc làu làu cho Giênia nghe báo Sự thật thiếu niên tiền phong.

– Mình thi xong rồi! Được điểm “5”! – Vônca thì thào báo tin cho cậu bạn của mình, và nằm xuống bên cạnh ông Khốttabít. Cùng một lúc, nó cảm thấy ít nhất là ba niềm vui: thứ nhất, vì nó được nằm trong bóng mát; thứ hai, vì nó đã thi xong một cách xuất sắc; và niềm vui thứ ba, không kém phần quan trọng, mà có lẽ là niềm vui lớn nhất: nỗi tự hào của một thầy giáo đang thích thú với những thành công mà học sinh của mình (1) đã đạt được.

Trong khi đó, ông Khốttabít (thường đọc chẳng sót mục nào trên báo) đã chuyển sang mục “Tin thể thao”. Ngay cái tin đầu tiên đã khiến cho hai cậu bạn của chúng ta phải thở dài buồn bã và ghen tị.

Ông Khốttabít đọc:

– “Trung tuần tháng 7, tàu phá băng “Lađôga”, do Cục Tham quan Trung ương thuê, sẽ rời Áckhanghenxcơ lên đường đi Bắc Cực. Sáu mươi tám người lao động xuất sắc nhất của Mátxcơva và Lêningrát sẽ sử dụng thời gian nghỉ phép của mình trong chuyến đi này. Chuyến đi hứa hẹn rất thú vị”.

– Đúng như thế đấy! – Vônca nói với giọng mơ ước. – Đi thế mới là đi chứ! Cho hết cả mọi thứ để được đi cũng chả tiếc!

– Hỡi các cậu bạn tốt nhất của ta, các cậu chỉ cần ra lệnh cho ta là các cậu có thể đi tới bất cứ nơi nào mà các cậu muốn! – Ông Khốttabít sôi nổi nói, nóng lòng muốn làm một cái gì đó để đền ơn hai thầy giáo trẻ tuổi của mình.

Nhưng thay cho câu trả lời, Vônca lại chỉ thở dài. Còn Giênia thi buồn bã giải thích cho ông già:

– Không được đâu, ông Khốttabít ạ, chúng ta chẳng lên tàu “Lađôga” được đâu! Chỉ những người nổi tiếng mới có thể hy vọng lên đấy thôi.

(1) Tức là ông Khốttabít

 
 
 
CHƯƠNG 53 – CUỘC NÁO ĐỘNG TẠI CỤC THAM QUAN TRUNG ƯƠNG
 
Ngay hôm đó, một ông già nhỏ nhắn mặc bộ quần áo tây màu trắng, đầu đội mũ cói, chân đi đôi hài màu hồng nhạt có thêu những đường chỉ vàng và bạc cầu kỳ, mũi hài vểnh lên, đã đến văn phòng Cục Tham quan Trung ương. Ông lịch sự hỏi rằng có phải ông đang được hân hạnh có mặt tại nơi làm việc của cái cơ quan cao quý vẫn thường ban cho mọi người niềm sung sướng ngây ngất của những chuyến đi du lịch hay không. Sau khi nhận được câu trả lời xác nhận của cô thư ký tỏ vẻ ngạc nhiên vì câu hỏi cầu kỳ ấy, ông già nhỏ nhắn lại lịch sự hỏi tiếp rằng bậc trượng phu đáng kính quyết định chuyến đi trên tàu phá băng “Lađôga” hiện đang ngồi làm việc ở đâu.

Người ta chỉ cho ông một nhân viên béo quay, trên bàn xếp đầy những chồng thư. Đồng thời, người ta còn nói thêm với ông già:

– Nhưng xin ông nhớ cho rằng trên tàu “Lađôga” đã hết chỗ rồi đấy.

Không hề đáp lại, ông già gật đầu cám ơn rồi lẳng lặng bước tới gần ông nhân viên béo quay, lẳng lặng cúi chào trân trọng nhưng cũng rất đường hoàng, lẳng lặng trao một cái gói cuộn tròn trong tờ giấy báo, rồi lại cúi chào và vẫn lẳng lặng quay đi. Tất cả những người chứng kiến cái cảnh ngộ nghĩnh ấy đều đưa mắt băn khoăn nhìn theo ông già. Ông nhân viên nọ mở tờ giấy báo ra và trước mắt ông là một bức thư hết sức kỳ lạ. Chẳng những Cục Tham quan Trung ương mà cả bất kỳ một cơ quan nào khác của Liên Xô cũng chưa bao giờ nhận được một bức thư như vậy. Đó là một cuộn giấy da cừu (1) màu vàng, với một con triện lớn bằng sáp màu xanh lủng lẳng trên sợi dây lụa vàng óng.

– Các đồng chí đã bao giờ thấy một bức thư như thế này chưa? – Ông nhân viên béo quay hỏi to và lập tức chạy đi báo cáo với người phụ trách trực tiếp của mình là ông trưởng phòng Tham quan đường xa. Ông này bỏ ngay tất cả những việc đang làm, cùng với nhân viên của mình chạy đi gặp chính ông giám đốc.

– Có chuyện gì vậy? – Ông giám đốc hỏi họ – Chẳng lẽ các đồng chí không thấy là tôi đang bận hay sao?

Thay câu trả lời, ông trưởng phòng lăng lặng mở cuộn giấy ra trước mặt ông giám đốc.

– Cái gì thế này? – Ông giám đốc hỏi. – Từ viện bảo tàng gởi đến hả?

– Không ạ, đây là bức thư vừa mới nhận được, thưa đồng chí Mátvây Caxianứt. – Ông trưởng phòng đáp.

– Bức thư vừa mới nhận được?! Trong thư viết gì vậy? Này, các đồng chí có biết không, tôi đã từng gặp đủ thứ chuyện, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được một bức thư như thế này! – Ông giám đốc nói sau khi xem qua nội dung bức thư viết trên giấy da cừu. – Có lẽ một lão điên nào đó đã viết thư này.

– Thưa đồng chí Mátvây Caxianứt, nếu người viết là một lão điên thì dù thế nào đi nữa, đó cũng là một người thích sưu tầm những vật hiếm có! – Ông trưởng phòng tham quan đường xa đáp lại. – Đồng chí cứ thử kiếm giấy da cừu xem có được không đã.

– Không, các đồng chí hãy nghe xem ở đây lão ta viết những gì! – Ông Mátvây nói tiếp, ông quên mất rằng hai người đang ngồi nói chuyện với ông đã xem bức thư này trước ông ta. – Đúng là những lời mê sảng! “Gửi ngài giám đốc kính mến của cái cơ quan vẫn thường ban cho mọi người niềm vui, gửi ngài trưởng phòng Tham quan đường xa liêm khiết học rộng, cầu cho tên ngài được lừng lẫy trong số những vị trưởng phòng đáng kính nhất và hào hiệp nhất!” – Ông Mátvây đọc và nháy mắt cho ông trưởng phòng – Thư này chủ yếu là gửi cho đồng chí đấy, Ivan Ivanứt ạ!

Ông Ivan bối rối “hừm” một tràng. Trong khi đó, ông Mátvây lại đọc tiếp:

“Tôi, Gátxan Ápđurắcman, một vị thần hùng mạnh, một vị thần vĩ đại, nhờ sức lực và sự hùng mạnh của mình đã lừng danh ở Bátđa và Đamát, ở Babilon và Xumia, con trai của Khốttáp, chúa tể vĩ đại của các hung thần, hậu sinh của vương quốc vĩnh cửu mà triều đại được tôn kính thuộc về Xalômông con trai của Đavít (cầu chúc cả hai vị đều bình an!) và quyền bá chủ của vương quốc này đã đẹp lòng hai vị.

Đức Ala vui mừng trước những hành vi tốt đẹp của tôi và đã cảm tạ tôi, Gátxan Ápđurắcman, một vị thần luôn luôn tôn thờ Đức Ala. Tất cả các vua chúa ngồi trong những tòa lâu đài ở khắp thế gian, từ Thượng Hải đến Hạ Hải, và các vua chúa phương Tây sống trong những nhà lầu tất cả đều cùng nhau mang nộp vô vàn cống vật cho tôi và đến hôn chân tôi tại Bátđa.

Hỡi ngài trưởng phòng đáng kính nhất trong tất cả các trưởng phòng, tôi được biết con tàu chạy không cần buồm có tên là “Lađôga” sắp khởi hành từ thành phô Áckhanghenxcơ và trên con tàu này, những người nổi tiếng ở các thành phố khác nhau sẽ thực hiện một cuộc du ngoạn giải trí. Tôi rất mong là trong số những người nổi tiếng đó sẽ có cả hai người bạn trẻ tuổi của tôi, những mặt tốt của hai người ấy nhiều tới mức mà ngay bảng liệt kê vắn tắt những mặt tốt đó cũng không thể viết hết trong cuộn giấy này.

Than ôi, tôi vẫn chưa được biết sự nổi tiếng của một người đòi hỏi phải lớn đến chừng nào để người đó có thế được hưởng quyền du ngoạn tuyệt vời nọ. Nhưng cho dù những đòi hỏi ấy có cao đến mấy đi chăng nữa thì hai người bạn của tôi vẫn có thể thỏa mãn được hoàn toàn và thậm chí còn thừa thãi nữa là đằng khác, bởi vì tôi có thể làm cho họ trở thành những ông hoàng hoặc những giáo chủ, những ông vua hoặc những xuntan, những người nổi tiếng nhất trong tất cả những người nổi tiếng, những người giàu có nhất trong tất cả những người giàu có, những người hùng mạnh nhất trong tất cả những người hùng mạnh.

Cúi rạp bốn mươi chín lần xuống sát bàn chân ngài, tôi xin gửi lời chào tới ngài, hỡi ngài trưởng phòng sáng suốt, và yêu cầu ngài báo cho biết lúc tôi cùng hai người bạn trẻ tuổi của mình có thể lên con tàu nói trên, cầu cho con tàu tránh khỏi những cơn bão tố và những tai nạn trên con đường xa xôi và nguy hiểm của nó!

Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp, vị thần hùng mạnh, ký tên”.

Dưới cùng, có ghi địa chỉ của Vônca Côxtưncốp để trả lời.

– Đúng là những lời mê sảng – Ông Mátvây kết luận và cuốn cuộn giấy lại. – Những lời mê sảng của một lão điên. Thôi, xếp vào hồ sơ lưu cho xong chuyện.

– Dẫu sao thì trả lời vẫn tốt hơn. Nếu không thì ông già loạn óc này sẽ đến gặp chúng ta mỗi ngày 5 lần để hỏi xem thư yêu cầu của ông ta được giải quyết ra sao. Chúng ta sẽ chẳng làm việc được đâu, tôi xin cam đoan với đồng chí như vậy? – Ông Ivan phản đối và mấy phút sau, ông đã đích thân đọc cho cô thư ký đánh máy bức thư trả lời.

(1) Một loại giấy viết làm bằng da cừu, có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên

 
 
 
CHƯƠNG 54 – AI LÀ NGƯỜI NỔI TIẾNG NHẤT?
 
Dĩ nhiên là ông Khốttabít đã hành động thiếu thận trọng khi cho địa chỉ của Vônca để Cục Tham quan Trung ương viết thư trả lời. Việc Vônca gặp bác đưa thư ở cầu thang chỉ là hoàn toàn tình cờ thôi. Nếu không có cuộc gặp gỡ may mắn ấy thì sẽ ra sao? Lúc bấy giờ, bức thư của Cục Tham quan Trung ương sẽ rơi vào tay bố mẹ Vônca và bố mẹ sẽ bắt đầu gạn hỏi, thế là sẽ đẻ ra đủ thứ chuyện rắc rối mà mới chỉ nghĩ đến thôi đã thấy ớn rồi.

Vônca chẳng mấy khi nhận được thư gửi đích danh mình. Cả đời, hình như nó chỉ nhận có ba, bốn bức thư gì đó. Vì vậy lúc Vônca được bác đưa thư cho biết là có một bức thư đề tên nó, Vônca rất lấy làm ngạc nhiên. Sau khi thấy trên phong bì con dấu của Cục Tham quan Trung ương, nó ngớ cả người. Vônca xem kỹ cả hai mặt phong bì, thậm chí chẳng hiểu sao còn đưa lên mũi ngửi nữa, nhưng nó chỉ cảm thấy mùi ngòn ngọt của gôm Arập. Sau đó, bằng hai bàn tay run run, nó bóc phong bì ra và đọc đi đọc lại mấy lần mà chẳng hiểu gì cả bức thư trả lời ngắn gọn nhưng lịch sự của ông Ivan Ivanứt:

“Ngài G. Ápđurắcman vô cùng kính mến!

Chúng tôi rất lấy làm tiếc là Ngài đã gửi thư yêu cầu khá muộn. Tất cả các chỗ trên tàu “Lađôga” đều đã bán hết.

Xin gửi lời chào tới các ông hoàng và các giáo chủ của Ngài.

Trưởng phòng tham quan đường xa

I. ĐÔMÔXÊĐỐP”

“Chẳng lẽ ông già đã chạy vạy để người ta nhận mình và Giênia lên tàu “Lađôga”?”, Vônca cuối cùng đã đoán ra và cảm thấy xúc động, “Một ông già tuyệt vời làm sao! Chỉ không hiểu đồng chí Đômôxêđốp chuyển lời chào đến các ông hoàng và các giáo chủ nào. Tuy nhiên, ta sẽ biết ngay bây giờ thôi”.

– Ông Khốttabít ơi, ông Khốttabít! – Vônca gọi khi nó đã ra tới sông – Cháu muốn hỏi ông cái này một chút!

Ông già đang thiu thiu ngủ dưới bóng mát của cây sồi cành lá lòa xòa, nghe thấy tiếng gọi của Vônca, liền giật mình nhỏm ngay dậy và chạy lập cập theo kiểu người già về phía Vônca.

– Ta ở đây, hỡi cậu thủ môn của tâm hồn ta! – Ông Khốttabít vừa nói vừa thở hổn hển. – Ta đang chờ đợi các lệnh của cậu.

– Ông hãy nhận đi: ông đã viết thư cho Cục Tham quan Trung ương phải không?

– Phải, ta đã viết. Ta muốn dành cho cậu một món quà bất ngờ. – Ông Khốttabít ngượng nghịu. – Mà sao, chẳng lẽ đã có thư trả lời rồi?

– Dĩ nhiên là đã có! Thư đây! – Vônca đáp và chìa bức thư cho ông già.

Ông Khốttabít giật tờ giấy trên tay Vônca, đọc chậm từng chữ bức thư trả lời khéo léo của ông Ivan, mặt lập tức đỏ bừng, người run rẩy, hai mắt đỏ ngầu, rồi ông già nổi khùng giật mạnh cổ áo thêu ở chiếc sơmi Ucraina của mình..

– Xin cậu thứ lỗi cho ta! – Ông nói khàn khàn. – Xin cậu thứ lỗi cho ta! Ta phải xa cậu trong vài phút để đi trừng phạt một cách đích đáng cái tên Đômôxêđốp đáng khinh ấy. Ồ, ta biết là ta sẽ làm gì hắn. Ta sẽ giết hắn! Mà không, ta sẽ không giết hắn, bởi vì hắn chẳng đáng được hưởng cái hình phạt nhân từ ấy. Tốt hơn hết là ta sẽ biến hắn thành một cái giẻ bẩn để mọi ngươi chùi giày lắm bùn trước khi vào nhà trong những ngày tối trời mùa thu. Mà không! Không, trừng phạt hắn về cái tội dám láo xược từ chối như vậy thì còn quá nhẹ…

Nói rồi, ông già lao vút lên không. Nhưng Vônca đã hét lên:

– Quay lại! Quay lại ngay!

Ông già nghe lời quay trở lại, tức tối cau đôi lông mày rậm bạc trắng.

– Ông ghê gớm thật! – Vônca trách móc ông Khốttabít vì nó rất lo cho ông trưởng phòng tham quan đường xa. – Ông điên rồi hay sao? Chẳng lẽ ông ấy lại có lỗi trong việc không còn chỗ nữa. Con tàu ấy có phải làm bằng cao su đâu?… Nhân tiện xin hỏi, trong thư trả lời, đồng chí Đômôxêđốp nói đến các ông hoàng và các giáo chủ nào vậy?

– Nói đến cậu đấy, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa, nói đến cậu và cậu bạn của chúng ta là Giênia con trai của Côlia, cầu cho Đức Ala kéo dài tuổi thọ của hai cậu! Ta đã viết cho cái lão trưởng phòng tồi tệ nhất trong tất cả các trưởng phòng ấy biết rằng sự nổi tiếng của các cậu thì chẳng thành vấn đề, bởi vì cho dù các hành khách trên tàu “Lađôga” có nổi tiếng mấy đi chăng nữa thì ta vẫn có thể làm cho các cậu, hai người bạn thân thiết của ta, còn nổi tiếng hơn cả họ. Ta đã viết cho cái lão Đômôxêđốp ngu đần ấy – cầu cho Đức Ala đừng ngó ngàng đến hắn; – rằng hắn đã có thể coi hai cậu là các giáo chủ, các ông vua hoặc các ông hoàng.

