Ai là “chủ nhân” của Công ty nước sạch Sông Đà?

0
1947

Những ngày vừa qua, dư luận đang xôn xao trước việc nước do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp có mùi khét. 

-Quảng Cáo-

Được biết, nguồn nước sạch sông Đà cung cấp cho một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của TP.Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình. Viwasupco là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.

Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà được đổi tên từ ngày 1.2.2018 từ công ty cổ phần nước sạch Vinaconex.

Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex. Tháng 3.2009, Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập theo Quyết định của Hội đồng quản trị tổng công ty. Tháng 9.2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex. Sau đó được đổi tên thành Công ty CP nước sạch Sông Đà.

Đến ngày 31.12.2018, các cổ đông lớn của công ty gồm có: Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE với 35,95% cổ phần. 

Người dân Hà Nội phải thức đêm lấy nước sạch sau khi nguồn nước từ Viwasupco bị nhiễm bẩn không thể dùng để ăn uống. 

Trên trang web của doanh nghiệp này ghi rõ, Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX (GELEX Engery) có vốn điều lệ hiện tại là 2.300 tỉ đồng, do GELEX giữ 100% vốn. Công ty cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch, một bộ phận quan trọng khác trong nhóm hạ tầng thiết yếu. GELEX Energy hiện đang sở hữu chi phối Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm. 

Trước đó, tháng 12.2017, Công ty Sinh Thái đã mua thành công 8,2 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên quá bán 50,42%. Tuy nhiên, chỉ đúng 1 tuần sau khi nắm tỷ lệ chi phối tại Viwasupco, Công ty Sinh Thái bất ngờ đăng ký thoái toàn bộ 25,21 triệu cổ phần đang sở hữu và bán thành công vào ngày 4.1.2018.

Cổ phiếu VCW của Viwasupco đang được giao dịch ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu và không có biến động. 

Vụ nước sinh hoạt bị ô nhiễm ở Hà Nội: “Vào cuộc chậm, coi thường dân”

Trong vụ nước sạch có mùi hôi tại các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, hiện đã lộ rõ chân tướng của vấn đề: nước bị nhiễm dầu thải, Viwasupco biết, không có phương án ngăn chặn, xử lí, và cũng không báo cáo các cấp có thẩm quyền.

“Đơn vị cung cấp nước đang coi thường sức khỏe của người dân, rất thiếu trách nhiệm” – Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói về vụ nước sinh hoạt bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam, Hà Nội.

Nước bẩn nhiễm chất độc Styrene gây ra nguy cơ ung thư, làm suy giảm thị lực, thính lực, hệ miễn dịch và hệ thần kinh.

Ngày 16.10, trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vấn đề nước sạch đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri không chỉ riêng Hà Nội bởi việc này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Ông Hòa cho hay qua báo chí, nhiều gia đình phản ánh sự xáo trộn trong sinh hoạt và bày tỏ sự lo lắng khi thiếu nước sạch. Mới đây, chính quyền Hà Nội có thông tin về việc trong sự cố nước sạch bị đổ trộm dầu bẩn vào, trong nước có hàm lượng hóa chất Styrene vượt quá mức cho phép.

Tuy nhiên, những ngày trước đó, phía đơn vị cung cấp nước không hề có thông tin gì, không hề có động thái nào cảnh báo cho người dân. Vậy trong suốt gần 1 tuần qua, người dân sử dụng nguồn nước này có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe thì sao? Việc này thể hiện tinh thần thiếu trách nhiệm.

“Khi anh thu tiền của người dân, anh phải có trách nhiệm với dân để xem nước sạch có đạt chất lượng hay không. Trong trường hợp này đơn vị cung cấp nước đang coi thường sức khỏe của người dân, rất thiếu trách nhiệm”, ông Hòa nói.

Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm trong sự việc này.

Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội nhận định, trong việc này trách nhiệm thuộc về đơn vị cung cấp nước. Đơn vị cung cấp nước đang quá chậm khi xử lý việc dân phản ánh, họ phải chờ chính quyền Hà Nội chỉ đạo mới vào cuộc.

Theo bà An, trong trường hợp hàng vạn người dân bị ảnh hưởng như vậy thì đơn vị cung cấp nước với tư cách phục vụ người dân thì phải cử cán bộ đến từng vùng, từng nhà dân để tìm rõ nguyên nhân.

Khu vực bị đổ trộm dầu bốc lên mùi khét và đen kịt.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tại đơn vị bầu cử số 1, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời ý kiến của cử tri về việc này.

Ông Chung cho biết: “Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8.10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước. Chúng tôi đã làm việc với công ty và yêu cầu toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước phải xúc xả. Toàn bộ kinh phí sẽ do công ty này chịu trách nhiệm”.

Đồng thời, chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cho hay, thành phố sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vào điều tra làm rõ trách nhiệm của công ty cung cấp nước.

Lao Động

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận