Ấn Độ vỡ trận phòng chống COVID-19

0
2306

Dịch Covid-19 “càn quét” Ấn Độ khiến quốc gia Nam Á rơi vào tình trạng nghiêm trọng, với cảnh các bệnh viện không còn giường trống và thi thể xếp hàng dài trước các cơ sở hỏa táng.

Bước sang ngày 23/4/2021, số ca nhiễm mới trong vòng 24h đã hơn 332.000 người. Hơn 2.000 ca tử vong một ngày. Hiện các bệnh viện không còn chỗ, thiếu máy thở và không đủ bình oxy cấp cứu cho dân.
 
Quốc gia Nam Á đã ghi nhận trên 16 triệu ca bệnh và 186.000 người chết. Các bệnh viện quá tải dừng nhận bệnh nhân, các cơ sở hỏa táng “vỡ trận” và nhiều người dân đang hứng chịu nỗi đau xé lòng khi chứng kiến nhiều người thân qua đời.
 
-Quảng Cáo-

Nitish Kumar, một người dân New Delhi, buộc phải để thi thể người mẹ đã qua đời vì Covid-19 tại nhà trong suốt 2 ngày trong khi anh tuyệt vọng tìm kiếm một nơi nhận hỏa táng.

Giống Kumar, nhiều người dân ở thủ đô của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng tương tự khi các cơ sở hỏa táng đã quá tải dù hoạt động hết công suất 24/7 trong nhiều ngày. Những hàng dài thi thể xếp lần lượt chờ đợi được hỏa táng trong bối cảnh Ấn Độ đang trải qua đợt bùng dịch nghiêm trọng.

Các lò hỏa táng tại Ấn Độ hoạt động hết công suất

Jitender Singh Shunty, người điều hành tổ chức y tế phi lợi nhuận Shaheed Bhagat Singh Sewa Dal, cho biết trong chiều 22/4, đã có 60 thi thể được hỏa thiêu tại cơ sở tạm và 15 thi thể khác vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

“Không một ai ở Delhi từng chứng kiến cảnh tượng này. Trẻ con mới 5 tuổi, thiếu niên 15 tuổi hay thanh niên 25 tuổi bị hỏa táng. Cặp đôi mới cưới cũng bị hỏa táng. Thật khủng khiếp khi chứng kiến cảnh này”, Shunty, với đôi mắt ướt nhòe vì xúc động, chia sẻ.

 
Các hãng tin lớn trên thế giới đồng loạt miêu tả cảnh những người Ấn giàu có bỏ xứ ra đi trốn bệnh dịch. Vé máy bay 1 chiều từ Ấn Độ đi Dubai, xuất phát ngày 23 và 24/4 đã tăng gấp 10 lần bình thường, từ khoảng 100 USD lên hơn 1.000 USD. Tất cả các trang đặt vé máy bay đều báo lỗi khi yêu cầu vé xuất phát ngày 25/4.
 
Trong khi đó, các tỷ phú thì thuê chuyên cơ đưa cả nhà tháo chạy. Hãng Enthrall Aviation chuyên cho thuê chuyên cơ cho biết công ty nhận được hơn 80 yêu cầu thuê máy bay trong ngày 23/4. Giá mỗi chuyến bay là 38.000 USD với 13 chỗ bay từ Ấn Độ đi Dubai. Hàng loạt quốc gia đang chặn đường bay từ Ấn Độ.

Biến thể virus B.1.617 ở Ấn Độ là từ 15 đột biến chuyên biệt

Sau các biến thể được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil, đến lượt biến thể mang đột biến kép xuất hiện ở Ấn Độ (biến thể B.1.617).

Biến thể B.1.617 xuất hiện cuối năm 2020

Biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 5-10-2020 tại thành phố Nagpur (bang Maharashtra) thuộc miền trung Ấn Độ.

TS di truyền học Rakesh Mishra – giám đốc Trung tâm Sinh học phân tử và tế bào Ấn Độ (CCMB) – cho biết: “Chúng tôi phải mất một thời gian để nhận ra biến thể thực sự xuất hiện nên đến tháng 12-2020 mới có thể xác nhận”.

Biến thể mang hai đột biến L452R và E484Q đã biết  

Biến thể B.1.617 được gọi là biến thể kép vì chứa đột biến L452R đã được quan sát thấy trên biến thể ở California và đột biến E484Q trên hai biến thể ở Nam Phi và Brazil.

Đột biến L452R giúp virus tăng sức đề kháng với kháng thể và vắc xin, còn đột biến E484Q làm tăng thêm khả năng lây nhiễm.

Trước đó hai đột biến này chưa từng xuất hiện cùng nhau trong cùng một chủng virus.

Về khoa học, gọi “đột biến kép” là không phù hợp vì biến thể B.1.617 không chỉ đột biến hai lần và không phải là virus tái tổ hợp từ hai biến thể khác nhau.

TS Anurag Agrawal – giám đốc Viện Gen đơn bội và sinh học tích hợp ở New Delhi – giải thích: “Biến thể ở Ấn Độ là kết quả của 15 đột biến chuyên biệt. Chúng tôi không quan sát thấy có hiện tượng tái tổ hợp các đột biến từ hai biến thể ở California và Nam Phi”.

Có thể dễ lây hơn nhưng chưa chắc gây chết người nhiều hơn

Mặc dù biến thể B.1.617 mang đột biến kép nên dễ lây hơn nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định biến thể này gây chết người nhiều hơn.

TS Benjamin Davido ở Bệnh viện Raymond-Poincaré tại Garches (Pháp) xác nhận “chúng ta chưa biết nhiều về khả năng gây chết người của biến thể ở Ấn Độ”.

Ngoài ra, cần lưu ý một số đặc điểm khác của biến thể B.1.617.

Biến thể mang đột biến E484Q, do đó sẽ kháng lại các kháng thể mạnh hơn, như vậy có thể làm giảm khả năng miễn dịch dù đến nay vấn đề này chưa được chứng minh.

Do đó, Cơ quan Y tế công cộng quốc gia Pháp (SPF) cảnh báo người đã tiêm vắc xin hoặc đã nhiễm COVID-19 có thể sẽ không được bảo vệ đầy đủ để chống lại biến thể B.1.617.

Không phải là nguyên nhân duy nhất thúc đẩy dịch bùng phát

Mặc dù biến thể B.1.617 dễ lây lan hơn nhưng các nhà khoa học vẫn còn thận trọng về tác động của biến thể mới này đối với tình hình COVID-19 ở Ấn Độ vì còn nhiều yếu tố khác có thể tác động.

Ngày 8-4, Cơ quan Y tế công cộng quốc gia Pháp lưu ý tình hình COVID-19 ở Ấn Độ xấu đi còn do nhiều cuộc tụ tập đông người gần đây và người dân ít quan tâm phòng ngừa.

TS virus học Shahid Jameel giải thích dân Ấn Độ đã tập trung đông người trong các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương gần đây và trong lễ hội Kumbh Mela với hàng triệu tín đồ Ấn giáo trầm mình dưới sông Hằng.

Trên thực tế biến thể B.1.617 dường như lây nhiễm phổ biến ở một số vùng. Tại bang Maharashtra, biến thể B.1.617 chiếm hơn 55% số ca nhiễm so với từ 15-20% vào tháng 3-2021.

“Đến lò thiêu xác cũng quá tải”

Trao đổi với PV Thanh Niên, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết mọi người ở Ấn Độ đang đổ xô đi mua bình ô xy, giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đây diễn biến xấu. Đại sứ quán Việt Nam cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Ấn Độ để hỗ trợ một kỹ sư người Việt mắc Covid-19 được nhập viện điều trị. Công trường xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam cũng đã thành ổ dịch.
 
Đại sứ chia sẻ trên tài khoản cá nhân Facebook: “Trong cuộc đời của mình kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế. Giờ đây nếu ai mắc Covid-19 ở đây thì chỉ còn trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và sự may rủi của số phận vì gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở ô xy đã hết và ô xy cũng hết luôn”.
 
“Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nhìn ra đường chỉ nhìn toàn thấy xe cứu thương chạy ngược xuôi. Đến lò thiêu xác cũng quá tải đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt. Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi, sao chỉ sau mấy ngày mà để “vỡ trận” rơi vào “cơn đại hồng thủy” như vậy? Chẳng lẽ là nước sản xuất 60% vaccines trên thế giới mà phải thua trận chiến này sao?”.
 
Tổng hợp
guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận