Hóa thân – Tác giả: Franz Kafka

0
3362

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4

Chương III

-Quảng Cáo-

regor nằm liệt hơn một tháng trời, quả táo vẫn dính vào thân thể anh như một dấu tích nhắc nhở rõ ràng vì không ai dám lấy nó đi, vết thương trầm trọng đó dường như khiến cả bố anh cũng phải nhớ rằng Gregor là một thành viên trong gia đình, bất kể hình hài bất hạnh và kinh tởm hiện nay của anh, và gia đình không được quyền đối xử với anh như với một kẻ thù, mà trái lại, có bổn phận phải nén ghê tởm và kiên nhẫn, kiên nhẫn chứ không còn cách nào khác.

 

Mặc dầu vết thương ấy đã làm hỏng – có thể là vĩnh viễn – một phần khả năng di chuyển của anh, và bây giờ anh phải mất đằng đẵng bao nhiêu phút mới trườn qua hết chiều rộng căn phòng, chẳng khác nào một lão già tàn phế – nay thì đừng có hòng bò lên tường được nữa – nhưng anh nghĩ trong cái rủi lại có cái may, anh đã được đền bù đầy đủ bằng việc cứ tối đến, cánh cửa phòng khách mà anh thường chăm chú theo dõi suốt một, hai giờ trước đó lại được mở toang để cho anh có thể nằm khuất trong bóng tối không ai thấy mặt mà vẫn trông rõ mọi người trong gia đình quây quần bên chiếc bàn sáng ngập ánh đèn và lắng nghe họ trò chuyện, thực tế là với sự thuận tinh của tất cả chứ không cần phải nghe lỏm như trước.

 

Thực sự thì những câu chuyện của họ đã mất đi vẻ sôi nổi ngày xưa, điều mà ngày xưa anh luôn luôn rầu ri nhớ đến những khi mệt mỏi chui vào giữa lóp chăn ẩm ướt trong những căn phòng khách sạn chật hẹp. Giờ thì hầu như chả ai muốn lên tiếng. Ngay khi xong bữa ăn tối, bố anh thường ngồi ngủ gục luôn trên ghế bành, mẹ anh và cô em gái bảo nhau giữ yên lặng, rồi bà mẹ lọ mọ cúi bên đèn, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ trên những món đồ lót phụ nữ cho một nhà mốt còn em anh, cô vừa xin được công việc bán hàng, cần cù học thêm môn tốc ký cùng tiếng Pháp mỗi tối với hy vọng có cơ hội tiến thân… Thỉnh thoảng bố anh choàng tỉnh giấc, và như thể không nhận ra mình đã ngủ thiếp đi, ông thường bảo vợ “Hôm nay bà may được nhiều quá nhỉ!” rồi lại gà gật ngủ tiếp ngay lập tức trong khi hai người phụ nữ trao đổi với nhau một nụ cười mệt mỏi.

 

Ông già mới ngang bướng làm sao, cứ khăng khăng đòi mặc nguyên bộ đồng phục ngay cả khi ở trong nhà; chiếc áo ngủ của ông vẫn treo ở mắc một cách vô dụng và ông để nguyên cả áo quần, ngồi luôn trên ghế mà ngủ, cơ hồ ông luôn sẵn sàng phục vụ công việc bất kỳ lúc nào và thậm chí ông về nhà chỉ vì phục tùng ý muốn của cấp trên mà thôi. Kết quả là bộ đồng phục của ông, ngay từ đầu đã không phải là hàng mới tinh, bắt đầu mất đi độ mới, bất kể mọi chăm chút của bà mẹ và cô con gái để giữ cho nó sạch sẽ. Nhiều lần, Gregor suốt buổi tối chỉ đăm đăm nhìn bộ đồng phục nhan nhản vết bẩn nhưng lại sáng lóa nhờ những chiếc khuy vàng lúc nào cũng được đánh bóng trên thân hình của ông già đang ngủ ngồi hết sức thanh thản trong một tư thế cực kỳ thiếu thoải mái.

 

Ngay khi đồng hồ điểm mười tiếng, mẹ anh cố dùng những lời dịu dàng để đánh thức bố anh dậy và sau đó thuyết phục ông vào giường nằm, bởi lẽ ngồi đây thì ông làm sao ngủ đủ giấc được, mà giấc ngủ lại là cái cần thiết nhất đối với ông, vì sáu giờ sáng là ông phải đi làm rồi. Nhưng cái tính bướng bỉnh đã ngấm vào người ông kể từ lúc ông trở thành người chạy việc vặt cho ngân hàng khiến ông luôn khăng khăng đòi ngồi ở bàn thêm nữa, cho dù ông vẫn ngủ gục trở lại như thường, và cuối cùng phải khó nhọc lắm ông mới dứt ra khỏi chiếc ghế bành để trở về phòng. Với những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, mẹ và em gái Gregor có kiên trì thúc giục đến đâu, ông cũng vẫn tiếp tục đờ đẫn lắc đầu cả đến mười lăm phút, mắt vẫn nhắm nghiền, không chịu đứng dậy. Bà mẹ giật tay áo ông, thầm thì những lời âu yếm vào tai ông, cả em anh cũng bỏ dở bài học đến giúp mẹ, thế nhưng ông vẫn không chịu nghe. Ông chỉ càng lún sâu thêm vào chiếc ghế. Mãi đến lúc hai người đàn bà phải xốc nách ông kéo dậy thì ông mới mở mắt hết nhìn người này lại quay sang người kia, thường kèm theo một lời nhận xét: “Sống thế mới là sống. Đây chính là sự bĩnh yên và thanh thản cho cái thân già này”. Rồi vịn vào hai mẹ con, ông gượng đứng lên một cách khó khăn như thể không mang nổi sức nặng của chính bản thân mình, đi về phía cửa phòng, đến đây ông khoát tay xua họ đi và bước tiếp một mình nhưng mẹ anh thường phải bỏ đồ vá may và em anh thì gác bút lại để chạy theo đỡ ông lần đến tận giường.

 
Trong cái gia đình mệt mỏi, lao lực này, đâu còn ai có thời gian mà bận tâm đến Gregor quá mức cần thiết? Công việc trong nhà ngày càng thu gọn lại; con hầu đã được cho thôi việc; mỗi sáng và mỗi tối, một bà lao công lực lưỡng, gân guốc, mái tóc bạc phất phơ quanh mặt, đến nhà làm những việc nặng; còn mọi việc khác thì mẹ Gregor phải lo toan, ngoài hàng chồng đồ may vá cao chất ngất. Thậm chí nhiều món đồ trang sức gia bảo mà ngày xưa mẹ cùng em gái anh thường hãnh diện mang trên người vào những dịp tiệc tùng, lễ hội, giờ cũng phải đem bán đi; Gregor biết được chuyện đó vào một tối lắng nghe họ bàn tán về món tiền thu được nhờ những đồ trang sức ấy. Nhưng điều họ kêu than nhiều nhất là không thể rời bỏ căn hộ này, nơi giờ đây đã trở nên quá rộng so với hoàn cảnh gia đình, bởi họ không nghĩ ra đưọc cách nào để di chuyển Gregor. Tuy nhiên, Gregor thừa biết rằng anh đâu phải là trở ngại chính yếu trong việc dọn nhà này, bởi họ có thể dễ dàng chở anh đi trong một cái thùng nào đó đủ to, có đục vài lỗ cho anh thở; điều thực sự ngăn họ dọn sang một căn hộ khác chính là nỗi tuyệt vọng hoàn toàn và cái niềm tin cho rằng cao xanh đã chọn chính cái gia đình này mà giáng xuống một tai họa chưa từng xảy ra cho bất kỳ thân bằng quyến thuộc nào. Họ đáp ứng triệt để tất cả những gì mà cuộc đời đòi hỏi ở những kẻ bần hàn: bố anh lãnh việc đi mua thức ăn điểm tâm cho các tay thư ký quèn ở nhà băng, mẹ anh đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra những bộ đồ lót cho những kẻ xa lạ, em gái anh đứng sau quầy hàng phải chạy tất bật theo những đòi hỏi của khách mua, nhưng cao hơn mức đó thì họ không đủ sức để làm. Và vết thương trên lưng Gregor lại bắt đầu hành hạ anh khi mẹ và em gái quay về phòng khách sau khi đưa ông bố vào giường, hai người bỏ mặc công việc, chụm đầu ngồi kề bên nhau; anh đớn đau day dứt khi mẹ chỉ tay về phía phòng anh, bảo Grete: “Đóng cái cửa đó lại đi, con” và anh lại bị bỏ mặc trong bóng tối trong khi ở phòng bên hai mẹ con đang nhòa lệ hay có lẽ đang ngồi im lìm, đôi mắt ráo hoảnh, đăm đăm nhìn mặt bàn.

 

Cả ngày lẫn đêm, Gregor hầu như không lúc nào chợp mắt. Anh thường bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ là lần sau mà mở cửa, anh sẽ lại nắm hết công việc gia đình trong tay, như ngày xưa; và một lần nữa, sau một thời gian dài gián đoạn, trong ý nghĩ của anh lại hiện ra bóng dáng của lão chủ và viên quản lý, đám nhân viên chào hàng và những tên học việc, gã gác cổng trì độn, vài ba người bạn ở các hãng buôn khác, một cô hầu phòng ở một khách sạn vùng quê, một kỷ niệm ngọt ngào thoáng qua, cô thu ngân trong một cửa hàng bán mũ mà anh đã tán tỉnh thật tình nhưng quá chậm… Tất cả những hình ảnh đó hiện ra, cùng với những gương mặt xa lạ hay những người mà anh đã hoàn toàn quên lãng: nhưng thay vì giúp đỡ anh và gia đình, tất cả những bóng dáng ấy xa vòi vọi, và anh lấy làm mừng khi họ biến mất.

 
Sau đó anh lại không còn hứng thú gì quan tâm đến gia đình nữa, mà chỉ bừng bừng tức giận vì cái lối họ bỏ bê anh; và dù chính anh cũng chẳng biết rõ mình muốn ăn cái gì, anh vẫn rắp tâm sẽ có lúc mò đến tận tủ chạn bếp để ăn những món mà nói cho cùng anh có quyền được hưỏĩìg, dẫu cho anh không đói đi nữa. Em gái anh không còn nghĩ đến việc mang vào cho anh những gì có thể làm anh hài lòng nhất, mà thay vào đó, mỗi sáng mỗi trưa, hai lần trước giờ đi làm, cô hấp tấp dùng chân đẩy vào phòng anh bất cứ thức ăn nào vớ được, và mãi tối, bằng một nhát chổi, cố quét sạch tất cả ra ngoài, bất kể món ấy anh chỉ mới nếm sơ qua hay để nguyên không động tới – đa phần là trường hợp này. Còn chuyện quét dọn phòng anh – hồi này cô chỉ làm vào buổi tối – thì không ai có thể làm vội vàng, cẩu thả hơn cô được. Những vệt cáu bẩn vằn lên dọc theo các bức tường, rải rác khắp nơi là bụi bẩn, rác rưởi vón thành hòn, thành cục.
 
Lúc đầu Gregor thường nằm lì trong một góc nào đó bẩn thỉu nhất khi cô em bước vào để tỏ ý khiển trách sự lười biếng của cô. Nhưng anh có nằm chết gí ở đấy hàng bao nhiêu tuần lễ đi nữa, thì cô em của anh vẫn chứng nào tật nấy; em gái anh vẫn thấy rõ bụi bẩn chẳng kém gì anh nhưng cô đã dứt khoát quyết định cứ để mặc như thế. Ấy vậy mà, với cái thói dễ động lòng mới nảy sinh ở cô và dường như đã nhiễm sang cả gia đình, cô lại bo bo giành giữ quyền được là người duy nhất chăm lo cho căn phòng của Gregor.
 
Có một lần mẹ anh đích thân quét dọn lau chùi phòng anh cho thật sạch, việc này chỉ cần giội mấy xô nước là xong – tất nhiên ướt át như thế thì cũng rầy cho Gregor, kẻ phải nằm sóng soài, bất động, cau có trên xô pha – nhưng bà đã bị trừng phạt đích đáng. Ngay tối hôm đó, vừa nhận thấy sự đổi khác trong phòng Gregor là em gái anh đã tức tối chạy ào ra phòng khách, bật khóc ầm ĩ như mưa như gió bất chấp những cái khoát tay van lơn của bà mẹ trong lúc ông bố giật mình bật dậy khỏi chiếc ghế bành; lúc đầu họ nhìn nhau sững sờ, bất lực, rồi họ cũng bắt đầu hành động; ông bố quay sang phải khiển trách bà mẹ sao không để yên chuyện dọn dẹp căn phòng Gregor cho con gái lo; rồi ông quay sang trái quát tháo Grete cấm cô không bao giờ được lau chùi phòng Gregor nữa; bà mẹ giữa lúc đó cố gắng lôi bố anh về phòng ngủ vì ông đã nổi cáu đến phát quẫn; em gái anh, nấc rung cả người, nện thùm thụp hai nắm tay nhỏ nhắn xuống bàn; còn Gregor thì tức điên rít lên vì không một ai trong bọn họ nghĩ đến chuyện đóng cửa phòng anh lại để tránh cho anh một cảnh tượng quá đỗi phũ phàng và ồn ào như vậy.

 

Tuy nhiên, cho dù em gái anh có kiệt sức vì công việc hằng ngày mà đâm ra chán ghét chuyện chăm lo cho Gregor như trước đấy cô vẫn làm thì mẹ anh cũng không việc gì phải ôm việc vào như thế và chẳng có lý gì mà Gregor lại bị bỏ bê. Đã có bà giúp việc đấy! Bà già góa chồng này nhờ thân hình mạnh khỏe, gân guốc mà còn sống được sau những gian nan cùng cực của một cuộc đời dai dẳng, bà tuyệt nhiên không ghê sợ Gregor. Một hôm, hoàn toàn không phải vì tò mò, bà ta tình cờ mở cửa phòng anh; và khi nhìn thấy Gregor, do bị bất ngờ, bắt đầu bò tứ tung dù không ai đuổi, thì bà ta chỉ đứng đó khoanh tay nhìn, vẻ ngạc nhiên. Từ đấy về sau, mỗi sáng và mỗi tối đến giúp việc nhà, bà ta không bao giờ quên mở hé cửa phòng Gregor để nhìn anh một lúc. Ban đầu bà ta thậm chí còn gọi anh đến gần với những lời lẽ mà hẳn nhiên bà cho là thân thiện, chẳng hạn như: “Nào, lại đây nào, con gián kia!” hay “Nhìn cái con gián này mà xem!” Gregor chẳng trả lời những câu xưng hô đó mà chỉ đứng yên tại chỗ, như thể cánh cửa chưa hề được mở ra. Thay vì cho phép mụ ta quấy rầy anh vô lối như thế mỗi khi mụ nổi hứng, gia đình anh lẽ ra nên sai mụ ta rửa dọn phòng anh hằng ngày mới phải chứ! Một sáng sớm mưa nặng hạt như roi quất vào những ô kính cửa sổ – có lẽ là dấu hiệu sắp sang xuân – thấy mụ ấy lại gọi mình bằng cái giọng ấy, Gregor nổi khùng đến nỗi anh chạy tới như định tấn công mụ, tuy rằng khá chậm chạp và yếu ót. Nhưng bà giúp việc chẳng những không hoảng sợ mà còn nắm chiếc ghế bên cạnh cửa giơ cao lên, và mụ ta cứ đứng như thế, mồm há hoác, rõ ràng là mụ chỉ muốn ngậm họng lại khi nào đã giáng cái ghế xuống lưng Gregor. “Té ra mày không dám tới gần hơn sao?” mụ ta hỏi lúc Gregor đã bỏ đi, rồi mụ nhẹ nhàng đặt chiếc ghế trở về góc nhà như cũ.

 

Dạo này Gregor hầu như không ăn một chút gì. Chỉ khi nào vô tình bò ngang qua thức ăn để sẵn thì anh mới cắn một miếng giải sầu, ngậm trong mồm cả giờ liền rồi thường lại phun ra. Thoạt tiên, anh ngỡ rằng chính nỗi chán nản về tình trạng bẩn thỉu của căn phòng đã làm anh không ăn nổi, nhưng sau đó anh dần quen với những thay đổi trong phòng mình. Trong gia đình, đã hình thành cái thói quen tống bừa vào phòng anh những đồ đạc không có chỗ chứa, và đến nay những món ấy đã chồng chất, bởi vì phải dọn trống một căn phòng trong nhà để cho ba người lạ thuê. Những thanh niên đứng đắn này – cả ba đều râu ria xồm xoàm, như Gregor đã có lần quan sát thấy qua kẽ cửa – rất thích ngăn nắp trật tự không chỉ trong phòng riêng của họ, mà còn ở bất kỳ căn phòng nào khác trong nhà, đặc biệt là trong bếp, bởi vì họ bây giờ đã là thành viên trong hội. Chưa nói đến những thứ bẩn thỉu, ngay cả những đồ vật thừa họ cũng không chịu nổi. Hơn nữa, họ đã mang theo hầu hết những vật dụng họ cần. Vì vậy, nhiều vật dụng trong gia đình anh phải được tống khứ, nhưng bán thì chẳng ai mua còn vứt bỏ lại không được, thế là tất cả lần lượt tìm đường vào phòng Gregor; kể cả sọt giấy vụn lẫn thùng rác nhà bếp. Bất kỳ món gì không cần đến trong lúc này đều được bà giúp việc, vốn làm gì cũng vội vàng, quẳng luôn vào phòng Gregor cho tiện; may thay Gregor thường chỉ thấy món đồ phế thải và bàn tay cầm nó. Có lẽ mụ ấy cũng định vứt những đồ vật ấy vào chỗ khác khi nào có dịp, hay sẽ gom thành đống mang đi đổ, nhưng thực tế thì chúng vẫn nằm yên ở bất cứ nơi nào mụ ta tình cờ thảy chúng đến, ngoại trừ những khi Gregor len lỏi bò đi giữa đống đồ vô dụng ngổn ngang và xê dịch chúng cho rộng chỗ. Lúc đầu anh làm thế do cần thiết vì không đủ chỗ để bò, nhưng càng về sau anh càng thích thú khi cố đẩy những món linh tinh ấy, tuy rằng sau những cuộc phiêu lưu như vậy, anh thường nằm bất động nhiều giờ liền, u sầu và mệt mỏi muốn chết.

 
Kể từ khi những người ở trọ hay ăn tối trong phòng khách chung thì cánh cửa phòng anh nhiều tối liền phải đóng kín, song Gregor dễ dàng chấp nhận điều này vì nhiều hôm cửa rộng mở mà anh vẫn buồn bã nằm sâu trong góc tối tăm nhất của căn phòng, chẳng buồn quan tâm đến những gì xảy ra ngoài kia, và gia đình anh cũng chẳng ai để ý đến anh. Nhưng có một lần mụ giúp việc mở hé cửa và vẫn để nguyên vậy ngay cả khi các khách trọ đã về nhà dùng bữa và ngọn đèn đã được thắp sáng. Họ ngồi vào đầu bàn, nơi ngày xưa Gregor cùng bố mẹ thường ngồi, trải khăn ăn ra, và dao nĩa sẵn sàng trong tay. Ngay lập tức, mẹ anh hiện ra ở khung cửa đằng kia với một đĩa thịt và theo sát sau lưng bà là cô em gái mang một đĩa khoai tây đầy có ngọn. Thức ăn nóng sốt bốc hơi nghi ngút. Ba người khách cúi xuống các món ăn đặt trước mặt như thể kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ăn, thực tế là người ngồi giữa – xem có vẻ uy quyền đối với hai người kia – dùng dao xắt miếng thịt trên đĩa, rõ ràng là để xem thử thịt đủ mềm chưa hay phải gửi trả lại nhà bếp. Hắn ta lộ vẻ hài lòng, và mẹ cùng em gái Gregor, nãy giờ lo âu quan sát, thở phào an lòng rồi nhoẻn miệng cười.

 

Chính gia đình anh lại ăn tối ngay trong nhà bếp. Song trước khi vào bếp, bố anh vẫn đi qua phòng khách, mũ cầm tay, ông đi vòng quanh bàn ăn. Cả ba khách trọ đứng lên, lẩm bẩm một câu gì đó dưới bộ râu, và khi bố anh đi khuất, họ lại tiếp tục ăn gần như không ai nói với ai câu gì. Gregor thấy một điều đáng chú ý là giữa những tiếng động khác nhau từ bàn ăn vẳng ra, bao giờ anh cũng có thể phân biệt được tiếng hàm răng họ đang nhai; đó chẳng khác nào một dấu hiệu nhắc cho Gregor nhớ là người ta cần phải có răng để ăn, và hai cái hàm dù có khỏe đến đâu cũng vô ích nếu không có chiếc răng nào. “Mình thèm ăn quá,” Gregor buồn bã nói một mình, “nhưng nào có ham muốn loại thức ăn đó đâu. Chao ôi, mấy kẻ thuê nhà kia tha hồ mà nhồi nhét còn mình thì nằm đây đói lả cả đi!”

 

 
Chính trong buổi tối hôm đó, trong nhà bếp vang lên tiếng vĩ cầm – suốt trong thời gian mang hình dạng mới, Gregor không tài nào nhớ là anh đã bao giờ nghe thấy tiếng vĩ cầm chưa. Ba người khách đã dùng bữa xong, người ngồi giữa lấy ra một tờ báo và chia cho hai người kia mỗi người một trang, rồi tất cả ngả người ra ghế vừa đọc báo vừa hút thuốc thoải mái. Khi tiếng vĩ cầm bắt đầu dạo, họ vểnh tai lên, đứng dậy, bước rón rén đến cửa hành lang, và đứng xúm xít bên nhau. Trong bếp chắc hẳn đã nghe thấy những tiếng chân của họ vì có tiếng bố Gregor hỏi vọng ra: “Tiếng vĩ cầm có quấy rầy quý vị chăng? Nếu cần thiết, nó sẽ chấm dứt ngay”. Người khách có uy quyền nhất đáp: “Trái lại, xin mời cô Samsa sang phòng này chơi đàn, bên cạnh chúng tôi, ở đây thoải mái và dễ chịu hơn nhiều”. “Xin sẵn lòng” bố Gregor kêu lên, làm như chính ông là người chơi đàn vậy. Ba thanh niên trở vào phòng khách chờ đợi. Ngay sau đó, bố Gregor mang theo giá nhạc, mẹ anh cầm tập nhạc và em gái anh với cây đàn vĩ cầm xuất hiện. Grete lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ để bắt đầu đàn; bố mẹ anh vốn chưa từng cho thuê nhà bao giờ nên họ đã có thái độ lịch sự quá mức đối với khách trọ, thậm chí hai ông bà cũng chẳng dám ngồi vào ghế của mình; bố anh đứng tựa cửa, bàn tay phải thọc vào giữa hai khuy của chiếc áo đồng phục lúc nào cũng trịnh trọng cài kín; một khách trọ đẩy ghế mời mẹ anh, bà để nguyên cái ghế ngay chỗ được đặt, và khép nép ngồi ở đầu mép ghế.

 

Em gái Gregor bắt đầu đàn; ở hai bên, bố và mẹ anh chăm chú theo dõi chuyển động của hai bàn tay cô. Bị tiếng nhạc lôi cuốn, Gregor đánh liều trườn tới từng chút một cho đến khi đầu anh thò hẳn sang phòng khách. Anh hầu như chẳng cảm thấy ngạc nhiên khi mình càng lúc càng thiếu quan tâm đến người khác dù ngày xưa anh vẫn tự hào mình là người có ý tứ. Nhưng trong thời điểm lúc này, lẽ ra anh càng có lý do hơn bao giờ hết để náu mình, bởi lẽ do lớp bụi bặm dày đặc trong phòng anh, chỉ cần một cử động nhỏ là bốc lên mù mịt, nên cả Gregor cũng bị bụi bám kín mình; râu ria và những phần thức ăn thừa kéo lê lết theo sau những xê dịch của anh, bám vào lưng và dọc theo hai bên sườn; thế mà Gregor lại dửng dưng với tất cả đến mức không buồn lật ngửa thân hình ra mà chà xát xuống thảm cho sạch, như dạo trước anh thường làm nhiều lần một ngày. Và bất chấp sự bẩn thỉu của mình, không có nỗi xấu hổ nào ngăn nổi anh nhích dần ra mặt sàn sạch bong của phòng khách.

 

Nói cho đúng, không ai hay biết anh vào. Cả gia đình hoàn toàn bị tiếng vĩ cầm thu hút; tuy nhiên, ba người khách trọ thoạt đầu xỏ tay túi quần, đứng sát ngay sau giá nhạc để tất cả có thể dò theo nốt nhạc cô gái đang trình tấu – điều này chắc hẳn phải khiến Grete bực mình – nhưng chẳng bao lâu sau, họ rút lui về cửa sổ, chụm đầu lại xầm xì bàn tán và cứ đứng yên ở đó trong lúc bố Gregor lo âu đưa mắt nhìn theo. Thật vậy, nhìn bề ngoài có thể hoàn toàn thấy rõ là họ đã chờ đợi được nghe tiếng vĩ cầm xuất sắc hoặc thú vị, và rằng họ đã thất vọng, họ đã chán ngấy cái màn biểu diễn này và chỉ vì lịch sự nên mới chịu để cho sự yên bình của họ tiếp tục bị quấy rối. Cứ nhìn cái lối cả ba không ngừng phun lên những luồng khói xì gà cuồn cuộn từ mũi, từ miệng thì ai cũng có thể đoán ra nỗi bực dọc trong họ. Nhưng em gái Gregor chơi tuyệt thế cơ mà! Khuôn mặt cô nghiêng về một phía, đôi mắt sầu muộn vẫn chăm chú theo dõi những nốt nhạc với vẻ rất nghệ sĩ.

