Câu chuyện của thầy Thích Minh Châu khiến tôi quên mất thời gian bên ngoài kia đang trôi về chiều muộn.

-Quảng Cáo-

Chuyện của thầy được kể với giọng đều đều và luôn toát lên ý nghĩa về một điềm lành mà thượng tọa Thích Minh Châu thường dừng lại giữa chừng để lưu ý tôi: “Không có gì huyền bí hay khó hiểu nếu chúng ta hướng đến điều thiện được lọc qua những câu chuyện ấy!”. Nghe thầy nói, tôi yên tâm tiếp nhận những câu chuyện “ma” của thầy và xin kể lại cùng bạn đọc.

Chiếc đòn giông và cây cà na

“Hồi mới về làm trụ trì ở đây, tôi ngạc nhiên vô cùng với 3 ngôi mộ có cùng một ngày tử ở ngay tại ngôi làng Lạc Sơn (Phú Sơn, Lâm Hà, Lâm Đồng) này. Hỏi ra mới biết cả 3 con người xấu số ấy là hai vợ chồng và người con dâu. Họ chết cùng một ngày” – thượng tọa Thích Minh Châu nói. Theo lời thầy Minh Châu, năm ấy – 1959, khi chùa được xây cất lại thì đúng vào ngày rằm tháng 10 năm Kỷ Hợi là ngày đặt đòn giông và ông Đặng Văn Lợi – một phật tử ở làng Lạc Sơn – là người đặt chiếc đòn giông ấy. Ngay sau khi ông Lợi đặt chiếc đòn giông cho chùa thì bà vợ của ông ngã bệnh, bệnh rất nặng và cũng… rất lạ.

Bởi vậy, người con dâu của ông Lợi đưa mẹ chồng lên nhà thương của người Pháp ở trên Đà Lạt để chữa trị. Ngày 17, ông Lợi sắp xếp công việc nhà để lên với vợ. Hôm sau – 18 tháng 10 âm lịch, con ông Lợi tên là Diễn lên Đà Lạt cùng với mẹ, bố và vợ (đang nuôi bệnh mẹ chồng). Thấy cửa phòng bệnh đóng kín, gõ mãi không thấy động tĩnh gì, lại không nghe tiếng người ở bên trong, Diễn báo cho những người có trách nhiệm của nhà thương.

Nhiều người đến gõ cửa. Nhưng lạ là không hề có tiếng người ở bên trong; nên người của nhà thương đã trèo lên trên nóc dỡ ngói chui xuống. Một cảnh tượng hãi hùng khiến cho nhiều người không tin được: Cả 3 người đều tắt thở! Xác của hai vợ chồng cùng người con dâu được chở từ Đà Lạt về chôn cất tại một khu đất gần làng Lạc Sơn. “Với người Việt, việc đặt cây đòn giông cho một công trình xây dựng nào đó là việc vô cùng hệ trọng. Trong chuyện này, không biết chuyện ông Lợi đặt đòn giông chùa Bửu Sơn liên quan đến mức nào với cái chết cùng lúc của 3 người, nhưng sự thật là như vậy!” – thầy Thích Minh Châu nói với tôi.

Anh Định – người làm công quả tại chùa Bửu Sơn – kể chuyện

Một chuyện khác: Cây cà na cổ thụ và cái chết của ông Bảy – một người dân khác của làng Lạc Sơn. “Trên đồi cao phía kia là rừng cà na – một loại cây rừng. Trong rừng cà na có một cây cổ thụ như thể là “cây chủ” của cả khu rừng. Khu rừng có khoảnh cà na nằm trong khuôn viên chùa Bửu Sơn. Bữa nọ, ông Bảy lên đó phát dọn khu rừng cà na và đã chất củi đốt cây cà na cổ thụ ấy.

Dân làng khuyên ngăn nhưng ông Bảy không nghe lời mà vẫn đốt chết cây cà na chủ ấy. Ngay sau khi cây cà na bị đốt chết, ông Bảy bỗng đi đứng, nói năng như người mê sảng. Chuyện mà ông ấy nói cứ như là chuyện của cõi âm vậy!” – thượng tọa Thích Minh Châu tiếp tục kể. Thấy ông Bảy nói mê sảng như người cõi âm, người nhà của ông đã đưa ông lên Đà Lạt để tìm thầy cứu chữa. Nhưng, cái số của ông Bảy có lẽ quá ngắn nên đi giữa đường, đến một cái am nhỏ, ông nằng nặc đòi xuống xe để vào am. Người nhà thuyết phục cách mấy cũng không được nên đành dừng xe lại để ông vào am. Chiếc am nhỏ ấy có một người phụ nữ trông coi.

Sau khi người nhà ông Bảy trình bày sự việc thì người đàn bà giữ am bỗng trở thành một người khác: Giọng bà trở nên ồm ồm như đàn ông. “Bà” xưng là thần linh của cây cà na cổ thụ, nhập hồn vào người giữ am để xử “kẻ phàm đã báng bổ” thế lực siêu nhiên. Kẻ phàm ấy là ông Bảy. Ông Bảy đứng trước am run lẩy bẩy. Ông lên tiếng xin được tha tội chết. Nhưng, thần cây cà na nhất quyết không cho! Bất ngờ, ông Bảy lăn đùng ra giữa khoảnh đất trước am và tắt thở.

Người nhà vội vàng đưa xác ông Bảy về lại Lạc Sơn để chôn cất. Khu rừng có cây cà na bị trơ gốc (do ông Bảy đốt chết) ấy đến bây giờ chẳng ai dám bén mảng đến. Thầy Thích Minh Châu sẵn sàng dẫn tôi lên phía khu rừng ấy, nhưng tôi lắc đầu nhẹ và thoái thác: “Thầy cứ kể cho con nghe là được rồi! Chắc còn nhiều chuyện con muốn nghe…!”. Thầy Minh Châu cười mà rằng: “Chuyện cây đa nằm ngay phía ngoài kia chắc chú chưa được nghe, phải không?”.

Cây đa thần

Trước lúc hầu chuyện thầy Thích Minh Châu, tôi được anh Định dắt đi vãn cảnh chùa. Ban đầu, anh Định tỏ ra là người kiệm lời. Nhưng tôi để ý thấy một cây đa lớn một cách… kỳ lạ nên hỏi: “Có phải cây đa không, anh Định? Nó chắc nhiều năm tuổi lắm rồi?”. Anh Định vẫn nhát gừng: “Không ai biết chính xác tuổi của nó. Lúc lập chùa, nó đã có ở đó rồi. Nghe kể lại, ngày chùa được dựng, nó hơn trăm tuổi. Nghĩa là nay nó trên hai trăm năm”.

Ngập ngừng một hồi, anh Định tiếp: “Cây đa thiêng lắm! Hôm rồi, san đất làm nền nhà, nhà chùa chúng tôi phát hiện một cặp rắn cạp nong to hơn bình thường, đành “dụ” cặp rắn đi nơi khác để trả lại sự yên lành cho cõi Phật”. Không chỉ có cặp rắn cạp nong “nhìn thấy” khi san nền, mà theo lời thầy Thích Minh Châu thì trong khu vực còn có một cặp rắn rất to lớn thường xuất hiện vào lúc chạng vạng.

“Cặp rắn “lướt gió” như tên bắn. Nó đi mà không để lại dấu vết gì, giống như là bay trong không gian vậy, chứ không phải bò…” – thầy Minh Châu nói. “Cặp rắn này, nhiều người thấy lắm. Nó chẳng làm hại ai bao giờ. Cặp rắn cứ lướt đi trong gió như thế, rồi đến gốc cây đa thì… biến mất!” – thầy Minh Châu nói thêm.

Sau một phút lưỡng lự, vị cao tăng này nói thêm: “Cây đa ấy thiêng lắm! Tôi nhớ nhất là lần lập trai đàn năm 1997. Trai đàn năm ấy, tôi thỉnh thầy Thích Lệ Trang về chủ tế. Thầy Thích Lệ Trang là vị cao tăng nổi tiếng ở chùa Đinh Thành ở Hòa Hưng, TPHCM. Chiều hôm trước, khi sắp sửa lên đàn, những oan hồn kéo về cây đa khóc than, oán trách dữ lắm. Tiếng khóc của con nít, của đàn bà rú lên nghe hãi hùng lắm.

Còn tiếng khóc của đàn ông thì nghe cứ uất nghẹn, bi thương thế nào ấy. Mấy chị Phật tử đang làm cơm chay ở gần đó phải chạy bổ vào bên trong. Tôi khấn, các thầy khấn. Tiếng khóc tạm lắng xuống một hồi. Sau đó, tiếng khóc than rền rĩ cả một trời bên cây đa cổ thụ. Lại khấn! Khấn, tiếng khóc tạm lắng. Xong, lại rộ lên. Cứ như là trò… cút bắt! Lúc này, trai đàn chỉ mới lập chứ chưa cúng. Đến lúc trai đàn lập xong và thầy Thích Lệ Trang bắt đầu cúng thì tiếng khóc lắng dần và im hẳn. Sau đó, thay cho tiếng khóc là tiếng cười. Có tiếng cười trong veo non tươi của trẻ con. Có tiếng cười xanh mượt của phụ nữ.

Cũng có tiếng cười sảng khoái của những người đàn ông. Tất cả đều phát ra từ cây đa cổ thụ ấy…”. Trước lúc nghe chuyện về cây đa của thầy Thích Minh Châu, tôi đã “tiếp cận” và chụp mấy kiểu ảnh. Quả thực là rất khó chọn một góc khả dĩ để lấy toàn cảnh cây đa. Anh Định nói: “Cây đa thiêng lắm!” rồi đứng yên ở phía dưới, mặc cho tôi trèo lên dốc tìm góc chụp ảnh.

Nếu nghe chuyện về cây đa của thầy Thích Minh Châu, chưa chắc tôi dám “chịu khó” lăn lê bò toài như thế! “Điều lạ nữa, chú à, sau mỗi lần trai đàn thì trời đổ mưa. Mà, mưa trong mùa hạn ở xứ càphê này là quý lắm!” – thầy Thích Minh Châu nói thêm. Thầy còn bảo: “Lần lập trai đàn cúng âm hồn, cây đa bỗng sáng rực như hỏa châu từ ngọn đến gốc! Cứ một lần cúng trai đàn như vậy là oan hồn no đủ 12 năm. Cứ 12 năm một lần, Bửu Sơn tự chúng tôi lại lập trai đàn!”.

Cũng theo thầy Thích Minh Châu thì từ bấy đến giờ, gốc đa linh thiêng ấy yên ổn trở lại. Giờ thì không còn người ở làng Lạc Sơn ngay dưới chân núi chết bất đắc kỳ tử; cũng không còn nhiều cảnh bất thường liên quan đến vấn đề tâm linh ở các gia đình. Mọi thứ đã yên lành hơn, tươi đẹp hơn. “Hãy nghĩ về những điềm lành khi nghe những chuyện như thế! Chuyện ấy cũng tùy theo người, có người tin, có người không tin. Nhưng nó là chuyện mà không ít người dân ở làng Lạc Sơn này chứng kiến và thấu hiểu. Hẳn có nhiều cách lý giải! Nhưng quan trọng nhất là tâm thiện của chúng ta hãy hướng về điềm lành, về những điều thiện để sống đẹp hơn với đời, với đạo!” – thượng tọa Thích Minh Châu nói với tôi ngay trước cổng chánh điện Bửu Sơn tự trước khi chia tay.

Lao động

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận