15 con khỉ bị Elon Musk cấy chip não Neuralink đã chết vì nhiễm trùng, xuất huyết não

0
129

Trong tổng số 23 con khỉ được cấy chip não Neuralink của tỉ phú Elon Musk tại Đại học California Davis từ năm 2017 đến năm 2020, có ít nhất 15 con đã chết.

-Quảng Cáo-

Trang tin Business Insider và báo New York Post dẫn lời Hiệp hội Các bác sĩ hành nghề có trách nhiệm (PCRM) cho biết một nhóm bảo vệ quyền động vật đã xem hơn 700 trang tài liệu, hồ sơ thú y và báo cáo về mức độ hoại tử cơ thể của các con khỉ được cấy chip não của Neuralink. Đây là hồ sơ công khai tại Đại học California Davis (UC Davis) của Mỹ.

Dự án cấy chip não đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người nổi tiếng như ca sĩ Grimes và rapper Lil Uzi Vert. Trên mạng xã hội, những người bị bại liệt thường yêu cầu tỉ phú Musk đẩy mạnh thử nghiệm kết nối não với Internet.

Trước đó, ông Musk từng nói rằng ông hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm cấy chip trên người vào năm 2021, nhưng mục tiêu đó đã bị lùi lại đến năm 2022. Dựa trên phát hiện của PCRM, việc cấy các chip vào não con người có thể chưa sẵn sàng.

Ông Jeremy Beckham, giám đốc nghiên cứu của PCRM, cho biết: “Khá nhiều con khỉ được cấy chip vào đầu đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thành thật mà nói, họ đã giết những con vật này”.

Các chip Neuralink được cấy bằng cách khoan lỗ vào hộp sọ của những con khỉ. Một con khỉ trong thử nghiệm bị nhiễm trùng da chảy máu. Trong khi đó, các con khỉ khác bị thiếu ngón tay và ngón chân.

1/3 trên tổng số khỉ được thí nghiệm bắt đầu nôn mửa không kiểm soát được ngay sau khi phẫu thuật, và những ngày sau đó chúng “dường như gục ngã vì kiệt sức và mệt mỏi”. Khám nghiệm tử thi cho thấy chúng bị xuất huyết não.

Hầu hết những con khỉ được cấy chip não Neuralink đã chết – Ảnh: CONSEQUENCE

PCRM đã đệ đơn khiếu nại lên Bộ Nông nghiệp Mỹ vào ngày 10-2, cáo buộc UC Davis và Neuralink có 9 hành vi vi phạm Đạo luật phúc lợi động vật.

“Nhiều con khỉ tham gia vào thí nghiệm đã phải trải qua sự đau đớn tột cùng do không được chăm sóc đầy đủ. Việc thực nghiệm cấy ghép chip vào đầu có tính xâm lấn cao, được thực hiện nhằm mục đích phát triển thứ mà Neuralink và tỉ phú Elon Musk đã công khai mô tả là ‘bộ não máy móc'”, PCRM viết trong đơn khiếu nại.

Sau đó, người phát ngôn của UC Davis đã phản hồi đơn khiếu nại: “Chúng tôi cố gắng cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất có thể cho động vật do chúng tôi phụ trách. Nghiên cứu động vật được quản lý chặt chẽ và UC Davis tuân theo tất cả các luật và quy định hiện hành, bao gồm cả các quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ”.

Người phát ngôn này nói thêm rằng trường đại học đã ngừng hợp tác với Neuralink vào năm 2020. Tuy nhiên, cơ quan này chưa đưa ra phản hồi.

Công ty công nghệ thần kinh Neuralink được tỉ phú Elon Musk thành lập vào năm 2016.

Mục tiêu của công ty nhằm giúp mọi người phục hồi sau chấn thương sọ não và tủy sống, chữa bệnh trầm cảm và các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Đồng thời, hướng lâu dài của công ty là kết nối con người với Internet.

Công ty thường quảng cáo về những thành công của mình, chẳng hạn như video năm 2021 quay cảnh khỉ đầu chó điều khiển bóng thông qua suy nghĩ.

Tuổi Trẻ

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận