- Tạ thế ở tuổi 76, nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học Stephen Hawking để lại một di sản khoa học giá trị cho nhân loại và nhiều thế hệ nghiên cứu kế cận.
Nhà bác học người Anh nổi tiếng nhất với việc đưa ra một lý thuyết mới để giải thích hiện tượng các hố đen trong vũ trụ.
Hãy tò mò. Và mặc dù cuộc sống này có thể còn khó khăn, nhưng luôn có việc gì đó bạn có thể làm và có thể thành công. Điều quan trọng là bạn không bỏ cuộc.
— Bác học Stephen Hawking —
Nhà khoa học đầy tinh thần tự nhiệm
Trái với những nhận định khoa học trước đó cho rằng mọi dạng thức sự vật, năng lượng không thể thoát khỏi các hố đen, Stephen Hawking cho rằng chúng thực sự đã phát ra một dạng bức xạ năng lượng, như hiện nay gọi là “bức xạ Hawking”.
Ông cũng là người đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực toán học nhằm thống nhất giữa lý thuyết tương đối tổng quát của nhà bác học Einstein với lĩnh vực khoa học vật lý lượng tử mới nổi lên những năm qua.
Không chỉ là nhà khoa học có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết và khoa học vũ trụ, Stephen Hawking còn là nhà trí thức khả kính luôn đóng góp tiếng nói trách nhiệm trong các diễn đàn bàn về các vấn đề căn cốt khác của nhân loại.
Bất kể những khó khăn trong giao tiếp do bệnh tật, người ta vẫn luôn chờ đợi và muốn lắng nghe quan điểm của ông về nhiều vấn đề, từ tình hình chính trị thế giới, việc tồn tại của sự sống ngoài vũ trụ, nguy cơ diệt vong loài người của trí tuệ nhân tạo cho tới bản chất của triết học…
Thế giới biết tới Stephen Hawking từ năm 1988 khi ông xuất bản cuốn sách đầu tiên có tựa đề: A Brief History of Time: From the Big Bang to Black Holes (tựa tiếng Việt: Lược sử thời gian, NXB Trẻ phát hành năm 2008, dịch giả Cao Chi và Phạm Văn Thiều).
Cuốn sách này cho tới nay đã bán được khoảng 10 triệu bản toàn cầu, trở thành một trong những cuốn sách khoa học bán chạy nhất mọi thời.
Nhà khoa học truyền cảm hứng
Năm 1963, khi vừa tròn 21 tuổi, ông Hawking bị chẩn đoán mắc chứng bệnh xơ cứng teo cơ (ALS).
Mặc dù 80% những người bị ALS qua đời trong vòng 5 năm sau khi mắc bệnh, và chính các bác sĩ điều trị cho Hawking cũng tiên lượng ông chỉ có thể sống tối đa thêm 2 năm nữa. Song nhà bác học người Anh vẫn tiếp tục sống tỉnh táo và kiên cường cùng bệnh tật trong suốt hơn 5 thập kỷ sau đó.
Ông chỉ chịu thua số phận ở tuổi 76, tức là 55 năm sau khi biết mình mắc chứng bệnh hiểm nghèo ALS. Có lẽ ông là người sống lâu hơn tất thảy những người mắc bệnh ALS trong lịch sử y học thế giới.
Vì bệnh tật, ông thường xuyên phải di chuyển trên xe lăn. Ông cũng phải dùng một hệ thống máy tính phức tạp để có thể giao tiếp với mọi người, trao đổi những quan điểm cũng như lý thuyết khoa học của ông.
Cuộc đời khoa học và ý chí vượt qua số phận của ông đã trở thành niềm cảm hứng với rất nhiều thế hệ, đặc biệt các bạn trẻ đam mê khoa học.
Một phần tinh thần đó đã được truyền tải trong bộ phim “The Theory of Everything” (Thuyết vạn vật) năm 2014 với kịch bản phim dựa trên cuốn hồi ký của người vợ đầu tiên của ông, bà Jane Wilde.
Nam diễn viên Eddie Redmayne, người từng vào vai nhà vật lý Hawking trong bộ phim, đã giành giải thưởng Oscar cho hạng mục nam diễn viên xuất sắc nhất.
Ông Stephen Hawking sinh ngày 8-1-1942, đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà vật lý, thiên văn học thiên tài thời cổ đại của Ý, Galileo Galilei, tại Oxford (Anh). Ông còn có 3 anh chị em ruột khác.
Từ thuở còn là học sinh trường St. Albans ở phía bắc thủ đô London, ông đã là một học sinh khác biệt, thích dành thời gian với máy móc và những trò chơi trí tuệ.
Nhà bác học từng chia sẻ với mọi người về những quan điểm sống của ông: “Hãy nhớ ngước nhìn lên những vì sao và đừng cúi gằm xuống chân bạn. Hãy cố hiểu những gì bạn thấy và những điều giúp hành tinh này tồn tại”. |
Tuổi Trẻ