Giông tố – Tác giả: Vũ Trọng Phụng

0
2951

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp

Chương 19

-Quảng Cáo-

Mịch bàng hoàng, ngơ ngác nhìn quanh như vừa tỉnh một giấc mộng. Trong cuộc đời gái quê thanh bần của Mịch, quả nhiên một sự phi thường đã xảy ra. Mịch chưa dám chắc đó là hạnh phúc hay chông gai, song cứ kể về phi thường thì quả thật những điều như thế đã phi thường lắm.

Mịch đã ù tai về tiếng máy xe hơi, tiếng pháo nổ ran, tiếng giầy nện vào thang gác lúc rạp hát hạ lớp màn cuối cùng, tiếng cốc tách chạm nhau, tiếng cười nói bông lơn chưa hề nghe thấy. Mịch đã choáng mắt lên vì ánh sáng phản chiếu từ những miếng kền, miếng kính của hơn mười chiếc xe hơi, màu hoa đào của những gối chăn, màu xanh, đỏ, tím, vàng, lòe loẹt của những người đi đón dâu đẹp như tiên nga, màu hớn hở nghìn tía muôn hồng của những dây hoa xếp quanh cái xe hòm, mà Mịch đã bước lên, ngồi từ Quỳnh Thôn về đến Hà Nội. Khứu quan của Mịch đã bị kích động dữ dội về những mùi thơm ngào ngạt ở quần áo hai người đàn bà nhan sắc choáng lộn, quần áo kỳ lạ, ngồi kèm hai bên Mịch, tuy vẫn cười đùa với Mịch đấy nhưng mà Mịch vẫn sợ hãi, kính trọng một cách băn khoăn.

Thật là một giấc mộng.

Bây giờ, tâm hồn đã thư thái, Mịch mới kịp nhìn kỹ gian phòng. Cái giường Mịch ngồi là một thứ giường lạ mắt lùn tìn tịt, ngồi vào y như là ngồi xuống đất, có chăn gối mới, có nệm rất êm. Sau lưng Mịch, một cái gương to bằng cả một cái giường, khiến cho thoạt đầu lúc mới nhìn vào, Mịch phải tưởng là bên kia cũng có một gian phòng bày tiện như thế. Một đôi ngà voi chổng ngược, trấn ngay bộ bàn ghế, cũng lùn tịt ngay ở cửa phòng vào. Trên một cái dàn, một con trĩ đuôi dài, trông như thật, không biết thật hay là giả, do ai làm khéo đến như thế, cứ nhìn Mịch trừng trừng không thôi. Bốn bức tường thì nào là đĩa cổ nào là sừng hươu, nào là con dao, cái kiếm… Lại có mấy bức về đàn bà trần truồng trông đến lạ, không biết ai lại đi treo như thế, không biết treo như thế để làm gì.

Nhìn lại sau lưng, Mịch thấy một người đàn bà mặc áo vải rồng, quần lĩnh, đứng lễ phép như chờ Mịch sai bảo, trông giàu có chẳng kém gì cô con gái ông chánh hội làng Quỳnh Thôn!

Mịch chợt giật mình, nhưng sau khi thấy ngay rằng áo cánh của mình, cũng may bằng lụa, cái khăn chít trên đầu cũng bằng đoạn Vân Nam, cái áo dài lại bằng nhung đen, đôi giầy lại có thêm phượng múa, lại thêm tay có vòng, tai có hoa, cổ nặng trĩu những hạt vàng nên Mịch yên tâm ngay.

Giữa hoàn cảnh ấy, trong sự trang sức ấy, Mịch không hiểu bỗng đâu nao nao lên sung sướng, hình như Mịch có một thế lực gì với đời rồi vậy.

Rồi Mịch chợt nghĩ đến những nghi lễ của cuộc hôn nhân.

Năm hôn trước đây, người ta đã về Quỳnh Thôn với ba chiếc xe hơi, với mấy nghìn cau, mấy trăm bánh và ba trăm bạc.

Ngày hôm ấy cả làng đã nhao lên rồi.

Hai hôm sau nữa thì trước sân nhà ông đồ đã có một bọn giai làng ngồi chống rạp. Rồi sáu con lợn theo nhau mà chết để giữ mấy vạn con ruồi của làng Quỳnh Thôn. Dư luận của làng bỗng xoay đổi hẳn.

Những người đã chửi xỏ bà đồ Uẩn một cách hèn mạt nhất, thì lại là những người làm giúp một cách hăng hái nhất. Tuy nhiên cũng có vài gia đình mà sự căm hờn đã ngăn không cho đến để nốc rượu và thi hơi. Khốn thay, tuy không đến lấy lệ vậy thôi, chứ thực ra, họ đứng bên ngoài cái rào găng, mà chuyền tay nhau phỗng hàng rá thịt một.

Mịch nghĩ như vậy mà sung sướng, muốn kiêu căng vô cùng… Nhưng mà… hôm đón dâu chính chàng rể không về, cái bàn thờ tổ tiên chỉ được có Mịch cúi đầu lễ mấy cái. Đám cưới thì long trọng lạ lùng, danh giá lạ lùng, duy có chỗ không thấy chàng rể là đáng bực mình một chút mà thôi. Hình như ông đồ buồn vì điều ấy lắm. Hình như cả làng bàn tán về chỗ ấy dữ dội lắm… Chả biết có thật không? Trong lúc bối rối cuống quít, Mịch không hiểu gì cả. Để nay mai sẽ hỏi xem sự xảy ra là thế nào… Như vậy thì ra cũng chưa nên kiêu căng vội.

Đương phân vân nghĩ như thế, Mịch chợt thấy có tiếng gót giầy nện vào bậc thang. Đó là người con người vợ trước, tức là cậu cả con bà cả vậy.

Tú Anh tươi cười đến bên cạnh giường mà rằng:

– Thưa dì, tôi xin kính chào dì.

Mịch đáp rất lễ phép:

– Không dám, lạy ông.

– Ấy chết, tôi đây chỉ là con bà cả, dì đừng gọi thế.

– Vâng.

Mịch đáp thế rồi không biết nên nói năng sao nữa.

Tú Anh lại nói:

– Cái nhà này, từ nay trở đi, là nhà riêng của dì.

– Vâng.

– Phố này là phố Quán Thánh ở Hà Nội.

– Dạ, vâng.

– Dì đừng lấy làm lạ nhé, ấy nhà tôi là như thế. Chồng một nơi, vợ một nơi, bố một nơi, con một nơi nhưng mà đã có xe hơi thì xa mà cũng là gần.

– Vâng.

– Chờ khi dì mãn nguyệt khai hoa xong, có muốn về trại với thầy tôi ở tỉnh trên, thì tùy ý.

– Vâng.

– Rồi ít lâu nữa, tôi sẽ mời ông cụ đồ, bà cụ đồ ra đây ở chơi với dì vài tháng cho vui.

– Vâng.

– Dì cứ nằm nghỉ một lát cho đỡ mệt.

– Vâng, được ạ.

Tú Anh đến đây, ngồi xuống một cái ghế, bảo người hầu:

– Con sen!

– Dạ!

– Sao mày không rót nước bà xơi?

– Vâng ạ.

– Mày hầu hạ bà phải cho ngoan ngoãn lễ phép.

– Vâng.

Tú Anh quay lại nói với Mịch:

– Nó sẽ làm cơm và hầu hạ dì. Còn tôi, thỉnh thoảng tôi cũng xin đến thăm dì luôn.

– Vâng.

– Tôi cũng xin nói trước cho dì biết tính nết thầy tôi, để dì liệu mà chiều chồng. Thầy tôi là người nóng nảy lắm, mà hay có tính lỗ mãng một chút.

– Vâng.

– Tuy vậy, thầy tôi cũng là người tốt lắm.

– Vâng.

– Còn đối với mẹ tôi, cũng không khó khăn gì, vì mẹ tôi không ở đây, mà ở Hải Phòng, có khi còn gặp nhau thì dì cứ giữ trọn vẹn cái đạo làm đàn em, cũng đã đủ lắm. Thầy tôi ở trên tỉnh đã về đây hôm qua, chắc cũng sắp đến rồi đấy. Hiện giờ có lẽ còn ở hội khai trí tiến đức vì bận việc.

– Vâng.

– Dì đừng buồn rầu về phận lẽ mọn dì nhé! Nếu có sự gì thì đã có tôi. Tôi xin hết lòng săn sóc…

Vừa nói có đến đấy đã thấy một hồi gót giày khua rộn lên Tú Anh ngừng lại, Mịch nhìn ra… Cái ông đã hiếp mình khi xưa, bữa nay trông hình như lại to béo hơn xưa nữa. Mà lại ăn mặc tây! Như thế thì lễ tơ hồng thế nào?

Tú Anh đứng lên, bắt tay Nghị Hách, chia tay về phía Mịch ra ý giới thiệu, đoạn khoanh tay sau lưng đứng dựa tường mà mỉm cười. Nghị Hách ra vẻ bực mình, gắt con giai bằng mấy câu tiếng tây. Tú Anh cũng đáp lại bằng tiếng tây khiến Mịch phải khó chịu vì không hiểu. Sau cùng Tú Anh bước xuống thang, sau khi bảo con sen cũng xuống theo.

Nghị Hách đứng nhìn Mịch, như một đứa trẻ con lần đầu đứng trước cái chuồng hổ. Lão gật gật cái đầu rồi đến ngồi cạnh Mịch…

Trên tường cái đồng hồ điểm 5 tiếng thánh thót, ngân nga… Lão Nghị đứng lên ra chỗ tường. Tự nhiên thấy tách một cái rồi sáng lóe lên. Mịch vừa lạ vừa lóa mắt, lấy tay bưng lên mặt.

– Thẹn à? Vẽ!

Rồi lão lôi tay Mịch xuống. Một lát lại nói:

– Em ạ, thế là mày đã là vợ lẽ tao rồi!

Lão cười, rồi tiếp:

– Trò đời cũng hay thật đấy!

Không thấy vợ lẽ nói gì, Nghị Hách lại ngắm nghía đến trố mắt. Rồi lão đứng lên mà rằng:

– Ồ lạ thật!

Mãi đến bây giờ Mịch mới nói:

– Bẩm làm sao?

Nghị Hách rằng:

– Trông mày hôm nay xấu lắm!

– ?… – Thật thế, cái tối hôm ấy, mày mặc cái váy nâu, chân mày đầy bùn, thế mà mày lại đẹp. Bây giờ mày diện đặc tiểu thư thế này, mà lại không bằng khi xưa? À, thôi phải rồi! Tại bữa ấy mày có khăn mỏ quạ!

Mịch nghe thế thì như thấy điên người lên. Cái lối xưng hô ấy làm cô không chịu được. Lần đầu Mịch cảm thấy đủ mọi sự chua chát về phận lẽ mọn, nhất là lại lấy lẽ nhà giàu.

Nghị Hách lại nói:

– Mày thế mà tốt số đấy, em ạ. Xưa nay tao có định lấy vợ lẽ bao giờ đâu! Cũng may cho mày là con giai tao cứ muốn như thế. Em nên nhớ ơn cậu cả mới được.

– Vâng!

Mịch vâng bằng giọng gắt, để tỏ sự căm hờn… Nhưng chưa đủ thì giờ để Mịch căm hờn thì Nghị Hách đã lại nói:

– Em cứ chịu khó ngoan ngoãn, đừng hỗn láo với bà cả, đừng có ngoại tình, phải, nhất là đừng có ngoại tình, thì rồi ta cũng quí hóa, thì rồi cũng sướng thân. Lấy tao làm lẽ thứ mười cũng còn hơn làm chính thất người khác.

Đoạn lão tần mần lột những cúc áo của Mịch ra. Tự lão, lão cởi cho Mịch cái áo nhung dài, và bỏ vòng hoa, xuyến, hột. Lão ôm xổ lấy Mịch một cái, lại hôn đánh choét một cái. Mịch hãi hùng đẩy mặt lão ra mà rằng:

– Ấy chết! Thế không tế tơ hồng hay sao?

Lão Nghị trố mắt, hỏi:

– Cái gì?

– Bẩm, tế tơ hồng.

– Tế tơ hồng ấy à?

– Chứ gì!

Lão cười sằng sặc một hồi dài mà rằng:

– Tơ hồng! Tơ hồng… ha ha ha ha! Lại còn tế tơ hồng!

Vì quê mùa, cũng hơi kệch cỡm. Mịch lại nói:

– Phải thế cũng như mọi người chứ!

– Ôi chà! Vẽ! Cô dâu về nhà chồng bụng đã to bằng cái thúng, lại còn vẽ tế với lễ! Mày cũng lắm chuyện lắm.

Nói thế xong, lão mân mê vợ lẽ, làm đủ những trò của một người mới cưới vợ, vào buổi tối tân hôn.

Mịch giữ lấy tay lão mà rằng:

– Ấy chết, tôi đã có chửa đấy!

Lão Nghị vênh mặt lên mà rằng:

– Biết! biết! Không có thì ông cưới làm thèm vào!

Mịch cũng đã đến lúc nhờn, gắt.

– Ăn nói đến hay thôi!

– Chứ lại gì! Ấy may mà mày lại có mang đấy. Thế là có phúc lắm đấy.

– Thôi đi! Nỡm lắm nữa!

Nghị Hách cười một cách đa dâm mà rằng:

– Ông… Ông lại… hiếp cho chuyến nữa bây giờ.

Rồi đứng lên, vươn vai và, sau khi ngáp dài một cái:

– Lạ thật! Hôm hiếp nó thì thế, mà bây giờ nó lấy mình thì thế!

Lão ra ngồi bàn, nhìn mình trong gương một lúc lâu. Sau cùng, lại đến ngồi giường ôm lấy Mịch mà hôn hít một hồi vào khắp mọi chỗ, hai tay cũng thám hiểm khắp mọi chỗ. Trong lúc ấy Mịch nhắm nghiền mắt lại tưởng tượng Nghị Hách là Long…

Nhưng chợt lão ta vỗ vào bụng vợ bốp một cái, kêu to lên:

– Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!

Thế là Nghị Hách, không ân cần được nửa lời, lại tất tả xuống thang. Vài phút sau, tiếng máy xe hơi nổ lên sình sình.

Đêm hôm ấy Mịch nằm một mình, nghĩ đến Long hối hận.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22 Trang 23 Trang 24 Trang 25 Trang 26 Trang 27 Trang 28 Trang 29 Trang 30 Trang 31Kế tiếp