Công ty Arevo của cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ bị tố lừa đảo

0
905

Dự án Arevo được triển khai với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD của vợ chồng cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ, bị cộng đồng chỉ trích thiếu trách nhiệm với khách hàng, đưa ra thị trường sản phẩm xe đạp kém chất lượng. Thậm chí, nhiều người còn tố Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ lừa đảo. Arevo đã huy động nhiều người tham gia góp vốn hàng trăm tỷ đồng (hơn 7 triệu USD).

Trước khi bị “tố lừa đảo”, Arevo Việt Nam được đầu tư thế nào?

-Quảng Cáo-

Theo thông tin từ Sài Gòn Giải Phóng, dự án sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất sản phẩm trên các máy in 3D sử dụng vật liệu polyme sợi carbon của Công ty TNHH Arevo Việt Nam đã chấm dứt hoạt động được đầu tư tại Khu Công nghệ cao TP HCM.

Arevo Việt Nam là công ty do bà Lê Diệp Kiều Trang – cựu CEO Go Việt và cựu CEO Facebook Việt Nam, cùng chồng là ông Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) điều hành. Công ty này chuyên sản xuất vật liệu composite sợi carbon in 3D.

Theo đó, vào ngày 27/1/2021, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) đã tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp đầu năm 2021, qua đó đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất sản phẩm trên các máy in 3D sử dụng vật liệu polymer sợi carbon của Arevo Việt Nam, tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD.

Ngoài nhà máy tại TP HCM, Arevo Việt Nam của vợ chồng bà Trang còn được chấp thuận chủ trương nghiên cứu cho Arevo Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, với tổng vốn 135 triệu USD tại TP Đà Nẵng trong cùng năm 2021.

Tại thời điểm đó, dự án trị giá 19,5 triệu USD này khá thu hút, nhất là việc sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D. Dự án quảng bá rằng với công nghệ in 3D, chất liệu sợi carbon siêu nhẹ, chiếc xe chỉ gần 1,3 kg mang tên SuperStrata được thiết kế, sản xuất theo nhu cầu của người dùng.

Công ty bà Kiều Trang đã đưa sản phẩm này lên Indiegogo để gây quỹ cộng đồng vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát và nhanh chóng huy động hơn 7 triệu USD tiền ủng hộ.

Khách hàng thất vọng và tố cáo xe đạp SuperStrata chất lượng không như cam kết

Thế nhưng, sau lô hàng đầu tiên, không ít khách hàng đã phàn nàn về chất lượng của xe SuperStrata, thậm chí nhiều xe không đảm bảo an toàn. Đỉnh điểm là xe giao chậm nhiều tháng và có khách hàng đặt xe với giá 3.000 USD nhưng khi nhận xe mới phát hiện vật liệu của xe không như cam kết, thiết kế thiếu khoa học, các chi tiết gia công kém hoàn thiện, cảm giác thiếu an toàn khi đạp xe…

Cộng đồng xe đạp SuperStrata thế giới và Việt Nam đã lên tiếng phản ánh với nhà sản xuất, thậm chí trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư dự án… nhưng chỉ nhận được sự im lặng, thậm chí cắt đứt liên lạc với những người phản ánh.

Không chỉ bị phản ứng về xe đạp SuperStrata, gần đây, một dự án kêu gọi vốn khác của Sonny Vũ trên trang Idiegogo cũng đã bị cộng đồng mạng lên án gay gắt. Chiến dịch này bắt đầu từ khoảng tháng 5/2021, cũng liên quan in 3D carbon và lần này là xe scooter thay vì xe đạp, đã có hơn nửa triệu USD được người dùng ủng hộ dự án… Thế nhưng, Idiegogo hiện bị khóa để xác minh các cáo buộc “lừa đảo” từ người dùng.

Trước khi bị đưa vào tình trạng “đóng băng”, dự án trên đã kêu gọi được hơn 610.000 USD từ 301 người góp vốn, tương đương mức tăng 595% so với kế hoạch mà nhà sản xuất đặt ra (100.000 USD).

Ryan Angelo, một trong những thành viên Indiegogo tham gia góp vốn, đã tố cáo Sonny Vũ là “kẻ lừa đảo”, đồng thời kêu gọi người dùng khác chung tay kiện tập thể công ty cùng ông này. Một số tài khoản đã góp vốn khác cho biết họ nhiều lần liên hệ cả nhân viên hỗ trợ lẫn ông Sonny Vũ nhưng không có hồi âm. Khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Indiegogo, nền tảng này chỉ đề xuất họ liên lạc với những người chịu trách nhiệm của dự án. Trang Indiegogo “đóng băng” dự án của ông Sonny Vũ vì các cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư

Nhiều người yêu cầu hoàn tiền nhưng cũng không nhận được câu trả lời từ đội ngũ phát triển, hỗ trợ dự án. Quá trình này kéo dài từ cuối năm 2021 (thời điểm dự kiến bàn giao thành phẩm) tới nay vẫn chưa kết thúc.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, hiện Ban Quản lý SHTP đã ghi nhận tình trạng chấm dứt hoạt động dự án đầu tư của Công ty TNHH Arevo Việt Nam trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Việc Công ty TNHH Arevo Việt Nam chấm dứt dự án nói trên không ảnh hưởng gì đến hoạt động chung của SHTP vì đây là dự án thuê nhà xưởng xây sẵn.

Lý do chấm dứt hoạt động của Arevo Việt Nam là nhà đầu tư chưa thể sản xuất vật liệu carbon dẫn tới tăng chi phí, tạo ra thành phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường và do dịch bệnh mà công ty không còn khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển.

Dự án của Lê Diệp Kiều Trang thất bại nhưng huy động và đốt vốn của nhà đầu tư

Dự án xe đạp in 3D của Lê Diệp Kiều Trang và chồng là Sonny Vũ dường như đã bỏ qua yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất: sản phẩm phải đảm bảo chất lượng.
 
Nhiều người phàn nàn về chất lượng xe, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của Công ty Arevo như đặt xe nhưng không được giao hàng, hoặc gửi email nhưng không được phản hồi, xe được giao chậm, phải trả thêm phí vận chuyển… Thậm chí, một số ý kiến còn tố Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ lừa đảo.
 
Dự án khởi nghiệp của Lê Diệp Kiều Trang thất bại dưới góc nhìn lạ - 1
Lê Diệp Kiều Trang (Ảnh: FBNV)
 
Với 7,2 triệu USD được huy động từ các nhà đầu tư, Kiều Trang cho rằng: Tiền đã đổ hết vào nhà máy sản xuất, phụ tùng xe đạp, chi phí “ba tại chỗ”, chi phí vận tải tăng gấp nhiều lần sau Covid-19 khi nhập nguyên liệu đầu vào, lương kỹ sư công nhân…
 
Theo chia sẻ của bà này, Covid-19 khiến dự án không mua được phụ tùng xe đạp theo tiêu chuẩn đã thiết kế, không tìm được các đơn vị gia công (sơn, lắp ráp) đủ tiêu chuẩn… khiến sản phẩm hoàn thiện giai đoạn này không tốt. Khách hàng ở cả Việt Nam và nước ngoài đều chê sản phẩm không đẹp.
 
Trước hết, Arevo đã hoàn toàn thất bại trong việc kết nối giữa kỹ sư thiết kế và đội ngũ mua hàng trong giai đoạn đầu tiên khi phát triển các mẫu xe ban đầu. Kỹ sư khi thiết kế ra mẫu xe đã chọn những nguyên liệu từ các nhà sản xuất độc quyền mà không đánh giá khả năng cung ứng số lượng lớn từ các nhà cung cấp này.
 
Một nhà cung ứng có khả năng sản xuất và giao 100 sản phẩm một cách dễ dàng, nhưng khi đơn hàng ở 5.000-10.000 chiếc thì chất lượng hoặc thời gian sản xuất của họ sẽ thay đổi rất lớn. Các vấn đề này thường sẽ được đánh giá bởi đội ngũ mua hàng.
 
Các kỹ sư thì chỉ muốn thiết kế sao cho ấn tượng nhất mà không để ý đến vấn đề rủi ro về nhà sản xuất phụ kiện. Đến khi bản mẫu làm xong, đến đoạn mua hàng cho sản xuất hàng loạt thì đã quá trễ trong việc thay đổi nhà sản xuất và nguyên liệu khi vấn đề phát sinh.
 
Thứ 2, Arevo quá vội vã trong việc gia tăng sản xuất với số lượng lớn. Bởi vì thiếu thời gian định hình sản xuất nên đội ngũ cung ứng không thể phân tích rủi ro cho từng linh kiện. Mỗi một linh kiện cần có ít nhất 2-3 nhà cung ứng và phải có kế hoạch để có thể thay thế linh kiện này trong trường hợp hàng bị giao trễ.
 
Không thể đổ thừa hoàn toàn cho Covid là một rủi ro không thể lường trước. Người làm sản xuất luôn phải chuẩn bị 1-2-3 kịch bản cho cái rủi ro thường gặp nhất, đó là không có đủ nguyên vật liệu để lên dây chuyền sản xuất.
 
Một vấn đề khác là Lê Diệp Kiều Trang thừa nhận đã có rất nhiều phương án đối phó về thiếu vật liệu sản xuất nhưng chất lượng đều không đạt tiêu chuẩn như mong muốn, tuy nhiên những chiếc xe thiếu chất lượng này vẫn được giao đến tay người dùng. Điều này, bà Ngọc Anh – người có kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng cho 2 tập đoàn dược Merck ở Mỹ và Lonza ở Singapore, cho rằng nhà sản xuất có thể thỏa hiệp về giá, về thời gian sản xuất nhưng không thể thỏa hiệp về chất lượng.
 
Cụ thể hơn, doanh nghiệp sản xuất vô cùng khó khăn vì đứt đoạn nguyên vật liệu trong thời gian bị Covid-19, việc tìm nhà cung ứng mới hay tìm một vật liệu khác để thay thế thiết kế cũ là chuyện thường xảy ra. Việc chậm trễ có thể chấp nhận được, thậm chí việc thay đổi nhà cung cứng cho các phụ tùng trong bản thiết kế. Nhưng dù là thay đổi gì thì vẫn phải bảo đảm sự thay thế này vẫn mang lại chất lượng, hiệu quả tương tự.
 
Nhà sản xuất không thể vì áp lực cần giao hàng mà thỏa hiệp với nguồn cung nguyên vật liệu yếu kém, hay ký hợp đồng gia công với những xưởng không đủ trình độ. “Giây phút thỏa hiệp về chất lượng chính là lúc Arevo tự tay bóp chết tương lai của mình. Có ích gì khi giao sản phẩm không đủ điều kiện cho một khách hàng đã mất kiên nhẫn”, bà Ngọc Anh đặt câu hỏi.
 
Bà Kiều Trang còn cho rằng đây là sản phẩm còn trong giai đoạn nghiên cứu, thí nghiệm nên còn nhiều khiếm khuyết. Phản hồi ý này, bà Ngọc Anh cho rằng nếu vậy, chiếc xe nên chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm và chỉ được chạy thử nghiệm, không nên đến tay người tiêu dùng. Nếu người sử dụng chiếc xe này bị thương vì xe bị lỗi kỹ thuật, ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm?

Tiềm ẩn nhiều rủi ro do Việt Nam chưa có khung pháp lý riêng biệt cho hoạt động góp vốn cộng đồng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã có những chia sẻ với Thanh Niên về dự án gọi vốn của công ty Arevo và chiếc xe đạp Superstrata của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn).

Trong trường hợp người Việt tham gia dự án góp vốn ở nền tảng đa quốc gia, họ có thể yêu cầu hoàn tiền hay được bảo vệ quyền lợi thế nào, cụ thể là trường hợp góp vốn tại Superstrata?

– Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Khi nói về hình thức góp vốn cộng đồng, hiện nay có thể kể đến bốn hình thức chủ yếu là:

  • Gọi vốn theo hình thức cổ phần (equity-based crowdfunding)
  • Gọi vốn theo hình thức vay vốn (lending-based crowdfunding)
  • Gọi vốn theo hình thức quyên góp từ thiện (donation-based crowdfunding)
  • Gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng, quà tặng (reward-based crowdfunding), chủ dự án sẽ dành cho người góp vốn những lợi ích (thể hiện bằng gói quà tặng) được quy định sẵn phù hợp với số tiền mà người góp vốn bỏ ra để đầu tư vào dự án mà không phụ thuộc vào lợi nhuận dự án thu được.

Có thể nhận thấy trường hợp góp vốn tại dự án Superstrata thuộc loại hình “Gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng, quà tặng” và hiện tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý riêng biệt cho hoạt động góp vốn cộng đồng. Vì vậy, trường hợp người Việt tham gia dự án góp vốn ở nền tảng đa quốc gia tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đến từ việc không có cơ sở pháp lý cụ thể để áp dụng khi tranh chấp phát sinh, ràng buộc về quyền nghĩa vụ các bên, pháp luật áp dụng, hoặc sự can thiệp quản lý nhà nước.

(Kienthuc, Dân trí, Thanh Niên)
guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận