Người dân từ khắp nơi trên thế giới đang chung tay làm ra hàng trăm cái túi và chăn để bảo vệ động vật hoang dã bị thương do cháy rừng ở Úc.
Hiệp hội cứu hộ động vật (ARCG) cho biết đến hôm nay 6-1, họ đã rất bất ngờ vì mọi người trên thế giới hưởng ứng cực kỳ nhiệt tình lời kêu gọi làm túi và chăn để bọc những con vật bị thương do cháy rừng ở Úc như gấu túi koala hay kangaroo.
Những người quyên góp cho ARCG đến từ những nơi xa xôi như Mỹ, Anh, Hong Kong, Pháp và Đức.
Những cái túi bọc động vật đã được may xong, ngày 4-1 – Ảnh: REUTERS
“Thật khó tin. Phản hồi từ mọi người thật tuyệt vời”, cô Belinda Orellana, thành viên sáng lập ARCG, nói với hãng tin Reuters.
Những đám cháy rừng trên khắp nước Úc trong những tuần gần đây đã thiêu rụi 8 triệu hecta rừng – khu vực rộng gần bằng nước Áo.
Một số chuyên gia ước tính gần nửa tỉ động vật, bao gồm gia súc nuôi đã bị chết do thảm họa cháy rừng, với hàng trăm ngàn động vật hoang dã bị thương và mất môi trường sống.
Những chiếc túi được đóng gói sẵn sàng vận chuyển tới tay các nhóm cứu hộ động vật – Ảnh: REUTERS
“Nhóm của chúng tôi làm ra túi và chăn rồi gửi đến những nhóm cứu hộ để bảo vệ và chăm sóc động vật hoang dã bị thương”, cô Orellana cho biết. Cô nói thêm nhu cầu trên khắp nước Úc ngày càng tăng và kèm theo đó là nhu cầu quyên góp vải để làm ra chăn và túi.
Dù mới chỉ thành lập vài tháng trước, với mục đích ban đầu là làm giường cho chó mèo, Facebook của ARCG đã có 75.000 lượt theo dõi.
Túi được dùng để bảo vệ động vật bị thương do cháy rừng – Ảnh: ARCG
Cô Lara Mackay, một tình nguyện viên sống ở New Zealand, vừa hoàn thành chiếc túi đeo cho koala đầu tiên của mình. “Tôi đang kêu gọi quyên góp vải để làm và sẽ cố gắng làm càng nhiều càng tốt”, Mackay nói với hãng tin Reuters.
Tại Singapore, Leslie Kok đã may được 4 cái túi. Cô thường gặp gỡ những tình nguyện viên khác để chia sẻ vải, đồ dùng cũng như mẹo may túi. “Chừng nào còn nhu cầu thì tôi sẽ còn làm”, Kok cho biết.
Kangaroo bé nhỏ có vẻ yên tâm khi nằm trong chiếc túi êm ái – Ảnh: ARCG
Ở gần những đám cháy hơn, cô Simone Watts ở dãy núi Blue, giáp với TP Sydney, cũng hưởng ứng bằng việc biến những cái hộp đựng gối thành giường cho dơi và loài cáo bay.
“Sau khi xem xét danh sách những gì cần làm lúc này và đối chiếu với khả năng may cơ bản của tôi, tôi quyết định may giường ngủ cho dơi”, Watts cho biết.
Chú chó dũng cảm giải cứu gấu Koala trong cháy rừng ở Úc
Bear, chú chó nghiệp vụ với đôi mắt xanh và 4 chiếc giày bảo hộ dưới chân, miệt mài lao vào những ngóc ngách của các đám cháy rừng ở Úc để giải cứu những con koala gặp nạn.
Bear là chú chó lai giữa giống Border Collie và chó Koolie, hiện thuộc biên chế đội chó nghiệp vụ chuyên làm công tác bảo tồn tại Úc.
Bear được huấn luyện đặc biệt cho công tác đánh hơi những con koala hoang dã đang bị thương hay mồ côi để dẫn cứu hộ tới giải cứu.
Những ngày này, khi cháy rừng đang hoành hành tại Úc, giết chết hàng ngàn gấu koala và đe dọa môi trường sống của chúng, Bear rất bận rộn với công việc giải cứu những koala còn sống.
Bear được mang giày bảo hộ dưới chân khi làm việc ở New South Wales và Queensland. Chú xông vào các khu vực bị cháy và tìm kiếm koala. Khi phát hiện, Bear sẽ báo động cho cứu hộ để họ tới mang koala ra khỏi đám cháy.
Gương mặt hạnh phúc của Bear – Ảnh: IFAW
Công việc của Bear nghe thì đơn giản nhưng thật ra rất đặc biệt. Chó chuyên trách việc đánh hơi koala cần có khả năng không quan tâm tới con người và tập trung cao độ. May mắn thay, Bear có những tố chất đó. Cách đây nhiều năm, Bear (hiện 6 tuổi) được giải cứu từ một trạm cứu hộ.
“Sau buổi đánh giá vào năm lên 1 tuổi, các nhà bảo tồn nhận định ngay lập tức Bear chính là đối tượng phù hợp cho việc huấn luyện tìm koala. Bear giàu năng lượng, không thích được vuốt ve và hoàn toàn không hứng thú với con người.
Điều đáng buồn là Bear không phù hợp để làm thú cưng trong gia đình. Nhưng những phẩm chất trên là hoàn hảo để làm một chú chó cứu hộ. Đó là lý do Bear được chọn”, đại diện Quỹ bảo vệ động vật quốc tế (IFAW) nói với trang tin People.
Bear nghỉ mệt sau khi làm việc – Ảnh: IFAW
Khác với những con chó nghiệp vụ khác, vốn đánh hơi phân của koala, Bear chuyên đánh hơi koala còn sống. Đặc tính này khiến Bear hoạt động cực kỳ hiệu quả trong những thảm họa thiên nhiên như cháy rừng.
Khi cháy rừng xảy ra, chẳng còn phân koala để mà đánh hơi, lúc này Bear vào cuộc, tìm ra được những chú koala đang leo tít cành cao nhất vì sợ lửa.
Trong tương lai, Bear sẽ tiếp tục được huy động cho những khu vực cháy nặng nề hơn. Nơi nào có Koala cần giúp đỡ, nơi đó có Bear.
Tuổi Trẻ