 
Gregor bò tới thêm chút nữa rồi hạ thấp đầu xuống sàn để đôi mắt của anh có thể gặp luồng mắt em mình. Anh có phải là một con vật không, khi âm nhạc vẫn còn tác động đến anh mạnh mẽ dường ấy? Anh có cảm tưởng như trước mặt anh đang rộng mở con đường dẫn đến những thức ăn lạ lùng mà anh đã khao khát. Anh quyết định trườn đến gần cô em gái, giật nhẹ vào tà váy để cho cô biết anh muốn cô mang vĩ cầm vào chơi trong phòng anh, bởi vì ở đây không có ai đánh giá được tiếng đàn của cô như anh. Anh sẽ không bao giờ để cô rời khỏi phòng anh, ít ra cũng đến khi anh chết; hình dạng ghê sợ của anh lần đầu tiên sẽ trở thành có ích cho anh, anh sẽ canh chừng tất cả cửa nẻo trong phòng và sẽ phun phì phì vào bất cứ kẻ nào toan đột nhập; nhưng phải làm sao không cần cưỡng bách cô em gái, nên để cô tự nguyện lưu lại với anh, để cô ngồi trên ghế xô pha bên cạnh anh, nghiêng đầu nghe anh tâm sự, giãi bày rằng nếu không vì tai họa này thì lễ Giáng sinh vừa qua – mà Giáng sinh đã qua rồi, có phải không? – anh sẽ tuyên bố với tất cả mọi người quyết tâm cho cô theo học ở Nhạc viện, không cho phép ai phản đối. Sau khi nghe anh tâm sự như thế, chắc hẳn em gái anh sẽ cảm động đến òa khóc, và khi đó Gregor sẽ rướn mình lên ngang vai cô và hôn vào cổ cô, nơi đã không còn đeo nơ hay những dải lụa màu từ ngày cô làm công việc bán hàng.

 

“Ông Samsa!” người khách trọ ở giữa lớn tiếng gọi bố Gregor, và không phí thêm một lời nào nữa, hắn chỉ tay về phía Gregor lúc này đang chậm chạp trườn mình tới trước. Tiếng vĩ cầm im bặt; người khách trọ thoạt tiên lắc đầu mỉm cười với hai người bạn rồi sau đó lại nhìn Gregor. Thay vì xua Gregor đi, dường như bố anh cho rằng cần phải xoa dịu các khách trọ trước đã, mặc dù họ không hề nháo nhác sợ hãi và rõ ràng họ thấy Gregor thú vị hơn hẳn trò diễn tấu vĩ cầm. Bố anh dang tay ra, hấp tấp chạy về phía họ, cố thuyết phục họ về phòng riêng và cùng lúc đó đứng chắn Gregor không cho họ thấy. Lúc này họ đã hơi nổi cáu, không rõ là vì ứng xử của ông già hay là vì họ chớm nhận ra rằng vô hình trung họ có một tên hàng xóm quái gở như Gregor ở phòng bên cạnh. Họ đòi bố anh phải giải thích, họ cũng vung tay như ông, bực bội giật giật chòm râu, và từ từ rút lui về phòng hết sức miễn cưỡng. Trong lúc ấy, em gái Gregor vừa nãy đứng lặng đi khi cuộc trình tấu của cô bất ngờ bị cắt đứt, bỗng định thần lại sau một hồi đứng nhìn trân trân vào bản nhạc, hai bàn tay buông thõng đờ đẫn cầm cây đàn cùng chiếc vĩ; cô dúi cây vĩ cầm vào lòng bà mẹ đang ngồi trên ghế ngạt thở vì cơn suyễn, rồi chạy như bay vào phòng của ba người khách trọ trong khi ông bố đang lùa họ đi còn gấp rút hơn trước. Anh có thể nhìn thấy những chiếc gối và chăn thoăn thoắt qua lại dưới những ngón tay thành thạo của cô em và được xếp ngay ngắn. Ba người khách trọ chưa về đến phòng thì em gái anh đã dọn xong giường cho họ và lẻn ra ngoài.

 

Còn ông già có lẽ lại bị chính cái thói quyết đoán bướng bỉnh của mình ám ảnh đến nỗi ông quên cả sự tôn trọng cần phải có đối với khách. Ông không ngừng thúc họ đi tiếp, thúc hoài thúc hủy cho đến khi tới giữa cửa phòng ngủ thì người khách trọ giậm chân thình thịch xuống sàn, buộc ông phải thôi. “Tôi xin báo…” – hắn ta vừa nói vừa giơ một bàn tay lên, mắt nhìn về phía mẹ và em gái Gregor – “… rằng do những điều kiện ghê tởm bao trùm căn nhà và gia đình này” – nói đến đấy hắn nhổ toẹt xuống sàn để nhấn mạnh – “tôi báo ngay cho các người hay tôi không thuê căn phòng này nữa. Đương nhiên tôi sẽ không trả cho các người một xu nào, kể cả tiền thuê cho những ngày tôi đã sống ở đây, mà trái lại, tôi sẽ tính chuyện khỏi tố đòi các người bồi thường trên cơ sở những luận lý có thể dễ dàng chứng minh, các người hãy tin là như thế”. Hắn dứt lời và nhìn thẳng trước mắt như thể chờ đợi điều gì. Thực vậy, hai người bạn của hắn tức thời nói chen vào: “Cả chúng tôi cũng không thuê nữa!” Sau đó, hắn vồ lấy nắm cửa và đóng sầm lại.

 

Bố Gregor giơ hai tay quờ quạng đằng trước lảo đảo bước đi và ngã phịch vào chiếc ghế bành của ông; nếu như đầu ông không giật nảy từng con không kiềm chế được thì người ta ắt lầm tưởng ông đang nằm dài ra đó, ngủ gục sau bữa ăn như mọi lần. Suốt thời gian ấy, Gregor chỉ nằm yên ngay ở chỗ những người khách trọ đã phát giác ra anh. Anh không sao xê dịch được, do thất vọng vì ý định không thành, có lẽ do cả suy nhược vì quá đói. Anh e rằng sự căng thẳng chung của cả nhà sắp sửa bùng nổ trút lên đầu anh và anh chờ đợi. Thậm chí, anh không hề phản ứng khi cây vĩ cầm trên lòng bà mẹ tuột khỏi những ngón tay run rẩy của bà rơi xuống sàn dội lên một nốt vang động.

 

“Bố mẹ ơi” – em gái anh vừa nói vừa đập tay xuống bàn thay cho lời mào đầu – “không thể để sự tình tiếp tục như thế này mãi. Có lẽ bố mẹ không nhận ra nhưng con thì thấy rõ quá rồi. Con không muốn gọi tên anh con trước mặt con vật này, cho nên con chỉ nói thế này: ta phải làm sao tống khứ nó đi. Chúng ta đã cố chăm sóc nó và chịu đựng hết mức con người có thể chịu đựng, và con nghĩ rằng sẽ không một ai có thể trách cứ ta chút nào đâu”.

 

“Con bé nói đúng quá chứ còn gì nữa” bố Gregor lẩm bẩm một mình. Mẹ anh vẫn còn ngạt thở, bà ho khan vào lòng bàn tay, ánh mắt lạc thần.

 

Em gái anh chạy vội tới bên mẹ, đặt tay lên trán bà. Hồ như những lời của Grete làm cho suy nghĩ của ông bố rõ ràng hơn, ông ngồi thẳng người, sờ soạng tìm chiếc mũ lưỡi trai đang nằm giữa mấy chiếc đĩa còn lại để trên bàn sau bữa ăn của ba người khách; và chốc chốc lại quan sát thân hình bất động của Gregor.

 

“Ta phải cố làm sao rũ bỏ được nó” – cô em gái lúc này nói thẳng toạc với bố vì mẹ anh đang ho sặc sụa không nghe rõ một lời – “cả bố lẫn mẹ rồi sẽ chết vì nó, con thấy điều đó cũng không còn xa xôi gì đâu. Khi đã phải làm lụng vất vả như chúng ta, về đến nhà lại thêm sự hành hạ liên tục như thế này thì ai mà chịu đựng nổi. Và ai chứ con thì không thể nào chịu được thêm nữa”. Rồi cô gái òa lên khóc nức nở, những giọt nước mắt nhỏ xuống mặt bà mẹ và bị bà gạt đi như cái máy.

 

“Con ơi” – ông già nói với vẻ thông cảm và đầy am hiểu – “nhưng chúng ta biết làm gì đây?”

 

Em gái Gregor chỉ nhún vai biểu lộ sự bất lực lúc này hoàn toàn chế ngự cô trong con nức nở, trái ngược hẳn với phong thái tự tin của cô ngày trước.

 

“Giá như nó hiểu được chúng ta” ông bố nói nửa như hỏi, Grete dù đang thổn thức cũng vung mạnh tay để chứng tỏ điều bố nói không thể nào xảy ra. “Giá như nó hiểu được chúng ta” – ông già lặp lại, mắt nhắm nghiền như cân nhắc sự phủ nhận dứt khoát của cô con gái – “thì chúng ta có thể thỏa thuận cách nào với nó cũng nên. Chứ còn thế này thì…”

 

“Nó phải biến đi,” – em gái Gregor kêu lên – “đó là giải pháp duy nhất, bố ơi. Bố phải cố rũ bỏ ý nghĩ rằng con vật đó là anh Gregor. Chính vì lâu nay chúng ta cứ tin vào điều đó nên mới nảy sinh ra bao nhiêu là rắc rối. Nhưng nó làm sao có thể là anh Gregor được? Nếu đó là Gregor thì anh ấy hẳn phải nhận ra từ lâu rằng con người không thể nào sống chung với một con vật ghê tởm như thế được và có lẽ anh ấy đã tự động bò đi rồi. Như thế chúng ta thiếu mất một người thân nhưng chúng ta có thể tiếp tục sống và tưởng nhớ mãi đến anh ấy. Còn như thế này thì con vật đó đang làm khổ chúng ta, xua đuổi hết khách thuê nhà, rõ ràng nó muốn mình nó chiếm trọn căn hộ này và tống chúng ta ra ngủ đường. Nhưng nhìn kìa, bố ơi,” cô gái bất chợt thét lên, “nó lại đang giở trò kìa!” Và trong một cơn hoảng hốt mà Gregor không sao hiểu nổi, em gái anh bỏ cả bà mẹ, đẩy hẳn chiếc ghế ra xa như thể cô thà hy sinh bà mẹ còn hơn ở lại gần kề Gregor đến thế, và cô lao tới nấp sau lưng bố, ông già cũng bật dậy, bối rối bởi sự hoảng loạn của cô con gái, và ông giơ hai tay về phía cô như muốn bảo vệ cô.

 

Tuy nhiên Gregor không mảy may có ý định làm ai kinh hãi, nhất là đối với em gái mình. Anh chỉ bắt đầu xoay tròn thân hình lại để bò về phòng mà thôi, nhưng chắc chắn ai nhìn cái thao tác ấy cũng giật mình ghê rợn, bởi lẽ do tình trạng tàn tật, anh không thể nào thực hiện động tác xoay trở khó khăn này mà không ngóc đầu lên rồi lại đập mạnh xuống sàn, và cứ thế lặp đi lặp lại hoài. Anh nghỉ một lúc cho đỡ mệt và nhìn quanh. Dường như họ đã nhận ra thiện ý của anh, cơn hốt hoảng chỉ là nhất thời. Lúc này tất cả đứng quan sát anh trong im lặng buồn bã. Mẹ anh nằm trên tràng kỷ, hai chân duỗi thẳng đờ, đan vào nhau, mắt hầu như nhắm nghiền vì mệt mỏi, bố và em gái anh đang ngồi bên nhau, cánh tay cô gái quàng qua cổ ông già.

 

“Có lẽ bây giờ mình tiếp tục quay lại được rồi đấy” Gregor nghĩ thầm và lại bắt đầu công việc nhọc nhằn của mình. Anh không kìm được những tiếng thở hồng hộc vì nỗ lực, chốc chốc anh phải khựng lại để lấy hơi. Không một ai quấy rầy anh nữa, họ hoàn toàn bỏ mặc anh tự xoay xở. Khi đã xoay được trọn một vòng, anh lập tức bắt đầu bò thẳng về phòng mình. Anh kinh ngạc trước khoảng cách từ chỗ mình đến căn phòng và không hiểu sao vừa nãy trong tình trạng suy yếu thế, anh lại có thể bò ra đến tận đây mà không ai hay biết. Hăm hở bò càng nhanh càng tốt, anh không hề để ý rằng gia đình anh không ai thốt ra một lời nào, một tiếng nào cản trở bước tiến của anh. Chỉ khi đã tới ngưởng cửa, anh mới ngoái đầu lại, đầu anh chỉ quay được một chút vì các cơ ở cổ đã tê cứng, nhưng cũng đủ cho anh thấy không có gì thay đổi ở phía sau; chỉ có điều em gái anh giờ đã đứng dậy. Tia nhìn cuối cùng của anh đậu trên người mẹ lúc này đã mê mệt trong giấc ngủ.

 

Anh vừa lết vào trong phòng thì ai đó đã vội đẩy sập cánh cửa, cài then và khóa kỹ. Tiếng động đột ngột ở phía sau làm anh giật mình đến nỗi những cặp chân nhỏ khuỵu xuống. Chính em gái anh là kẻ đã tỏ ra vội vàng như thế. Cô đã chực sẵn để phóng vọt tới, nhẹ nhàng đến mức ngay cả Gregor cũng không nghe thấy, và cô vừa xoay chìa khóa trong ổ vừa kêu to với bố mẹ: “Thế là xong!”

 

“Rồi sao nữa đây?” Gregor tự hỏi mình, mắt nhìn quanh trong bóng tối. Chẳng mấy chốc, anh phát hiện ra lúc này anh không sao ngọ ngoậy được lấy một cẳng chân. Điều đó không làm anh ngạc nhiên, mà dường như chính việc những cái chân yếu ớt này lâu nay vẫn giúp anh di chuyển mới là điều khác thường. Ngoài điều đó ra, anh cảm thấy khá dễ chịu. Đành rằng toàn thân anh có đau nhức thật, song con đau nhức này có vẻ đang giảm dần và cuối cùng có thể sẽ tan biến. Quả táo thối rữa trên lưng anh cùng mảng lưng bị viêm quanh nó đều phủ đầy bụi mịn, đã hầu như thôi không hành hạ anh nữa. Anh nghĩ đến gia đình với tình yêu thương trìu mến.

 
Anh phải biến mất, ý nghĩ đó nung nấu trong anh còn mãnh liệt hơn cả em gái mình – nếu như anh có khả năng thực hiện được. Trong trạng thái suy tư bình an và lơ đãng ấy, anh nằm liệt một chỗ mãi đến lúc chuông đồng hồ trên tháp gõ ba giờ sáng. Ý thức của anh một lần nữa lại tiếp nhận ánh hừng đông đầu tiên dần trải rộng ở thế giới bên ngoài khung cửa sổ. Rồi đầu anh tự động gục xuống sàn nhà và hơi thở mong manh cuối cùng của sự sống thoát khỏi hai lỗ mũi anh.

 

Sáng sớm, bà giúp việc đến – phần do sốt ruột, phần vì bà rất khỏe, bà ầm ầm đóng sập các cửa phòng, chẳng hề bận tâm đến lời yêu cầu thường xuyên xin bà đừng làm thế, khiến cho cả căn hộ không ai ngủ yên được sau khi bà đến – bà ta không nhận ra điều chi khác thường lúc hé mắt nhìn vào phòng Gregor theo thói quen. Bà ta tưởng đâu anh cố tình nằm bất động giả vờ giận dỗi; chả là bà ta vốn tin rằng anh có thừa thông minh để làm mọi chuyện. Tình cờ đang cầm chiếc chổi cán dài trong tay, bà đứng ở cửa thử dùng nó để cù cho anh nhột. Khi không thấy anh phản ứng gì, bà ta cảm thấy mình bị khiêu khích bèn vung cán chổi chọc mạnh thêm, và mãi đến khi đẩy anh trượt trên sàn nhà mà không gặp một chút kháng cự nào thì bà ta mới chú ý hơn. Trong phút chốc bà ta hiểu ra sự thật và trợn mắt, khẽ rít một tiếng; không phí thời gian, bà giật toang cửa phòng ngủ của ông bà Samsa và mở hết cỡ giọng la lên trong bóng tối: “Ra mà coi này, nó chết rồi; nó nằm chết gí đấy, đi tong rồi!”

 

Ông bà Samsa giật mình choàng tỉnh trên chiếc giường đôi và sau một lúc vất vả nén cú sốc mới hiểu ra ý nghĩa lời thông báo của bà giúp việc. Họ liền nhảy xuống giường thật nhanh, mỗi người một phía, ông Samsa khoác vội chiếc chăn lên vai; bà Samsa chỉ mặc phong phanh chiếc áo ngủ, cứ để nguyên như thế bước vào phòng Gregor. Trong lúc đó, cánh cửa phòng khách, nơi Grete ngủ kể từ lúc phải nhường phòng cô cho khách trọ, cũng đã mở; cô đã ăn mặc chỉnh tề như thể chưa hề lên gường ngủ; vẻ mặt tái nhợt của cô chừng như cũng xác minh điều ấy. “Chết à?” bà Samsa vừa nói vừa nhìn mụ giúp việc, dò hỏi, mặc dù bà đã có thể tự mình thẩm tra điều ấy; mà sự việc rành rành là như thế chứ cần gì thẩm tra. “Tôi tin chắc là thế” mụ giúp việc đáp, và chứng minh lời nói của mình bằng cách dùng cán chổi gạt cái xác của Gregor hẳn sang một bên. Bà Samsa phác một cử chỉ như định ngăn lại, nhưng rồi lại thôi. “Chà,” ông Samsa lên tiếng, “bây giờ thì ơn Chúa”. Ông làm dấu thánh giá và ba người đàn bà làm theo. Grete hỏi, đôi mắt không rời xác chết: “Xem này, nó mới gầy ốm làm sao. Suốt một thời gian dài nó có ăn uống gì đâu. Thức ăn đưa vào thế nào thì lấy ra còn nguyên thế ấy”. Quả thật thân hình Gregor dẹp lép và khô đét, mãi đến bây giờ điều đó mới lộ rõ khi nó không còn được những cẳng chân chống đỡ và chẳng còn gì ngăn cản mọi người ngó sát vào tận nơi.

 

“Grete ơi, lại đây với bố mẹ một chút đi con” bà Samsa nói với một nụ cười run rẩy, và Grete đi theo hai người về phòng riêng của ông bà, không khỏi ngoái lại nhìn cái xác lần nữa. Bà giúp việc đóng cửa lớn và mở rộng cửa sổ. Tuy trời mới mờ sáng, đã thấy chút ấm dịu trong không khí tươi mát. Dù sao cũng đã đến cuối tháng Ba.

 

Ba người khách trọ bước ra khỏi phòng và ngạc nhiên khi không thấy bữa điểm tâm sẵn sàng cho họ; họ đã bị bỏ quên. “Bữa điểm tâm đâu?” người khách trọ luôn luôn đứng ở giữa cáu kỉnh hỏi bà giúp việc. Nhưng bà ta đưa một ngón tay lên môi, rồi không nói một lời, hấp tấp ra hiệu bảo họ nên vào phòng Gregor. Họ làm theo, và tay đút túi áo khoác đã hơi sờn, đứng quanh xác Gregor trong căn phòng lức này đã sáng bạch. Giữa lúc đó, cửa phòng ngủ của ông bà Samsa bật mở và ông Samsa xuất hiện trong bộ đồng phục, một tay ôm vợ, một tay ôm con gái. Cả ba có vẻ như vừa khóc xong; chốc chốc Grete lại giấu mặt vào cánh tay bố.

 

“Ra khỏi nhà ta ngay!” ông Samsa vừa nói vừa chỉ ra cửa, tay vẫn ôm hai người đàn bà không rời. “Thế nghĩa là thế nào?” người khách trọ đứng giữa ngỡ ngàng kêu lên, một nụ cười yếu ớt trên môi. Hai người kia chắp tay sau lưng, không ngừng xoa vào nhau như thể khoái chí chờ đọi một cuộc ẩu đả hay ho mà họ tất phải nắm phần thắng. “Nghĩa là thế, đúng như ta vừa nói đấy” ông Samsa đáp và cùng với hai người đàn bà tiến thẳng đến gần người khách trọ. Thoạt đầu, hắn cứ đứng nguyên một chỗ, mắt nhìn xuống sàn tựa hồ những ý nghĩ trong đầu hắn đang chuyển sang một nếp mới. “Vậy thì chúng tôi đi, tất nhiên” hắn nói và ngẩng lên nhìn ông Samsa như thể, không hiểu sao hắn bỗng hiền lành hẳn đi, chờ ông cho phép ngay cả trong trường hợp này. Ông Samsa chỉ khẽ gật đầu vài cái, ánh mắt mở to đầy hàm ý. Thấy thế, người khách trọ sải bước ra hành lang, lần này thì đi thật, hai người bạn của hắn nãy giờ đứng lắng nghe và đã thôi không xoa tay nữa cũng hấp tấp bước theo hắn như thể sợ ông Samsa có thể nhanh chân đi ra hành lang trước họ, chia cắt họ khỏi người cầm đầu. Đến hành lang, cả ba lấy mũ nón trên kệ xuống, lấy ba toong ở giá mắc ô dù ra, im lặng cúi đầu chào rồi rời căn hộ.

 
Với nỗi ngờ vực hoàn toàn vô căn cứ, ông Samsa cùng hai người đàn bà đi theo họ ra đến thềm cầu thang, cúi mình qua lan can nhìn theo bóng người đang bước xuống thang lầu, chậm chạp nhưng chắc chắn; cứ xuống hết một tầng lầu lại biến mất ở góc ngoặt của cầu thang để rồi lát sau lại hiện ra; bóng họ càng nhỏ đi thì sự chú ý của gia đình Samsa dõi theo họ càng giảm, và khi thằng bé hàng thịt gặp họ trên cầu thang rồi vượt qua họ tiếp tục đi lên lầu một cách kiêu hãnh với chiếc mâm đội trên đầu thì ông Samsa cùng hai người đàn bà liền rời thềm cầu thang bước vào nhà như thể vừa trút được một gánh nặng.

 

Họ quyết định suốt ngày hôm nay sẽ nghỉ ngơi và dạo phố; họ không những xứng đáng được hưởng một dịp nghỉ ngơi như thế này mà đó còn là điều tuyệt đối cần thiết đối với họ. Thế là họ ngồi vào bàn, viết ba lá thư xin phép; ông Samsa viết cho ban giám đốc ngân hàng, bà Samsa cho ông chủ hãng may mặc, và Grete cho giám đốc hãng buôn. Trong lúc họ đang viết, mụ giúp việc bước vào chào ra về vì công việc buổi sáng của bà ta đã hoàn tất. Thoạt tiên họ chỉ gật đầu không ngước nhìn lên, nhưng mụ ta cứ đứng chờn vờn ở đó mãi khiến họ bực dọc nhìn mụ. “Sao?” ông Samsa hỏi. Mụ giúp việc đứng ở khung cửa cười toe toét làm như mụ có tin vui muốn truyền đạt cho gia đình nhưng chỉ nói ra khi nào được hỏi tử tế. Chiếc lông đà điểu dựng đứng trên chiếc mũ của mụ đã từng làm ông Samsa khó chịu ngay từ khi thuê mụ bây giờ đang phởn phơ vung vẩy khắp mọi hướng. “Sao, có chuyên gì vậy?” bà Samsa hỏi – bà là người được mụ giúp việc kính nể hơn hai người kia. “Ôi” – mụ ta vừa đáp vừa cười ngặt nghẽo không nói ngay được – “ông bà không cần phải lo chuyện vứt bỏ con vật ở phòng bên đâu. Tôi đã lo liệu xong xuôi rồi!” Bà Samsa và Grete lại cúi đầu xuống viết thư tiếp như thể đang bận rộn lắm; ông Samsa thấy rõ mụ đang háo hức muốn mô tả chi tiết những gì mụ đã làm nên kiên quyết xua tay ngăn mụ lại. Bởi không được phép kể con cà con kê, mụ sực nhớ mình đang vội, mụ kêu to với vẻ rõ ràng là tự ái: “Chào tất cả!” rồi vùng vằng quay lưng bỏ đi với những tiếng đóng cửa ầm ầm.

 

“Tối nay sẽ cho mụ thôi việc” ông Samsa bảo, nhưng cả vợ lẫn con gái không ai buồn trả lời ông, vì mụ giúp việc dường như đã đập tan tành chút bình tĩnh họ vừa mới đạt được. Hai người đàn bà đứng lên, đi đến cửa sổ và đứng đó, ôm ghì lấy nhau. Ngồi trong chiếc ghế bành, ông Samsa xoay người lại nhìn theo và lặng lẽ quan sát họ một lát. Rồi ông gọi: “Lại đây nào, mau đi. Chuyện đã qua rồi thì cho nó qua luôn. Và các người lẽ ra phải quan tâm đến tôi một tí chứ”. Hai mẹ con răm rắp tuân theo, bước vội đến chỗ ông, vỗ về ông, rồi hối hả viết nốt các lá thư.

 

 
Sau đó cả ba cùng nhau xuống phố, điều mà bao tháng nay họ không có dịp làm, và đáp tàu điện về miền quê thoáng đãng ở ven đô. Họ là những hành khách duy nhất trên chuyến tàu điện tràn ngập nắng ấm. Thoải mái ngả lưng ra ghế, họ phác họa những viễn cảnh tương lai, và nếu xét cho kỹ thì những viễn cảnh ấy cũng không có gì u ám, vì cả ba đều có công ăn việc làm, công việc nào cũng thích hợp và hứa hẹn tiền đồ tươi sáng – điều mà lâu nay họ chưa một lần nào bàn luận thực sự với nhau. Tất nhiên nếu họ rời sang một căn nhà khác thì chắc chắn tình trạng của họ sẽ lập tức được cải thiện bội phần; họ cần một căn nhà nhỏ hơn, rẻ hơn nhưng đồng thời cũng ở địa thế tốt hơn và dễ trông coi hơn là căn hộ họ đang ở, căn hộ mà Gregor đã chọn.
 
Giữa lúc bàn cãi, cả ông Samsa lẫn bà vợ gần như đồng thời sửng sốt khi họ nhận ra thái độ càng lúc càng sôi nổi của cô con gái; dù đôi má cô vẫn còn nhợt nhạt sau một thời gian dài chồng chất bao sầu muộn, Grete đã bừng nở thành một thiếu nữ xinh tươi với vóc dáng thanh tú. Hai ông bà trở nên trầm lặng hơn và bất giác liếc mắt nhìn nhau thầm đồng ý với một kết luận: đã đến lúc phải tìm cho cô một người chồng tử tế. Và như để khẳng định cho những mơ ước mới mẻ cùng với những ý đồ tốt đẹp của bố mẹ, đến cuối cuộc hành trình, người con gái đứng dậy trước tiên và vươn thẳng tấm thân thanh xuân phơi phới.

 

HẾT

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận