Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4Kế tiếp
Hóa thân
The Metamorphosis
Tác giả: Franz Kafka
Franz Kafka sinh ngày 3 tháng 7 năm 1883 tại Praha (khi đó thuộc Đế quốc Áo-Hung, nay thuộc Cộng hòa Séc) trong một gia đình trung lưu gốc Do Thái nói tiếng Đức.
Ông lớn lên trong gia đình thường xuyên có bất hòa, lại ít nhiều chịu sự ghẻ lạnh của xã hội, phần vì người Do Thái vốn là thiểu số ở Praha, phần vì ông cũng không có nhiều chia sẻ với cộng đồng nhỏ bé ấy. Sau này, trong nhật ký của mình, ông từng chia sẻ: “Tôi có gì chung với cộng đồng Do Thái?”.
Kafka theo học luật và sau khi ra trường, ông làm việc trong ngành bảo hiểm, ông thường viết lách trong những ngày nghỉ hoặc những khi rảnh rỗi. Những năm sau này, ông nhiều lần phàn nàn về việc có ít thời gian dành cho viết lách – thứ mà ông cho là “thiên hướng” của mình. Hoàn cảnh xã hội, thời điểm lịch sử lúc bấy giờ có lẽ đã tác động không nhỏ đến “nhà tiên tri Do Thái bé nhỏ” ấy, khiến những trang viết của ông luôn toát ra một cảm giác cô đơn, lạc lõng không lối thoát.
Tác giả Franz Kafka (1883-1924)
Không có nhiều tác phẩm của Kafka được xuất bản khi ông còn sống. Được xuất bản sớm nhất là tám truyện ngắn in trên tạp chí văn học Hyperion dưới nhan đề Betrachtung (Trầm tư) vào năm 1908. Sau này ông còn viết nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết mà nổi tiếng nhất trong số đó là Vụ án (Der Prozess), Lâu đài (Das Schloss) và truyện vừa Hóa thân (Die Verwandlung).
Đánh giá về Kafka, người ta cho rằng rất khó để trích dẫn Kafka nhưng tư tưởng và văn chương của ông có tác động mạnh mẽ tới các tác giả thế kỷ XX. Nhà thơ Mỹ gốc Anh W. H. Auden còn coi Kafka là “Dante của thế kỷ XX”. Chủ đề cốt lõi trong các tác phẩm của Kafka là mâu thuẫn cha-con, sự ghẻ lạnh, sự dã man về thể xác và tâm lý, các nhân vật trong những cuộc truy tìm đáng sợ, những sự biến đổi kỳ bí…
Kafka mất ngày 3 tháng 6 năm 1924 tại Kierling gần Vienna (Áo) sau một thời gian dài điều trị bệnh lao. Thi hài ông được đưa về chôn cất tại nghĩa trang Do Thái mới ở Praha. Tuy cuộc đời dương gian ngắn ngủi và chưa được nhiều người biết đến lúc sống, nhưng không lâu sau khi qua đời, ông đã sớm nổi danh và cho đến ngày nay Kafka vẫn là một tên tuổi lớn trong nền văn học thế giới thế kỷ XX.
Sống mãi với thời gian
Hóa thân (tên gốc: Die Verwandlung) được Kafka sáng tác vào năm 1912, và xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Weisse Blatter vào năm 1915, được xem là một trong những tuyệt tác của Franz Kafka. Truyện bắt đầu với việc nhân vật chính Gregor Samsa thức dậy và phát hiện ra mình đã bị biến thành một con bọ khổng lồ. Từ đó, anh phải nỗ lực thích nghi với hình thù mới, với thói quen mới và thậm chí với chính gia đình anh – những người từng được anh lo chu toàn cuộc sống – giờ đây khiếp sợ với hình dạng mới của anh đã dần xa lánh, ghẻ lạnh, bỏ mặc anh trong nỗi cô đơn và sợ hãi. Gregor Samsa đã phải chịu đựng một quãng thời gian dài sống trong bóng tối, trong sự hắt hủi, nỗi ghê tởm và khinh ghét của những người xung quanh, kể cả người thân của mình.
Từ câu chuyện kinh dị ấy, Kafka đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong xã hội đương thời như nỗi cô đơn trong mỗi con người, niềm khát khao tự do được giải phóng khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường chán chường, sự chế ngự của đồng tiền, sự nặng nề của các nghĩa vụ gia đình, sự đè nén của áp lực công việc, sự ghẻ lạnh xa lạ của người thân, cảm giác tội lỗi, sự cầm tù, và nỗi đau khi đánh mất nhân dạng…
Tác phẩm chỉ chưa đầy 100 trang, nhưng Hóa thân vẫn chứa đựng đầy đủ những gì tinh túy nhất của văn phong Kafka, những gì được gọi là “tinh thần Kafka”. Đây cũng là tác phẩm phổ quát trên toàn thế giới, có sức ảnh hưởng sâu đậm tới các tác phẩm hư cấu thế kỷ XX, một văn phẩm tuyệt đích đưa tên tuổi Kafka trở nên bất hủ.
Tính đến nay, Hóa thân đã ra đời hơn 100 năm, chinh phục hàng triệu độc giả lẫn các nhà phê bình khó tính trên khắp thế giới. Nó được đưa vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu ở rất nhiều các trường đại học phương Tây. Đồng thời, Hóa thân còn là nguồn cảm hứng bất tận để nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác thể hiện sức sáng tạo của họ. Jan Nemec, Caroline Leaf, Jim Goddard, Steven Berkoff, Carlos Atanes, Fran Estevez… là những nhà làm phim từng chuyển thể một phần hoặc trọn vẹn tác phẩm này lên màn ảnh rộng.
Nhiều cây bút khác của văn đàn Châu Âu và Mỹ cũng thường mượn Hóa thân để dùng làm hình tượng phát triển nhân vật hay nội dung quyển sách của họ. Hóa thân còn lên cả sân khấu opera với nhiều phiên bản của các năm như 1983, 2006, 2009…
Franz Kafka đã mất vào năm 1924, để lại gia tài văn chương vô cùng đặc sắc và độc đáo. Tuy nhiên, khi nhắc đến tên ông, người ta vẫn nhắc đến Hóa thân đầu tiên, bởi nó là biểu tượng của một dòng văn chương viết về nỗi đau bi thiết ám ảnh độc giả hàng trăm năm qua.