Con đường chết chóc đi tìm ‘miền đất hứa’

0
1706

Từ lâu, Liên minh Châu Âu nói chung cùng nước Anh nói riêng đã đối mặt với làn sóng người di cư. Và trên đường tìm đến ‘miền đất hứa’, họ đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người và các băng nhóm tội phạm.

-Quảng Cáo-

Nước Anh bị sốc trước thảm kịch 39 người chết trong thùng xe đông lạnh đi từ Bỉ sang Anh. Từ lâu, Liên minh châu Âu nói chung cùng nước Anh nói riêng đã đối mặt với làn sóng người di cư. Và trên đường tìm đến “miền đất hứa”, họ đã trở thành nạn nhân của bọn đưa người lậu và các băng nhóm tội phạm.

Kỳ 1: Tử thần rình rập trên đường đến Anh

Anh thanh niên Yonas (tên đã thay đổi, 27 tuổi) kinh hoàng khi hay tin tìm thấy 39 thi thể trong thùng xe đông lạnh ở Anh. Chưa đầy một tháng trước, anh từng trốn sau xe tải vào Anh mà không hề nghĩ đến chuyện phải trả giá bằng mạng sống.

Chuyến đi trong thùng xe

Yonas rời Eritrea năm 2014 sau khi có nguy cơ bị bắt nhốt vì muốn trốn nghĩa vụ quân sự. Mục tiêu anh tìm đến là nước Anh – là “miền đất hứa” như nhiều người ca ngợi. Anh sống lang bạt ở châu Phi và châu Âu trong 5 năm rồi đến Bỉ sống gần 5 tháng trước khi may mắn vào Anh trót lọt.

Từ Anh, Yonas đã kể lại câu chuyện của anh qua điện thoại với phóng viên báo Le Dauphine Libéré (Pháp): “Đêm nào tôi cũng cố leo lên xe tải để đi qua biển Manche. Người di cư bây giờ thường thử vận may ở các bãi đậu xe tại Bỉ vì các bãi đậu xe ở Pháp bị giám sát rất chặt”.

Rất nhiều lần anh thất bại. Có khi tài xế xe tải phát hiện và lôi cổ anh xuống. Trong nhiều lần khác, cảnh sát hoặc nhân viên hải quan phát hiện trước khi xe vào cảng ở Pháp hoặc Bỉ.

Với kinh nghiệm nhiều năm ăn bờ ngủ bụi tìm đường nhập cảnh lậu, Yonas cho biết bọn đưa người nhập lậu khẳng định sẽ bao an toàn với giá từ 500-800 euro nhưng anh không đủ tiền trả. Một số bãi đậu xe do bọn đưa người Sudan làm trùm, một số bãi khác thuộc địa bàn của bọn Chad. Còn tại Calais (Pháp) có một bãi đậu xe do bọn Bangladesh kiểm soát.

Cuối tháng 9-2019, nhân có một chiếc xe đầu kéo từ Romania đến bãi đậu ở Tournai (Bỉ), Yonas đột nhập vào xe, trốn giữa đống thùng đựng cà phê gói cùng sáu người di cư có gốc gác ở vùng Sừng châu Phi.

Rạng sáng, xe tải lên đường qua cảng Calais để sang Anh. Yonas và các hành khách bí mật không bị phát hiện vì cảnh sát không đủ thời gian kiểm tra hết các xe tải. Chuyến đi chỉ kéo dài vài giờ. Những người di cư vui mừng rời khỏi xe đầu kéo ở cảng Dover (Anh) vì đã đến nơi an toàn.

Cảnh sát Anh đưa họ đến cơ quan nhập cư, nơi họ có thể xin tị nạn. Yonas lưu lại vài ngày trong trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở London rồi được chuyển đến một thị trấn nhỏ gần Leeds (cách London 195km).

Chưa đầy một tháng sau, Yonas được ở trong phòng đơn, còn phòng tắm và nhà bếp sử dụng chung với ba người di cư khác. Anh lãnh 35 bảng Anh (41 euro) mỗi tuần để nuôi sống bản thân.

Yonas nói: “Tôi chưa có quyền làm việc hợp pháp, nhưng có nhiều việc làm chợ đen ở Anh”. Anh hi vọng sớm có giấy phép lưu trú 5 năm để đi xin việc và dự định đi học trở lại. Nước Anh vẫn còn sức hấp dẫn đối với nhiều người di cư như Yonas. Anh chưa từng ngủ đêm nào ngoài đường.

Yonas nhận xét: “Nếu ở Pháp hay Bỉ, tôi không có cơ hội có chỗ ở nhanh như thế và tối thiểu phải đợi một hoặc hai năm”.

Đi thường và đi VIP

Nhà xã hội học Simeng Wang thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) là tác giả cuốn sách ‘Ảo tưởng và đau khổ – Những người di cư Trung Quốc tại Paris’ xuất bản năm 2017.

Bà giải thích có ba đường dây đưa người di cư Trung Quốc sang Anh. Con đường trực tiếp là xin visa du lịch rồi đáp máy bay sang Tây Âu. Con đường thứ hai là đi chuyến bay ngắn hơn đến các nước Đông Âu, sau đó các đường dây đưa người lậu sẽ đưa sang Pháp hoặc Anh bằng tàu hỏa, ôtô hay xe tải.

Con đường cuối cùng ít phổ biến nhất là đi tàu. Một người Trung Quốc đã từng từ Trung Quốc đi Nam Phi rồi qua Gibraltar đến Marseilles (Pháp). Chi phí tốn từ 15.000-30.000 euro mỗi đầu người.

Một số người ở Đông Nam Á đi qua Trung Quốc và Nga hoặc đáp chuyến bay thẳng đến Paris theo thị thực Schengen (trường hợp này hiếm xảy ra).

Cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nhiều người từng làm việc ở các nước thuộc Liên Xô cũ như Nga, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech đã từ các nước này tìm đường sang Đức, Bỉ, rồi sau đó tiếp tục đến Paris (Pháp).

Paris là chặng quá cảnh trước khi đến Angres (cách Paris hơn 200km) rồi tiếp tục đến Calais (tỉnh Pas-de-Calais, cách Paris 320km) chờ thời cơ vượt biển Manche sang Anh. Đoạn đường từ Calais trở đi khó khăn hơn và tốn tiền hơn do có nhiều trạm cảnh sát.

Có hai cách để đi từ Calais sang Anh. Đi cách thông thường giá rẻ hơn, từ 3.000-4.000 euro, còn đi VIP khoảng từ 10.000-14.000 euro. Người di cư sang Anh theo cách thường, bọn đưa người lậu chỉ giữ vai trò dẫn đường và tư vấn để giúp người di cư bí mật leo lên xe tải mà tài xế không hay biết, tìm chỗ ở, chu cấp ăn uống cho đến khi “đầu xuôi đuôi lọt”.

Một số người cố đi cách thường nhiều lần nhưng không thành công, bèn chấp nhận chi tiền đi cách VIP (nếu đủ tiền). Đi VIP nhanh hơn và được bọn đưa người bảo đảm đi lọt.

Người di cư đi theo cách VIP không lây lất sống trong lán trại ở Angres mà ngủ khách sạn ở Calais hoặc Dunkerque. Tài xế xe tải đồng lõa với bọn đưa người sẽ cho họ ngồi cabin.

Ngày 8-7-2016, tòa án ở Dunkerque đã mở phiên tòa xét xử bốn người Việt phạm tội tổ chức đưa người lậu từ Furnes (Bỉ) sang Anh trái phép với sự đồng lõa của tài xế xe tải. Các bị can khai tiền công nhận được từ 10.000-14.000 euro…

3 tuyến đường từ châu Phi sang châu Âu

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR) ghi nhận phần lớn người di cư từ châu Phi sang châu Âu bằng cách qua Địa Trung Hải đến Hi Lạp, Ý và Tây Ban Nha. Có ba lộ trình chủ yếu.

Đường thứ nhất được gọi là “đường trung tâm Địa Trung Hải” đi từ Libya hoặc Tunisia sang Ý, được dân Nigeria, Guinea và Bờ Biển Ngà sử dụng.

Đường thứ hai là “đường phía đông Địa Trung Hải” đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hi Lạp, được dân Syria, Iraq và Afghanistan sử dụng.

Người di cư châu Phi vượt Địa Trung Hải chờ tàu cứu nạn ngoài khơi Libya – Ảnh: UNHCR

Đường thứ ba là “đường phía tây Địa Trung Hải” đi từ Morocco sang Tây Ban Nha, được dân Morocco, Algeria và Bờ Biển Ngà sử dụng.

Ngoài ra còn có một số con đường phụ, nhất là đường phía tây bán đảo Balkan nối Hi Lạp với Đông Âu. Từ các nước đầu cầu tiếp nhận, người di cư tiếp tục đi Pháp và Anh.

Biển Manche nối Pháp với Anh là điểm qua lại phổ biến từ giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Người di cư châu Âu dừng chân trên bờ biển trước khi xuống tàu sang Mỹ. 100 năm sau, người di cư từ các nước nghèo khổ, chiến tranh cũng qua bờ biển này, nhưng bây giờ “miền đất hứa” là nước Anh.

Chuyến xe tử thần

Cách đây bốn năm, vào ngày 27-8-2015 tại Áo, mùi tử khí bốc lên từ một chiếc xe tải đông lạnh đậu trên làn dừng khẩn cấp trên đường cao tốc cách biên giới Hungary khoảng 20km. Cảnh sát nhận được tin báo đã đến nơi kiểm tra.

Bên trong thùng xe rộng 14m² là 71 thi thể gồm 59 nam giới, 8 phụ nữ và 4 trẻ em. Các nạn nhân là người di cư Afghanistan, Syria và Iraq. Họ đã chết ngạt khoảng ba tiếng sau khi xe tải rời biên giới Serbia.

Thảm kịch 39 người chết ở xứ sương mù gây chấn động thế giới

Họ đã nằm xuống vĩnh viễn nơi xứ người với một cái chết không thể đau đớn hơn, khi các nguồn tin tiết lộ bên trong thùng container đông lạnh, các thi thể nằm chồng chất lên nhau, đông cứng trong nhiệt độ -25oC. Ngoài ra còn có vết máu ở cánh cửa, cho thấy các nạn nhân đã tuyệt vọng khi tìm cách thoát ra ngoài.

Nếu những dòng người Bắc Phi mạo hiểm vượt biển Địa Trung Hải để trốn tránh chiến tranh, bất ổn chính trị thì những di dân kinh tế châu Á bị hấp dẫn bởi những lời hứa việc làm lương cao ở các nước châu Âu, trong đó có nước Anh.

Một nhà báo sống ở London tiết lộ với người viết rằng nếu ngày càng nhiều người nhập cư trở thành công dân chính thức ở Anh, họ càng tạo ra nhiều việc làm cho đồng hương nhập cư bất hợp pháp.

Theo đó, những người nhập cư này làm các công việc lao động phổ thông như xây dựng, làm nail, trông trẻ, giúp việc nhà, phục vụ nhà hàng, và thậm chí làm các công việc bất hợp pháp như trồng cần sa.

Tuy nhiên, hành trình nhập cư lậu của những di dân châu Á, châu Phi đi tìm miền đất hứa đầy khổ ải và hiểm nguy.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Di cư quốc tế công bố tháng 3-2019, những người Việt di cư lậu vào Anh bằng đường bộ, băng qua các nước Đông Âu trước khi tiến vào Anh, trong khi người Nigeria đi bằng đường biển, đến Nam Âu, rồi đến Anh.

Nhiều người đã trả giá bằng tính mạng của mình. Họ nằm trong số hơn 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển (hơn 17.000 người), hoặc chết đau đớn trong thùng xe tải như các nạn nhân mới được phát hiện, kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng nổ vào năm 2014.

Dữ liệu định vị GPS cho thấy 39 nạn nhân đã dấn thân vào một chuyến hành trình kinh khủng và đầy nguy hiểm khi thùng container lạnh mà họ trú ẩn đã di chuyển một quãng đường dài, đi qua nhiều thị trấn ở nhiều nước châu Âu từ ngày 15 đến 23-10, khi thi thể của họ được phát hiện ở Essex, Anh.

Vụ 39 thi thể trong thùng container đông lạnh là vụ việc thương tâm nhất liên quan đến người nhập cư lậu đến xứ sương mù trong vòng 2 thập kỷ qua, kể từ vụ 58 người Trung Quốc chết ngạt trong xe container tại cảng Dover năm 2000.

Những ai phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này sẽ dần sáng tỏ. Nhưng làm thế nào để ngăn những thảm kịch tương tự trong tương lai là câu hỏi cho tất cả chúng ta vì câu chuyện nhập cư lậu không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Tuổi Trẻ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận