Tàu sắt Trung Quốc đã có hành động dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá Việt Nam điểm chỉ, tịch thu hải sản, trang thiết bị của tàu QNg 96416 TS tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Ngày 14-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam cập nhật diễn biến từ cơ quan chức năng về vụ va chạm giữa một tàu cá Việt Nam và tàu sắt Trung Quốc gần Hoàng Sa mới đây.
Theo đó, thông tin ban đầu liên quan tới vụ việc của tàu QNg 96416 TS từ các cơ quan chức năng cho thấy: “Tàu cá QNg 96416 TS bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một canô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm.
Một số người từ tàu Trung Quốc đã lên tàu cá Việt Nam bơm nước ra ngoài và đưa các ngư dân trở lại tàu. Trước khi rời đi, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào một số giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, lấy đi số lượng lớn hải sản, ngư cụ và trang thiết bị của tàu QNg 96416 TS”.
Tàu cá QNg 96416 TS và toàn bộ ngư dân trên tàu đã về tới cửa Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi hôm 12-6 an toàn. Các ngư dân hiện đang cách ly tại Trung tâm Y tế Bình Sơn, Quảng Ngãi theo quy định phòng chống dịch COVID-19.
Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực thu thập và xác minh thông tin, làm rõ vụ việc và sẽ tiếp tục có các biện pháp giao thiệp với phía Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Trước đó, hôm 12-6, ngư dân Nguyễn Lộc (42 tuổi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), trình báo việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ…
Ông Lộc làm chủ kiêm thuyền trưởng cùng 15 lao động hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa vừa về đến đất liền.
Theo lời ngư dân này, khoảng 10h sáng 10-6, khi đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 8 hải lý về hướng tây nam thì bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi.
Tàu 4006 của Trung Quốc tông nhiều lần khiến tàu cá QNg 96416 hư hỏng, lật nghiêng. Ngay sau đó, tàu sắt Trung Quốc hãm lái, còn tàu cá của thuyền trưởng Lộc ở trạng thái nửa nổi nửa chìm.
Tàu cá hư hỏng sau khi bị tàu Trung Quốc tông
Ngày 13-6, trả lời Tuổi Trẻ Online về thông tin tàu Trung Quốc va chạm dẫn đến sự cố với tàu QNg 96416 TS khi tàu QNg 96416 TS đang đánh bắt cá tại khu vực đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Về việc này, ngay trong ngày 10-6, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết”.
Tàu cá Việt Nam bị đâm ở Hoàng Sa, chính phủ Trung Quốc không thể vô can
Các ngư dân trên tàu cá QNg 96416 TS vừa trở về cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ngày 12-6 với ký ức đầy ám ảnh sau khi bị tàu sắt Trung Quốc 4006 gây nguy hiểm, thiệt hại ước tính khoảng nửa tỉ đồng.
Họ bị tấn công ở ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân ta: khu vực đảo Lin Côn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cũng tại cảng Sa Kỳ cách đây gần một năm, tháng 7-2019, ngư dân Việt Nam đã đưa 32 ngư dân Trung Quốc cập cảng để chăm sóc sức khỏe sau khi cứu mạng họ khỏi con tàu bị chìm ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hai hình ảnh trái ngược nhau đã nói lên tất cả.
Ngư dân trình báo bị tàu Trung Quốc đâm va khiến tàu QNg 96416 TS nửa nổi nửa chìm hôm 10-6, trong khi Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14-6 dẫn thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng cho biết tàu sắt Trung Quốc 4006 và một canô áp sát tàu cá Việt Nam, gây sóng lớn khiến nước tràn vào, có nguy cơ chìm.
Dù cần thêm thời gian để điều tra làm rõ nhưng thông tin từ cơ quan chức năng đủ cơ sở để khẳng định hành vi của tàu Trung Quốc gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam.
Hành vi này phải bị lên án bởi nó xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà Trung Quốc là thành viên.
Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam. Gần nhất, ngày 2-4-2020, tàu cá QNg 90617 TS hoạt động tại vùng biển của đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh số hiệu 4031 ngăn cản và cố tình đâm chìm.
Trước vụ việc này, Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại và nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều được bảo đảm chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam.
Tại sao thường là tàu Trung Quốc gây nguy hiểm, đâm va tàu khác? Bộ Ngoại giao Philippines, quốc gia có ngư dân cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc, đã ra tuyên bố phản đối vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam hồi tháng 4, bằng một thông điệp đầy ẩn ý về lòng tin: “Cho dù là nguồn lợi cá hay yêu sách lịch sử tưởng tượng cũng không đáng là lý do để Trung Quốc gây ra những vụ việc như đâm tàu cá ngư dân”, bởi theo Manila, “vụ việc này làm suy yếu tiềm năng xây dựng mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Ngoài vi phạm luật pháp quốc tế, hành vi dùng vũ lực của tàu Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.
Biển cả mênh mông, bởi thế, không chỉ pháp luật mà những người có lương tâm đều chỉ nghĩ đến chuyện cứu người, vậy tại sao lại có thể cố tình gây nguy hiểm để hại mạng sống và tài sản của những người lương thiện? Những hành vi như thế được gọi là vô nhân đạo.
Liên tục xảy ra nhiều vụ cố tình đâm va, Chính phủ Trung Quốc không thể vô can khi để những sự vụ “đi ngược lại nhận thức chung” như trên tái diễn liên tục trong thời gian ngắn.
Những vụ tấn công tàu cá như thế không chỉ bị lên án là vô nhân đạo, mà còn làm xói mòn lòng tin giữa hai nước. Lòng tin là thứ khó tìm nhưng cũng là thứ dễ mất nhất.
Phản đối hải cảnh Trung Quốc đâm, cướp phá tàu cá Việt Nam
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam lên án và phản đối hành động vô nhân đạo của lực lượng hải cảnh Trung Quốc vì đã đâm, cướp phá tài sản tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại trung ương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao về việc phản đối lực lượng hải cảnh Trung Quốc đâm húc, cướp phá tài sản tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi và ngư dân trình báo, khoảng 10h ngày 10-6, tàu cá QNg 96416 do ngư dân Nguyễn Lộc (42 tuổi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ kiêm thuyền trưởng cùng 15 lao động hành nghề ở khu vực đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 8 hải lý về phía Tây Nam thì bị tàu sắt của lực lượng hải cảnh Trung Quốc khống chế, đánh đập ngư dân, bắt ký và điểm chỉ dấu vân tay vào biên bản do Trung Quốc viết.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn lấy hai máy định vị và dò cá, một thuyền thúng, năm bành dây hơi, một tấn hải sản và phá hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu. Thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Đến ngày 12-6, tàu cá QNg 96416 cùng các lao động về đến đất liền, không tiếp tục đi đánh bắt được.
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, những hành động như trên của Trung Quốc được lặp đi lặp lại nhiều lần và liên tục gia tăng, gây bất an và bất bình cho ngư dân, làm giảm sút sản lượng đánh bắt hải sản, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngư dân, xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Hội Nghề cá Việt Nam lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng phản đối kịch liệt với Trung Quốc để chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm húc tàu cá Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Đồng thời, cần tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ trên biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam.
Tuổi Trẻ