Mâm tết nhà bác sĩ: Ăn chay giải ngán, tiêu trừ bệnh tật, không sát sanh!

0
1509

Người Việt chúng ta vẫn thường nhắc về Tết với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, riêng với tôi và gia đình thì Tết ăn chay chính là cách thanh lọc cơ thể, giải ngán và tiêu trừ bệnh tật hiệu quả nhất.

-Quảng Cáo-

Có thể công việc làm ngành y nhìn đâu cũng thấy vi khuẩn và lo bệnh, nhưng hãy cùng xem mâm Tết của nhà tôi có gì?!

Ưu tiên trước nhất là bát canh rau củ chay gồm những nguyên liệu chính như: nấm hương, ngô bao tử, đậu phụ trắng, hạt nêm chay. 

Sau khi chuẩn bị các nguyên liệu thành miếng vừa ăn thì bắt đầu nấu canh, cho một chút dầu ăn vào chảo và phi thơm hành. Tiếp theo cho các loại củ đã chuẩn bị sẵn vào xào cùng. 

Cho lượng nước vừa đủ người dùng và đun sôi. Lúc canh sôi thì cho nấm còn lại vào, nêm gia vị vừa ăn và tiếp tục đun khoảng vài phút cho nấm chín. 

Vào dịp Tết, có bát canh rau củ chay trong mâm cơm cũng giúp cân đối dinh dưỡng cũng như hài hòa khẩu vị bữa ăn. Mọi thứ có khó ăn khó nuốt cũng sẽ dễ dàng khi có bát canh rau củ chay ngon, vừa đủ vị.

Món truyền thống thứ hai của mẹ tôi hay nấu chính là miến xào chay. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như miến dong, su hào, cà rốt, mộc nhĩ, nấm hương khô, hành khô… bạn đã có thể chế biến ra món miến xào chay ngon hấp dẫn cho dịp Tết Nguyên đán này. 

Bí kíp nho nhỏ đó là chọn được miến dong loại ngon, miến phải được ngâm vào nước lạnh 10-15 phút cho mềm, sau đó vớt ra cắt dài khoảng 10cm. 

Sau đó, trộn với 1 thìa cà phê xì dầu, 1 thìa cà phê bột nêm và để miến ngấm gia vị, hoặc không cần trộn miến với gia vị trên đều được. 

Các nguyên liệu còn lại như su hào, cà rốt, nấm hương phải cắt nhỏ. Phi thơm hành củ, cho nấm hương vào xào cho thơm. Tiếp đến là su hào, mộc nhĩ, cà rốt, xào các nguyên liệu hơi săn thì đổ miến vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.

Món tiếp theo là giò chay, có nguyên liệu gồm đậu xanh, lá mơ tam thể, dầu thực vật, lá chuối tươi, nước tương, hạt tiêu, bột ngọt cùng với khuôn làm gì, dây lạt. Chú ý ngâm mềm đậu xanh trong khoảng 6 tiếng, nếu là loại còn vỏ thì đem đãi sạch vỏ. 

Đậu xanh thêm nước với tỉ lệ: 4 đậu xanh – 1 nước rồi cho vào máy xay nhuyễn mịn. Lá mơ tam thể rửa sạch, thái sợi chỉ nhỏ. Nếu muốn làm giò lụa trắng thì không cho thêm lá mơ vào. Lá chuối tươi rửa sạch rồi đem hơ qua trên lửa cho dẻo. 

Trộn đều đậu xanh xay nhỏ, lá mơ thái chỉ, nấm hương với gia vị gồm hạt tiêu, bột ngọt, muối và nước tương cho vừa khẩu vị. Đổ hỗn hợp làm giò lụa chay vào khuôn có lót sẵn lá chuối. Gấp 2 đầu lá chuối lại, buộc lạt xung quanh cho thật chặt. 

Đun sôi nồi nước rồi thả khoanh giò vào luộc tầm 1 giờ đồng hồ với lửa nhỏ. Giò luộc xong vớt ra để nguội, bóc lá rồi cắt khoanh tròn hoặc miếng vừa ăn.

Một món “bắt bia” nữa là gỏi cuốn chay mà tôi rất thích. Để làm gỏi cuốn chay thì nguyên liệu gồm có: bánh tráng, bún, hẹ và rau thơm tùy thích, đậu hũ, cà rốt và giá đỗ. 

Đầu tiên cho dầu vào chảo để nóng thì cho đậu hũ vào chiên sơ rồi gắp ra đĩa. Sau đó cắt sợi dài khoảng 1cm. Đổ bớt dầu trong chảo đi, để lại khoảng 1 muỗng cà phê dầu rồi cho cà rốt vào xào sơ đến gần chín thì cho giá vào xào cùng rồi tắt bếp. 

Bánh tráng nhúng nước cho mềm rồi đặt lên mặt phẳng, tiếp theo cho rau thơm, bún tươi vào, cuốn một vòng, cho tiếp giá và cà rốt vào, sau đó gấp 2 mép 2 bên lại để không bị rơi ra ngoài. 

Cuốn thêm một lớp rồi cho đậu hũ chiên, hẹ vào và cuốn lại đến hết mặt bánh tráng. Làm tương tự đến hết số nhân và bánh tráng.

Món cuối là cà tím nhồi đậu phụ đơn giản chỉ là rửa sạch đậu phụ sau đó để ráo, tán nhuyễn đậu. Cà rốt, nấm rơm thì rửa sạch, thái thành hạt lựu. Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch rồi thái thành sợi. Rửa sạch cà tím, cắt bỏ cuống và bỏ phần ruột đi. 

Ngâm cà tím trong nước có pha ít muối. Đợi 10 phút thì lấy ra. Trộn đậu phụ, cà rốt, nấm rơm, mộc nhĩ với nhau, sau đó ướp gia vị vừa đủ. Dùng thìa lấy một ít hỗn hợp trên rồi nhồi vào trong ruột của cà tím. Đun nóng dầu ăn, cho cà tím vào chiên đều. Rồi cho ra đĩa. 

Cuối cùng, đun nước xốt bằng dầu hào, nước tương, đường vừa đủ, cho thêm một ít nước lạnh vào. Sau đó xếp cà tím vào chảo, đậy nắp đến khi hỗn hợp sệt thì tắt bếp.

Làm ở bệnh viện, tiếp xúc với nhiều ca bệnh liên quan đến béo phì, cao huyết áp hay tiểu đường mới thấy chuyện ăn uống rất quan trọng. Tết về người Việt thường bị dư thừa dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa vì chất đạm, đó là điều mà ai cũng thấy.

Hãy cùng ăn chay để tống khứ bớt mỡ thừa, hạn chế đồ mặn, ở góc độ nào đó ăn chay là bớt đi cái sự sát sanh như Phật dạy, đó là một hành động thiện lành được khuyến khích. 

Chúng ta ăn chay không hẳn là tu hành, mà chỉ đơn giản là để được lắng lòng, thanh lọc cơ thể, chay tịnh tinh thần nhân lúc xuân sang, cùng nhau gặt hái những thành công mới năm Tân Sửu bạn nhé!

Tuổi Trẻ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận