Nhằm bảo vệ môi trường cho khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An đã phát động mạnh mẽ chiến dịch “Nói Không Với Túi Nilon” ở Cù Lao Chàm nhằm triệt tiêu túi nilon – một loại rác khó tiêu hủy đang hủy hoại môi trường ở các đô thị lớn và các sinh vật ở sông, hồ, biển.
Chiến dịch “Nói Không Với Túi Nilon”
Ngoài việc phát túi sinh thái tự hủy miễn phí cho người dân và du khách, Thành đoàn TP. Hội An đã cấp miễn phí gần 3.000 giỏ nhựa cho những hộ dân trên đảo Cù Lao Chàm dùng để đựng lương thực, thực phẩm trong sinh hoạt mua bán hàng ngày.
Sau một tháng phát động chiến dịch, trên các bãi biển ở Cù Lao Chàm, người dân và chính quyền đã thu dọn sạch các loại rác thải nhựa. Ý thức chấp hành của người dân ở đây rất cao. Thói quen không sử dụng túi nilon đã dần hình thành trong mọi sinh hoạt thường ngày của người dân và du khách đến Cù Lao Chàm.
Chợ nhỏ trên xã đảo Tân Hiệp tấp nập người bán kẻ mua, dễ dàng nhận ra người mua đến chợ trên tay đã cầm sẵn một giỏ nhựa, còn người bán thì bày bên cạnh các xấp giấy báo, lá chuối để gói ghém các loại thực phẩm giống như chợ truyền thống ngày xưa. Người mua có thể mang theo hộp, lon để đựng các loại thực phẩm dạng chất lỏng. Chiến dịch “Nói Không Với Túi Nilon” không ảnh hưởng đến việc mua bán. Tùy theo loại thực phẩm mà người bán sử dụng những vật dụng khác nhau để đựng, trừ bao nilon.
Du khách đến với Cù Lao Chàm cũng phải lập tức “nhập gia tuỳ tục”. Tại các bến cảng Cù Lao Chàm, mỗi đợt tàu cập bến, người dân và du khách đều được các tình nguyện viên đến vận động và thay các loại túi nilon bằng túi sinh thái. Tại các khu nghỉ ngơi, ăn uống trên đảo, sau khi phục vụ du khách, các nhân viên đều thu gom rác và phân loại rác cẩn thận. Toàn bãi biển sạch bong, không một tỳ vết của túi nilon hay rác thải.
Từ tháng 05/2009, chiến dịch “Nói Không Với Túi Nilon” đã được thực hiện ráo riết trên đảo. Hàng quán bán đồ cho du khách đều phải dùng túi giấy dễ phân hủy được làm bằng giấy báo. Ống hút bằng tre, sậy cũng thay thế cho ống hút bằng nhựa nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Ông Cao Văn Phải, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, để thực hiện phong trào “Nói Không Với Túi Nilon” tại khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Tân Hiệp đã thành lập một tổ công tác gồm 10 thành viên để thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân từ các cụm dân cư. Lực lượng tình nguyện viên được bố trí thay túi nilon cho người dân và du khách mang ra từ đất liền. Bên cạnh đó là việc xây dựng chương trình phát thanh tuyên truyền người dân không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày. Phong trào đến nay đã thành công lớn, lan rộng khắp đảo.
Ý thức chấp hành của người dân ở đây rất cao. Đặc biệt, nhiều người đã hình thành được thói quen bảo vệ môi trường sinh thái cho đảo thông qua phong trào.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong khâu tuyên truyền đến các công ty lữ hành nên lượng túi nilon mà du khách mang ra đảo vẫn còn nhiều. Trong khi đó, lượng túi tự phân hủy cấp phát miễn phí thì chỉ có giới hạn. Mặt khác, hiện nay, loại túi tự phân hủy vẫn chưa bán rộng rãi ở đất liền nên người dân có nhu cầu sử dụng cũng không có chỗ mua.
Theo ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, đây mới chỉ là phong trào thí điểm. Lượng túi tự phân hủy cấp phát cũng đang trong giai đoạn thăm dò về khả năng tự hủy và được tài trợ miễn phí nên chưa có thị trường rộng rãi.
Theo thông tin của nhà cung cấp, loại túi sinh thái này sẽ phân hủy trong thời gian khoảng 103 ngày và giá thành chỉ tăng 5% so với loại túi nilon thông thường nên địa phương vẫn chờ kết quả.
Khi đến du lịch Cù Lao Chàm, du khách mới hiểu vì sao một nơi bốn bề nước biển mênh mang bao bọc, cách đất liền hàng chục cây số lại được gọi bằng mỹ danh “Hòn Ngọc Xanh”. Đến Cù Lao Chàm, du khách choáng ngợp trước màu xanh biếc của nước biển, trước bãi cát trắng tinh trải dài tít tắp. Rác thải, bọc ni-lông tuyệt nhiên không thấy đâu cả…
Cuộc chiến dẹp rác thải
Nhìn khách nườm nượp kéo nhau từ tàu, ca-nô vào Cù Lao Chàm mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc để lặn biển, ăn uống… mà chúng tôi không khỏi lo âu. Đằng sau bước chân của khách du lịch là rác thải ngập tràn. Liệu những lượt khách nội, ngoại kia có dần dần “nilon hóa” hòn đảo? Rồi cách ứng xử của người dân với biển, với môi trường sẽ thế nào?
Đó là nỗi lo của biết bao người đã “phải lòng” hòn ngọc xinh đẹp Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng nhận ra đó chỉ là nỗi lo của quá khứ. Cù Lao Chàm bây giờ thật sự xanh và sạch!
Cù Lao Chàm có nhiều bãi cát nổi tiếng nhưng chỉ bãi Hương và bãi Làng có cư dân sinh sống. Dân bãi Làng sống nhờ du lịch vì quanh năm suốt tháng, khách cứ nườm nượp kéo tới. Bãi Hương thì vắng khách, người dân sống bằng nghề chài lưới nên giữ được sự hồn hậu, mộc mạc đáng mến.
Ông Trương Văn Thời, 57 tuổi, sinh ra và lớn lên trên bãi Làng hơn 50 năm nay, gắn bó gần cả cuộc đời với bãi Hương với nghề đánh cá. Con cái lớn, lập gia đình rồi vào Hội An sinh sống đã nhiều lần nài nỉ ông vào đất liền để phụng dưỡng. Nhưng với một người gần 50 năm bám biển, sóng nước và cá tôm đã gắn bó cùng ông như hơi thở: “Vào bờ, ở nhà con cháu cứ đi ra đi vào, mình chẳng biết làm gì, càng thấy nhớ biển” – ông giải thích.
Dường như với những người từng gắn bó với sóng nước như ông Thời, họ chỉ tự tin nhất khi ở cùng biển. Biển là nơi họ đã vùng vẫy một đời, đã dung dưỡng và nuôi lớn họ. Biển mỗi lần nổi cơn thịnh nộ, sóng to gió lớn làm bao người khiếp hãi nhưng với những người con của biển, họ chấp nhận như một lẽ tự nhiên.
Trên chiếc tàu lắc lư ra Cù Lao Chàm, ông Thời vẫn ung dung, tươi tỉnh, kể thao thao bất tuyệt chuyện của đảo. Giọng ông đầy tự hào. Ai may mắn là người con của “hòn ngọc xanh” này cũng đều tự hào như ông.
Ông Thời cho biết trong quá khứ, Cù Lao Chàm từng là niềm ngạc nhiên đối với du khách. Thế rồi, lượng người đến du lịch cứ ùn ùn, rác thải dơ bẩn cũng tràn ngập theo. Môi trường trên đảo bị ô nhiễm nặng nề. Rác, chai nhựa, các loại lon, túi nilon, hộp xốp nổi lềnh bềnh thành từng dề bốc mùi hôi thối trên biển. Ưu thế cạnh tranh là một hòn đảo sinh thái xanh, sạch biến mất, du khách cũng ngại đến Cù Lao Chàm. “Tụi tui mắc cỡ với khách lắm, mỗi lần thấy họ chỉ vô mấy đống rác nổi lềnh bềnh như diễu hành dọc bờ biển là tui đau lòng” – ông Thời phân trần.
“May mà anh Sự (ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An) thức tỉnh tụi tui kịp thời. Anh ấy làm ráo riết lắm, cho tiểu thương ký cam kết không dùng túi ni-lông bán đồ, vận động bà con dùng giỏ xách đi chợ” – ông Nguyễn Văn Ân, một người dân ở bãi Làng đi cùng tàu, góp chuyện.
Chỉ tay ra mấy con thuyền neo dọc bến tàu, ông hào hứng: “Mấy chiếc thuyền gỗ trông đẹp đẹp vậy nhưng toàn là thuyền gom rác vào đất liền xử lý đó nghen. Kể từ khi có chúng, Tân Hiệp sạch hẳn, không khí trong lành ra”.
Video: Chống rác thải nhựa vì biển đảo quê hương – Bài học lớn từ đảo nhỏ Cù Lao Chàm
(Dulichculaocham, Báo Tài nguyên & Môi trường)
Mong sao các khu du lịch sông, biển dẹp được hết rác ni-lông