Con đường Trung Đạo của Đức Phật: Tiết chế lòng tham và nhu cầu tiêu thụ

0
141

Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là ai? Tại sao Đề Bà Đạt Đa hãm hại Đức Phật?

-Quảng Cáo-

Đề Bà Đạt Đa tuy xuất gia làm đệ tử của Đức Phật nhưng lại ganh ghét, đố kỵ, nhiều lần tìm cách giết Đức Phật và chia rẽ Tăng đoàn. Vậy Đề Bà Đạt Đa là ai và ông ta đã làm gì để thực hiện những mục đích xấu ác của mình?

Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) xuất thân trong dòng họ Thích Ca (Shakya) tại thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), là con trai của chú của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng ông ta lại có tâm ganh ghét tị hiềm với Đức Phật từ lúc nhỏ, tức là với Thái tử Tất Đạt Đa (Tất-đạt-đa Cồ-đàm – Siddhartha Gautama). Khi thấy Thái tử Tất Đạt Đa đầy đủ tướng đẹp trang nghiêm, tài năng xuất chúng, đức hạnh siêu phàm thì Đề Bà Đạt Đa ghen tỵ.

Đề Bà Đạt Đa luôn có tâm tranh đấu với Thái tử Tất Đạt Đa ngay từ lúc nhỏ

Trong tất cả các việc học hành, thi thố ông ta luôn tranh đấu với Thái tử Tất Đạt Đa. Từ bắn cung, cưỡi ngựa, đấu kiếm… đến hỏi cưới công chúa Da-du-đà-la. Tuy nhiên, trong mọi việc ông ta đều thất bại nên hiềm khích trong tâm ngày càng nung nấu.

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tu hành, chứng thành Phật quả, Ngài trở về vương cung giáo hóa nên rất nhiều vương tôn công tử theo Ngài xuất gia, trong đó có Đề Bà Đạt Đa.

Đề Bà Đạt Đa hại Đức Phật và phá hòa hợp Tăng đoàn như thế nào?

Khi mới xuất gia, Đề Bà Đạt Đa rất chăm chỉ, tinh tiến học và thực hành Pháp nên nhanh chóng chứng Tứ thiền và có thần thông. Thế nhưng khi tu hành có kết quả, ông ta lại sinh tâm ngã mạn. Lúc này ông ta nghĩ là mình giỏi quá, tài quá rồi. Mình có thần thông mà mình là anh em ruột thịt với Đức Phật, mình có thua kém Phật điểm nào đâu, mình cũng rất có uy tín trong Tăng đoàn. Vậy nên ông này khởi tâm phải tranh ngôi lãnh đạo Tăng đoàn với Đức Phật, phải làm Giáo chủ thay Đức Phật. Bởi ý đồ như vậy nên sau đó, ông ta đã làm nhiều việc xấu ác hãm hại Đức Phật cùng Tăng đoàn.

Cấu kết với vua A Xà Thế, thả voi say hãm hại Đức Phật

Một hôm, Tăng đoàn đi khất thực đến thành Vương Xá thì ông ta chuốc cho một con voi rất dữ ở trong cung uống rượu thật say và thả nó ra. Khi Đức Phật đang trên đường đi vào thành Vương Xá thì con voi say xông đến gầm rú. Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế tin chắc phen này Đức Phật và những vị chư Tăng đi theo Ngài sẽ chết.

Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi voi lao đến, do cảm nhận được tâm Từ bi của Đức Phật nên voi liền quỳ phục xuống chân Ngài nhỏ lệ. Kế hoạch giết Đức Phật của ông ta và vua A Xà Thế bị thất bại.

Do cảm nhận được tâm từ bi của Đức Phật nên voi liền quỳ phục xuống chân Ngài

Lăn đá tảng giết Đức Phật khiến Đức Phật bị chảy máu chân

Không dừng lại ở thất bại lần thứ nhất, ông ta tiếp tục mưu tính chuyện hãm hại Đức Phật.

Một hôm, Đức Phật đi khất thực, trên đường từ núi Linh Thứu đi xuống thì Đề Bà Đạt Đa leo lên trên đỉnh núi và đẩy một tảng đá rất lớn. Ông ta tính rất khéo là tảng đá mà lăn xuống đúng lúc Đức Phật đi qua thì Đức Phật cũng phải trọng thương hoặc phải chết thảm. Thế nhưng, theo trong Kinh, Sơn Thần biết chuyện nên đã dựng một hòn đá khác để chặn tảng đá lại. Tảng đá vỡ ra và bắn một mảnh nhỏ vào chân Đức Phật làm cho Ngài chảy máu chân.

Đề Bà Đạt Đa lăn tảng đá giết Đức Phật khiến Đức Phật bị chảy máu chân

Chia rẽ Tăng đoàn bằng năm điều khó hơn Đức Phật

Sau nhiều lần hại Đức Phật không thành, cuối cùng ông ta nghĩ đến việc thống lĩnh và chia rẽ Tăng đoàn. Đức Phật đặt ra Giới luật để chư Tăng, Phật tử tu hành. Phật tử tại gia tu 5 giới, xuất gia thì từ 5 giới tiến lên 10 giới, rồi tiến lên 250 giới. Giới luật Đức Phật để nghiêm thân, để thân được an tịnh mà vào được chính định. Thế nhưng Đề Bà Đạt Đa nghĩ bây giờ giới luật của Đức Phật như thế này thì mình phải hơn Ngài. Vậy nên, ông ta chế thêm ra năm điều nữa khó hơn như sau:

  1. Chư Tăng bắt buộc phải ở trong rừng, không được ở tịnh cốc hay trú sở do tín đồ phát tâm dâng cúng.
  2. Chư Tăng bắt buộc phải ngụ dưới gốc cây, không được ngụ ở đâu khác (Chống lại việc ngụ trong hang động).
  3. Chư Tăng bắt buộc chỉ mặc y phấn tảo (Pamsukula), là loại vải vất ở bãi rác, ở nghĩa địa, ở những chỗ hỏa thiêu xác người, vải trôi ngoài biển, vải thải ra ở bệnh viện (vải lau chùi cho trẻ sơ sinh hoặc máu của sản phụ sau sinh, vải băng bó bệnh nhân,…). Đức Phật và Chư Thánh Tăng ngày xưa sử dụng những chiếc y phấn tảo như vậy trong suốt 20 năm đầu tiên sau khi Đức Phật giác ngộ. Chư Tăng không được phép thọ nhận y do các gia chủ dâng cúng.
  4. Chư Tăng phải đi khất thực xin ăn, không được nhận lời thỉnh mời dùng bữa tại nhà của thí chủ.
  5. Tỳ-kheo đi khất thực thì không được ăn thịt cá, chỉ được ăn đồ chay.

Đề Bà Đạt Đa đưa ra năm điều khó hơn Đức Phật. Ông ta nói với Tăng đoàn: “Ta bây giờ giới luật còn tinh nghiêm hơn cả Phật, như vậy chứng tỏ ta sẽ tu cao hơn Phật. Vậy bây giờ trong chúng Tỳ-kheo đây, ai đi theo ta?”. Khi Đề Bà Đạt Đa đưa ra năm điều khó hơn Đức Phật, có 500 Tỳ-kheo dao động, đi theo ông ta và thành lập Tăng đoàn riêng.

Ông ta mắc tội chia rẽ Tăng đoàn, phá hòa hợp chúng Tăng. Những tội rất ghê gớm chỉ vì âm mưu muốn soán ngôi vị lãnh đạo Tăng đoàn, trở thành Giáo chủ Phật giáo.

Quả báo của Đề Bà Đạt Đa?

Sau nhiều lần âm mưu hãm hại Đức Phật và Tăng đoàn, ông ta cũng phải trả quả báo cho các hành vi xấu ác của mình. Đề Bà Đạt Đa ác với Đức Phật nên sau này ông ta lâm trọng bệnh, không thuốc nào chữa được.

Đức Phật sai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến để giáo hóa cho 500 vị Tỳ-kheo đi theo Đề Bà Đạt Đa, 500 vị này giác ngộ, dần dần bỏ Đề Bà Đạt Đa trở về với Đức Phật. Cuối cùng còn trơ trọi một mình Đề Bà Đạt Đa đang lâm bệnh nặng. Khi đó, ông ta mới khởi tâm xin sám hối Đức Phật và quay về để nương tựa Ngài. Ông ta nhờ Chư Tăng đưa mình đến gặp Đức Phật để sám hối.

Tuy nhiên, khi ông ta cách Đức Phật khoảng vài trăm mét thì mặt đất nứt ra và lửa địa ngục cuồn cuộn bốc lên nuốt chửng ông ta, không thể cứu được.

Con đường Trung Đạo

Về việc thực hành khổ hạnh, khi Đức Phật cảm thấy sự khổ hạnh không có ích, không liên hệ gì đối với đời sống xuất gia, cũng không giải quyết được nỗi khổ của con người, Ngài quyết định từ bỏ phương pháp tu tập khổ hạnh, đi đến dòng sông Ni Liên Thiền, thọ nhận bát sữa cúng dường. Ngài đã dạy:

 “Này chư Tỳ-kheo, có hai cực đoan mà người tu sĩ không nên thực hành. Thế nào là hai?

Một: Lợi dưỡng dễ duôi trong dục lạc là thấp hèn thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích giải thoát.

Hai: Ép xác khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhân và đưa đến tổn hoại.

Con đường Trung Đạo, này chư Tỳ-kheo mà Như Lai đã chứng ngộ tránh xa cực đoan, đem lại pháp nhãn và tri kiến, đưa đến tĩnh lặng, liễu ngộ, toàn giác và Niết-bàn”. (Kinh Chuyển Pháp Luân)

Phương pháp giải quyết các nguyên nhân gây ra sự bất an, rối loạn chính là con đường Trung Đạo hay Bát Chánh Đạo. Khổ hạnh như Devadatta chủ trương cũng là một cực đoan cần tránh và ngược lại, xa hoa cũng gây hại con người ghê gớm.

 “Thế nhưng hiện nay xa hoa đang lộng hành trong xã hội. Coi chừng xa hoa đang âm mưu giết ta. Hãy cảm ơn Đề-bà-đạt-đa đã kéo lui ta về trung đạo… Ăn, mặc, ở, sống hãy lui trở về trung đạo, nếu ta không làm được, ấy là ta ly khai với Đức Phật trong lòng chúng ta”, Giáo sư Cao Huy Thuần đã viết trong lời tựa cho sách Tôn giả Devadatta của cố Hòa thượng Thích Trung Hậu.

Trung Đạo không chỉ là quan điểm sống của Phật Giáo, biểu thị tinh thần cởi mở không cố chấp, nó còn là một hệ thống triết học thâm sâu của Phật giáo Đại thừa. Trung đạo là tránh xa những biên kiến và cực đoan. Hãy nhớ tất cả đều do nhân duyên sinh khởi, mà sự sống chỉ là dòng sinh hoạt biến động, hòa hợp liên tục vô cùng.

Nhà sử học kiêm triết gia người Anh Arnold Toynbee từng nhận định: “Sự say mê kỹ thuật của con người thế kỷ XX đã dẫn đến việc phá hủy môi trường sống và đe dọa hủy diệt loài người. Vì vậy con người thế kỷ XX cần phải đi theo con đường Trung Đạo, con đường của sự tiết chế.”. Hơn 25 thế kỷ qua, Đạo Phật đã tồn tại và phát triển dựa vào tôn chỉ và đường hướng như thế và đã mang lại thái bình cho nhiều quốc gia và dân tộc ở châu Á.

Chúng ta hiểu rằng do lòng tham, do khao khát chiếm hữu và thỏa mãn ước mơ, có khi là cuồng vọng nên có những kẻ lãnh đạo bất chấp đạo lý, lịch sử hay địa lý, tự tuyên bố mình có chủ quyền trên vùng biển nọ trời kia, gây nên những nghiệp bất thiện như tranh chấp, mưu đồ xâm lăng nước khác, dẫn đến nguy cơ chiến tranh.

Mỗi khi có tư duy lấy con người làm trung tâm và làm những việc mệnh danh cho sự phát triển thì lại kích thích lòng thamnhu cầu tiêu thụ. Đó là nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng mang tính toàn cầu: vấn nạn ô nhiễm môi trường, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sự cạn kiệt tài nguyên và các vấn nạn khác mà thế giới chúng ta đang phải gánh chịu.

Theo A. Peceel và D. Ikeda trong Before it is too late: “Đã đến lúc chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ quan điểm và tình thế hiện nay của chúng ta, ngay cả khi điều này có làm lung lay lòng tin về cuộc cách mạng vật chất và về những khái niệm chúng ta đã đề ra cho sự tiến bộ, giàu có và văn minh trong thời đại ngày nay.”

Xã hội càng phát triển, thì con người càng rơi vào khủng hoảng, vì suy thoái về đạo đức và môi sinh.

Rốt cuộc còn lại câu hỏi: Con người có hạnh phúc hay không? Ðây là vấn đề muôn thuở mà các quốc gia đang đi tìm dù Ðức Phật đã giải đáp cách đây 2.500 năm về trước. Ngài dạy rằng con người chỉ thật sự hạnh phúc khi đã đoạn tận lòng tham ái và chấp thủ.

Ðức Phật dạy: “Chúng ta là kết quả của những việc chúng ta làm bây giờ”, điều này có nghĩa là chúng ta chịu trách nhiệm mọi điều trong đời sống của chúng ta. Không ai tu tập thay cho mình, cũng không ai có thể cởi bỏ mọi ràng buộc, đau khổ thay cho mình.

Đức Thế Tôn, bậc Chánh Đẳng Giác

Thế giới đang mở ra kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều quốc gia tiên tiến chuyển hướng theo chủ nghĩa tư bản có ý thức (conscious capitalism) mà những nguyên lý căn bản của nó nhằm khắc phục những điểm yếu của chủ nghĩa tư bản trước đây về bất công xã hội, về phân hóa giàu nghèo. Nhưng vẫn có các quốc gia đang mò mẫm bước đầu trong một thứ chủ nghĩa tư bản “hoang sơ” mang màu sắc thân hữu, bị chi phối bởi những nhóm lợi ích, gây hại cho nền kinh tế và môi trường, thậm chí an ninh, quốc phòng trên bình diện rộng.

Nhìn những dự án thủy điện hay những dự án khai thác tài nguyên đang tàn phá rừng và những dự án du lịch cưỡng bức cảnh quan một cách tàn nhẫn, chúng ta tự hỏi con đường chúng ta đi đang xa rời “Trung Đạo” khi thiếu hài hòa với nhân sinh và thiên nhiên. Con người sẽ chết vì xa hoa, chứ không vì khổ hạnh!

Chúng ta phải hiểu triết lý duyên sinh hay nguyên lý cộng sinh của mọi sự hiện hữu. Nhận thức rõ (Chánh Kiến), hoạch định đời sống theo hướng tri túc (Chánh Tư Duy), kiềm chế tiết độ (Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng), phát huy năng lực nội tâm (Chánh Niệm, Chánh Định). Đây là nếp sống của tu sĩ, cư sĩ hay bất cứ ai muốn sống hạnh phúc trong xã hội, hòa hợp với môi trường, trân trọng thiên nhiên và để lại di sản cho thế hệ mai sau. Còn không, chúng ta không chỉ bất an trong đời sống hôm nay mà còn di họa cho mai sau.

Nguồn gốc vương quốc Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) và vương tộc Thích Ca (Shakya)

Nguồn gốc nguyên thủy của vương tộc Shakya bắt nguồn từ Kosala, một vương tộc thuộc dòng Aryan cai trị vùng đất ở chân dãy núi Terai. Câu chuyện bắt đầu từ vua Okkaka. Vua Okkaka thuộc dòng dõi Mặt trời, tông tộc Ikshanku.

Sau khi người vợ đầu tiên chết, nhà vua cưới một người vợ khác. Hoàng hậu trước đó đã sinh cho nhà vua 9 người con (4 trai, 5 gái). Khi hoàng hậu thứ hai sinh hạ một hoàng nam, vì muốn giành lấy vương quốc cho Jayantu con của mình đã gây áp lực với nhà vua để ông phải đày các con của người vợ trước đi xa. Vua Okkaka vì quá si mê hoàng hậu nên đành phải chấp nhận yêu cầu của bà ta. Do đó, các vương tử: Ulkamukha, Karandu, Hastinika, Sinisura, và các công chúa: Priya, Supriya, Ananda, Vijita, Vijitasena được lệnh nhà vua phải rời khỏi vương quốc Kosala vào sống nơi rừng sâu.

Những vương tử và công chúa cành vàng lá ngọc rời khỏi kinh đô Saketa tiến về phía dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Trải qua bao gian lao, cực nhọc họ đến một vùng đất là nơi ẩn tu của vị ẩn sĩ Kapilamuni. Được ẩn sĩ cưu mang và cho phép, họ đã kiến lập nên một vương quốc và đặt tên là Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu hoặc Kapilanagara) để vinh danh ẩn sĩ Kapilamuni.

Ngành kinh tế chính của Kapilavastu là nông nghiệp. Những làng mạc quần tụ quanh những cánh đồng lúa và gia súc thì chăn nuôi ở khu vực cạnh rừng. Nơi đây cũng có những người thợ thủ công: thợ mộc, thợ may, thợ gốm…, tầng cấp Brahmin (Bà la môn). Có một vài cửa hàng nhưng không nghe nói có thương gia và nhà băng. Những đường phố chật ních voi, ngựa, xe và người. Việc hành chính và tư pháp của vương quốc được giải quyết công khai tại Hội trường công cộng (Mote Hall – Sansthagara).

Nhà cửa ở kinh thành quay mặt ra đường được trang trí bằng các ban công và các tháp lầu. Hoàng cung được xây dựng kiên cố với các cổng lớn, các bức tường và tháp canh cao vút. Toàn bộ kinh thành được bao quanh bởi các hào, có chỗ có đến hai hào, một hào bùn, một hào nước. Những cung điện rộng lớn bằng gỗ và gạch là nơi diễn ra sinh hoạt của cung đình.

Thiên Bình (Tổng hợp từ Báo Giác Ngộ, các nguồn tài liệu Phật Giáo)

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận