Bí ẩn Gò Đống Đa (Hà Nội): Gò tự nhiên hay mồ chôn giặc Thanh?

0
7689

Gò Đống Đa là một gò đất và là một di tích lịch sử nằm trên đường phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, vào năm 1789 Xuân Kỷ Dậu, quân dân Tây Sơn và Bắc Hà do Vua Quang Trung lãnh đạo đã đại phá và đánh thắng quân Thanh Trung Quốc trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa lẫy lừng.

-Quảng Cáo-

Gò Đống Đa được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia năm 1962 

Gò Đống Đa được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia năm 1962, có diện tích hơn 6.000 m2. Trên gò từng có Đền Trung Liệt thờ những anh hùng lịch sử có công lớn với đất nước trong kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… nhưng đã bị phá hủy, chỉ còn dấu tích nền móng.

Năm 1989, nhân dịp kỉ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Công viên văn hóa Đống Đa trên cơ sở khu vực Gò Đống Đa. Tổng diện tích của công viên Gò Đống Đa lên đến 21.745m2, bao gồm (1) khu vực tượng đài Vua Quang Trung, (2) nhà trưng bày và (3) khu vực Gò Đống Đa.

Khu Gò Đống Đa có diện tích 6.275m2, cổng chính nằm trên phố Tây Sơn. 

Khu vực tượng đài với diện tích khoảng 15.000m2, có đặt tượng đài Vua Quang Trung bằng bê tông cốt thép nặng 200 tấn, cao 14,65m và 2 bức phù điêu mô tả trận đánh của quân dân ta dưới sự chỉ huy của Vua Quang Trung.

Phía sau khu tượng đài là nhà trưng bày với diện tích 100m2. Bên ngoài cửa có đặt mô hình mô phỏng hai khẩu súng thần công được dùng trong trận chiến năm xưa.

Năm 1990, một tấm bia đá nặng 8 tấn được dựng trên đỉnh gò. Trên đó có khắc lời hịch của Vua Quang Trung: “…Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…” tức đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ.

Tấm bia đá trên đỉnh Gò Đống Đa (Ảnh: Sưu tầm)

Tranh luận chưa có hồi kết

Chiều 4/6/2012 tại Hà Nội, UBND quận Đống Đa đã tổ chức cuộc Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho “Phương án tu bổ tôn tạo di tích gò Đống Đa”. Tham dự có các nhà quản lý di tích, các chuyên gia đầu ngành về sử học, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích (đơn vị tư vấn) và Chủ đầu tư là Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO).

Tại Hội thảo này, lại một lần nữa dấy lên những tranh luận trong giới sử học cũng như dư luận xung quanh vấn đề di tích Gò Đống Đa là do thiên tạo hay nhân tạo, có phải mồ chôn quân Thanh hay không?

Thực ra vấn đề này ở đến thời điểm hiện tại cũng không còn là mới mẻ nữa, vì trước đó vào những năm 80 của thế kỷ trước cũng đã từng có những cuộc tranh luận giữa các nhà sử học và cho đến nay vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ, chưa ai đưa ra được kết luận thỏa đáng. Trong khi đó, hầu như tất cả người Việt đều tâm niệm với nhận thức cho rằng toàn bộ di tích Gò Đống Đa, Hà Nội là mồ chôn xác quân Thanh sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789).

Chuyên gia Tia Đất vào cuộc

Trước những ý kiến trái chiều nói trên, ngày 10/6/2012, phóng viên Kienthuc.net.vn đã mời Tiến sĩ Vũ Văn Bằng – không phải sử gia, không phải nhà khảo cổ học cũng không phải ngoại cảm tâm linh, mà là nhà khoa học tự nhiên, ông hiện là Phó viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe, chuyên gia trong việc phát hiện xử lý tia đất tiêu cực và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thất lạc, đến Gò Đống Đa khảo sát đo đạc bằng máy móc vật lý hiện đại để làm rõ vấn đề này.

TS. Vũ Văn Bằng làm trong lĩnh vực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thất lạc bằng khoa học, bằng máy móc do mình tự chế. Tính đến 2019, TS. Vũ Văn Bằng đã tìm được hơn 3000 hài cốt liệt sĩ thất lạc ở cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Một số hành trình tìm kiếm thành công điển hình của TS. Vũ Văn Bằng:

–  Năm 2007, theo yêu cầu của Tỉnh Đội Quảng Trị, ông đã tìm thấy 3 ngôi mộ tập thể: 173 liệt sĩ ở Cồn Tiên Dốc Miếu, 600 liệt sỹ ở ĐakRông và 50 liệt sỹ ở Ba Lòng.

– Năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu mời TS. Vũ Văn Bằng tham gia với vai trò chủ trì và chủ nhiệm thực hiện Đề tài KHCN: “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp bức xạ từ tìm 2 ngôi mộ tập thể 75 chiến sĩ cách mạng và 145 tử tù thất lạc ở huyện Đảo Côn Đảo”. Kết quả đã tìm thấy và kết thúc đề tài thành công hơn cả mong đợi.

– Năm 2012 thể theo công văn yêu cầu của tỉnh Đội Gia Lai, TS. Vũ Văn Bằng đã tìm thấy 4 ngôi mộ tập thể thất lạc ở huyện Đức Cơ với tổng số hài cốt liệt sỹ lên đến hơn 1000, ngay năm đó tỉnh đã cho cất bốc và quy tập. 

TS Vũ Văn Bằng – chuyên gia trong việc phát hiện xử lý tia đất tiêu cực và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thất lạc, đã tham gia tìm kiếm phát hiện hơn 3000 hài cốt liệt sĩ thất lạc ở cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trở lại với việc Gò Đống Đa Hà Nội là gò tự nhiên hay mồ chôn quân Thanh? TS. Vũ Văn Bằng đã giải mã tường minh. Trước khi nhập cuộc, nhà báo gợi ý: “Thưa Tiến sỹ, bác có cần tham khảo tài liệu gì về lịch sử Gò Đống Đa, về địa chất khu vực gò và xung quanh gò, về những thông tin trong dư luận xã hội từ trước đến nay không ạ, để bên báo chúng cháu cung cấp”. TS. Vũ Văn Bằng trả lời ngay “không cần!”, tất cả do máy làm việc.

Chiều ngày 10/6/2012, TS. Vũ Văn Bằng đã đến Gò Đống Đa mang theo máy móc vật lý hiện đại trực tiếp khảo sát đo đạc. 

TS Vũ Văn Bằng trong quá trình khảo sát đo đạc khu vực Gò Đống Đa

Kết quả

– Về xạ khí (chất khí phóng xạ) đo bằng máy YF – 99A  (Nhật) nằm ở mức 17/9 μSv/hr

– Về địa từ (từ trường Trái đất, còn gọi là từ trường bình thường) đo bằng máy BPT – 2010, (Đức), vùng ngoài gò 27.150 nT; vùng gò 31.215 nT.

– Về tia đất (từ trường dị thường địa chất) đo bằng máy bức xạ từ BXT-09 (tự chế), đã phát hiện ra dòng sông cổ nằm dưới gò hơi lệch về phía Nam. Dòng sông cổ này có chiều rộng khoảng 28m, đáy nằm ở độ sâu gần 20m so với mặt đất, hướng chảy từ Tây về Đông (tức là từ phía sau ra phía trước Gò).

– Về mồ mả hài cốt, cũng sử dụng máy BXT-09 đã phát hiện rất nhiều hài cốt dưới và xung quanh Gò. Mật độ hài cốt tập trung thành 4 vùng: vùng 1 chính Gò, vùng 2 trước Gò (dài trên 35 m, rộng khoảng 20m), vùng 3 sau Gò lấn vào sân trước tượng đài Vua Quang Trung, vùng 4 nằm ở phía Bắc Tây Bắc Gò có bề rộng khoảng 10m và kéo dài vào khu dân cư. Vị trí này được xác định là một ngòi lạch cổ liên thông với dòng sông cổ đã nói ở trên.

Bí ẩn đã được giải mã: Gò Đống Đa là “mồ chôn quân Thanh”

Tổng hợp tất cả các thông số đã đo đạc được, sau khi phân tích thấy nổi lên rất rõ một thông số vật lý chủ yếu để khẳng định Gò Đống Đa là gò tự nhiên hay là mộ chôn quân Thanh. Đó là độ cảm ứng từ B của từ trường cục bộ bức xạ từ dưới Gò lên mặt đất lớn hơn hẳn vùng ngoài Gò, cho thấy là dưới Gò có hài cốt. Đoạn sông cổ do máy phát hiện, được giả thiết là lúc đó do xác giặc chết quá nhiều không có khả năng đào hố để chôn nên gom lại rồi gạt hết xuống đoạn sông này.

Từ kết quả này, TS. Vũ Văn Bằng khuyến cáo: “Gò Đống Đa và vùng phụ cận là một nghĩa địa lớn chôn xác giặc”. Đã là nghĩa địa thì không nên đặt bất kỳ công trình văn hóa nào trên đó trừ tấm bia – mộ chí tập thể”. (theo https://vubangtiadat.com/)

Đêm mồng 4 rạng sáng ngày mồng 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu 1789, trận đánh của nghĩa quân Tây Sơn do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy đã phá tan đồn Khương Thượng – Đống Đa của quân Thanh khiến tướng Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở cây đa núi Ốc (nay gần Chùa Bộc). Trận đánh này đã mở đường cho đại quân của Vua Quang Trung từ phía Ngọc Hồi tiến vào kinh thành Thăng Long. Quân Thanh chết như ngả rạ, hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp chiến trường từ trại Khương Thượng, Thịnh Quang đến trại Nam Đồng. Vua Quang Trung lệnh cho thu nhặt xác giặc vào 12 cái hố rộng để chôn lấp. Quân dân ta đã nhặt xác giặc, xếp thành từng đống rồi đắp đất lên thành những gò rất lớn từ Thịnh Quang đến Nam Đồng. 12 gò đống như vậy đã xuất hiện trên trận địa như những chứng tích lịch sử bất diệt của dân tộc. 

Năm Tự Đức thứ 4 – năm 1851, khi kinh lược Nguyễn Đăng Giao cho đào đất để đắp đường mở chợ ở khu vực giáp với Thịnh Quang và Nam Đồng thì tìm thấy nhiều xương cốt, liền cho thu nhặt đem chôn một hố, đắp thành gò thứ 13 – gò Trung Liệt (còn gọi là gò Đống Đa). Năm 1890, thực dân Pháp mở rộng Hà Nội, 12 gò cũ bị san bằng.

Di tích lịch sử đặc biệt nhưng bảo tồn gây tranh cãi

Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào ngày mồng 5 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của những anh hùng đã làm nên chiến thắng lẫy lừng Xuân Kỷ Dậu năm 1789. Người dân từ khắp nơi tụ hội về đây dâng hương làm lễ tạo nên một không khí hân hoan, náo nhiệt. Tại lễ hội còn có hoạt động diễn lại cảnh Vua Quang Trung đại phá quân Thanh, tiến vào thành Thăng Long làm sống dậy hào khí Tây Sơn hào hùng.

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với chiến thắng lẫy lừng Ngọc Hồi – Đống Đa của Vua Quang Trung.

Ngày 10/12/2019, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa”.

Các chuyên gia hàng đầu ngành văn hóa, lịch sử, khảo cổ học quy tụ tại hội thảo, và đưa tới gần 30 tham luận tập trung vào 3 chủ đề: Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa – Giá trị lịch sử, văn hóa; Bảo tồn và tôn tạo di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa; Phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch Thủ đô.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, trong những năm qua, di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa đã được Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội và quận Đống Đa quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo và xây dựng hạ tầng nhưng đến nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Phân tích hồn cốt của di tích Gò Đống Đa tức chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói: “Đây là sự kiện lịch sử tầm vóc đưa Việt Nam lên tầm cao mới với vị thế chưa từng có, chứng tỏ uy vũ của vua Quang Trung vì thế chúng ta phải tìm cách bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Cần thay đổi nhận thức, không nên coi di sản văn hóa là bất biến. Chúng ta luôn nói di sản văn hóa quan trọng nhưng dường như chưa bao giờ coi là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Gò Đống Đa quan trọng như vậy, nhưng trừ ngày giỗ trận tề tựu đông đủ còn thì hơn 300 ngày còn lại hương lạnh khói tàn. Tới lúc nghĩ rộng hơn, thổi hồn chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào di tích”.

Phòng trưng bày Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa chưa đáp ứng được tiêu chí bảo tàng học hiện đại nên kém sức hấp dẫn.

Trước đây đã có ý tưởng xây dựng ở đây là một tổ hợp “Panorama” về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa nhưng bị cho là khó hiện thực hóa. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc xây dựng các tổ hợp trưng bày “hiện thực ảo” bằng sự trợ giúp căn bản của kỹ thuật số sẽ không quá xa lạ.

Nếu có sự sáng tạo trong nghiên cứu xây dựng các tổ hợp kỹ thuật hiện đại như thế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng Trung tâm diễn giải lịch sử có sức thuyết phục cao ở Khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa, cũng cho rằng, hiện nay hoạt động của di tích và công viên khá đơn điệu, hằng ngày chỉ thấy nhiều người vào tập thể dục.

Khu vực trên đỉnh Gò Đống Đa, ngoài tấm bia ghi lời hịch của Hoàng đế Quang Trung, hầu như không có thông tin gì khác, rất khó cho những người tham quan hiểu rõ về di tích, làm giảm đáng kể hiệu quả phát huy giá trị di tích.

Nhà trưng bày trong quần thể Công viên Văn hóa Đống Đa hiện quá nhỏ, khuất nẻo, giải pháp trưng bày cũ kỹ. Nên xây dựng Nhà trưng bày mới với nội dung và giải pháp mới, đưa các phương tiện, kỹ thuật nghe nhìn hiện đại để tăng tính hấp dẫn của trưng bày.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ đề nghị đổi tên Công viên Văn hóa Gò Đống Đa trở lại là Di tích lịch sử Gò Đống Đa cho đúng với tên gọi trong các quyết định xếp hạng di tích và khẳng định giá trị của địa danh này.

Nhiều đại biểu cho rằng, để bảo tồn và phát huy di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa hiệu quả, địa phương nên bổ sung tài liệu phụ chú cho di tích, liên kết tổ chức các sự kiện giáo dục lịch sử, đa dạng hình thức truyền thông.

Trước mắt, quận Đống Đa có thể tập trung chỉnh trang các hạng mục di tích, nghiên cứu phục dựng lại các công trình đã từng tồn tại trong di tích như Đền Trung Liệt; cho phép tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục tại di tích; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tiết học chuyên đề lịch sử theo chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho các trường học phổ thông trên địa bàn.

“Vì di tích Gò Đống Đa là di tích còn lại duy nhất trong số 12 gò Đống Đa mà chúng ta đã được biết, cần được bảo tồn, tôn tạo ngang tầm với giá trị của nó. Ngoài ra cần khôi phục Trung Liệt Miếu, nơi thờ tự những anh hùng chống giặc Pháp tiêu biểu như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng…, tạo cho di tích có giá trị kép về giá trị lịch sử và giá trị tâm linh”, PGS.TS Phạm Mai Hùng chia sẻ.

Đặc biệt, cần nghiên cứu, sưu tầm và xây dựng mới hoàn toàn nội dung trưng bày bổ sung cho di tích với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, với hai chủ đề chính là diễn biến và kết quả của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; Quang Trung – Nguyễn Huệ với Hà Nội sau đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Di tích gò Đống Đa (còn gọi là Công viên văn hóa Đống Đa) có diện tích gần 22.000m2 và được xây dựng vào năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.

Hàng năm cứ vào ngày mùng 5 Tết, tại Di tích gò Đống Đa diễn ra lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789). Đây là một chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đưa tên tuổi, sự nghiệp của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ trở thành tấm gương sáng ngời cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử gò Đống Đa là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Thiên Bình 

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận