188 người làng Taesung chịu những hạn chế nghiêm ngặt ở khu phi quân sự liên Triều, nhưng được hưởng đặc quyền như giảm thuế, miễn nghĩa vụ quân sự.
Đây được coi là “phần thưởng” cho những người Hàn Quốc chấp nhận sống tại làng Tự do Taesung thuộc Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền bán đảo Triều Tiên. Taesung là một trong hai ngôi làng có dân thường sinh sống tại DMZ, phía bên kia giới tuyến là làng Hòa bình Kijong của Triều Tiên.
Taesung thường được truyền thông Hàn Quốc gọi là “nơi đáng sợ nhất thế giới”, bởi nó nằm giữa một vùng đệm được vũ trang nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, với bãi mìn và hàng rào dây thép gai, hào chống xe tăng và hàng nghìn binh sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu ở cả hai phía.
Về mặt lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn chứ chưa có hiệp ước hòa bình.
Vị trí của làng Tự do Taesung. Đồ họa: NYTimes.
Trong những thập kỷ sau chiến tranh, Taesung và Kijong trở thành những “con tốt” trong cuộc chiến tuyên truyền giữa hai miền bán đảo. Ngày nay, Kijong gần như trống rỗng, màu sơn pastel trên các căn hộ đang phai dần, theo các binh sĩ Hàn Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc nỗ lực giữ người dân ở lại Taesung, nhưng họ đối mặt nhiều thách thức khi dân làng sống ở đây phải từ bỏ nhiều sự tự do và dịch vụ mà những người Hàn khác coi là đương nhiên.
Bất cứ khi nào dân làng đến cánh đồng lúa cách đường biên giới 400 m, lính Hàn Quốc phải hộ tống họ. Dân làng cũng phải tuân theo giờ giới nghiêm từ nửa đêm đến lúc mặt trời mọc và phải điểm danh mỗi tối.
Nếu muốn mời bạn bè từ bên ngoài vào DMZ, người làng phải nộp đơn xin phê duyệt trước hai tuần. Khi một chiếc xe đi vào DMZ, bản đồ dẫn đường trên xe sẽ không còn hiển thị bất cứ thông tin nào. Binh sĩ phải hộ tống tất cả khách vào thăm làng.
Taesung không có phòng tập thể dục, bệnh viện, siêu thị hay nhà hàng. Nếu dân làng muốn gọi đồ ăn mang đến nhà, trạm kiểm soát quân sự cuối cùng bên ngoài DMZ là nơi gần nhất người giao hàng có thể đến. Các món ăn được để lại ở trạm này để dân làng đến lấy. Có 4 chuyến xe buýt đến làng mỗi ngày.
“Đi lại là vấn đề đau đầu nhất, đặc biệt là với những người không lái xe như tôi”, Go Geum-sik, 73 tuổi, nói.
Nhưng trong những tuần gần đây, dân làng được trao thêm một đặc quyền: nhà cung cấp điện thoại di động lớn của Hàn Quốc, KT Corp, đã triển khai mạng 5G tại đây, một trong những hệ thống đầu tiên được lắp đặt cho bất kỳ thị trấn hay làng nào ở Hàn Quốc.
“Mạng này giúp tôi còn nhiều hơn các con tôi. Chúng nó đều sống ở ngoài làng”, bà Go cho biết.
Với dịch vụ 5G, bà Go chỉ cần nhấn nút trên điện thoại để cảnh báo ngay lập tức cho trưởng làng hay trung tâm cộng đồng nếu bà hoặc chồng cần trợ giúp y tế khẩn cấp. “Gọi 911 không có ích gì vì họ không thể đến đây”, bà nói.
Khi Hàn Quốc đang nỗ lực xây dựng một trong những mạng 5G toàn quốc đầu tiên trên thế giới, Taesung là địa điểm cài đặt hấp dẫn vì Hàn Quốc có thể thể hiện sức mạnh công nghệ cao với nước láng giềng và cả thế giới.
Trước khi có 5G, nông dân phải yêu cầu binh sĩ hộ tống đến hồ chứa cách đó 1,5 km để sử dụng máy bơm nước. Giờ đây, họ có thể kích hoạt máy bơm từ nhà thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Cũng với ứng dụng này, họ có thể điều khiển các vòi phun nước trong ruộng đậu.
Một lính Hàn Quốc đứng gần anten mạng 5G ở DMZ hồi tháng 9. Ảnh: AFP.
Trong nhiều năm, phụ nữ muốn tham gia các lớp học yoga nhưng không có người hướng dẫn nào đến. Giờ đây, các bài học yoga được phát trên màn hình lớn tại phòng trung tâm cộng đồng.
Tại trường học duy nhất trong làng, trường tiểu học Taesung, học sinh được chơi các trò chơi trực tuyến tương tác, các em vui vẻ ném bóng vào những mục tiêu ảo trượt xuống tường.
Những tiện nghi như vậy là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh. Giống như những ngôi làng nông thôn khác ở Hàn Quốc, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã rời Taesung để đến các thành phố lớn trong những thập kỷ gần đây. Ngày nay, chỉ có 7 trong số 35 học sinh của trường là người bản địa ở Taesung. Số còn lại đi xe buýt hàng ngày từ Munsan, thị trấn gần nhất ngoài DMZ.
Học sinh được chăm sóc chu đáo vì trường có 21 giáo viên và nhân viên, trong khi chỉ có 35 học sinh. Yếu tố này và các ưu đãi khác khiến phụ huynh ở Munsan muốn cho con vào học.
“Chúng cháu được hưởng rất nhiều thứ mà các bạn ở trường khác không có”, Heo Ye-rin, học sinh lớp 6 sống ở Munsan, nói. “Khi chúng cháu tham gia các hoạt động ngoại khóa, gia đình không phải trả bất kỳ chi phí nào vì chính phủ đã lo liệu”.
Một sĩ quan Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí hai buổi một tuần. “Chúng tôi hy vọng rằng khi những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ có kỷ niệm đẹp về những người lính của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc”, trung tá Mỹ Sean Morrow nói.
Binh sĩ do Morrow chỉ huy chịu trách nhiệm bảo vệ Khu vực An ninh chung (JSA) trong DMZ, bao gồm Taesung và Panmunjom, làng biên giới không có dân thường sống. Đó là nơi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Moon Jae-in vào tháng 4 năm ngoái và với Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6.
Các nỗ lực ngoại giao đã giúp giảm bớt căng thẳng dọc biên giới. Ngày nay, Taesung trông giống như bất kỳ ngôi làng nông thôn nào khác ở Hàn Quốc, với những cánh đồng lúa vàng óng dưới ánh mặt trời.
“Nhưng đừng để vẻ bên ngoài đánh lừa bạn”, Chun In-bum, tướng quân đội Hàn Quốc nghỉ hưu, nói và nhấn mạnh rằng binh lính Triều Tiên theo dõi nhất cử nhất động của khách từ bên ngoài. “Đây không phải là một địa điểm bình thường. Đây là nơi những người lính tận tụy cố gắng đảm bảo yên bình”.
Dân làng Taesung là những người cảm nhận rõ nhất thăng trầm trong quan hệ liên Triều. Nhiều thập kỷ trước, dân làng đôi khi đạp phải những quả mìn sót lại từ thời chiến hay thậm chí bị lính Triều Tiên bắt cóc. Khi căng thẳng lên cao, họ thường xuyên được sơ tán khỏi cánh đồng để vào những hầm trú ẩn dưới lòng đất.
Mặc dù quan hệ Hàn – Triều gần đây tan băng, dân làng vẫn diễn tập sơ tán hai lần một năm. Hai nước đã đồng ý tắt hệ thống loa tuyên truyền chĩa sang nhau ở biên giới. “Mặc dù các lãnh đạo chính trị nói rằng căng thẳng đã giảm, chúng tôi vẫn cảm nhận được nó vì quân đội hai bên luôn đối mặt với nhau”, Kim Yong-sung, nông dân trồng đậu 49 tuổi, cho biết.
Khi lãnh đạo Hàn – Triều gặp nhau tại Panmunjom, hai học sinh trường tiểu học Taesung đã tặng hoa chào đón ông Kim. “Cháu sợ hãi nhưng cũng tò mò về lãnh đạo Triều Tiên”, Sin Jae-hyeok, một trong hai học sinh, nói. “Sau khi gặp ông Kim, hình ảnh của ông ấy trong đầu cháu đã cải thiện một chút”.
VnExpress