Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp
CHƯƠNG 31 – CHUYỆN RẮC RỐI THỨ HAI Ở ĐƯỜNG TÀU ĐIỆN NGẦM
Trái với mọi dự đoán, ông Khốttabít tỏ ra rất bình tĩnh khi đi xuống bằng thang máy quay.
Ông tò mò đặt đặt chân lên cái băng chuyển động liên tục và băng này lập tức biến thành cái thang với những bậc đẹp mắt bằng kim loại. Lúc đã xuống đến dưới, ở sân ga, ông nhũn nhặn nói với hai cậu bạn đường trẻ tuổi của mình:
– Thang chuyển động là cái rất đơn giản. Hỡi cậu Vônca, nếu cậu thích, ngay hôm nay, ta sẽ biến bất cứ cầu thang nào ở khu nhà của cậu thành thang chuyển động, trong khi đó nền nhà, mái nhà và đặc biệt là cái lầu bốn mà cậu đang ở rất hạnh phúc vẫn yên ổn như thường.
– Ta sẽ bàn chuyện đó sau, – Vônca tránh trả lời trực tiếp. Nó nghi hoặc, không biết đề nghị của ông Khốttabít có đem lại được điều gì tốt lành hay không. – Cháu sẽ nghĩ xem sao.
Nhưng chẳng còn thì giờ mà suy nghĩ, bởi đúng lúc đó từ giữa đường hầm đen ngòm vọng lại tiếng xình xịch ầm ĩ của đoàn tàu đang chạy tới gần. Hai ngọn đèn pha gắn ở toa đầu lóe sáng trong bóng tối, còi tàu rú lên báo trước và đoàn tàu màu xanh lam đẹp đẽ, đèn bật sáng trưng, lăn bánh vào sân ga.
– Lên toa thứ hai! – Vônca lo âu hạ lệnh và ngay lúc đó, thì phát hiện ra rằng ông Khốttabít đã biết mất.
Vônca và Giênia hết lao qua đám đông, cất tiếng gọi lo lắng:
– Ông Khốttabít! Ông Khốttabít! Ông biến đâu rồi, ông Khốttabít?
– Ta ở đây, hỡi các cậu bạn của ta! Kẻ đầy tớ bất hạnh của các cậu đang ở đây! – Từ đâu đó trên cao vọng xuống tiếng nói buồn bã của ông già vừa biến mất.
Chẳng mấy chốc, hai cậu bé đã trông thấy ông Khốttabít. Ông toan chạy lên đường phố bằng chính cái thang máy quay vừa đưa ba ông cháu xuống sân ga tàu điện ngầm. Mọi cố gắng của ông Khốttabít đều không đem lại kết quả, bởi vì trong khi ông bước lên được mấy bước bằng đôi chân bủn rủn vì hoảng sợ thì cái băng chuyển động lại chạy xuống một quãng bằng cái quãng mà ông già vừa bước lên được (1). Thành thử ông già cất bước lia lịa mà vẫn đứng nguyên một chỗ, hệt như con sóc chạy trên bánh xe vậy.
– Ông xuống thang đi! – Vônca từ bên dưới hét lên với ông già Khốttabít.
Nhưng có lẽ ông già chẳng tài nào nghĩ được cách xuống thang ra sao, mặc dù chỉ cần quay người về phía sân ga là xuống được rồi.
Vônca đành phải chạy theo thang đi lên để rồi xuống lại nơi ông Khốttabít đang giẫm chân tại chỗ.
Chiếc vé của Vônca đã bị xé, nhưng chẳng còn thì giờ mua vé nữa vì trong thời gian xếp hàng mua vé thì ông già có thể bị kiệt hết sức.
– Em vừa ở dưới kia lên, – Vônca thở hổn hển, nói với cô soát vé! – Chị xem, ông em đang bị mắc kẹt kia kìa!
– Hẳn là ông em mới đi tàu điện ngầm lần đầu tiên? – Cô soát vé lắc đầu thông cảm và cho Vônca đi xuống với tấm vé cũ.
Vài giây sau, Vônca đã xuống tới chỗ ông Khốttabít đang bị “mắc kẹt”, xoay người ông về phía sân ga và hai ông cháu lại xuống tới dưới bình yên vô sự.
– Ông lẩn thẩn ơi, sao ông lại bỏ trốn? – Vônca hỏi ông già.
– Hỡi ông chủ của ta, ta trông thấy con quái vật có cặp mắt rực lửa, miệng rống ầm ầm từ trong lòng đất bò ra, thế là ta không thể không bỏ chạy được. Ta chẳng nhát gan đâu, nhưng cậu hãy chỉ cho ta một ông thần nào mà lại không hoảng sợ khi trông thấy cặp mắt khủng khiếp ấy?
– Thực ra thì đó có gì là lạ! – Vônca buồn bã than thở. – Chính ông đã thề với cháu là ông sẽ không sợ tàu điện ngầm kia mà!
– Không, ta không thề. Ta chỉ hứa với cậu là ta sẽ không sợ và quả thực ta không sợ ôtôbuýt, trôlâybuýt, tàu điện, ôtô vận tải, máy bay lên thẳng, xe hơi, đèn pha, máy đào, máy chữ, máy hát, loa phóng thanh, máy hút bụi, công tắc điện, bếp dầu lửa, tivi, quạt máy và đồ chơi bằng cao su “Uidi Uidi”. Còn về tàu điện ngầm thì không hề đả động đến!
Ông già nói đúng: lúc bấy giờ, Vônca đã quên mất tàu điện ngầm.
– Đó chẳng phải là quái vật quái viết gì cả, mà chỉ là một tàu điện ngầm bình thường. – Vônca giải thích cho ông Khốttabít. – Nào, ta đi thôi! Ông đừng làm cho chúng ta bị chậm trễ vì những chuyện sợ hãi vớ vẩn của ông nữa nhé!
Ba ông cháu chạy trên sân ga, đến chỗ đoàn tàu vừa tới, cố dùng cùi chỏ chen vào bên trong toa tàu. Người đông, đoàn tàu chật ních. Lúc từ xa vọng đến tiếng nói của người trưởng tàu: “Xuất phát?” – cánh cửa tự động của các toa lặng lẽ đóng lại và đoàn tàu khởi hành, bỏ rơi ông Khốttabít trên sân ga đã vắng người.
Ông già chỉ bị trễ có mỗi một giây: ông muốn ngó xem ai vừa hô hai tiếng “Xuất phát!” ấy.
—
(1) Thang máy quay hay còn gọi thang máy liên tục (Escalator) là loại thang thường dùng ở các ga tàu điện ngầm và các cửa hàng lớn để đưa người lên xuống (có thể đưa 8-11 nghìn người trong một giờ). Thang chếch 30-35 độ, có các bậc được gắn vào một băng chuyển động liên tục nhờ sự chuyển động của động cơ điện thông qua bộ truyền động. Nhờ băng này, người lên xuống chỉ cần đứng vào thang chứ không cần phải bước. Có hai thang thường đặt cạnh nhau: thang đi xuống (băng chuyển động theo chiều từ trên xuống dưới) và thang đi lên (băng chuyển động theo chiều từ dưới lên trên). Ông Khốttabít chạy nhầm lên thang đi xuống nên không sao lên được.
CHƯƠNG 32 – CHUYỆN RẮC RỐI THỨ BA Ở ĐƯỜNG TÀU ĐIỆN NGẦM
Ông Khốttabít không chịu đựng nổi cái tai họa mới giáng xuống đầu ông. Ông chạy tới chạy lui trên sân ga đã vắng người, tức giận bứt râu bứt tóc và kêu gào ầm ĩ:
– Khốn khổ thân ta, khốn khổ thân ta, ông thần bất hạnh Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp! Một thân một mình ở đây, ta sẽ làm gì trong cái tòa lâu đài bí ẩn dưới lòng đất này?
Người trực ga bước tới gần, thấy những nắm râu vương bừa bãi trên sân ga, bèn nói:
– Cụ ơi trong trong tàu điện ngầm cần phải giữ yên lặng.. và vệ sinh…
“Thôi chết rồi!”, ông Khốttabít nghĩ bụng, “Chết mất ngáp rồi!”. Ông sợ con người trẻ tuổi, lịch sự đội mũ lưỡi trai đỏ ấy chẳng kém gì sợ đoàn tàu khi nãy. Chính Vônca cũng tỏ thái độ kính trọng đối với người trực ga. Ông già cảm thấy tình hình hết sức nguy ngập và đã quyết định bắt đối phương phải trả một giá đắt cho sinh mạng của ông.
May thay, người trực ga lại bắt chuyện và ông già lập tức thay đổi quyết định của mình.
– Cụ già ơi, cụ việc gì phải buồn bực như thế! – Người trực ga nói với ông Khốttabít với vẻ thông cảm. – Ngay bây giờ sẽ có một đoàn tàu khác và cụ sẽ đường hoàng đi tới chỗ cụ cần tới.
Ông già muốn trả lời anh ta một câu gì đó, muốn than thở về cái số phận đắng cay của mình, nhưng bỗng nhiên ông cảm thấy vì quá sợ hãi và lo âu mà quên mất cả tiếng Nga.
Ông nói lắp bắp một câu gì đó bằng tiếng Arập. Người trực ga buồn bã vung tay:
– Thưa cụ, như vậy thì mời cụ đi với cháu tới phòng điều độ. Cụ ngồi đợi ở đấy, còn cháu sẽ chạy đi tìm người biết nói thứ tiếng của cụ.
Anh ta dịu dàng cầm tay ông Khốttabít để dắt ông vào phòng điều độ và không biết ông già sẽ phải ngồi ở đấy bao lâu nếu như lúc ấy đoàn tàu mới chưa chạy tới phía bên kia sân ga. Từ trong đoàn tàu đó, Vônca cùng với Giênia nhảy vọt ra và chạy ba chân bốn cẳng về phía ông Khốttabít.
– Ông ấy kia rồi, ông ấy kia rồi! – Cả hai đều reo lên. – Ối chao ôi, vất vả với ông quá, ông Khốttabít ơi!..
Một bà vệ sinh viên từ đâu dó xuất hiện với cây chổi trên tay. Bà quét những nắm râu của ông già và đổ chúng vào thùng rác đúng vào lúc ông Khôttabít cùng với hai cậu bạn của mình cuối cùng đã ngồi được trên toa tàu điện ngầm đèn bật sáng trưng, rồi ba ông cháu đi tới ga “Đinamô” bình yên vô sự.
CHƯƠNG 33 – NHỮNG CHIẾC VÉ THỪA
Vào những ngày có các trận đá bóng, toàn bộ dân chúng Mátxcơva chia ra làm hai phe không hiểu nhau. Một phe gồm những người hâm mộ bóng đá. Một phe khác gồm những người bí hiểm hoàn toàn thờ ơ đối với môn thể thao vô cùng hấp dẫn ấy.
Rất lâu trước khi bắt đầu trận đấu, những người thuộc phe thứ nhất từ khắp nơi trong thành phố đã đổ về phía mấy cái cổng cao của sân vận động. Họ vênh váo nhìn những người lúc đó đã đi về phía ngược lại, vào trung tâm thành phố.
Đến lượt mình, những người Mátxcơva thuộc phe thứ hai thường nhún vai thắc mắc khi thấy hàng trăm tàu điện, ôtôbuýt, trôlâybuýt chật ních người và hàng nghìn xe hơi từ từ bơi giữa cái biển người hâm mộ sôi nổi và ồn ào đang đi bộ tới sân vận động.
Nhưng ngay cả phe những người hâm mộ bóng đá mà người ngoài tưởng là rất thống nhất ấy thì cũng chia năm sẻ bảy trong những ngày đó vì các mâu thuẫn hết sức sâu sắc và gần như không thể giải quyết nổi. Lúc những người hâm mộ còn ở trên đường đi thì điều đó chưa bộc lộ rõ rệt, nhưng khi đến bên mấy cái cổng “thiêng liêng” của sân vận động thì các câu mâu thuẫn kia lập tức xuất hiện với tất cả sự gay gắt và quyết liệt của mình. Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ ra rằng những người này thì có vé, còn những người kia thì không có vé. Những người có vé đàng hoàng và thản nhiên đi vào sân vận động. Còn những người không có vé thì hớt hải chạy tới chạy lui và đâm bổ đến bất cứ ai vừa bước tới gần với câu hỏi ai oán: “Có vé thừa không?”, “Thưa ông, ông không có vé thừa ư? ”.
Nhưng những chiếc vé thừa thì có rất ít, còn những người cần vé thừa lại thì có rất nhiều, cho nên Vônca và hai người bạn của nó hẳn là chẳng được xơ múi gì nếu như ông Khốttabít không trổ tài của mình.
– Rất sung sướng và vui lòng!- Ông đáp lại lời yêu cầu của Vônca. – Các cậu sẽ có ngay lập tức bao nhiêu vé cũng được.
Và đúng thế, ông chưa kịp nói hết tiếng cuối cùng thì trong tay ông đã có cả xấp vé màu xanh lá cây, màu xanh da trời, màu hồng và màu vàng.
– Hỡi cậu Vônca đáng yêu, ngần này mảnh giấy nhiều màu đã đủ chưa nào? Nếu chưa thì ta…
Ông Khốttabít vẫy vẫy xấp vé và việc đó xuýt nữa làm cho ông ta toi mạng.
– A, những chiếc vé thừa! – Một trong số những người hâm mộ sung sướng reo lên và thu hết sức đâm bổ về phía ông Khốttabít.
Chỉ vài giây sau, không dưới trăm rưỡi người trong tình trạng bị kích động đã ép ông Khôttabít vào lớp tường bêtông của sân vận động, đến nỗi ông già hẳn là chết bẹp nếu như Vônca không chạy tránh ra một bên và gào tướng lên:
– Các ông ơi, có ai cần vé thừa không? Có ai cần vé thừa không nào?
Nghe mấy tiếng mầu nhiệm ấy, tất cả những người vừa ép ông Khốttabít vào chân tường đã ùa về phía Vônca, nhưng Vônca đã lặn luôn vào đám đông và biến mất như độn thổ vậy. Rồi một phút sau, Vônca, Giênia và ông Khốttabít đã chìa cho người soát vé ở cổng phía Bắc ba chiếc vé và đi vào sân vận động để lại phía sau mình hàng trăm người chẳng được vào xem trận đá bóng hôm đó.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp