Thái Lan chuẩn bị tích trữ nước trong các hồ chứa do nguy cơ hạn hán, mực nước sông Mekong thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Việt Nam nằm ở hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
“Chắc chắn nguồn nước bị giảm đi của sông Mekong đi qua Thái Lan khi về dưới hạ nguồn sẽ càng hạn chế thêm. Đây là tác động dây chuyền và Việt Nam ở cuối con sông này sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất.
Điều chúng ta có thể làm hiện nay nhằm giảm thiểu tác động từ sự thay đổi mực nước sông Mekong là thực hành tiết kiệm nguồn nước. Ví như, hiện nay, ĐBSCL đang là mùa mưa. Cần tận dụng mọi hình thức tiết kiệm nước vào thời điểm này đề phòng cho các tình huống hạn hán kéo tới: Trữ nước trong các hồ chứa, kênh rạch, trồng những loại cây cần ít nước, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng cây ăn quả”.
(PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ)
Mực nước sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan đang ở mức 2,6 m, thấp nhất trong 10 năm qua. Ảnh: BANGKOK POST
“Nếu việc tích nước diễn ra vào mùa mưa, khi lượng nước trên sông Mekong vẫn cao, việc tích trữ nước ảnh hưởng không lớn tới các quốc gia hạ lưu. Vào mùa lũ, các quốc gia có quyền chuyển nước sau khi thông báo, tham vấn với các các quốc gia ở hạ lưu sông. Thông thường, điều này sẽ dễ chấp thuận hơn. Nhưng vào mùa khô thì việc tham vấn để tích trữ nước là bắt buộc, phải trải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng hơn.
Việt Nam cần tìm hiểu rõ các vấn đề kỹ thuật, căn cứ các số liệu thống kê về mực nước sông Mekong ghi nhận tại Việt Nam làm căn cứ để tiến hành đàm phán.
Cần có sự tìm hiểu và minh bạch giữa các quốc gia hội viên với nhau và với Ủy hội Sông Mekong. Như vậy mới thể hiện rõ tinh thần hợp tác của các quốc gia trong Ủy hội, từ đó có được cơ chế phối hợp hành động để các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong cùng hợp tác có lợi”.
(TS Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam – cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết trên Báo Đất Việt ngày 16-7)
Người Lao Động