Mặc dù không khí căng thẳng, Vônca vẫn không thể nhịn được cười. Nó cười ha hả và cười to đến mức mấy con quạ rất đạo mạo đậu trên cành cây gần đó phải kêu quàng quạc rồi bay đi chỗ khác.

– Ái chà chà! Thế có nghĩa cháu là một ông hoàng? – Vônca cười vỡ bụng.

– Xin thú thật là ta không hiểu tại sao cậu lại cười! – Ông Khốttabít trả lời với vẻ bực mình. – Nhưng nếu nói cho đúng ra thì ta đã nhắm cái chức ông hoàng cho cậu Giênia. Còn cậu thì ta thấy xứng với cái chức xuntan (1).

– Ối, cháu cười vỡ bụng mất thôi! Trời ơi, cháu cười vỡ bụng mất thôi! Thế có nghĩa Gienca là ông hoàng, còn cháu là xuntan? Không, lạ thật, sao ông lại có thể mù tịt về chính trị đến thế nhỉ? – Vônca cuối cùng thôi cười và lấy làm hoảng sợ. – Hiểu những người nổi tiếng là ông hoàng và ông vua thì thật là hết chỗ nói!

– Than ôi, hình như cậu điên mất rồi! – Ông Khốttabít lo lắng nhìn người bạn trẻ tuổi đang nói chuyện với mình. – Theo như chỗ ta hiểu thi cậu cho rằng ngay cả xuntan cũng chưa được nổi tiếng cho lắm. Vậy thì theo cậu, ai là người nổi tiếng nào? Cậu hãy nêu cho ta, dù chi là một cái tên thôi.

– Thiếu gì người! Đồng chí Chútkích, hay là đồng chí Lunin hay là đồng chí Côgiêdúp, hay là nữ đồng chí Pasa Anghêlina…

– Ông Chútkích ấy của cậu là ai vậy? Một xuntan chăng?

– Còn cao hơn thế nữa, ông ơi! Đồng chí Chútkích là một trong số những công nhân xuất sắc nhất nước của ngành công nghiệp dệt dạ.

– Còn ông Lunin?

– Đồng chí Lunin là công nhân lái xe lửa xuất sắc nhất.

– Còn ông Côgiêđúp?

– Đó là một trong những phi công xuất sắc nhất.

– Còn bà Pasa Anghêlina là vợ của ông nào mà cậu cho là nổi tiếng hơn cả các giáo chủ và các ông vua?

– Cô ấy nổi tiếng là do chính cô ấy, chứ không phải do chồng. Cô ấy là một người lái máy kéo lừng danh!

– Này, cậu có biết không, hỡi cậu Vônca quý báu, ta đã già lắm rồi nên không thể cho phép cậu chế giễu ta như vậy được. Cậu muốn thuyết phục ta rằng một gã dệt dạ hay một gã lái tàu tầm thường mà lại nổi tiếng hơn cả vua ư?

– Thứ nhất, đồng chí Chútkích không phải là một người dệt dạ bình thường, mà là một người cải tiến sản xuất nổi tiếng của cả ngành công nghiệp dệt, còn đồng chí Lunin là một công nhân lái xe lửa lừng danh. Thứ hai, ngay cả một người lao động bình thường nhất ở nước chúng cháu cũng được kính trọng hơn cả một ông vua lừng danh nhất. Ông không tin à? Đây, ông hãy đọc tờ báo này mà xem.

Vônca chìa cho ông Khốttabít tờ báo và ông già đã thấy rõ tận mắt: bên trên 10 tấm ảnh những người thợ nguội, kỹ sư nông học, phi công, nông trang viên, thợ dệt, giáo viên và thợ mộc có in một hàng chữ lớn: “Những người nổi tiếng của Tổ quốc chúng ta”.

Lúc bấy giờ, ông Khốttabít bèn thở dài và nói:

– Ta không bao giờ tin những lời cậu vừa nói, nếu như ta không thấy rằng những lời nói của cậu đã được xác nhận trên tờ báo mà ta rất kính trọng này. Ta van cậu, hỡi cậu Vônca, hãy giải thích cho ta rõ: tại sao ở dây, ở cái đất nước tuyệt đẹp của các cậu, mọi thứ đều không như ở các nước khác?

– Cháu xin giải thích cho ông rõ ngay bây giờ! – Vônca sẵn lòng đáp và sau khi ngồi thoải mái bên bờ sông, nó đã tự hào giải thích một hồi lâu cho ông Khốttabít hiểu về bản chất của chế độ Xôviết.

Có lẽ chẳng cần thuật lại nội dung cuộc nói chuyện kéo dài khá lâu ấy, bởi vì chắc chắn là bất cứ một bạn thiếu nhi nào đang đọc cuốn truyện này mà ở vào địa vị của Vônca cũng có thể nói với ông Khốttabít những gì mà Vônca đã nói.

– Tất cả những điều cậu vừa nói mới khôn ngoan làm sao và mới cao quý biết chừng nào! Sau khi nghe cậu nói, bất cứ người nào trung thực và có tấm lòng công minh cũng phải suy nghĩ… – Ông Khốttabít chân thành nói lúc kết thúc buổi học chính trị thường thức đầu tiên trong đời ông.

Suy nghĩ một lát, ông sôi nổi nói thêm:

– Như vậy thì ta lại càng mong muốn lo liệu cho cậu và cậu bạn của chúng ta được tham gia chuyến du ngoạn trên tàu “Lađôga”! Ta sẽ làm được việc đó! Cậu cứ tin ở ta!

– Nhưng xin ông không được làm náo động đấy nhé! – Vônca dặn trước. – Và không được lừa dối. Tức là không được gian trá. Chẳng hạn, ông không được nhận xằng cháu là một học sinh xuất sắc. Cháu chỉ có ba môn được điểm “4” mà thôi.

– Những ý muốn của cậu là một đạo luật đối với ta! – Ông Khốttabít đáp và cúi rạp xuống chào.

Ông già đã thực hiện một cách trung thực lời hứa của mình. Ông không hề động ngón tay vào một người nào trong số các nhân viên Cục Tham quan Trung ương.

Ông chỉ lo liệu như thế nào đó mà lúc cả ba nhân vật chính của chúng ta lên tàu “Lađôga”, họ được đón tiếp rất chu đáo, được dành cho một buồng riêng rất tốt và chẳng ai buồn để ý đến chuyện tại sao họ lại có quyền tham gia vào cuộc du ngoạn. Ông Khốttabít đã lo liệu như thế nào đó để không một người nào trong số những hành khách vui tính và thân ái nọ đặt ra câu hỏi trên, dù chỉ một lần.

Nhưng 20 phút trước khi khởi hành, hoàn toàn bất ngờ đối với ông thuyền trưởng, 150 thùng cam, cũng ngần ấy thùng nho ngon tuyệt, 200 thùng chà là (2) và một tấn rưỡi mứt kẹo ngon nhất của phương Đông đã được chất lên tàu.

Trên mỗi thùng đều có hàng chữ: “Biếu tất cả những người tham gia chuyến du ngoạn và tất cả những thành viên của đội thủy thủ không hề biết sợ trên tàu “Lađôga” – Một người muốn giấu tên”.

Không cần phải sáng trí lắm cũng đoán được rằng đó là những món quà của ông Khốttabít. Ông không muốn để ông và hai cậu bạn của ông tham gia vào chuyến du ngoạn trên tàu “Lađôga” mà chẳng đóng góp gì.

Và quả vậy các bạn hãy hỏi bất cứ người nào đã từng tham gia chuyến du ngoạn trên tàu “Lađôga”, các bạn sẽ biết rằng cho đến nay, mọi người vẫn rất vui mừng nhớ lại “Người muốn giấu tên” ấy. Những món quà của ông đều hợp với khẩu vị của mọi người.

Thế là bây giờ, lúc bạn đọc đã biết tương đối tỉ mỉ tại sao ba người bạn của chúng ta lại có mặt trên tàu “Lađôga”, tôi có thể yên tâm kể tiếp chuyện này.

(1) Xuntan: Tức là chức quốc vương Hồi giáo 

(2) Chà là: Loại cây xứ nóng thuộc họ dừa, quả to bằng quả thanh trà, dùng để ăn hoặc nấu rượu

 

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận