Định kiến xấu về văn hóa dẫn tới kỳ thị người gốc Á ở xã hội Âu Mỹ

0
1807

Sách ở Anh bỏ nhân vật cậu bé Brian Wong để phản đối ‘định kiến xấu’ về người gốc Đông Á

-Quảng Cáo-

Một cuốn sách ăn khách của diễn viên Anh, David Walliams, sẽ tái bản không có nhân vật Brian Wong, ‘cậu bé người Hoa’ vì bị phản đối trước định kiến văn hóa.

Bản mới của cuốn ‘The World’s Worst Children’ sẽ ra mắt độc giả tiếng Anh vào năm 2022 nhưng nhân vật Brian Wong được thay bằng người khác.

Nhà xuất bản HarperCollins Children xác nhận tin này, theo bản tin của BBC News, trang Văn hóa.

Nhân vật ‘Brian Wong, Who Was Never, Ever Wrong’ – cậu bé ngoan ngoãn không bao giờ sai bị cây bút người Anh gốc Hoa, bà Georgie Ma phản đối vì đã “bình thường hóa định kiến mang tính sắc tộc từ tuổi nhỏ”.

Trong sách có hơn 10 nhân vật trẻ em khác nhau mà Brian Wong chỉ là một.

Các nhân vật khác, có tên tiếng Anh là Nigel Nit-Boy, Grubby Gertrude và Bertha the Blubberer, đều có “hỗn danh” hơi buồn cười.

Xuất bản lần đầu năm 2016, cuốn sách của ông Walliams bán được hơn 450 nghìn cuốn. Sang năm 2020, bản hai, The World’s Worst Children 2, ra mắt công chúng.

Theo bà Georgie Ma thì tên của nhân vật cậu bé gốc Hoa (Chinese) đã có thể gây hại.

Wongwrong là hai từ trong tiếng Anh hay được dùng ở sân chơi để nhạo trẻ có họ Wong,” bà nói với trang The Bookseller.

Hình vẽ cậu bé trong sách mang tính định kiến về người Đông Á, như “Wong đeo kính cận, trông như đứa lập dị, mắt híp, và đây là định kiến tai hại”, Georgie Ma nói.

“Nhân vật này xây dựng trên hình mẫu đầy định kiến về người Trung Quốc: lập dị, chỉ biết học, giỏi toán, rằng chúng tôi né tránh va chạm, chỉ làm con ngoan trò giỏi. Thật thất vọng khi đọc sách đó.”

David Walliams nổi tiếng với vai trong phim hài Little Britain cười nhạo các thói xấu và những điều kỳ quặc của nhiều tầng lớp dân chúng tại Anh.

Khu Chinatown ở London trong mùa dịch Covid-19

Định kiến văn hóa dẫn tới kỳ thị

Một trong những vấn đề trẻ gốc Á có thể gặp phải ở các nước Âu-Mỹ là định kiến về hình thể, họ tên.

Những năm qua, nhất là trong dịch Covid, việc người gốc Đông Á: Hoa, Việt, Hàn, Singapore… bị kỳ thị thậm chí bị bạo hành đã xảy ra ở các nước Phương Tây.

Định kiến văn hóa thường dẫn đến việc phân biệt đối xử, kỳ thị trong công sở, công ty và thậm chí là yếu tố gây xung đột ngoài phố.

Một bài trên trang NPR – đài công cộng của Hoa Kỳ – hồi năm 2017 đánh giá rằng người mang họ châu Á ở Canada, theo một điều tra, “bị kỳ thị về họ tên và mất đi nhiều cơ hội mời phỏng vấn việc làm so với người có họ Anh Mỹ”.

Người có họ Ấn và Hoa chỉ nhận được 28% giấy mời tới phỏng vấn xin việc so với các nhóm sắc tộc khác cho dù sơ yếu lý lịch và trình độ giống nhau.

Ozil rời tuyển Đức vì bị phân biệt chủng tộc do là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ

Mesut Ozil tuyên bố rời Đội tuyển bóng đá quốc gia Đức vì “nạn phân biệt chủng tộc và sự thiếu vắng tôn trọng” với anh ở Đức vì có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Ozil sinh năm 1988 ở Gelsenkirchen, nước Đức, trong gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ và bị phê phán vì chụp hình với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại một sự kiện ở London hồi tháng 5/2018. Hiện Ozil đang đá cho đội Arsenal ở Anh Quốc.

Anh cho biết sau khi Đức thua ở FIFA World Cup 2018 tại Nga, anh nhận được nhiều email căm thù, đe dọa.

Bốn năm trước, Ozil có vai trò quan trọng trong các trận đấu đưa Đức lên ngôi vô địch World Cup.

Hôm 02/06/2018, Mesut Ozil và Ilkay Gundogan (cầu thủ đội Manchester City) bị cổ động viên Đức la ó sau khi thua tại Áo trong trận giao hữu ở Klagenfurt dù Ozil ghi một bàn.

Hôm 08/06/2018, Ozil không được đấu trong trận giao hữu với Ả Rập Saudi ở Leverkusen, còn Gundogan lại bị cổ động viên chê khi ra sân. Có tin cầu thủ này đã khóc trong phòng thay quần áo đội Đức.

Thủ tướng Angela Merkel nói chuyện với Mesut Ozil (bìa trái, ngồi) ở Ba Lan khi tuyển Đức sang tham dự giải Euro 2012

Trong tuyên bố cho báo chí, Ozil viết:

“Tôi cảm thấy không được hoan nghênh và những gì tôi đạt được kể từ khi bắt đầu sự nghiệp bóng đá quốc tế năm 2009 đã bị lãng quên.”

“Họ coi tôi là người Đức khi ghi bàn thắng và coi tôi là kẻ di dân khi chúng tôi thua.”

Theo đài DW của Đức, bà Wiebke Muhsal, phó chủ tịch phân bộ của AfD – đảng cánh hữu bài ngoại – ở tiểu bang Thuringen, nhắn trên mạng Twitter:

“Anh ta mất nhiều thời gian quá để quyết định nhỉ.”

“Ozil phàn nàn là không được tôn trọng? Tôi không thấy được một sự cam kết cho nước Đức, cho các biểu tượng Đức như quốc kỳ từ anh ta.”

Trong một bức hình đăng trên báo chí, Ozil cầm cờ Thổ Nhĩ Kỳ khi đứng cạnh Tổng thống Erdogan.

Đảng cực hữu AfD vận động và nhấn mạnh vào chủ trương chống di dân và nêu hình ảnh bài bác Hồi giáo. Hình của AfD lên án mạng che mặt Burka của phụ nữ theo đạo Hồi và nói nó không phù hợp với phụ nữ Đức

Còn bà Katarina Barley, Bộ trưởng Tư pháp Đức, thì có ý kiến khác. Cũng nhắn trên Twitter, bà viết: 

“Đây là dấu hiệu mang tính báo động rằng cầu thủ đội Đức như Ozil không thấy được sự hoan nghênh ngay trên đất nước của anh ta vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cảm thấy không được Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đại diện.”

Bên cạnh chuyện bóng đá, chính trị Đức đang bước vào một giai đoạn nhiều căng thẳng với chính phủ Liên bang của bà Angela Merkel bị phe tả và phe hữu cùng phê phán về vấn đề di dân.

Sự lớn mạnh của đảng AfD công khai đòi hạn chế di dân và nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc Đức cũng khiến bầu không khí chung thêm nóng.

BBC News

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận