Mất mẹ và bà ngoại vì COVID-19, ba đã có vợ mới sau ly dị, một cô bé hóa mồ côi

0
1456

Mẹ và bà ngoại ra đi mãi không về sau khi nhập viện vì COVID-19 đã gần một tháng nay, bố hiện có gia đình mới đang sống ở Đồng Tháp, em N.M.Q.A (ngụ quận 1, TPHCM) bỗng chốc không còn người thân bên cạnh. Em được bà Hồ Thị Chào – một người hàng xóm lâu năm ở đối diện nhà nuôi dưỡng từng bữa ăn, giấc ngủ.

-Quảng Cáo-

Chạy xe vào con hẻm nhỏ số 258 Trần Hưng Đạo ngay tại trung tâm quận 1, TPHCM, chúng tôi dừng xe ở một căn nhà nhỏ, chiều ngang chỉ khoảng 2m2 đang khoá kín, đó là căn nhà trước kia em N.M.Q.A cùng mẹ sinh sống.

Hỏi thăm hàng xóm về em, mọi người chỉ tay về phía nhà đối diện một căn nhà cũng không lớn hơn là bao, đó là nơi em N.M.Q.A đang được nuôi dưỡng dưới sự chăm sóc của một người hàng xóm – bà Hồ Thị Chào (65 tuổi).

“Thương như cháu ruột”

Khi chúng tôi tới nơi, bé N.M.Q.A đang chăm chú học online bên chiếc bàn nhỏ ở một góc nhà, bên cạnh, bà Hồ Thị Chào đang ngồi chăm chú nhìn bé học bài. Không để buổi học bị ngắt quãng, chúng tôi xin phép trò chuyện với bà Chào về hoàn cảnh của bé.

Kể từ khi sinh ra, N.M.Q.A lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của các bà, các cô trong hẻm. Bà Chào cho hay, mẹ bé kinh tế khó khăn thường xuyên phải đi làm muộn, không có nhiều thời gian chăm con, nên hay gửi nhờ bà Chào chăm con hộ. Trong khi đó, bố và mẹ bé lại chia tay, sau đó bố lại có gia đình riêng, do đó tình thương của mọi người trong xóm dành cho bé lại nhiều hơn.

“Từ khi mẹ bé còn sống, bé vẫn hay sang đây, mẹ nó đón đi học về cũng gửi tôi tắm rồi cho bé ăn, cũng có ngày bé ngủ cùng với tôi. Tôi thương nó như con cháu trong nhà. Đến khi mẹ bé bắt đầu bị bệnh thì bé chuyển hẳn sang ở với tôi không về bên nhà nữa. Thấy mẹ bệnh, nhiều đêm con bé đâu có ngủ cứ chạy ra cửa đứng nhìn sang nhà đang đóng kín cửa rồi khóc”- bà Chào kể lại.

Bà Chào kiên nhẫn hướng dẫn cho bé làm bài tập.

Cách ly ở nhà điều trị được vài ngày, chị N.T.D.T khó thở và mệt hơn, có dấu hiệu chuyển nặng nên chị nhập viện, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Nhưng không may, chỉ 2 ngày sau chị đã ra đi. 

“Lúc có người gọi điện về báo là dì Chào ơi, cái T nó mất rồi, tôi hết hồn luôn. Mình cứ nghĩ vào đó điều trị rồi sẽ khỏi, rồi về sớm thôi, ai ngờ đâu lại đi sớm như vậy, chỉ có 2 ngày thôi. Nhỏ này nó ôm tôi, nó oà lên khóc, nó khóc quá trời, kêu “mẹ ơi, mẹ ơi”. Giờ ai nhắc đến mẹ là bé buồn, có những lúc bé giấu tôi khóc thút thít thút thít, tôi thương lắm. Bé hay nói với tôi là “Con COVID-19 này đáng ghét”- Bà Chào vừa kể ánh mắt bà rưng rưng nhìn về phía bé.

“Con ghét con COVID-19 này…”

Trò chuyện một lúc thì cũng đến thời gian bé N.M.Q.A kết thúc buổi học online. Trên bàn, ngoài những dụng cụ học tập như sách vở, thì có 2 chiếc điện thoại, 1 chiếc đã cũ tới mức phải buộc dây thun để giữ các phần lại với nhau. 

Lại gần bé hỏi thăm, bé nói một chiếc điện thoại mới để học online, còn chiếc điện thoại cũ đó của mẹ trước đây từng dùng. Từ khi mẹ mất, bé giữ lại chiếc điện thoại của mẹ bên cạnh để làm kỉ niệm. Từ đó, chiếc điện thoại cũ với em là vật không rời. 

Vừa nói chuyện, bé mở máy chỉ cho chúng tôi xem những bức ảnh từ hồi còn nhỏ, cứ lần lượt lần lượt từ ảnh này qua ảnh khác. “Bức hình này là lúc con còn nhỏ”, “Hình này là mẹ chụp con”…, bé nói.

Tới những bức hình khi nhỏ chụp tại căn nhà cũ, bé dừng lại lâu hơn như tìm kiếm lại hình bóng trước đây. Trên màn hình chiếc điện thoại mới hơn cũng được bé lựa chọn một tấm ảnh được mẹ bế trong tay để làm hình nền, bé nói đó là tấm hình của 2 mẹ con mà bé thích.

Bà Chào cho biết, chiếc điện thoại này là do hội phụ huynh trong lớp khi biết tình cảnh của bé đã mua tặng để bé có thể theo học online cùng bạn bè.

Nhìn về phía căn nhà có cổng xanh trước cửa, bé N.M.Q.A nói muốn được một lần chạy về nhà. “Con muốn về nhà để xem ở trong nhà như thế nào rồi, bà nói hết dịch rồi sang nhưng con không sợ dịch”- Bé N.M.Q.A nói.

Rồi đôi mắt bé nhoè đi khi nhắc đến mẹ và kể những đêm có lẽ vì quá nhớ nhung mà có những giấc mơ được gặp mẹ. “Có đêm con ngủ con mơ thấy mẹ đang nằm rồi mẹ nhìn con, lúc đó mẹ không bị bệnh. Con nhớ mẹ nhiều. Con ghét con COVID-19 này vì nó cướp đi mẹ của con”- Giọng nói của bé lí nhí hoà cùng với tiếng nấc nghẹn cùng những giọt nước mắt lăn trên má.

Mỗi lần nhìn ra trước cửa là căn nhà nơi từng sinh sống với mẹ, bé không ngăn được nỗi nhớ.

Trao gửi tình thân

Cách đây mấy chục năm, cả gia đình nhà nội của chị N.T.D.T – mẹ bé N.M.Q.A vốn dĩ là hàng xóm của bà Chào, 2 nhà chỉ cách nhau vài căn. Sau đó gia đình chuyển đi về quận Bình Thạnh nhưng chị N.T.D.T ở lại đây, thuê lại căn nhà trọ trong hẻm rồi tiếp tục cuộc sống, sau đó sinh ra bé N.M.Q.A.

Anh Nguyễn Long Hải (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), cậu của Q.A cho biết, gia đình anh và gia đình bà Chào đã quen biết nhau được 3 đời, lúc chị anh và cháu ở đó, anh biết bà Chào cũng giúp đỡ nhiều.

“Tôi với chị hai gọi dì Chào là dì và coi dì như dì ruột của mình vậy. Hàng xóm với nhau từ đời ông nội tôi đến nay nên tình cảm gắn bó. Có bà Chào chăm sóc cho cháu, gia đình tôi cũng yên tâm. Tôi biết bà Chào thương Q.A còn hơn cả con cháu ruột, chúng tôi rất biết ơn”- Anh Hải nói.

Anh kể trước khi mẹ bé N.M.Q.A mất vài ngày thì bà ngoại cũng vừa ra đi vì COVID-19. Ông ngoại mắc COVID-19 vừa xuất viện trở về nên cả nhà chưa dám báo tin. Gia đình anh cũng đang trong thời gian cách ly tại nhà, không thể đón bé Q.A về nhà chăm sóc.

“Khi dịch bệnh qua đi, nếu cháu muốn ở với dì Chào và dì đồng ý thì nhà tôi tiếp tục gửi cháu bên đó, rồi hỗ trợ thêm khi nào cháu cần. Khi nào dì không nuôi được thì tôi đón về với ông ngoại, cách nhà tôi mấy nhà để tiện chăm sóc”- Anh Hải nói. 

Liên lạc với anh Hào bố của bé N.M.Q.A, anh cho biết bản thân mấy tháng nay vì dịch bệnh anh chưa gặp con, giờ hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại mang bệnh nặng nên anh đành nhờ bà Chào chăm con giúp. 

“Từ ngày mẹ cháu mất thì ngày nào tôi cũng gọi điện. Thỉnh thoảng thấy con gửi hình 2 mẹ con tới máy, tôi biết con bé nhớ mẹ mới làm vậy. Giờ con được ở với bà Chào là tôi yên tâm, bà ấy giúp con học hành cho tốt. 

Ngày xưa tôi cũng không có tên trong giấy khai sinh của con do không có làm đăng ký kết hôn nên giờ cũng khó. Dịch bệnh mà tôi lại mang bệnh nặng, nhà cũng có nhiều cháu nhỏ, kinh tế khó khăn nên tôi gửi con cho bà Chào”- Anh Hào bố bé N.M.Q.A nói.

Lao Động

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận