Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp
Chương 11
Trường sẽ xây dựng ở chòm đa Lý. Thầy Lê Hảo đứng ra trực tiếp lo mọi việc. Gạch ngói sẽ dỡ lấy ở ngôi miếu cũ giữa vườn đa. Cần mua thêm một ít vôi ngói. Gỗ phải đi lấy ở Dùi Chiêng. Ông Hội Hiệt đã hứa đóng góp đủ gỗ. Việc đi lấy gỗ giao cho dượng Hương Thư và chú Hai Quân. Dượng Hương Thư năng lên xuống các ngõ nguồn, mọi việc sẽ thuận lợi.
Tôi và thằng Cù Lao mang hai cái nồi, một bị gạo, một hũ mắm đem bỏ vào thuyền. Dượng Hương còn mua thêm hai chục cá chuồn thính, một chục cá mòi dầu, ba cân tôm khô, hai cân đường cát đem về cho dì Hương và để biếu bà con trên đó. Chú Hai Tuân mua mấy cân khoai Trà Đõa đem biếu dì Hương. Gió nồm vừa thổi, dượng Hương nhổ sào. Cánh buồm nhỏ căng phồng. Thuyền rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp.
Chỉ một chốc sau, chúng tôi đã đến ngã ba sông, chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít.
Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau, chè tươi, dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm. Gặp thuyền nào, dượng Hương Thư và chú Hai Tuân cũng hỏi một câu, vừa để chào, vừa để biết tình hình ở vùng núi. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm tư mặc tưởng nhìn xuống nước. Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt. Đã đến Phường Rạnh. Thuyền chuẩn bị vượt nhiều đoạn thác.
Đến Phường Rạnh, dượng Hương sai nấu cơm ăn để cho chắc bụng. Mùa nước còn to, có khi suốt buổi phải chống thuyền liền tay không phút hở. Ba chiếc sào bằng tre đầu bịt sắt đã sẵn sàng. Nước từ trên cao phóng xuống giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “soạc”! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước.
Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt, diễn ra từ sớm cho đến trưa. Thuyền cố lấn lên từng ly, từng tý. Lơi tay một tí là bị trụt xuống hàng chục thước. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sỹ của sông núi oai linh và hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.
Cho đến chiều tối, thuyền mới vượt qua khỏi thác Cổ Cò.
Chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi. Dòng sông cứ chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững. Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra. Đã đến Trung Phước.
Thuyền vượt thẳng lên Dùi Chiêng. Nghe nói Dùi Chiêng, tôi và thằng Cù Lao quên cả chuyện đi lấy gỗ, đầu óc tràn ngập những chuyện bắt hùm sắp đến. Chúng tôi sẽ gặp ông Bá Hoành và ông Hội Hiệt. Họ đều có lông chân mọc ngược, có cặp mắt nảy lửa, làm hùm beo khi nhìn thấy phải cúp đuôi bỏ chạy.
Thuyền cập bến Dùi Chiêng. Dượng Hương Thư đưa thẳng chúng tôi đến nhà ông Hội Hiệt.
Một ông già vóc nhỏ, gầy nhom từ trong ngôi nhà gạch bước ra. Dượng Hương cho biết đó là ông Hội. Tôi sững sờ. Không lẽ một người bắt hổ hình vóc lại nhỏ bé khẳng khiu như vậy? Hổ khịt mạnh, ông Hội có thể bay mất. Tiếng nói của ông dịu dàng chứ không như tiếng sấm. Cặp mắt cũng không nảy lửa. Tôi hơi thất vọng. Thằng Cù Lao nhìn chăm chú vào chân ông, xem quả lông chân có mọc ngược không. Ông Hội cũng nhìn chúng tôi thật chăm chú như muốn hỏi: Hai chú bé này con nhà ai vậy?
Dượng Hương Thư nói chúng tôi là cháu của dượng, là những học trò giỏi. Dượng giới hiệu với ông Hội chú Hai Quân đã đánh bọn cường hào vỡ sọ. Sau đó chú vượt biển Đông ra ở ngoài cù lao Chàm, tự do vùng vẫy. Đã là phượng hoàng thì không thể ở chung với bọn gà, vịt. Đến nay đã mười lăm năm, nước nhà độc lập, chú về lại với quê cha đất tổ.
Ông Hội vuốt chòm râu thưa, nhìn chú Hai vẻ khoan khoái:
– Thế là trên nguồn dưới biển, cùng quê cha đất tổ cả. Nhờ cách mạng, anh em ta lại gặp nhau, đoàn tụ!
Ông Hội đưa tất cả vào nhà, mời khách ngồi vào ghế. Hôm đó, tôi và thằng Cù Lao ăn mặc sạch sẽ, khi ngồi vào những chiếc ghế gỗ láng bóng thấy cũng hợp. Ông Hội lấy làm lạ vì sao mới vừa lụt xong dượng Hương đã lên chơi sớm vậy. Dượng Hương nói lên lấy gỗ về làm trường như ông Hội đã hứa.
– Tưởng việc gì! Gỗ đó tôi không dùng nữa, tôi xin biếu hết cho làng.
Ông Hội nhìn sang chú Hai:
– Không mấy khi các anh và các cháu lên đây. Mời ở lại ăn món thịt ướp. Cây nhà lá vườn…
Nhà ông Hội trông bề thế. Tôi đang nhìn nhìn, bỗng mắt tôi dừng lại ở những tấm da hổ treo trên vách. Trên các hàng cột có gác những sừng có cái giống như sừng bò, có cái giống như mũi mác, có cái dài ngòng ngoèo giống như một cành cây có ba nhánh. Hai bên vách, treo nào súng săn, nào mã tấu, dao rừng. Tôi cứ nhìn nhìn, cái gì nom cũng lạ. Một chốc sau cơm đã dọn lên. Ông Hội mời tất cả ngồi lại. Vì chúng tôi là học trò giỏi nên được cùng ngồi một mâm. Ông Hội cầm đũa chỉ vào một đĩa thịt đầy ắp, giới thiệu đó là thịt hổ ướp, ăn món thịt hổ sẽ khỏe ra ngay. Đợi người lớn gắp trước, tôi và thằng Cù Lao gắp thịt bỏ vào mồm. Thì ra thịt hổ khi đã nấu cũng mềm như thịt trâu, không cứng như tôi tưởng. Một chốc sau, tôi nghe khắp người khỏe ra, những mệt mỏi tiêu tan đâu mất!
Chú Hai Quân nhắp tý rượu, nói :
– Ở vùng xuôi, ai cũng đồn cụ Bá Hoành nhà ta săn hổ giỏi. Cụ có cặp mắt sáng quắc là nhờ cụ uống nhiều rượu có dầm mắt cọp.
Ông Hội cười:
– Không phải vậy đâu. Mắt ông cụ cũng như mắt mọi người. Còn muốn săn được cọp phải biết tính nết của nó.
– Người ta đồn giống cọp tài lắm! Ta nói gì chúng đều nghe hết. Nhưng khi đi khỏi ba mươi thuớc là chúng quên hết!
– Cho nên người ta còn gọi cọp là ông ba mươi.
Ông Hội cười:
– Hùm chỉ là loài hung dữ. Nó cũng sợ người. Ở rừng sâu không có người qua lại. Chộ phải ta, nó nhìn như hỏi: ” Con gì lạ vậy?” Rồi cúi sát lẩn trốn. Nó bắt người là vì đói và cũng là hùm già, không đánh nổi với trâu rừng, bò tót. Ngày trước, cha tôi chuyên gài bẫy. Nhiều bẫy nay còn đó.
Chú Hai chỉ một tấm da treo cạnh những da hổ:
– Còn con này cũng là hùm chớ?
– Nó là giống beo. Đi rừng ta phải dè chừng beo ngồi trên cây. Khi nó leo cây, nó lấy chân sau hất mình lên từng đợt, cứ thế leo lên cây ngồi đợi. Thấy hươu nai chạy ngang, nó thả người xuống phóng lên đón đầu, không để chạy thoát.
Tôi và thằng Cù Lao muốn ông Hội kể mãi chuyện đánh hùm beo, nhưng dượng Hương Thư chợt hỏi:
– Hôm nào anh cho đi xem gỗ?
Ông Hội cho biết sáng ngày kia phải đi sớm. Chúng tôi sẽ vào chòi của ông trong rừng, gỗ chất trong đó. Sẽ ngủ lại một đêm trong chòi. Dượng Hương quày quả đứng dậy xin ra thuyền. Dượng còn tranh thủ về thăm dì Hương. Nhà dượng cách bến Dùi Chiêng chỉ hơn cây số. Chèo chống giỏi, nửa giờ sau là đến chỗ dượng.
Dượng Hương Thư đưa chúng tôi về nhà. Nhà dượng nhìn ra sông, nằm giữa một khu vườn có nhiều cây cau cao vút. Cây nào cũng thẳng tắp trông như những cột cờ, trên chóp tỏa ra một tùm lá xanh um với những buồng cau sai quả. Từ Trung Phước lên đến Dùi Chiêng vườn nào cũng có nhiều cau với mít.
Dì Hương sung sướng vô kể. Dì cho là tôi và thằng Cù Lao đã vượt thác băng ngàn đến thăm dì ở nơi thâm sơn cùng cốc. Dì rất mong chú Hai và thằng Cù Lao lên đóng ở Dùi Chiêng, đất Dùi Chiêng dễ kiếm sống. Với lại ai đến Dùi Chiêng thì ở yên như bàn thạch. Theo dì, tôi đã gầy tọp lại, có lẽ vì ăn uống quá ít. Lần nào gặp tôi, dì cũng bảo tôi gầy tọp lại, mặc dù tôi đã béo ra làm ai cũng quở. Dì xách cây sào tre, chạy ra vườn gõ mít, xem có quả nào đã “trở tiếng”. Quả nào gõ nghe bình bịch, dì lấy câu liêm dứt rơi xuống đất. Tôi và thằng Cù Lao ăn mít chín đến ngấy. Dì còn làm đãi khách món da trâu ăn để giải nhiệt.
– Da trâu ăn mát lắm! Nó sẽ “giải” bớt cái nhiệt của món thịt hổ đằng nhà ông Hội.
Dì vừa nói vừa thái món da trâu ướp. Da trâu được dì biến chế hóa trắng hóa mềm, ăn nghe xốp xốp.
Dì Hương Thư cũng trồng dâu nuôi tằm, cũng có nong nia, giỏ to, giỏ nhỏ chẳng khác gì ở Hòa Phước. Chung quanh nhà cũng có cánh đồng rộng trồng ngô trồng dâu chẳng có vẻ gì là thâm sơn cùng cốc. Nhiều bạn hàng đi bửa cau đang trú ở nhà dì. Họ chung vốn mua cau tươi ở các vườn, bẻ về, róc thành miếng, sấy khô đưa bán ở Hội An và Đà Nẵng. Các bà róc cau ngồi chật trước hiên nhà. họ bẻ một quả cau, róc vỏ lia lịa nhìn không kịp mắt, cắt núm, chẻ làm tư, đưa đi sấy.
Dì Hương Thư cho phép tôi và thằng Cù Lao đến xem bẻ cau ở vườn bên cạnh. Các chú bẻ cau hai tay bắt vào cây cau, leo vun vút. Đôi chân của họ co vào duỗi ra, và cứ thế đẩy người lên ngọn. Sau khi xé cau thả xuống họ ôm chặt ngọn cau và bắt đầu lắc. Họ lắc mạnh làm thân cau ngả qua ngà lại. Ngọn cau bị lắc chạm vào một cây cau bên cạnh. Người leo cau, nhanh như chớp, đã đưa tay bắt chuyền qua một cây cau khác. Tôi và thằng Cù Lao nổi gai ốc vì đã tưởng chú trèo cau rơi bịch xuống đất. Rơi cao như vậy nhất định sẽ nát xương. Các chú bẻ cau ‘làm xiếc’ chuyển từ cây này sang cây khác, không thèm trèo lên trèo xuống gì cả.
Cau Dùi Chiêng quả nào cũng nhiều ruột, loại lòng tôm có ngấn vàng, loại lòng cơm trắng đục. Các bà bửa cau, bà nào cũng muốn tôi và thằng Cù Lao ăn thử một miếng trầu cho biết vị cau nguồn vừa thơm vừa béo. Dì Hương Thư lấy rơm lót vào giỏ, sắp đầy một giỏ xoài ương biếu chú Hai. Dì gửi cho mẹ tôi năm quả mít to như chiếc lu và hai buồng cau lòng tôm quả to như cái trứng gà. Tiếc rằng sau này lúc xuống thác, những thứ đó bị hất tung xuống nước.
Nghỉ ở nhà dì Hương Thư một ngày, bụng dạ của tôi và thằng Cù Lao đã sôi lên vì mít chín, vì xoài và lòn bon với các thứ ‘giải nhiệt’ của dì Hương. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi theo dượng Hương sang nhà ông Hội để đi xem gỗ để ở trong chòi. Vì bận công tác và gặp mùa mưa, đã lâu ông Hội không vào thăm chòi.
Chòi của ông Hội không giống như chòi giữ ngô ở Hòa Phước. Đó là một ngôi nhà sàn lớn có đến mười cột lim. Sàn lót bằng ván kiền kiền vững chắc. Lên sàn phải leo một cái thang sáu nấc. Ông Hội dựng chòi giữa rừng nói là để làm trạm liên lạc cho việc săn bắn, nhưng đó cũng là nơi trú ngụ của nhiều nhà yêu nước. Dưới chòi có dựng hai thớt lim cắm đầy chông nhọn bằng sắt. Dượng Hương cho biết đó là cái bẫy cọp. Khi gài bẫy, ông Hội rút một thớt lim lên. Khi bẫy sập, thớt lim đó đánh ập xuống, hổ bị kẹt vào giữa, chông sắt cắm vào bụng. Ông Bá Hoành đã nghĩ ra nhiều loại bẫy, có loại bẫy hầm, có loại bẫy kẹp, có loại bẫy sập cắm chông. Khi sa bẫy, cọp không thể thoát.
Ông Hội ngồi dựa lưng vào vách chòi hút thuốc. Ông nhìn sang chú Hai:
– Ngày trước, ông nội tôi cũng bỏ làng đi lên trên này mưu đồ làm giặc, tôi cũng muốn bắt chước ông tôi. Vào đây tự nhiên thấy thênh thang, chẳng ai trói buộc mình được!
Ông Hội cho biết ông nội của mình xưa kia học chữ nho đi thi hương, sau đó ông đi thi võ nhưng không đỗ. Ông vào rừng tìm cỏ trường sinh, uống vào con người sẽ sống mãi. Tìm cỏ trường sinh không ra, ông quay về nhà. Sau đó, ông nhập đảng Cần Vương nổi lên chống Pháp. Ông cùng nhiều ông khác lên trên này lập căn cứ nghĩa quân. Vùng Trung Phước xưa kia còn gọi là Tân Sở vì nghĩa quân lập căn cứ rút lui ở đây. Cần Vương không thành, Pháp lùng bắt rất dữ. Ông trốn lên trên này đổi họ, giấu tên, trà trộn với đồng bào Thượng, làm nghề săn bắn. Ông nội trước khi tắt thở đã trối lại cho con cháu biết những chuyện nói trên, dặn khi nước nhà hết giặc phải về thăm làng cũ, tìm lại tông tích ông bà, lấy lại họ cũ để cho phải đạo.
Chú Hai ngậm ngùi:
– Lúc bỏ làng ra đi, tôi cũng thích làm giặc!
Ông Hội cười:
– Sau ba đời, chúng tôi mới tìm lại được quê nội. Còn anh Hai về làng sau mười lăm năm! Chỉ vì ta mất nước. Trước kia trên này cách biệt với dưới đó. Hòa Phước cách biệt với cù lao Chàm, không phải vì biển rộng, núi cao mà vì ta mất nước. Nay độc lập, tất cả giang sơn như sít gần lại, có gì cách trở nữa đâu! Sau cướp chính quyền, tôi đi một mạch từ Trà Linh xuống Cửa Đại. Chúng ta chỉ cách nhau bốn mươi cây số, có núi che ngang, nhưng cùng một quê nội!
Một chim cu nổi gáy. Rừng núi như im lại. Tiếng nói của ông Hội vang lên rõ hơn:
– Lúc còn sống, cha tôi chuyên nghề bắt hổ. Nhưng ông muốn nối chí ông cha mưu đồ việc lớn. Nhiều người yêu nước qua lại trên này. Họ gặp nhau bàn mưu tính kế. Cha tôi xây dựng chòi này không phải để nghỉ chân. Đây là nơi tụ họp. Nhưng việc lớn không thành. Những người bỏ nhà ra đi, lên rừng ẩn núp không ít. Họ mài răng căng tai, sống hòa mình với đồng bào Thượng.
Chú Hai hỏi:
– Thế có khi mô Tây mò đến không?
– Có một lần. Sau đó nó hoảng kinh, cút mất. Rừng núi ông bà linh thiêng lắm!
Ông Hội vui hẳn lên:
– Một dạo chúng tôi được trát sức phải đưa hai quan lớn Pháp đến vùng có nhiều hùm để các quan săn bắn. Cha tôi lấy dao đâm lủng chân tay, nói là bị cọp bấu không thể đích thân hộ tống các quan lớn được. Phải giao việc đó cho tôi là con trai, cũng là một tay săn cọp. Cực chẳng đã, tôi phải vâng theo. Cha tôi dặn tôi phải đưa chúng chệch sang một hướng khác.
Hai quan lớn đi săn mang theo một đoàn tùy tùng đến hai mươi đứa. Lính tráng, bồi bếp, phu phen phải khiêng các quan trèo núi. Không chỉ khiêng các quan mà còn phải khiêng thùng đựng rượu, đựng bình toong, hộp sữa, các máy để ngắm, để đo. Quan sai dọn cỏ, hạ cây, dựng lều chỗ cao ráo. Nhà phải đặt gần suối để quan tắm táp. Chỗ cột ngựa nhất thiết phải có hàng rào đề phòng cọp đến tha ngựa.
Một buổi tối bọn bồi bếp ở ngoài suối chạy về kêu la hoảng hốt:
– Có hùm! Có hùm! Nhiều lắm!
Có tiếng lào xào rồi tiếng cây gãy răng rắc. Qua vài phút im lặng, rừng núi như nổi cơn giông. Đất đá từ trên cao đổ ào ào. Tôi chỉ còn kịp leo lên một cây to gần đấy. Một đàn voi có đến ba mươi thớt từ đâu xông đến. Trong bóng trắng mờ mờ chúng lồng lên, gào rống, chà đạp. Chúng xốc vào nhà dù, quật vải bạt, đạp quần áo, giày dép, bao bị, súng ống, rương hòm, co vòi móc tất cả vứt lên cao rồi lại chà, lại đạp. Chợt chúng lặng im rồi gào rống to hơn. Hai thằng Tây theo tôi tót lên cây nên thoát chết.
Dượng Hương Thư quả quyết:
– Chúng tinh lắm, khôn lắm!
Khi một con bị thương ngã xuống, những con khác quỳ xuống, lấy đầu đẩy, dùng vòi dựng dậy. Khi biết bạn mình đã chết, chúng rống lên một hồi thảm thiết, moi đất đắp lại. Sau đó chúng kêu lên mấy lần rồi mới từ biệt.
Nghỉ trưa xong, chúng tôi tiếp tục xuyên rừng đi xem gỗ của ông Hội. Chúng tôi lên dốc, xuống dốc, chui qua gai góc, bước lom khom. Một con chim lông màu đá, ngực vàng óng nổi kêu : Rết ta ta! Rết ta ta! Một vài chim câu lưng màu xanh, cổ màu hồng, cất cánh nghe một tiếng “roặc”. Chợt có tiếng lao xao trên cành cây cao, một khuôn mặt tí tẹo với cặp mắt trong veo của một chú khỉ đang nhìn xuống. Một ngọn nước từ trên cao đổ xuống, bọt tung như hoa trắng. Tôi với thằng Cù Lao có một nghìn việc muốn hỏi ông Hội, vì nhiều câu hỏi quá nên không biết hỏi câu gì. Dượng Hương đi trước chốc chốc chỉ cho chúng tôi thấy những dấu vết của giống thú rừng qua lại. Thú rừng bị ngứa cà mình vào các gốc cây và để lại một túm lông. Dượng Hương biết đó là lợn rừng, bò rừng hay gấu…
Chúng tôi lội quanh một con suối, trèo lên một dốc cao có nhiều đống lá. Đó là những khúc gỗ của ông Hội bị lá rụng phủ kín. Dượng Hương Thư hất lá, cứ trầm trồ chưa bao giờ dượng thấy những cây sơn to đến thế. Muốn đưa được những cây gỗ đó ra sông phải thuê thợ xẻ nhỏ, trâu mới kéo được. Việc đó cũng không phải dễ. Tính đi tính lại, dượng Hương và chú Hai không dám nhận số gỗ ông Hội tặng. Ông Hội cho biết ông còn một số gỗ nhỏ đang nằm ở Thạch Bích. Dượng Hương và chú Hai đến đấy mà lấy. Ông Hội đã thanh toán giá cả với ông Ký và thợ rừng ở đó. Ông Hội đang bận nhiều cuộc họp nên không cùng đi với chúng tôi được.
Sáng hôm sau, chúng tôi rời Dùi Chiêng để lên Bình Kiều và Thạch Bích. Từ Dùi Chiêng đi Bình Kiều, núi non hai bên bờ lúc khép lại, lúc mở ra. Càng lên cao, sông càng hẹp lại, chảy xiết giữa những bậc đá chất chồng. Núi Thạch Bích trước mặt hiện ra sừng sững. Dòng sông phóng từ trên cao xuống giữa hai vách đá đồ sộ, thẳng tắp giống như một cổng trời cao vút. Vách đá láng bóng không một vết lồi lõm. Tục truyền xưa kia, vị Thượng Ngàn đã dùng gươm thần chặt núi Thạch Bích ra làm đôi. Nếu vậy thì núi lúc đó phải mềm như đất nhão và kỹ thuật chém núi phải thật cao cường. Có vậy mới tạo ra được một chiều đứng ngay thẳng kỳ lạ như vậy. Nước lao vun vút như đàn ngựa phi nước đại. Tiếng nước chảy vang lên như có hàng trăm chiếc cồng cùng đánh một lúc.
Dượng Hương cho dừng thuyền ở phía dưới Thạch Bích, tìm vào nhà ông Ký. Ông là thợ rừng quê ở Bình Kiều. Ông từng hạ những cây lim to bán cho dượng Hương. Số gỗ của ông Hội là loại gỗ sến nhỏ, rất vừa cho việc xây dựng nhà cửa. Ông Ký đưa chúng tôi vào nhà. Nhà ông cách bến nước một cây số, dựng giữa một cái dốc cheo leo như cắm vào lưng chừng núi. Đứng trong nhà nhìn ra thấy mây bay dưới chân lớp lớp. Nhưng chóp núi nhấp nhô trong mây nom giống một đàn trâu đang ngụp lặn. Giữa nhà ông Ký treo một lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Không ngờ cách mạng cũng lên tận những nơi thâm sơn cùng cốc.
Ông Ký nói:
– Không năm nào ghe thuyền lên đây sớm như năm nay. Vừa lụt xong, các bác đã lên chở gỗ. Có ghe vạn Hòa Phước lên mua dầu rái. Cách mạng thành công, chánh phủ bỏ hết thuế chợ, thuế thuyền. Ai cũng muốn lên xuống thông thương cho sướng!
Dượng Hương Thư vẻ ngạc nhiên :
– Nước còn to, ở vạn Hòa Phước chẳng ai đi đâu cả. Có ai lên trên này đâu! Chúng tôi lên sớm để… kịp việc trường trại. – Dượng Hương Thư vừa sực nhớ: – Chỉ có ghe ông Hoạt không biết đi đâu?
Ông Ký nói gần như reo:
– Phải rồi! Ông đó là ông Hoạt! Ông Hoạt ghé qua đây hôm qua, hỏi mua dầu rái. Ông Hoạt nhiều lần lên đây bán mắm. Mắm ngon lắm!
Vừa nghe đến ông Hoạt, tôi đã chú ý. Thì ra thuyền ông Hoạt lên trên này. Mấy hôm trước đây, tôi và thằng Cù Lao đã ra vạn Hòa Phước bơi tìm thuyền ông Hoạt nhưng không thấy đâu cả.
Tôi vội vàng hỏi:
– Ghe ông Hoạt lên đây hở bác?
– Ừ, ông Hoạt.
Thằng Cù Lao hỏi tiếp:
– Có phải ông Hoạt có búi tóc không bác?
– Ừ, ông đó.
– Ông lên đây lúc nào bác?
– Hôm qua.
– Ông lên một mình hở bác?
– Có vợ có con nữa chớ.
Có tiếng chú Hai dặng hắng. Chú Hai quắc mắt nhìn thằng Cù Lao:
– Mày để các bác nói chuyện! Con nít hỏi lia lịa việc đó làm chi!
Thằng Cù Lao cứ thấp thỏm, cố tìm cách hỏi thêm. Nó đánh bạo:
– Ông Hoạt đi đâu rồi bác?
– Chẳng biết!
Chú Hai lại mắng:
– Im ngay! Mày trám họng người lớn, la mãi không được! – Chú phân trần:- Con nít vô lễ, làm tui giận hết sức!
Ông Ký giảng giải :
– Trẻ con là vậy. Khi thương ai, chúng hỏi rối rít. Sau đó lại quên.. Chúng cười đó, khóc đó, vì cái « tính bổn thiện » của chúng đã định được đâu. La mắng làm chi cho mệt !
Từ hôm biết tin thuyền của ông Hoạt đang ở Bình Kiều, tôi và thằng Cù Lao cứ nghi nghi. Dượng Hương cũng không hiểu ông Hoạt lên trên này làm gì, vì chưa đến mùa bán buôn đổi chác. Thằng Cù Lao muốn gặp ngay anh Bốn Linh, muốn về sớm. Ai cũng ngạc nhiên vì trước đó nó muốn ở lại xem ông Hội bắt hổ. Nó còn xin phép dượng Hương cho nó vào rừng xem thử có ai trong đó không. Dượng Hương tưởng nó hóa rồ:
– Có ai ? Có cọp trong đó thì có ! Mày muốn cọp xách hả ?
Chú Hai lo thằng Cù Lao bị ma ám. Vì có bị ma ám mới nói lảm nhảm như vậy.
Ông Ký bảo nó bị lạc vía. Khi về nhà phải làm lễ để hú ba hồn bảy vía nó lại. Trẻ con đi rừng chưa biết kiêng kỵ, phạm phải chỗ ăn nằm của chư vị. Chư vị đã hớp mất hồn. Chỉ cúng con gà, cái rồ của nó sẽ bay mất.
Tôi bảo thằng Cù Lao phải tỏ ra không rồ không điên gì cả. Nhưng nó bảo không nên để lộ. Cốt làm sao tin cho anh Bốn Linh biết.
Dượng Hương Thư chọn gỗ xong thuê trâu kéo ra bến. Đường tuy gần nhưng rất khó đi. Trâu phải kéo từng cây gỗ một. Bắt ách xong, ông Ký quất một roi vào lưng trâu, trâu trườn lên bắt đầu leo dốc. Vừa leo lên dốc lại phải xuống dốc. Dượng Hương và chú Hai theo sau, tay cầm đòn xeo sẵn sàng bẩy gỗ giúp trâu vượt qua chỗ hiểm. Trâu rừng rất khôn, biết mình đang đi trên một vực thẳm. Gỗ rơi xuống vực thì trâu cũng bị rơi tòm. Trâu choãi chân cố bước, không hề thụt lui. Dượng Hương vừa bẩy, vừa xeo, miệng hô ” lố, lô lô” động viên cho trâu cố bước.
Gỗ chất thành đống ở mé sông, khúc nào cũng nặng trịch, chỉ có đòn xeo mới xeo nổi. Dượng Hương cột gỗ thành bè. Việc cột bè là một nghệ thuật, sau này tôi không thấy sách nào dạy cả. Bè dài, ngắn, cột chặt hay cột lỏng là tùy con nước.
Cột bè xong, dượng Hương điềm tĩnh ngồi hút thuốc. Chợt Dượng đứng dậy nhặt sào, chống bè rời bến. Vẻ mặt lạnh lùng, dượng bước đến trước bè. Chú Hai cầm sào đứng phía sau bè. Tôi và thằng Cù Lao ngồi thuyền lo việc bát và cạy. Dượng Hương đã chỉ bảo những điều nhất thiết phải làm khi bè xuống thác.
Ra đến giữa dòng, chiếc bè nhập vào chỗ nước dềnh lên, nhún nhảy, dừng một phút như đang phân vân rồi bắt đầu phóng. Những khúc gỗ nặng trịch bỗng hóa nhẹ nhàng linh lợi như những phao câu. Dượng Hương hai tay cầm ngang chiếc sào đứng khom khom, cặp mắt dán về trước, như chực đâm một con thú dữ vừa xuất hiện. Chợt chiếc bè rung chuyển toàn bộ. Đuôi bè chổng lên, mũi bè lút xuống. Dượng Hương và chú Hai như đang ngồi trên nóc nhà. Dượng Hương quay về phía chúng tôi, thét to:
– Cạy mạnh! Nới dây, nới dây!
Thằng Cù Lao cạy mạnh, nới dây buộc thuyền để thuyền tách ra khỏi bè. Thuyền vẫn bị xách lên. Bát chén trong thuyền rơi loảng xoảng. Mít cau của dì Hương lăn ào ào xuống nước. Con thác hung dữ tìm đủ cách để hất bè tung lên. Nước gầm réo, văng bọt tứ tung. Đôi sào của dượng Hương và của chú Hai làm việc tới tấp. Chợt dượng Hương chĩa mũi sào ra đàng trước, quát to:
– Gành đó! Coi chừng!
Phía trước, một mũi đá nhọn hoắt đang hút bè lao tới. Dượng Hương thét xong, mũi sào của dượng đã chạm vào đá nghe một tiếng “roạt” ghê rợn. Chiếc sào bị nống cong lại như cây sung. Mũi bè chỉ còn cách ghềnh đá vài phân, bè bị hai chiếc sào cản lại, quay vòng như lúng túng không hiểu sao mình chưa vỡ tan ra từng mảnh. Bè lại tiếp tục trôi xuôi. Cặp sào của dượng Hương và của chú Hai cứ rút lên thả xuống răm rắp, khi nống bên này, khi đỡ bên kia lia lịa. Chợt thằng Cù Lao nổi kêu to:
– Ai như ông Hoạt kia kìa!
Nó vừa kêu vừa chỉ tay vào một vòm lá ngả trên sông. Chỗ đó tối om, tôi thấy có một chiếc thuyền. Thằng Cù Lao kêu toáng lên mấy lần nữa. Chú Hai quắc mắt quát ầm:
– Mặc người ta! Gọi ông Hoạt làm chi? Tao nện cho một sào bây giờ!
Dượng Hương cũng quát:
– Lo mà cạy! Không khéo bể ghe đó!
Chiếc bè cứ lao về phía trước. Dòng thác như một dây cũng đang bắn bật mũi tên. Mũi tên đó là chiếc bè.
Xuống đến Trung Phước, bè thôi không phóng nước đại nữa. Trời về chiều. Bị ngấm nước lâu, ai nấy cũng rét run cầm cặp. Dượng Hương cho dừng bè lại, đợi sáng hôm sau, lúc sương tan, bè tiếp tục xuôi về Phường Rạnh.
Qua khỏi ghềnh Ngô, sông Thu Bồn bỗng như tỉnh táo hẳn lại. Đôi bờ rộng ra, mặt sông trở nên êm ả. Chú Hai thở phào:
– Nam mô Phật!
Dượng Hương thả rơi cây sào trên bè, cười nói:
– Lên thác xuống ghềnh là vậy đó!
Chiếc bè nhẹ nhàng trở lại chậm chạp, trôi nặng nề như đang buồn ngủ. Tôi và thằng Cù Lao cố chống nhưng nó chẳng chịu nhích nhanh hơn tí nào cả.
Đến quá nửa chiều, vạn Hòa Phước hiện ra đằng ra. Dượng Hương Thư lái bè vào bến. Bọn trẻ thả trâu ăn trên bãi vừa nhìn thấy bè đã chạy ùa ra mé sông gọi tôi và thằng Cù Lao ầm ĩ.
Bè vừa cập bến, chúng tôi chạy gấp về nhà gặp anh Bốn, báo cho anh biết thuyền ông Hoạt đang trốn tránh ở Thạch Bích. Anh Bốn ngồi nghe, cặp mắt chớp chớp, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Anh Bốn không hiểu vì sao chúng tôi lại biết được chuyện phán Ninh làm mật thám. Chúng tôi thú thật chuyện được nghe lỏm tối hôm nọ. Anh Bốn bỏ qua, dặn đi dặn lại phải giữ bí mật. Anh suy nghĩ hồi lâu, hỏi đi hỏi lại không biết mấy lần. Hỏi xong anh Bốn vội vã ra bến gặp chú Hai và dượng Hương Thư. Anh hỏi chuyến đi của họ có mệt nhọc lắm không. Dượng Hương trả lời chẳng có tý gì mệt nhọc cả. Anh Bốn mời dượng Hương Thư và chú Hai về nhà để bàn một việc gấp. Tôi đoán biết anh Bốn đã bàn việc gì vì ngay sau đó anh Bốn lên huyện. Sáng hôm sau anh về nhà, cùng đi theo có hai người mang súng ống. Dượng Hương Thư lại nhổ sào vội vã đi nguồn một chuyến nữa.
Thầy Lê Hảo và chú Năm Mùi được cử vào ban đốc công xây dựng trường mới. Tôi và thằng Cù Lao được chỉ định giúp việc kéo gỗ từ bến Hòa Phước vào chòm đa Lý. Trực tiếp lo việc kéo gỗ là trâu Bĩnh. Công việc kéo gỗ hoàn toàn mới đối với nó. Nó hiểu đây là việc lợi ích chung nên cứ rảo bước không cần roi vọt chửi mắng gì cả. Tôi và thằng Cù Lao bắt chước các bác thợ rừng cầm sào xeo gỗ, luôn mồm lô, lô! Chúng tôi lướt qua trước mắt mọi người, lòng đầy tự hào thấy mình đang giúp vào việc kiến thiết một xã hội mới.
Chuyển gỗ xong, tôi và thằng Cù Lao giúp gánh đất đắp nền trường. Trường xây chỗ cao, mặt trước xây về hướng đông đón gió nồm từ bể thổi đến. Các bác thợ cưa đã đến, Họ đóng nọc, dựng ngược những khúc gỗ lên, dùng cưa to xẻ gỗ thành kèo, thành trích. Bột cưa gỗ sến màu vàng nhạt, gỗ mít nài màu trắng, gió hất tung bay, mùi thơm thoang thoảng. Chòm đa Lý bỗng rộn lên tiếng đục tiếng cưa, hòa lẫn với tiếng cười, tiếng chim hót. Thầy Lê Hảo làm đốc công cho phép mọi người canh trưa được nghỉ một giờ. Ăn trưa xong, tôi và thằng Cù Lao nằm khểnh dưới bóng mát.
Thằng Cù Lao nói chuyện với thầy Lê Hảo. Nó cho biết ở xứ cù lao Chàm không có vườn đa, chỉ cát trắng với biển xanh. Gió ở đó to có thể làm sạt núi, và có những lớp sóng thần cao ngất như non. Thầy Lê Hảo chỉ cho thằng Cù Lao biết tỉ mỉ từng giống chim đang kêu hót trong vườn đa. Theo thầy Lê Hảo, chim nào cũng thuộc những câu Thánh hiền, rất nên học tập. Bồ cát luôn luôn nhắc nhở: Học hành! Học hành! Cà cưỡng thì gọi xoắn tít: Học thì phải chăm! Học thì phải chăm! Chích chòe líu lo: Biết, biết thì nói biết, không biết, nói không biết. Từ chiền chiện, vành khuyên đến chim ri, chim sẻ, chim nào cũng cố chuốt những giọng hát trong trẻo nhất để khuyên bảo ta một điều gì. Thầy kết luận: đến những con chim nhỏ xíu bằng ngón tay, bộ lông xấu xí cũng cố hót thật hay để nói lên nỗi sung sướng của mình. Nhưng thôi… Trò Cù Lao hãy đi đánh ba tiếng mõ để ‘công nhân’ làm việc.
Một lúc sau, chúng tôi nhỏm dậy chạy đi đánh mõ để công nhân công trường chòm đa Lý trở lại làm việc.
Chị Bốn, chị Ba thức dậy sớm hơn mọi ngày. Tổ phụ nữ tỏ ra vô cùng tích cực. Hai chị chạy gọi các chị trong xóm cùng vào chòm đa Lý đắp nền trường, gánh vôi, gánh gạch. Chỉ có việc dỡ gạch ở miếu thờ quỷ Bạch Thố và quỷ Năm Nanh là chưa làm được. Miếu đã sập vì gió mưa, gạch đổ ngổn ngang dưới cây đa lớn. Ông Kiểm Lài được chú Năm Mùi phân công đến nhặt những gạch tốt, sắp lại thành đống dùng để dựng trường. Nhưng ông Kiểm cứ chần chừ. Cho đến hôm ngói ở Thanh Hà đã chở về, chú Năm phải đến giục ông Kiểm…
Ông Kiểm đang nằm quấn chiếu, vừa thấy chú Năm, ông Kiểm đã ngồi dậy nói ú ớ:
– Mô Phật, mô Phật! Tôi nằm chiêm bao thấy bà Bạch Thố với bà Năm Nanh hiện lên. Hai bà nhe nanh, xòe vuốt, chỉ vào mặt tôi:” Mày đó hả? Mày định đến lấy gạch của tao đó hả? Tao vặt cổ cho mà biết!”. Mô Phật! Từ hôm đó đến nay hồn vía tôi lên mây. Tôi chẳng dám làm chi nữa…
Chú Năm hỏi:
– Có phải hai bà tóc dài chấm đất, bà nào cũng có nanh, có vuốt, mặc áo trắng tinh phải không? Giữa khuya hai bà cũng hiện lên chỗ tôi nằm. Hai bà bảo tôi phải đến lấy hết gạch ở miếu đổ của bà, phải quét dọn sạch sẽ vì chồn chuột chui rúc phóng uế bậy bạ, hai bà không chịu nổi. Tôi đang phân vân thì hai bà liền bỏ nhỏ, õng a õng ẹo bảo tôi phải giúp hai bà. Tôi với bọn thằng Cục thằng Cù Lao đã đến xếp gạch thành một đống vuông vức. Tôi nghe càng khỏe ra, chẳng ai vặn họng vặn cổ chi cả.
Ông Kiểm Lài mở to mắt nhìn chú Năm, xem bộ chưa tin. Chú Năm quả quyết:
– Nếu ông chưa tin thì cứ vào chòm đa Lý mà coi, coi thử tôi có nói láo không! Gạch đã dỡ ra, xếp lại rồi. Nay ông vào để chuyển gạch cho thợ…
Chú Năm bảo bà Kiểm Lài phải nấu ngay cho ông ông Kiểm một nồi cháo hành, ông ăn cho nóng. Và ăn xong ông phải vào ngay chỗ chòm đa Lý, vì các bác thợ vôi ở trong đó đang đợi.
Ông Kiểm đứng dậy, vội vã xách nón đi ngay vào chòm đa Lý gặp các bác thợ vôi.
Anh Bốn Linh và hai anh cán bộ đi suốt hơn tuần lễ vẫn chưa thấy về. Ở nhà ai cũng trông đợi. Tôi tưởng phen này anh Bốn về nhất định sẽ mang theo phán Ninh chân tay bị trói chặt.
Một hôm ở chòm đa Lý về, tôi thấy anh Bốn Linh nằm khoèo trên giường, ngáy giòn tan. Anh ngủ suốt ngày hôm sau, khi thức dậy vẻ người phờ phạc. Tôi đoán là anh Bốn Linh không bắt được phán Ninh và mọi việc đã bị thất bại.
Buổi tối, anh gọi thằng Cù Lao đến bên cạnh, nói cho nó biết là các đồng chí trinh sát gửi lời thăm nó, công nhận nó có tinh thần cảnh giác, biết giúp chính quyền bắt được tên phản bội. Và như vậy, đoàn thể xem nó như đã được kết nạp vào đội Thiếu niên công tác. Việc này chưa thể công bố với mọi người, vì tình hình đang rất gay go, mọi việc đều phải tạm rút vào bí mật. Thằng Cù Lao và tôi chỉ cần biết một điều. Đó là phải làm nhiều công tác, công tác đứa nào đứa ấy biết, không cần bàn tán lôi thôi. Đã có chú Năm Mùi phụ trách, phân phối mọi nhiệm vụ. Nói xong, anh đưa ra một xấp ka – ki màu xanh láng mướt, bảo là các đồng chí cấp trên có hỏi về gia đình nó, gửi tặng nó bốn thuớc vải. Anh nhìn sang phía tôi:
– Còn mày, độ rày có chút ít tiến bộ, cấp trên gửi cho một cái túi dết.
Sự việc quá đột ngột, làm tôi và thằng Cù Lao bàng hoàng. Tôi hỏi lại anh Bốn Linh làm thế nào bắt được phán Ninh. Giọng anh Bốn Linh đanh lại:
– Ban ngày, phán Ninh vào ở trong rừng, khó khăn lắm mới tóm được nó!
– Nó đâu rồi?
– Đưa nộp cho các đồng chí trinh sát ở tỉnh. Đem về đây sao được?
Anh Bốn Linh dặn chúng tôi phải giữ bí mật, không được nói ai biết đã bắt được phán Ninh. Ở trên còn đang tiến hành điều tra những manh mối quanh nó.
Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12Kế tiếp