- Biệt phủ Yên Bái và tài sản bất minh
- Biệt phủ gỗ quý của lãnh đạo kiểm lâm Quảng Trị
- Cận cảnh biệt thự khủng của Võ Kim Cự-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh
- Tài sản khủng của ‘hot girl Thanh Hóa’ có quan lộ thần tốc
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc làm rõ, yêu cầu giải trình cụ thể, tài sản nào không chứng minh được nguồn gốc thì phải thu hồi.
Việc gia đình ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, bị xử phạt số tiền trên 507 triệu đồng do xây dựng một số công trình sai phép và không phép; đồng thời cho tồn tại các công trình này. Dư luận cho rằng việc cho tồn tại công trình vi phạm là chưa thỏa đáng, dung túng cho cái sai, tạo tiền lệ xấu và không đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm tương tự.
Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý – nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
Phải truy nguyên nguồn gốc tài sản bất minh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-12, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng việc xử phạt các công trình vi phạm bên trong “biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý cần xem xét ở 2 góc độ. Về góc độ xây dựng, việc xử phạt cho tồn tại là để triệt tiêu lợi nhuận sinh ra từ những công trình sai phép, không phép. “Căn cứ theo quy định, mức xử phạt này cao hơn gấp nhiều lần so với lợi nhuận từ các hạng mục sai phép để bảo đảm tính răn đe” – TS Liêm nhận định. Tuy nhiên, về góc độ công trình vi phạm của một quan chức, theo quan điểm của ông Liêm, xử phạt để cho tồn tại sẽ khiến dư luận bức xúc, nhất là khi nhiều người hoài nghi về nguồn gốc khối tài sản này.
— “Phạt chỉ là vấn đề phụ, truy nguồn gốc khối tài sản của vị quan chức này mới là chính” – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhận định sai phạm ở “biệt phủ” của gia đình ông Quý không còn là cái sai riêng của một công trình xây dựng nữa mà nó là cái sai chung của một vị quan chức. Ông Hùng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc làm rõ nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, yêu cầu giải trình cụ thể, tài sản nào không chứng minh được nguồn gốc thì cần thiết phải thu hồi.
Trong cuộc thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng thẳng thắn cho rằng việc phạt cho tồn tại tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng nó tích tụ và có sức tàn phá rất lớn đối với pháp luật, làm nhờn pháp luật.
— “Phạt cho tồn tại là một dạng của tham nhũng vặt, một điều hết sức nguy hại. Nguy hại hơn, nó chính là nguồn gốc cùng với cơ chế xin – cho, nó làm băng hoại chính đội ngũ cán bộ của chúng ta và kéo theo sự băng hoại đối với lòng tin của người dân đối với nhà nước” – ông Dương Trung Quốc cảnh báo.
Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái
Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết gia đình ông Phạm Sỹ Quý đã bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 121 của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với tổ chức thi công công trình xây dựng không phép và sai phép. Theo luật sư Hòe, số tiền phạt hơn 500 triệu đồng là không hề nhẹ, tuy nhiên phía cơ quan chức năng cần có câu trả lời thỏa đáng hơn đối với người dân về việc xác định mức xử phạt như trên. Bên cạnh đó, cần làm rõ về các sai phạm cụ thể trong từng hạng mục công trình, trong trường hợp không đủ điều kiện cho tồn tại phải yêu cầu phá dỡ theo quy định.
Phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại
Lý giải về việc phạt cho tồn tại công trình của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, ông Chu Đình Ngữ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái, cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh đã căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Còn những vấn đề vướng mắc, ông Ngữ cho biết các bộ phận đã xin ý kiến cấp trên để thực hiện theo đúng quy định.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết những hạng mục nào phạt và cho tồn tại thì cho tồn tại, hạng mục nào phải điều chỉnh quy hoạch thì triển khai cho phù hợp với thực tế. “Cái nào phù hợp với quy hoạch thì để, cái nào không phù hợp với quy hoạch thì phải xử lý theo quy định” – ông Lam nói.
Cũng theo ông Lam, việc có tháo dỡ các hạng mục vi phạm bên trong “biệt phủ” cần phải dựa trên quy hoạch chung của TP Yên Bái, tỉnh đang làm rất khẩn trương. Thanh tra Chính phủ sẽ giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của tỉnh Yên Bái.
Sẽ làm rõ tài sản của ông Quý Ông Bùi Ngọc Lam cho biết chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2018, trong đó thanh tra về phòng chống tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu; đặc biệt là công tác minh bạch, kê khai tài sản và thu nhập. Việc thanh tra, làm rõ nguồn gốc tài sản của ông Quý cũng nằm trong kế hoạch này. |
Người Lao Động