Lực lượng phiến quân Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul và hàng loạt đô thị quan trọng trên khắp cả nước từ tay quân chính phủ Afghanistan của Tổng thống Ashraf Ghani. Trong khi đó, Mỹ cho biết đang triển khai 5.000 quân để giúp sơ tán công dân của mình khỏi Afghanistan.

Tổng thống Joe Biden đã bảo vệ quan điểm quyết rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, nói rằng ông không thể biện minh cho “sự hiện diện của Mỹ giữa cuộc xung đột dân sự của nước khác”. Ông khẳng định quân đội Mỹ không nên tham chiến và chết trong một cuộc chiến mà lực lượng quân đội Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính mình.

Ông Biden thừa hưởng thỏa thuận mà cựu tổng thống Donald Trump đã tiến hành với Taliban. Theo đó, các lực lượng Mỹ sẽ rời Afghanistan vào ngày 1-5-2021. Quân Mỹ đóng tại Afghanistan trong nhiệm kỳ của ông Trump đã giảm từ khoảng 15.500 xuống còn 2.500 quân.

Đạo luật Hồi giáo Sharia là gì?

-Quảng Cáo-

Thủ đô Kabul của Afghanistan thất thủ với sự trở lại của phiến quân Taliban, lực lượng cực đoan khét tiếng với việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc trong giai đoạn cầm quyền 1996-2001 tại Afghanistan.

Đạo luật Sharia là hệ thống pháp luật của đạo Hồi, có nguồn gốc từ kinh Koran. Đạo luật Sharia đóng vai trò như một quy tắc sống mà tất cả người Hồi giáo phải tuân thủ, bao gồm cầu nguyện, ăn uống, vệ sinh, và quyên góp cho người nghèo. 

Sharia có thể truyền đức tin ở mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày cho một người Hồi giáo. Ví dụ, một người Hồi giáo băn khoăn không biết phải làm gì nếu đồng nghiệp mời họ đến quán rượu sau giờ làm việc, họ có thể tìm đến một học giả Sharia để xin lời khuyên nhằm đảm bảo họ hành động trong khuôn khổ pháp luật tôn giáo của họ.

Đạo luật Sharia chia các tội danh thành hai loại chung. Thứ nhất là tội “hadd”, đây là tội nghiêm trọng với các hình phạt đã định sẵn. Thứ hai là tội “tazir”, trong đó hình phạt được đưa ra theo quyết định của thẩm phán.

Các tội của hadd bao gồm hành vi trộm cắp (có thể bị trừng phạt bằng cách chặt tay) và tội ngoại tình có thể bị tử hình bằng cách ném đá.

Luật Sharia của Hồi giáo xem sử dụng ma túy, quan hệ đồng giới, ngoại tình, mua bán và sử dụng rượu là những tội đáng bị tử hình.

Thực tế, không phải tất cả các quốc gia Hồi giáo đều áp dụng hoặc thực thi các hình phạt như vậy đối với các hành vi tội ác. Các cuộc thăm dò cho thấy thái độ của người Hồi giáo đối với các hình phạt khắc nghiệt dành cho những hành vi phạm tội như vậy rất khác nhau.

Vì sao Đạo luật Sharia trở nên đáng sợ trong tay Taliban?

Trong giai đoạn nắm quyền năm 1996-2001, Taliban áp dụng rất nghiêm Đạo luật Sharia. Âm nhạc, truyền hình, phim ảnh, Internet, và hầu hết các hình thức nghệ thuật như tranh vẽ hoặc nhiếp ảnh đều bị cấm.

Đàn ông bị ép buộc phải để râu. Phụ nữ bị cấm đi làm, thanh thiếu niên nữ bị cấm đến trường. Phụ nữ mỗi khi rời khỏi nhà ra đường phải có người thân là nam giới đi kèm. Những người vi phạm sẽ bị trừng phạt.

Taliban đánh đập những phụ nữ không mặc burqa – trang phục trùm kín đầu và thân thể của phụ nữ Hồi giáo.

Thậm chí phiến quân Taliban đã từng xử tử những phụ nữ dám cho con nhỏ bú nơi công cộng như rừng cây, bãi cỏ, giằng đứa bé ra khỏi tay người mẹ rồi giết chết người mẹ tại chỗ. 

Một số phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan tại thành phố Kabul hôm 13/8/2021. Ảnh: AP

Khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan vào hôm 15/8/2021, trước khi sơ tán, giảng viên đại học đã tập trung các nhóm sinh viên nữ để nói lời chào tạm biệt: “chúng ta có thể sẽ không gặp lại nhau”. Trường học, văn phòng, cửa hàng, tất cả đều đóng cửa, theo Bloomberg.

Aisha Khurram, 22 tuổi, từng làm đại biểu thanh niên tại Liên Hợp Quốc, chỉ còn vài tháng nữa là cô tốt nghiệp Đại học Kabul. Thế nhưng, cô và các nữ sinh khác sẽ phải đối diện với một tương lai bế tắc.

Chia sẻ với báo chí trên Twitter hôm 16/8/2021, sau khi binh lính Taliban tràn vào Kabul và nơi cô sinh sống, Aisha Khurram cho biết: “Nó giống như ngày tận thế đối với cả nước, khi chứng kiến mọi thứ sụp đổ trong nháy mắt”.

Taliban bắt các em gái 12 tuổi làm nô lệ tình dục

Các đầu lĩnh của Taliban đòi tộc trưởng ở các khu vực do Taliban chiếm đóng phải nộp danh sách các cô gái và phụ nữ chưa kết hôn của địa phương để cưỡng ép trao những phụ nữ này cho các chiến binh.

Quân Taliban đến từng nhà cư dân địa phương và cưỡng hôn các cô gái trẻ. Trước đây, tiêu chuẩn về phụ nữ chưa kết hôn là trong độ tuổi từ 15 đến 45, nhưng bây giờ ngay cả các em nhỏ 12 tuổi cũng rơi vào cảnh nô lệ tình dục.

Một cô gái giấu mặt dưới tấm mạng đã cùng với người chú chạy trốn đến làng lân cận khi Taliban tràn vào làng cô, nhưng nếu ai đó trong dân sở tại báo cho Taliban về sự xuất hiện của cô thì kết quả là “tất cả sẽ bị giết” nếu các chiến binh đến và tìm thấy cô gái.

Đối với các tội như trộm cắp, hình phạt chặt tay vẫn được Taliban thi hành. Đối với phụ nữ bị kết tội ngoại tình, hình phạt là ném đá tới chết hoặc treo cổ. Taliban nằm trong số ít những thế lực Hội giáo áo dụng triệt để các nhục hình trong Đạo luật Sharia.

Về kinh tế, Taliban áp thuế 50% đối với bất kỳ công ty nào hoạt động trong nước. Họ cũng áp thuế nhập khẩu 6% đối với bất kỳ thứ gì được đưa vào nước này.

Taliban tăng cường các vụ tấn công nhằm vào dân thường

Các quy tắc Hồi giáo hà khắc sẽ được thiết lập trở lại, các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái rất khó khăn mới giành được trong suốt hai thập kỷ ở Afghanistan có thể sẽ biến mất.

Sau khi Mỹ rút quân, hàng nghìn thường dân Afghanistan đang tìm cách chạy trốn bằng mọi giá, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo. Những người ở lại thì lo sợ về sự trỗi dậy của chế độ Hồi giáo cực đoan mà Taliban từng áp đặt. Đã có những thông tin cho thấy trên đường tiến quân, chiến binh Taliban đóng cửa các trường học nữ sinh, cấm điện thoại thông minh ở một số nơi và buộc các nam thanh niên phải gia nhập hàng ngũ thánh chiến của họ.

Một công viên ở Kabul đã biến thành nơi ở tạm của những gia đình bỏ nhà chạy trốn. Nhiều cô gái ở tỉnh Takhar khi đi xe kéo đã bị người của Taliban chặn lại để hỏi vì sao họ “đi dép hở hang”.

Trẻ em ngủ la liệt trên đất tại trại sơ tán ở công viên Shahr-e-Naw Park, Kabul, Afghanistan, ngày 14/8/2021, khi Taliban bao vây thủ đô

Nguồn gốc phiến quân Taliban 

Taliban, lần đầu tiên lên nắm quyền ở Afghanistan vào những năm 1990, được thành lập bởi các phiến quân du kích Hồi giáo (Mujahideen/Mujahidin) từng gây chiến chống lại chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan do Liên Xô hậu thuẫn trong thập niên 1980.

Lực lượng Taliban nhận được sự hỗ trợ của cơ quan tình báo Pakistan, và đặc biệt là của CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) nhằm trả thù Liên Xô đã ủng hộ, hỗ trợ các nước bị Mỹ xâm lược, điển hình như Việt Nam. Do đó, nói không quá thì Taliban chính là một khối ung nhọt biến thành ác tính nhờ bàn tay của Mỹ.

Mohammad Omar – người sáng lập Taliban, vốn là một chỉ huy trong cuộc chiến tranh Afghanistan, bắt đầu phát động phong trào Taliban vào năm 1994 nhằm đảm bảo an ninh cho thành phố Kandahar ở phía đông nam Afghanistan, nơi bị ảnh hưởng bởi tội phạm và bạo lực. Ban đầu tầm nhìn về công lý của Taliban đã giúp họ gây dựng sức mạnh. Ông Kamran Bokhari thuộc Viện Newlines (Mỹ), một tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại, cho biết: “Vào thời điểm đó, mọi người thực sự muốn luật pháp và trật tự, điều đã không tồn tại”.

Vào mùa thu năm 1996, Taliban chiếm được Kabul và tuyên bố Afghanistan là một tiểu vương quốc Hồi giáo. Taliban áp đặt một chế độ cai trị hà khắc lên Afghanistan, tước bỏ mọi quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, cấm đi học, đi làm và cấm ra đường nếu không có người thân là nam giới đi kèm. Âm nhạc và các hình thức truyền thông đều bị cấm.

Taliban cũng thể hiện thái độ bài trừ ác nghiệt đối với các Tôn giáo khác. Năm 2001, phiến quân Taliban đã đặt thuốc nổ phá hủy 2 pho tượng Phật lớn nhất thế giới, tạc thẳng vào núi sa thạch tại tỉnh Bamiyan của Afghanistan, bất chấp sự phản đối và phẫn nộ của toàn thế giới.

Hai pho tượng Phật Bamiyan cao 55 mét và 37 mét được xây dựng vào thế kỷ thứ 6, khi Bamiyan là một thánh địa Phật Giáo. Năm 629, Đại Pháp sư Huyền Trang của Trung Quốc đi qua đây và miêu tả Bamiyan là trung tâm Phật Giáo rất lớn, có hàng chục nghìn tăng lữ.

Hussain, một tù binh của Taliban kể: “Họ mang những khối thuốc nổ đến bằng những chiếc xe tải. Sau đó họ đặt thuốc nổ lên lưng hoặc buộc vào tay chúng tôi, bắt mang đến chỗ các pho tượng Phật. Với những khối bom to, họ buộc vào gậy dài để chúng tôi khiêng đi, vòng ra phía sau của tượng”. 

Khi 2 pho tượng Phật hoàn toàn bị phá huỷ, Taliban tổ chức ăn mừng rầm rộ. Chúng bắn súng chỉ thiên, nhảy múa ca hát và giết 9 con bò để làm lễ hiến tế giữa những tiếng la hét “Allah Akbar” (Thượng đế chí tôn).

Hệ tư tưởng độc đoán của Taliban tương tự như hệ tư tưởng của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Các thủ lĩnh Taliban đã ủng hộ, dung túng cho trùm khủng bố Osama bin Laden và các thành viên al-Qaeda khác tham gia vào vụ tấn công nước Mỹ đẫm máu ngày 11/9/2001.

Vào cuối tháng 7/2015, chính phủ Afghanistan xác nhận rằng thủ lĩnh Mohammad Omar đã chết vào tháng 4/2013 tại Karachi, Pakistan.

Bức ảnh Cô gái Afghanistan (1984) này do nhiếp ảnh gia Steve McCurry của National Geographic chụp được tại một trại tị nạn ở Afghanistan. Trong ảnh là cô bé Sharbat Gula, một học sinh trong khu tị nạn. Khi chụp bức ảnh, cô bé mới 12 tuổi. 

Trong hai thập kỷ qua khi quân đội Mỹ còn hiện diện, các thành phố ở Afghanistan đã đạt được nhiều tiến bộ khi phụ nữ được đi học đại học, tham gia làm việc ở các vị trí cao trong truyền thông, chính trị, tư pháp và thậm chí cả lực lượng an ninh. Giờ thì tất cả sẽ sụp đổ khi Taliban cai trị trở lại.

Những người phụ nữ nổi tiếng ở Kabul đã lên mạng xã hội để bày tỏ nỗi đau của họ đối với đất nước và cuộc sống của họ sau khi Taliban lên nắm quyền.

Người dân Afghanistan chạy trốn khỏi Taliban, 640 thường dân ngồi nhồi nhét trên chiếc máy bay C-17 của Mỹ

Hai ngày trước khi Taliban tràn vào Kabul, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết 80% trong số gần 1/4 triệu người Afghanistan chạy trốn từ cuối tháng 5 là phụ nữ và trẻ em.

Hôm 14/8/2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết quyền của trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan đang bị “xé toang” ở các khu vực mà Taliban đã chiếm giữ.

Ngày 15/8/2021, hàng chục chuyến trực thăng bay qua Kabul khi Mỹ và các quốc gia khác vội vã sơ tán công dân của họ, để lại số phận người dân Afghanistan phía sau.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo leo thang diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang rút quân ra khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Nga cho đây là sự thừa nhận thất bại trong “sứ mệnh của Washington ở Afghanistan”.

Nhiều người dân Afghanistan cuống cuồng, bất lực tìm cách bám víu vào bất cứ chiếc máy bay quân sự nào của Mỹ ở sân bay Kabul trong nỗ lực nhằm thoát khỏi sự cai trị của Taliban.

Thanh Phương (Tổng hợp)

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận