Tổng thống Joe Biden đưa Mỹ trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu

0
1730

WASHINGTON (AP) – Tổng thống Joe Biden đã đưa Hoa Kỳ trở lại cuộc chiến trên toàn thế giới làm giảm sự nóng lên toàn cầu bằng hành động chính thức đầu tiên của ông hôm thứ Tư nhậm chức 20/1/2021. Ông Biden đã ký sắc lệnh gia nhập lại Hiệp định khí hậu Paris và ngay lập tức khởi động một loạt chính sách thân thiện với môi trường nhằm thay đổi cách người Mỹ lái xe.

“Hành tinh chúng ta đang cất lên tiếng kêu tuyệt vọng cho sự tồn tại của mình”, Tổng thống Joe Biden nói.

Biden đã ký sắc lệnh gia nhập lại Hiệp định khí hậu Paris trong vòng vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, thực hiện đúng theo cam kết tranh cử của ông. Động thái này đã đặt dấu chấm hết cho việc Hoa Kỳ rút lui khỏi hiệp định khí hậu Paris theo lệnh của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Ông Trump tỏ ra coi thường các nỗ lực khoa học về biến đổi khí hậu, nên ông nới lỏng các quy định về chất thải dầu, khí đốt và than nhiệt, đồng thời thúc đẩy hoạt động khai thác dầu khí ở vùng Bắc Cực nguyên sơ và các vùng hoang dã khác.

Hiệp định Paris có 195 quốc gia ký kết và cam kết đưa ra mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm khí thải carbon, giám sát và báo cáo lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch của họ. Hoa Kỳ là quốc gia thải khí carbon nhiều số 2 thế giới sau Trung Quốc.

Động thái của ông Biden sẽ củng cố ý chí chống biến đổi khí hậu toàn cầu trên thế giới, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết.

 “Không một quốc gia nào trên thế giới này, dù hùng mạnh đến đâu, có thể làm được điều đó một mình”, ông Ban Ki-moon nói trong một cuộc họp ngắn ở Hà Lan trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với khí hậu sắp tới. “Chúng tôi phải đặt tất cả tay của mình trên boong. Đó là bài học, bài học rất khó khăn mà chúng tôi đã học được từ năm ngoái, khi ông Trump thể hiện rõ quyết tâm rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc hiện tại Antonio Guterres hoan nghênh các bước đi của ông Biden, nói rằng việc Hoa Kỳ tham gia lại thỏa thuận khí hậu đồng nghĩa là các quốc gia đang thải ra 2/3 khí ô nhiễm carbon sẽ cam kết trung hòa carbon.

Biden đã ký thêm các chỉ thị khác để hủy bỏ các bước lùi về chính sách khí hậu của Trump. Ông đã ra lệnh tạm hoãn việc khai thác mỏ dầu và khí đốt mới ở những vùng hoang dã như Bắc Cực, chỉ đạo các cơ quan liên bang xem xét lại các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về các giới hạn khí thải, thu hồi sự phê chuẩn của Trump đối với việc khai thác đường ống dẫn dầu và khí Keystone XL.

Một sắc lệnh khác của ông Biden trong ngày đầu tiên nhậm chức là chỉ đạo các cơ quan xem xét tác động đối với khí hậu, các cộng đồng và các thế hệ tương lai bị ảnh hưởng nặng nề từ các hoạt động chất thải nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã và đang khiến thiên tai ngày càng trầm trọng hơn, bao gồm cháy rừng, hạn hán, lũ lụt và siêu bão.

Tuy nhiên, không có thông tin về việc khi nào ông Biden sẽ thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu liên quan đến việc cấm cho thuê khai thác dầu khí mới trên lãnh thổ liên bang Hoa Kỳ.

Tổng thống Joe Biden tại buổi hòa nhạc Celebrating America tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington sau khi nhậm chức, Thứ Tư, ngày 20 tháng 1 năm 2021

Sau khi ông Biden thông báo cho Liên Hợp Quốc bằng thư về ý định Mỹ gia nhập lại hiệp định Paris, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Alex Saier cho biết hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày.

Các chuyên gia môi trường cho biết việc gia nhập lại hiệp định Paris có thể giúp Mỹ cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide từ 40% đến 50% vào năm 2030.

Ông Biden hứa rằng những chuyển đổi cần thiết của ngành vận tải và năng lượng Hoa Kỳ trong cắt giảm lượng khí thải carbon sẽ tạo ra hàng triệu việc làm.

Những người phản đối hiệp định khí hậu, bao gồm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ủng hộ việc Trump rút khỏi hiệp định Paris, cho rằng điều đó có nghĩa là giá khí đốt và giá điện sẽ cao hơn – mặc dù giá điện gió và mặt trời đã trở nên hợp lý, cạnh tranh so với nhiệt điện và điện sản xuất từ khí đốt tự nhiên.

 “Thỏa thuận khí hậu Paris dựa trên ý tưởng lạc hậu rằng Hoa Kỳ là thủ phạm ở đây, trong khi trên thực tế, Hoa Kỳ là động lực hàng đầu của các giải pháp khí hậu”, Thượng nghị sĩ John Barrasso, đảng viên Cộng hòa Wyoming nói.

Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa dự kiến sẽ đưa ra luật yêu cầu ông Biden phải đệ trình kế hoạch thỏa thuận Paris lên Thượng viện để phê chuẩn. Không rõ liệu Thượng viện bị chia rẽ có cần 2/3 phiếu bầu để phê chuẩn thỏa thuận chưa từng được Quốc hội thông qua hay không.

Những người ủng hộ hiệp định khí hậu nói rằng sự chấp thuận của Quốc hội là không cần thiết. Hầu hết các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm do hiệp định đặt ra là tự nguyện.

Hiệp định khí hậu dựa trên việc mỗi quốc gia đặt mục tiêu cắt giảm ô nhiễm khí thải carbon vào năm 2030. Các quốc gia khác đã đệ trình thỏa thuận của họ vào tháng trước. Hoa Kỳ thì không do ông Trump rút.

Một mục tiêu quốc tế dài hạn được bao gồm trong hiệp định Paris hướng tới tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn là giữ cho sự ấm lên toàn cầu dưới 2 độ C (3,6 độ F) kể từ thời tiền công nghiệp. Thế giới đã ấm lên 1,2 độ C (2,2 độ F) kể từ thời điểm đó.

Theo nhà khoa học khí hậu Zeke Hausfather, giám đốc năng lượng và khí hậu của Viện Breakthrough, tính đến năm 2020, lượng khí thải của Hoa Kỳ thấp hơn 24% so với mức năm 2005, nhưng điều đó phần lớn phản ánh sự suy thoái kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Corona.

Có hai lĩnh vực lớn mà chính sách khí hậu đề cập đến cuộc sống hàng ngày của người Mỹ, một là điện, hai là vận tải.

Các công ty năng lượng trên thị trường đã làm cho điện gió và điện mặt trời rẻ hơn nguồn nhiệt điện than bẩn, thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh hơn sang nhiên liệu sạch. Dự kiến việc này sẽ đưa đến mục tiêu cuối cùng là giúp ngành năng lượng của Mỹ có lượng khí thải carbon ở mức thấp hoặc bằng không.

Những phát minh cải tiến ô tô, xe tải và xe buýt sẽ được chú ý hơn nhiều. Một số chuyên gia dự đoán phần lớn ô tô mới mua vào năm 2030 sẽ là ô tô điện.

Thanh Phương (theo AP)

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận