Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: Sống thật với những khát vọng

0
2401

Nhà anh ở đường Trương Quốc Dung – một phố nhỏ lặng lẽ như tách khỏi cái náo nhiệt của TP.HCM. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có sự điềm tĩnh và thoải mái trong mọi động thái, nhưng sự nhiệt thành thì không thể lẫn đâu trong giọng nói của anh.

“Đúng ra chỗ đứng của tôi là dưới đáy xã hội, nhưng tôi đã vượt lên và có chút thành đạt – thế là xong nhiệm vụ của con người. Người khác coi văn học như một nghề cao cả, như thánh đường. Tôi chỉ nghĩ : viết văn là một nghề lao động chân chính”.
 
Với Nguyễn Mạnh Tuấn cuộc đời dường như chỉ có hai màu: đen và trắng. Sự quyết liệt trong tính cách của anh và thói quen lao động hết mình, đã làm gì là làm đến kỳ cùng cũng đậm đặc trong các nhân vật của anh.
 
Nguyễn Mạnh Tuấn là một người thích nói thẳng. Nói thẳng trên trang viết và nói thẳng ngoài đời. Dường như những thăng trầm của cuộc đời anh đều gắn liền với cái sự thẳng đó. Tôi có nhiều chuyện muốn hỏi anh từ khi anh là nhà văn đầu tiên mua xe hơi ở TPHCM, đến sự anh đùng đùng xin ra khỏi Nhà nước để tự bươn chải với đời…., nhưng xuyên suốt vẫn là anh đã chứng minh một thực tế: nhà văn có tài hoàn toàn có thể sống mạnh bằng nghề.
-Quảng Cáo-

Giờ đây khi là một trong số ít nhà văn giàu nhất ở TP.HCM, hẳn là anh không hề nuối tiếc ngày làm đơn ra khỏi biên chế nhà nước, thậm chí còn cảm giác “giá như” sớm hơn?

– Tất cả đều có duyên cớ. Tôi có những lúc tự ái khi người ta bảo: nhà văn không thể sống bằng nghề. Và tôi quyết tâm chứng minh điều ngược lại, chứ hoàn toàn không phải vì bất mãn nên bỏ. Tôi đã có thời gian làm thường trú ở Nhà xuất bản Lao động trong TP.HCM, rồi trưởng phòng Biên tập ở Hãng Phim TP.HCM. Mất nhiều thời gian vào những chuyện họp hành, sự vụ cơ quan, thời gian viết teo lại. Năm 1990, tôi nghỉ. Ban đầu cấp trên giữ lại, mời tôi vào ban cố vấn của Sở VHTT nhưng tôi quyết nghỉ hẳn.

Và khi nghỉ hẳn nhà nước, lĩnh một cục tiền, tôi càng thấy quyết định của mình là sáng suốt. 30 năm lĩnh 1 triệu 8, tính ra hồi đó là 4 chỉ. Rồi tự bỏ tiền in sách (cuốn Ngoại tình), và vợ tôi đứng ra tự phát hành. Nhưng trước đó tôi đã sống khoẻ bằng ngòi bút, với những cuốn sách có lượng phát hành cao như Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển.

Thế nhưng cảm giác hụt hẫng không phải là không có. Bao năm quen, làm công dân nhà nước rồi, nay bỗng hẫng về mặt tâm lý. Ngay chuyện người của phòng điều tra dân số đến nhà, mình phải khai là phó thường dân, nghe làm sao ấy… Rồi chuyện ra khỏi biên chế Nhà nước của tôi trùng với chuyện tôi ra khỏi Hội Nhà văn VN. Hai sự kiện trùng nhau, làm nhiều người coi tôi là kiêu ngạo, bất mãn…

Trước đó, tôi như một “ngôi sao” trong văn học VN. Hồi đó, tôi đã viết vở “Ma tuý và mỗi người” không được dựng, thậm chí còn bị ghi vào sổ đen. Nay thì Idecaf đang công diễn và được khán giả khen. Nhưng tôi cũng nói thẳng: tạng mỗi người một khác, một số bắt chước tôi bỏ Nhà nước về làm ngoài thì gãy!

Sự lựa chọn khi đó của anh là dũng cảm, đó là cuộc đấu mà được ăn cả ngã về không. Ngoài chuyện tự ái ra, thì anh lấy gì làm động lực để vươn lên; bởi lẽ khi con người ta nhiều thời gian thì sự buông thả, dễ dãi cũng nhiều hơn?

– Đã chấp nhận năm ăn năm thua thì quyết tâm phải cao. Ban đầu là tự phát, về sau bị dồn vào chân tường thì quyết tâm càng cao. Qua khỏi giai đoạn tự phát đến giai đoạn sau khi tính chuyên nghiệp đã cao thì mọi sự dễ dàng hơn. Vả lại tôi đi vào nghề văn là sự bức bí của hoàn cảnh.

Ông ngoại tôi làm ở NXB Mai Lĩnh in sách của Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng. Sau giải phóng, bố tôi in lại sách của một số nhà văn trong đó có Vũ Trọng Phụng (hồi đó bị coi là nhà văn có nhiều “vấn đề”)… Thế là gia đình tôi chịu đòn búa bổ. Con cái phiêu bạt. Tôi làm thợ ở Quảng Ninh, không được thi đại học. Con người tôi cảm thấy đầy rẫy sự bức bách, nên quyết tâm viết văn để giải toả cảm xúc trong lòng và thành công đến nay.

Xuất phát từ các cụ ngày xưa đi dép mo cau, coi văn như một thứ đạo để chơi. Tôi thì coi văn là một lao động chân chính để kiếm tiền. Mơ mộng không có lỗi, nhưng đừng lấy cái nghèo làm chuẩn mực, đừng đặt nó lên tượng đài.

Vì sao anh lại phải viết kịch bản phim, dù sau này với hàng loạt kịch bản phim truyền hình hấp dẫn khán giả như Đồng tiền xương máu, Hướng nghiệp, Blouse trắng… và một số phim truyện nhựa tiêu biểu như Lưới trời chứng minh sự sắc sảo của anh, thì độc giả vẫn nhớ nhiều đến Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao tràm, rồi sau là Ngoại tình, Yêu như là sống – từng làm dậy sóng văn đàn?

– Nhiều người bảo tôi: viết phim làm gì, nó hỏng bút đi. Tôi không nghĩ thế. Không chỉ viết phim, tôi còn viết báo. Và với tôi nghề viết không có chính, phụ, tay trái, tay phải. Cái gì cũng phải làm hết mình. Một cuốn tiểu thuyết 300 trang bán được 4 triệu, trong khi một kịch bản phim nhiều tập 30-40 triệu đồng thì sao không làm? Phải sống để nuôi lấy cái hứng thú lâu dài của mình. Vả lại khi đó, sách không còn bán chạy được như trước. Nếu Đứng trước biển, Cù lao tràm đều từ 150.000 bản trở lên… thì đến “Bốn bàn tay trắng”, “Phần hồn”… số lượng đã giảm.

Anh làm gì để bứt khỏi sự ghen tỵ của đồng nghiệp, điều mà có thể nước khác cũng có nhưng ở ta nó mang tính tiểu nông nhiều hơn. Điều mà nhà văn Hoàng Ngọc Hiến bảo: nước mình nó thế!

– Đừng giao dịch với đồng nghiệp. Tôi có nhiều bạn thân, ít bạn văn. Bạn bè trong giới y học rất nhiều. Có thể vì tôi gốc gác thợ thuyền nên rất bình tĩnh. Tôi đã từng bị truy tố ra toà, bị đốt sách. Cuốn tiểu thuyết “Cù lao tràm” viết về đề tài nông nghiệp ra đời bị công kích dữ dội. Lúc mà người ta đang ca ngợi kinh tế miền Tây, vựa thóc, vựa lúa của cả nước, văn hoá óc Eo… thì “Cù lao tràm” của tôi lại như một tiếng nói phản biện (thời gian sau, những lập luận về kinh tế của tôi trong cuốn sách đã được chứng mình là đúng, nó đã mang tính dự báo). Báo Hậu Giang liên tục có các bãi phê phán Cù lao tràm; một số nhà văn, nhà nghiên cứu có bài viết phê phán tác phẩm, có bài còn vạch rõ bảy tội danh. Đặc biệt, tôi gần như bị cô lập, chỉ còn vợ là bạn, có ông bạn văn trước kia rất thân nhưng cũng trốn không gặp tôi. Thế mà Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn thành phố không có một lời nào, cử chỉ nào để bênh vực tôi. Thời gian đó chỉ trơ ra hai vợ chồng. Thế là tôi ra khỏi Hội.

Ở những năm tháng mà nhiều quan điểm xã hội còn chưa cởi mở như thế, xí nghiệp đánh cá nọ đã đề nghị khởi tố, bỏ tù Nguyễn Mạnh Tuấn. Chín tỉnh miền Tây, đặc biệt là tỉnh Hậu Giang quy kết Nguyễn Mạnh Tuấn bảy tội danh phản động, phá hoại. Cả tháng trời có hàng loạt bài báo chỉ trích, phê bình Nguyễn Mạnh Tuấn. Ấy vậy mà Xa và gần, Đứng trước biển, đặc biệt là Cù lao tràm được bán ào ào, số lượng phát hành lên đến 160.000 bản. Nguyễn Mạnh Tuấn kể rằng lúc đó ông tự in sách và tự phát hành sách ở nhà, đầu nậu đến nhà ông chung tiền lấy Cù lao tràm nườm nượp. Có người từ nghèo đã khá lên bởi bán được nhiều truyện Cù lao tràm.

Với danh tiếng và cái sự ăn nên làm ra ấy, Nguyễn Mạnh Tuấn là nhà văn Việt Nam đầu tiên mua xe hơi và mua ngay trong thời bao cấp.

Chỉ cặm cụi viết văn, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và gia đình đang sở hữu cơ ngơi, tài sản trị giá hàng triệu đôla.
 

– Khi tác phẩm Đứng trước biển ra đời thì lãnh đạo một số tỉnh có liên quan phản đối một cách dữ dội, coi là phản động. Lúc ấy tôi viết phủ nhận một xí nghiệp đánh cá vừa được phong anh hùng và nhận thấy rằng thời kỳ làm ăn bằng kinh nghiệm đã qua. Nhưng rồi mọi việc đúng như dự báo, xí nghiệp này sau đó làm ăn thua lỗ, phải giải thể.

– Rồi vụ án tôi bị bôi nhọ là phim “Tướng cướp Bạch Hải Đường”. Phim tôi viết về Bạch Hải Đường thời hiện đại. Trong khi năm 1957 ở miền Nam có một vở cải lương về Bạch Hải Đường lấy cốt truyện từ một phim Hồng Kông. Một thằng đểu ở Sài Gòn xem phim và viết lại một kịch bản khác ghi ngày tháng năm 1975 rồi phát đơn kiện tôi ăn cắp bản quyền. Các tờ báo lớn không can thiệp. Tôi bị đánh hội đồng bằng những tờ báo lá cải. Sau hai phiên toà tôi trắng án.

Anh là nhà văn viết về nhiều lĩnh vực nhất: sinh ra ở Hà Nội nhưng viết về nông thôn Nam Bộ trong Cù lao tràm, những người đánh cá trong Đứng trước biển, những người nuôi bò sữa trong Phần hồn, dân cà phê thành phố trong Yêu như là sống… với lối viết rất hiện đại…

– Cuộc sống của tôi: ba chìm bảy nổi. Tôi không đi thực tế, vì cuộc sống của tôi đã trải qua nhiều nghề, nhiều thời đoạn. Mỗi khi viết một cuốn gì, tôi đọc rất kỹ. Khi viết Cù lao tràm, tôi phải mò đọc sách về kinh tế nông nghiệp, chính sách về hợp tác hoá nông nghiệp, các khu định cư… Hay mới đây khi viết kịch bản phim lịch sử Trần Thủ Độ, tôi bỏ ra 3 triệu đồng khuân về một đống sách. Nhưng điều quan trọng là hãy sống thật với những khát vọng, lãng mạn của mình. Tôi chỉ sợ sự trùng lặp chính mình trong cách viết.

Sự lý giải của anh về trường hợp “sớm nở tối tàn” của một số cây bút trẻ từng được chờ đợi rất nhiều để rồi nhanh chóng mất hút trên văn đàn?

– Nhà văn viết về những người xung quanh mình trước rồi mới viết về mình. Còn viết về bản thân sẽ nhanh hết vốn, dù anh đắc ý. Với văn học, ba yếu tố quan trọng nhất xếp thứ tự là tư tưởng – cấu trúc – ngôn ngữ. Còn dễ nổi nhất là tung hứng ngôn ngữ và đạp đổ thần tượng. Có người hỏi tôi: sách ông sống được bao năm? Tôi bảo: tồn tại trong 3 năm đã là quá tốt. Năm thứ 4, người ta quên thì tôi viết cuốn khác.

Nguyễn Mạnh Tuấn là một người biết từ chối đúng lúc, biết đặt vòng kim cô cho mình. Những thành công mà anh gặt hái không phải là cuộc đời ưu đãi anh, mà đúng hơn là sự công bằng của cuộc đời đối với những gì anh đã phải nếm trải cả sự nhọc nhằn, nỗi cay đắng…

Khi được hỏi điều quan trọng nhất với anh trong cuộc đời? Anh đã trả lời: Giữ được nhân cách.

Nhà văn sống và làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp với tinh thần học hỏi, cầu thị

Nguyễn Mạnh Tuấn nói ông từng trải qua hơn mười cái nghề thì thấy nghề viết văn là cực khổ nhất. Mỗi năm viết vài ngàn trang khiến ông bị lao lực từ sức khỏe thể chất đến nơron thần kinh. Bản thân ông còn khổ hơn người khác vì cảm xúc ở ông nhiều và mạnh. Hai vợ chồng đi du lịch, thấy những cảnh khổ của bà con, người khác có thể chỉ mủi lòng rồi thôi, tôi thì cứ cảm thấy day dứt mãi. Tôi cũng có cái bệnh mất ăn mất ngủ vì những chuyện tiêu cực của xã hội. Những chuyện tiêu cực, những cảnh khổ như thế nếu không viết ra được có khi tôi lại nặng nề trong người. Viết được rồi thấy mình được nhẹ nhàng như trút đi gánh nặng.

Khi phim truyền hình Việt Nam vào mùa từ thập niên 1990, Nguyễn Mạnh Tuấn chuyển hẳn sang viết kịch bản phim truyền hình. Không hổ thẹn với danh tiếng văn chương của mình, ông cũng trở thành một trong những nhà biên kịch đắt giá, đắt show nhất của làng truyền hình cả nước. Ông có những kịch bản phim vừa ăn khách vừa được khen ngợi từ khán giả cho đến báo chí như Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Chuyện tình bên dòng kênh Xáng, Cô thư ký xinh đẹp, Blouse trắng, Hướng nghiệp, Nghề báo, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô… 

Ông là nhà biên kịch từ trăm triệu đến cả tỉ đồng mà các hãng phim nhà nước lẫn tư nhân chọn mặt gửi vàng… Giai đoạn này, ông còn viết nhiều kịch bản phim điện ảnh nhà nước như Lưới trời, Sinh mệnh, Tử hình, Niềm đam mê… và cả bộ phim thị trường Trúng số của Dustin Nguyễn gần đây.

Tiền tỉ từ viết lách mà có Nguyễn Mạnh Tuấn lại đưa hết cho vợ xây Trường Hoa Mai để có cơ ngơi triệu đô như hiện nay. Gia đình ông hiện đang sở hữu ngôi trường mẫu giáo Hoa Mai rộng 2.500 m2 với thang máy, hồ bơi và 25 lớp học tại Gò Vấp, TP.HCM. Ông và vợ cười tươi, nói như khoe rằng miếng đất này được mua chỉ bằng số tiền nhuận bút từ quyển tiểu thuyết Ngoại tình của ông.

Ông có cho rằng đa số phim truyền hình của VN chưa hấp dẫn bằng phim của Hàn Quốc, và ở khía cạnh truyền bá văn hóa của mình, phim truyền hình của VN càng thua xa các phim truyền hình của Hàn Quốc?

Đành rằng không phải phim Hàn Quốc nào cũng hay, phim được giới thiệu với chúng ta là những tác phẩm nổi trội nhất của họ, cũng không thể nói phim truyền hình VN toàn là phim dở, nhưng rõ ràng phim của họ đang hấp dẫn khán giả ta. Phim Hàn Quốc thể hiện một công nghệ làm phim đồng bộ, chuyên nghiệp từ khâu đào tạo diễn viên, viết kịch, quay phim… Câu chuyện phim Hàn Quốc thường dựa trên một công việc nào đó như sản xuất kinh doanh xe ô tô trong Những tay đua kiệt xuất, hay nghề y như Anh em nhà bác sĩ… để nói lên các mối quan hệ của cuộc sống, các câu chuyện thường dễ hiểu nhưng không dễ dãi và đặc biệt là không phi logic cuộc sống.

Phim Hàn Quốc với dàn diễn viên đẹp một cách thanh khiết, ăn mặc đẹp, đặc biệt là các mối quan hệ gia đình, quan hệ giữa trẻ nhỏ và người lớn tuổi… thuộc văn hóa Hàn Quốc được giới thiệu trên phim. Cảnh trong phim Hàn Quốc thường không bị đẩy lên quá, trai gái thương chỉ chạm môi nhẹ, cũng không sử dụng nhiều cảnh bạo lực. Những điều này tạo nên sức hấp dẫn văn hóa Hàn Quốc trên phim ảnh. Và như chúng ta đã biết, đấy là thời đại của văn hóa – kinh tế. Theo sau phim Hàn Quốc là hàng triệu thỏi son được bán ra. Phim VN phải bắt đầu lại từ khâu đào tạo.

Tổng hợp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận