Ông già Khốttabít – Tác giả: Lazar Lagin

0
2920

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

-Quảng Cáo-

CHƯƠNG 49 – MỘT CÁI BÌNH ĐƯỢC VỚT TỪ “NHỮNG CÂY CỘT CỦA HÉCQUYN”

Lần này, ông Khốttabít đã nói đúng. ông hứa sau hai, ba tiếng đồng hồ sẽ quay trở về và quả thật, lúc 9 giờ kém 15 phút, ông đã ngoi lên khỏi mặt nước, mặt tươi như hoa.

Ông già đang sung sướng. Ông chạy nhanh lên bờ, hai tay nâng cao trên đầu một cái bình gì đó bằng kim loại, rất lớn dài bằng nửa người, phủ đầy rong biển. Ông gào tướng:

– Ta đã tìm được chú ấy rồi, hỡi các cậu bạn của ta! Ta đã tìm thấy cái bình, nơi chú em bất hạnh của ta là Ôma Iuxúp con trai của Khốttáp đã bị giam cầm bao nhiêu thế kỷ nay – cầu cho mặt trời luôn luôn chiếu sáng trên đầu chú ấy! Ta sục sạo khắp đáy biển và đã bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng tới chỗ “Những cây cột của Hécquyn” (1), ta nhận thấy cái bình thần này ở dưới một vực sâu thăm thẳm.

– Ông còn chờ gì nữa? Mở ra mau ông ơi! – Giênia, người đầu tiên chạy đến bên ông Khốttabít đang sướng mê, liền kêu lên với vẻ hăng say.

– Ta không dám mở cái bình này, bởi vì nó đã bị đóng dấu ấn của vua Xalômông. Hãy để cho người đã giải thoát ta là cậu Vônca con trai của Aliôsa cứu luôn cả chú em chịu nhiều đau khổ của ta thoát khỏi cảnh giam cầm. Nó đây rồi, cái bình mà trong biết bao đêm không ngủ, ta đã ước ao tìm thấy nó! – Ông Khốttabít vừa nói tiếp, vừa lắc cái vật mà ông vừa tìm được. – Hãy cầm lấy nó, hỡi cậu Vônca, hãy mở ra để cho ta và cho chú em Ôma của ta được hưởng sung sướng!

Áp sát tai vào thành bình, ông già thích thú cười ha hả:

– A ha, các cậu bạn của ta ơi! Từ bên trong bình, chú Ôma đang báo hiệu cho ta đấy.

Giênia không phải không ghen tị khi thấy ông già trao cái bình cho cu cậu Vônca đang hả hê ra mặt. Nói cho đúng hơn, ông già đã đặt cái bình trước mặt Vônca, ở trên bãi cát bởi vì cái bình này rất nặng.

– Ông Khốttabít ơi, trước kia ông bảo rằng ông Ôma bị nhốt trong một cái bình đồng, sao đây lại là bình sắt nhỉ? Nhưng mà thôi… Cái dấu ấn nằm ở đâu? A, nó đây rồi? – Vônca vừa xem xung quanh cái bình, vừa nói.

Bỗng nó tái mét mặt và hét váng lên:

– Nằm xuống!… Giêma, nằm xuống!… Ông Khốttabít, quẳng lại xuống biển cái bình này ngay lập tức và ông cũng nằm xuống!

– Cậu điên mất rồi! – Ông Khốttabít phát cáu – Biết bao nhiêu năm ta ước ao được gặp chú Ôma, bây giờ tìm được chú ấy rồi, ta lại phải trao chú ấy cho sóng biển ư?

– Ông hãy quăng cái bình này cho thật xa!… Ở trong ấy không có ông Ôma của ông đâu… Hãy quăng mau lên, không sẽ chết hết cả nút bây giờ! – Vônca năn nỉ và bởi và ông già vẫn còn chần chừ, nó liền gào lên với vẻ tuyệt vọng: – Tôi ra lệnh cho ông? ông có nghe không?!

Nhún vai thắc mắc, ông Khốttabít nâng cái bình nặng trĩu lên, lấy đà rồi quẳng nó ra cách bờ tới 200 mét.

Quẳng xong, ông già chưa kịp quay mặt lại về phía Vônca đang đứng cạnh ông thì ở chỗ cái bình vừa rơi xuống đã phát ra một tiếng nổ khủng khiếp, và một cột nước lớn vọt lên cao trên mặt vịnh phẳng lặng rồi trút xuống ào ào. Hàng nghìn con cá nhỏ bị choáng và bị chết nổi ngửa bụng trên mặt nước.

Nghe tiếng nổ, những người ở gần đó đã đổ xô ra bờ biển.

– Chuồn khỏi đây, mau! – Vônca ra lệnh.

Ba người bạn của chúng ta vội vã trèo lên đường cái và đi về thành phố.

Ông Khốttabít đi sau cùng, chốc chốc lại ngoái cổ nhìn, mặt mũi ỉu xìu xìu. Ông vẫn ngờ rằng ông đã vâng lệnh Vônca một cách vô ích…

– Cậu đã đọc được gì trên cái vật ấy? – Giênia hỏi khi nó đuổi kịp Vônca đã đi trước khá xa.

– “Made in USA”(2), mình đã đọc được như vậy đó!

– Thế có nghĩa cái vật ấy là một quả bom Mỹ?

– Thủy lôi chứ không phải bom. – Vônca sửa lại cách dùng chữ của của Giênia. – Cần phải hiểu điều đó. Một quả thủy lôi đấy!

Ông Khốttabít thở dài buồn bã.

(1) Tên cũ của eo biển Gibranta ngăn cách châu Âu và châu Phi nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương. Sở dĩ có tên gọi này là vì theo truyện thần thoại Hy Lạp, dũng sĩ Hécquyn trên đường đi lập kỳ công thứ 10 trong số 12 kỳ công phi thường của mình đã đến đại dương mênh mông nhưng lại gặp phải quả núi khổng lồ bít kín lấy biển. Hécquyn bèn dùng sức lực ghê gớm của mình xẻ núi, thông suốt biển bên trong và bên ngoài, bên phía Đông và bên phía Tây. Trong khi xẻ núi, Hécquyn khuân đá xếp sang hai bên đá chồng lên nhau như hai câu cột khổng lồ 

(2) Tiếng Anh: “Chế tạo ở Mỹ”

 
 
 
CHƯƠNG 50 – “ÔNG ẤY ĐẤY, CHÍNH XINHO GIÀ NÀY!”
 
– Chúng ta phải cho rằng mọi việc đều ổn cả. – Vônca kết luận. – Một mặt, chúng ta chưa tìm được ông Ôma. Điều này dĩ nhiên là rất tiếc. Nhưng mặt khác, chúng ta đã suýt chết, vậy mà lại thoát được. Thế là tốt rồi!
– Bây giờ đúng là lúc phải đi ăn sáng, – Giêma thở hổn hển vì đi nhanh, nói.

Đề nghị của Giênia được thừa nhận là hết sức hợp lý.

Lúc đi ngang qua tòa nhà xám xịt của đồn cảnh sát, họ trông thấy anh Giôvanni vui tính, người mà họ mới quen tối hôm qua, đang từ trong đó đi ra, có hai tên hiến binh áp giải.

Giôvanni cũng nhận ra họ, liền chỉ vào ông Khốttabít mà kêu lên:

– Ông ấy đây rồi! Chính xinho già này đã cho tôi chiếc vali! Ông ấy có thể xác nhận với bất cứ ai rằng tôi không phải là một thằng ăn cắp, mà là một người đánh cá lương thiện!

– Có chuyện gì vậy, hỡi bạn Giôvanni? – Ông Khốttabít hỏi khi Giôvanni bị hai tên hiến binh giữ chặt lấy tay, bước lạl gần ba người bạn của chúng ta.

– Xinho ơi! – Chàng đánh cá tội nghiệp trả lời, suýt nữa thì khóc. – Người ta không tin rằng ông đã cho tôi chiếc vali. Thế rồi người ta đã giật chiếc vali trong tay tôi và bảo rằng tôi là thằng ăn cắp. Bây giờ, người ta giải tôi vào trại giam. Thưa xinho, xin ông hãy giúp tôi, hãy giải thích cho xinho thanh tra biết rằng tôi không hề ăn cắp gì cả.

– Kẻ nào dám cả gan buộc tội người đánh cả hào hiệp này là kẻ ăn cắp? Tên vô lại nào dám cả gan cướp đoạt của bạn cái vật mà ta, Gátxan Ápdurắcman con trai của Khốttáp, đã tặng? Chúng ta sẽ đến gặp cái tên đê tiện đó và sẽ nói thẳng vào mặt thằng thong manh ấy!…

Lúc ấy tên thanh tra vẫn chưa kịp làm xong biên bản xét hỏi. Hắn ngạc nhiên ngẩng đầu khi nghe thấy tiếng chân ai bước vào phòng làm việc của hắn. Hắn không thích bị quấy rầy lúc hắn đang làm việc. Ngay cả mixtơ Oanđenđalét mà hắn tôn kính một cách trung thành và vô hạn, hắn cũng mời qua phòng bên trong lúc hắn ngồi làm biên bản. Trong phòng ấy, hắn đã dành riêng cho ông khách người Mỹ một chiếc ghế bành mềm mại và một tách cà phê.

– Lại chuyện gì thế này? – Tên thanh tra hỏi xẵng khi hắn thấy ngươi đánh cá bị bắt cùng với hai tên hiến binh áp giải lại dừng trước bàn của hắn. – Giờ này, chúng mày phải tống thằng bị bắt vào trại giam rồi kia mà?

– Thưa xinho thanh tra! Ông ấy đấy, chính ông già này đã cho tôi chiếc vali hôm qua! – Giôvanni đắc thắng kêu lên và chỉ tay về phía ông Khốttabít vừa theo anh bước vào phòng. – Ông ấy sẽ xác nhận với ông những lời tôi nói.

– Hay, hay lắm! – Tên thanh tra nói lè nhè rồi đưa mắt nhìn ông Khốttabít với vẻ dò xét và trên bộ mặt vàng vọt, được cạo cẩn thận của hắn xuất hiện một nụ cười nham hiểm. – Thế có nghĩa là cậu này… Tên cậu ấy là gì nhỉ?… À, Giôvanni Xaphênhô… không nói dối? Ông quả thật đã cho cậu ấy chiếc vali này? Cứ theo bộ quần áo xuềnh xoàng của ông mà xét đoán thì ông cũng chẳng giàu tới mức có thể quẳng đi những vật đắt tiền như thế.

– Các hiền nhân dạy rằng kẻ nào xét đoán con người theo quần áo thì thường bị lầm! Phải, hôm qua ta đã cho người đánh cá hào hiệp này chiếc vali mà ngươi đã tước đoạt của anh ấy một cách phi lý. Ta còn cho anh ấy một chiếc vali nữa mà ngươi đã không tước đoạt được. Ta có thể cho anh ấy, mười, hai mươi, một trăm, mười nghìn chiếc vali như thế và thậm chí cả những chiếc vali còn quý hơn gấp bội, nếu như anh ấy đồng ý nhận từ tay ta! – Ông Khốttabít hãnh diện tuyên bố, không nhận thấy Giôvanni ra hiệu bảo ông đừng nói lộ hết mọi chuyện.

Nhưng đã muộn mất rồi. Tên thanh tra đắc ý xoa tay. Không rời mắt khỏi ông già đang ngồi nói chuyện với mình, hắn nói:

– Xinho thân mến, xin ông thứ lỗi, xin ông thứ lỗi, nhưng tôi không thể nào tin được những lời ông nói, mặc dù tôi kính trọng ông hết sức.

– Hỡi viên thanh tra xảo quyệt kia, ngươi không muốn bảo ta là kẻ nói dối đấy chứ? – Ông Khốttabít đỏ bừng mặt.

– Xinho, ông hãy tự xét đoán: ông ăn mặc xuềnh xoàng, vậy mà ông lại tuyên bố rằng bỗng dưng ông đem cho một người đánh cá gần như không quen biết chiếc vali trị giá ít nhất là một nghìn đôla!

– Cho hai chiếc vali chứ không phải một! Và chẳng phải ta cho một cách vô cớ, mà là vì người đánh cá này đã cho hai câu bạn trẻ tuổi của ta ăn uống.

– Hai nghìn đôla một bữa ăn trưa?

– Một bữa ăn tối! – Ông Khốttabít sửa lại câu nói của tên thanh tra.

– Cũng vậy thôi. Hai nghìn đôla một bữa ăn tối! Ông không thấy là ông đã phải trả giá quá đắt hay sao? – Tên thanh tra cười hi hí.

– Không, ta không hề thấy như vậy! – Ông Khốttabít trả lời đốp chát – Đối với một việc làm tốt, một sự giúp đỡ không vụ lợi bao giờ ta cũng đền đáp rất hậu.

Tên thanh tra lại hiểu câu nói cuối như là lời nói bóng gió về chuyện đút lót có thể có, và cặp mắt hắn sáng lên vì máu tham.

– Ông có nhiều chiếc vali như thế?

– Ta chẳng có một chiếc vali nào cả, nhưng ta có thể cho bao nhiêu cũng được.

– Có lẽ ông muốn có bao nhiêu tiền cũng được? – Tên thanh tra hỏi với vẻ xảo quyệt.

Ông Khốttabít nhếch mép cười khinh bỉ..

– Có lẽ ông có cả vàng bạc, châu báu?

– Ta chẳng hề có mảy may, nhưng ta có thể lấy ra bao nhiêu cũng đuợc.

– Ông có những mỏ vàng riêng? Những mỏ vàng ấy nằm ở đâu? Ở miền Nam châu Phi?… Ở Caliphonia (l)

– Ở trong túi ta đây. Chỉ cần ta muốn thôi là ta có thể chất đầy vàng cả tòa nhà mà ta đang đứng đây và một nghìn tòa nhà nữa như thế này! – Ông Khốttabít vừa đáp vừa mân mê bộ râu.

– Tôi không thể tin được! – Tên thanh ra nói..

– Thế cái gì đây? – ông Khốttabít hỏi và móc từ trong túi chiếc quần dài vải thô của mình cả vốc tiền vàng cổ.

Khi ông già nhận thấy Giôvanni ra hiệu cho ông thì trên bàn của tên thanh ra đang sửng sốt đã lù lù một đống tiền vàng to tướng.

Khi ấy, ông mới thôi lấy vàng ra và thản nhiên nói với tên thanh tra:

– Ta hy vọng rằng bây giờ ngươi đã tin rằng người đánh cá hào hiệp này không phải là kẻ nói dối, lại càng không phải là kẻ ăn cắp? Ngươi hãy thả anh ấy ra ngay lập tức để anh ấy có thể tận hưởng tự do và yên ổn.

– Than ôi, thưa xinho, bây giờ tôi đã tin rằng cậu Giôvanni Xapênhô không phải là kẻ ăn cắp… – Tên thanh tra nói với vẻ buồn bã giả tạo. – Và chính vì vậy mà tôi không thể nào thả cậu ấy ra được.

– Sao lại thế?! – Ông Khốttabít hỏi với giọng hăm dọa.

– Xin ông thứ lỗi, nhưng một xinho mà tôi không có quyền tiết lộ danh tánh, song sự đứng đắn của ông ấy thì không thể nghi ngờ được, đã tuyên bố quyền sở hữu của mình đối với chiếc vali mà tôi sẵn lòng tin rằng hôm qua ông đã cho… è è è cái cậu Giôvanni Xapênhô này. Thế có nghĩa là sẽ phải đưa ra tòa, còn trước khi đưa ra thì phải tiến hành điều tra. Chúng tôi buộc phải giữ chiếc vai lại làm tang vật còn xinho Giôvanni thì phải giữ lại làm… è è è… nhân chứng, mà cũng có thể làm cả bị cáo nữa. Việc điều tra sẽ nói lên tất cả, thưa xinho…

– Việc điều tra ấy sẽ kéo dài trong bao lâu?

– Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra theo thể thức nhanh nhất, thưa xinho. Có nghĩa là sau hai năm, hai năm rưỡi, tôi cho rằng việc điều tra sẽ kết thúc. Rồi nửa năm nữa thì sẽ đưa ra tòa.

– Sao ngươi muốn đày dọa người đánh cá đáng yêu này ba năm trong trại giam, rồi sau đó mới quyết định anh ấy có tội hay không?!

– Pháp luật là pháp luật! Bây giờ chúng tôi có quá nhiều vụ phải điều tra, nên tôi không dám hứa làm sớm hơn được… Tuy nhiên… – Nói đến đây, tên thanh tra ngắc ngứ một lát, rồi hất đầu ra lệnh cho hai tên áp giải rời khỏi phòng và nói tiếp bằng giọng nhỏ nhẹ nhưng rắn rỏi, – Tuy nhiên, còn có một giải pháp khác dễ chịu hơn để thoát khỏi tình cảnh hết sức khó chịu này…

– Giải pháp? – Ông Khốttabít và chàng đánh cá đều cất tiếng hỏi cùng một lúc.

– Đóng tiền lạc quyên, thưa các xinho kính mến của tôi? Nếu muốn, các ông có thể gọi đó là khoản tiền cho vay không hoàn lại. Tôi rất nặng gánh gia đình, mà lương lậu thì chẳng là bao…

– Hãy câm mồm, hỡi tên ăn của đút đê tiện kia? Ta nghe cái giọng lưỡi ấy mà thấy phát tởm! Bây giờ, ta sẽ đến báo chuyện này với lão sếp chính của ngươi! – Ông Khốttabít kêu lên với vẻ khinh bỉ khôn tả.

– Thưa xinho kính mến, ông sẽ không làm việc đó vì hai lẽ, – Tên thanh tra phản đối, vẫn không hề cất cao giọng. – Thứ nhất, trong trường hợp ấy thì ông phải đút lót cả cho ông sếp của tôi nữa, còn thứ hai và đó là điều chủ yếu nhất, ông sẽ không thể ra khỏi phòng làm việc của tôi mà không có đội áp giải đi cùng.

– Tại sao vậy?

– Tại vì tôi buộc phải bắt giam cả ông nữa.

– Bắt giam ta?! Vì tội gì? Ta không nghe lầm đấy chứ?

– Tội thứ nhất: che giấu các cơ quan nhà nước về những mỏ đá quý và kim loại quý chưa được thăm dò. Tội thứ hai: trốn nộp các khoản thuế mà pháp luật đã quy định.

– Vì sao ta lại phải nộp vàng vào ngân khố của một nước khác?

– Thưa xinho, nếu tôi không lầm thì ông không phải là người Ý?

– Đúng là ngươi đã không lầm..

– Ông là người nước ngoài?

– Dĩ nhiên.

– Và ông không phải là người Mỹ?

– Ngươi đã không lầm.

– Ông đến nước Ý đã lâu chưa?

– Chiều hôm qua.

– Vậy hộ chiếu của ông đâu, thưa xinho thân mến?

– Ngươi nói hai tiếng “hộ chiếu” mà ta không hiểu ấy là để chỉ cái gì đấy, hỡi cái tên ăn của đút ba lần đê tiện kia?

– Hộ chiếu là thứ giấy tờ mà nếu không có nó thì không một người nước ngoài nào, trừ người Mỹ, có quyền đi vào nước Ý.

– Vị thần hùng mạnh Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp chẳng cần bất cứ một thứ giấy phép nào cả. Muốn đến nước nào thì ta cứ việc đến, chẳng phải hạ mình tới mức phải cầu xin hạ cố của các thế lực ở hạ giới cũng như ở thượng giới, dĩ nhiên là không kể tới Đức Ala.

– Thế có nghĩa là ông đã đến nước Ý mà không có thị thực nhập cảnh của Bộ Ngoại giao nước chúng tôi và lại còn mang theo một khối lượng vàng khá lớn? Thưa xinho thân mến, ngay hai cái tội đó cũng đã khiến tôi phải bắt ông rồi. Tuy nhiên, còn có một giải pháp khác, dễ chịu hơn…

– Đút lót? – Ông Khốttabít đoán.

Tên thanh tra gật đầu xác nhận, hắn không thấy ông già đã rứt mấy sợi râu của mình. Hắn phá vỡ sự im lặng kéo dài:

– Tôi muốn chỉ cho ông biết rằng trong trại giam của chúng tôi, ông sẽ phải sống rất cực, người ta sẽ cho ông ăn mặn, nhưng lại chẳng cho ông uống tí nước nào. Hằng ngày, tôi sẽ vào thăm ông với cái bình đựng đầy nước ngon và mát này. Ông sẽ bị khát tới mức cuối cùng để đổi lấy một hớp nước, ông phải đưa cho tôi toàn bộ số vàng và toàn bộ số vali của ông. Ông còn phải đội ơn chúng tôi nữa, nếu chúng tôi vẫn để cho ông sống.

– Thế tại sao ngươi lại ăn cắp chiếc vali mà ngươi đã chiếm đoạt của Giôvanni? – Ông Khốttabít nói và đồng thời ném xuống sàn mấy sợi râu đã ngắt thành nhiều phần.

– Tôi không bao giờ ăn cắp các tang vật, – Tên thanh tra phật ý. – Chiếc vali đây…

Chiếc vali vừa nằm trên cái ghế ở bên cạnh tên thanh tra, vậy mà bỗng nhiên nó lại biến mất như là độn thổ. Cả cái đống tiền vàng đã làm xao xuyến một cách dễ chịu trí tưởng tượng của tên thanh tra cũng bỗng nhiên biến mất và lạ nhất là tờ biên bản xét hỏi Giôvanni nằm ngay dưới tay hắn cùng không cánh mà bay.

– Lão già đáng nguyền rủa kia, chính mi đã ăn cắp những thứ đó! Mi và cái thằng lầm lì Giôvanni này. Nhưng không sao, ta sẽ mau chóng bắt bọn mi phải hiểu bọn mi đang ở chỗ nào! – Tên thanh tra hét lên.

Hắn bấm chuông. Bốn tên cảnh sát mặt mũi ác ôn và đần độn lạ thường liền bước vào.

– Hãy khám người hai kẻ này? – Tên thanh tra ra lệnh

Nhưng việc khám xét chẳng đem lại kết quả nào.

– Thế vàng biến đi đâu? Chiếc vali và tờ biên bản đâu rồi? – Tên thanh tra rống lên.

Ông Khốttabít im lặng. Giôvanni vung tay tỏ ý băn khoăn:

-Tôi không biết, thưa xinho thanh tra.

Đúng lúc đó, cánh cửa mở ra và mixtơ Oanđenđalét ngó vào phòng. Lão lo lắng ra mặt.

Chêdarê thập thò sau lưng lão người Mỹ. Là phiên dịch của Oanđenđalét, hắn liền ra tuyên bố chính thức:

– Thưa xinho thanh tra, ông chủ Mỹ của tôi yêu cầu truyền đạt lại rằng ông đang rất vội, bởi vì các cửa hàng sắp mở cửa đến nơi rồi. Có thể tiếp chuyện ông ấy mau mau chóng chóng được không?

Oanđenđalét gật gù oai vệ theo nhịp câu nói của Chêdarê. Bỗng lão nhận thấy ông Khốttabít đang khiêm nhường đứng tránh một bên.

– Ồ là là! – Lão người Mỹ reo lên. – Mixtơ thanh tra, xin hãy bắt giữ lão già này!

Chêdarê liếng thoắng dịch các câu nói của Oanđenđalét:

– Thưa xinho thanh tra, xinho người Mỹ yêu cầu ông bắt giữ lão già này. Xinho người Mỹ buộc tội lão già này đã cướp đi của ông một trăm triệu một trăm nghìn đô la tiền mặt, xếp thành các xấp, mỗi xấp gồm một trăm tờ 10 đô la; mười nghìn chiếc đồng hồ vàng nạm kim cương; hai mươi nghìn bót xì gà bằng vàng; năm mươi nghìn chuỗi ngọc trai; mười lăm nghìn bộ đồ ăn cổ bằng sứ và một cái nhẫn bạc vô giá mà đức vua quá cố Xalômông con trai của Đavít đã để lại cho xinho Oanđenđalét…

– Nó kia kìa! Cái nhận ấy kia kìa! – Oanđenđalét rống lên khi lão thấy trên tay ông Khốttabít cái nhẫn “Catia, em hãy đeo cho mạnh khỏe”. – Hãy trả nhận đây!…

– Nào, bọn bay hãy bắt lão già này phải khai đi! – Tên thanh tra ra lệnh cho bốn gã cảnh sát và ngồi vào ghế bành cho thoải mái hơn, vì hắn cảm thấy trước là sắp được chứng kiến một cảnh tượng lý thú.

Bốn gã cảnh sát lặng lẽ giơ tay chào, rồi thật bất ngờ đối với tên thanh tra và đối với chính cả chúng, chúng đã tống mạnh tên thanh tra ra khỏi chiếc ghế bành, quật tên này xuống sàn nhà và bắt đầu nện.

– Bọn bay làm gì thế, những thằng vô lại kia?! – Tên thanh tra rống lên. – Tao ra lệnh cho bọn bay nói chuyện với lão già kia chứ không phải là với tao.

– Đúng như vậy, thưa xinho thanh tra! – Bốn gã cảnh sát hùng hổ đáp và lại tiếp tục đấm tên thanh tra tới tấp.

– Sao mày lại đứng đực ra thế? – Tên thanh tra gào lên với tên Chêdarê đang đờ cả người vì kinh ngạc. – Chêdarê, hãy cứu tao với, hãy cứu tao với!

Với dáng đi cứng đờ kỳ quặc, Chêdarê bước tới gần tên thanh tra đã bị đánh nhừ tử và lại thoi cho hắn mấy cú nữa, làm hắn lập tức ngất lịm.

Sau khi tin chắc là tên thanh tra đã bị “đo ván”, bốn gã cảnh sát và Chêdarê, như theo lệnh, vừa thở hồng hộc vừa lao vào đấm nhau túi bụi, cho tới lúc cả bọn đều kiệt sức hoàn toàn, lần lượt ngã gục xuống sàn nhà. Chêdarê ngã gục cuối cùng. Nhưng ngay trong lúc ngã xuống, hắn đã thu hết sức lực còn lại đấm một cú trời giáng vào mặt Oanđenđalét, làm cho tên này ngã uỵch xuống sàn nhà như một bao khoai tây.

– Ông biết tên người Mỹ này à? – Giôvanni hỏi ông Khốttabít. – Chính hắn đã vu cho tôi ăn cắp chiếc vali đấy…

– Ta có biết cái kẻ ti tiện này không à?! – Ông Khốttabít cười gằn. – Biết quá đi chứ? Bọn ta đã từng gặp hắn… Này, anh bạn Giôvanni tốt bụng của ta, có lẽ mọi việc đều ổn cả rồi. Chúng ta hãy mau mau rời khỏi tòa nhà không mến khách này.

Nói rồi, ông già cầm tay Giôvanni và dắt tay anh đi xuyên qua bức tường đá kiên cố ra ngoài đường, thản nhiên như là đi qua cửa vậy. Ở bên ngoài, Vônca và Giênia đứng ngồi không yên vì thấy ông Khốttabít và Giôvani ở trong đồn quá lâu.

– Giôvanni, bạn hãy cầm lại chiếc vali của mình! – Ông già nói với chàng đánh cá trẻ tuổi và trao cho anh một chiếc vali xấu xí, tưởng chừng chỉ còn có việc quẳng nó vào hố rác nữa mà thôi.

Giôvanni sẵn sàng thề rằng một giây trước đó, trong tay ông Kháttabít không hề có một chiếc vali nào cả. Nhưng chiếc vali mà ông Khốttabít vừa trao cho anh lại chẳng hề giống tí nào chiếc vali quý báu – chiếc vali mà vì nó suýt nữa anh bị tước mất tự do. Hiểu sự ngạc nhiên của Giôvanni, ông Khốttabít nói:

– Bạn chớ có nghi ngờ khi thấy cái bề ngoài xấu xí của chiếc vali này. Bạn hãy đồng ý với ta rằng một khi nó có những đặc tính kỳ diệu thì cái bề ngoài lộng lẫy chẳng những không cần thiết, mà lại còn có hại nữa….

Ông già và chàng đánh cá trẻ tuổi thân ái chia tay nhau. Giôvanni chạy ngay về nhà để làm yên lòng những người bạn của mình. Họ chẳng hay biết gì và có vẻ đang nghĩ đủ thứ chuyện về sự vắng mặt quá lâu của anh. Tin đồn về việc anh bị bắt đã kịp bay đến tai họ. Vì vậy, các bạn có thể hình dung được họ đã sung sướng ra sao khi họ ôm hôn anh chàng Giôvanm vẫn còn sống, mạnh khỏe, tự do và nghe chính anh kể lại câu chuyện về cuộc phiêu lưu phi thường của mình.

Còn ông Khốttabít lúc đó đã quay về với hai cậu bạn trẻ tuổi của mình và như các bạn đọc cũng thừa hiểu, trước hết, ông đã kể lại với đủ mọi chi tiết về những gì vừa xảy ra trong phòng làm việc của tên thanh tra cảnh sát.

Vônca tức tối nói:

– Chà, phải tay cháu thì cháu còn dành cho cái tên hèn hạ ấy một cuộc chia tay để hắn nhớ suốt đời kia!

– Cậu đã nói đúng như mọi bận vẫn thường nói đúng, hỡi cậu Vônca con trai của Aliôsa! – Ông Khốttabít đồng ý với vẻ đầy ý nghĩa.

Đúng lúc đó, cách nơi ba người bạn của chúng ta đang cùng nhau rảo bước chừng 4 kilômét, tại cái phòng làm việc mà chúng ta từng biết, đã xảy ra một chuyện mà vì nó gã cảnh sát tỉnh lại đầu tiên lại lập tức ngã lăn ra bất tỉnh: tên thanh tra vẫn nằm sóng soài trên sàn nhà bỗng nhiên thu nhỏ lại một cách ghê gớm và bằng cách nào không biết đã đã nằm gọn trong cái bình thủy tinh mà khi nãy mixtơ Oanđenđalét đã nốc hết nước…

Cho đến tận nay, tên thanh tra vẫn còn bị khốn khổ trong cái bình thủy tinh đó. Mọi cố gắng nhằm giải thoát hắn ra khỏi đấy đều chẳng ăn thua, bởi vì cái bình ấy bỗng trở nên rắn hơn kim cương, nên không thể nào đập vỡ hoặc cưa nó ra được. Dĩ nhiên tên thanh tra đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát. Gia đình hắn lẽ ra đã lâm vào cảnh hoàn toàn hết kế sinh nhai nếu như mụ vợ tên thanh tra không nghĩ được cách đem một cái bàn nhỏ ra ngoài đường, trên bàn để cái bình thủy tinh có tên thanh tra về vườn ở trong đó. Xinhora (2) tháo vát nọ đã cho mọi người xem đức ông chồng của mình với giá mỗi lần xem là 100 lia và nhờ vậy mà mụ ta cũng có đồng ra đồng vào. Mỗi người dân Ý lương thiện đều vui lòng bỏ ra 100 lia để thích thú ngắm nghía tên ăn của đút đốn mạt nhất và tên đầy tớ trung thành của bọn tư bản đang bị nhốt trong bình thủy tinh.

Số phận của mixtơ Oanđenđalét cũng đáng chú ý không kém. Chúng tôi quên nói rằng cùng lúc với tên thanh tra, Oanđenđalét cũng bị trừng phạt. Ông Khốttabít đã biến hắn thành một con chó. Chêdarê chỉ trong vòng một phút đã bạc cả đầu vì hắn thấy tận mắt lão người Mỹ tham lam ấy đã nhanh chóng biến thành một con chó hung rụng lông như thế nào. Cho đến tận nay, lão vẫn phải đội lốt chó trong căn nhà của lão ở Niu Yoóc. Các tên trùm giàu nhất ở phố Wall thường gởi cho lão những khúc xương thượng hảo hạng từ bàn ăn của chúng. Để cảm tạ việc đó, mỗi tuần một lần, Oanđenđalét phải sủa 20 phút liền trong buổi phát thanh của đài Tiếng nói Hoa Kỳ.

Còn về ba người bạn của chúng ta thì ông Khốttabít sau khi tin chắc rằng ông không thể tìm được người em của mình ở Địa Trung Hải, đã đề nghị đi tới bờ Đại Tây Dương. Chỉ riêng cái đề nghị ấy thôi cũng hết sức hấp dẫn rồi. Nhưng Vônca lại bất ngờ phản đối đề nghị đó. Nó nói rằng ngày mai thế nào nó cũng phải có mặt ở Mátxcơva. Vì lý do gì thì nó chưa thể tiết lộ được. Nhưng theo lời nó thì đó là một lý do rất quan trọng.

Ông Khốttabít đành phải buồn bã tạm hoãn cuộc tìm kiếm Ôma Iuxúp.

Lúc cả bốn gã cảnh sát bị đánh nhừ tử vẫn còn chưa tỉnh lại thì chiếc thảm bay – thủy phi cơ “VC-1” đã lao vút lên không và nhanh chóng bay khuất sau các rặng núi. Trên tấm thảm bay – thủy phi cơ đó có Gátxan Ápđurắcman con trai của Khốttáp, Vlađimia Côxtưncốp và Épghêni Bôgôrát.

Hơn 10 tiếng đồng hồ sau, “VC-1” đã hạ cánh an toàn bên bờ thoai thoải của dòng sông Mátxcơva.

(1) Caliphonia (ở Tây Nam nước Mỹ) và miền Nam châu Phi là nơi có nhiều mỏ vàng 
(2) Tiếng Ý: bà

 

 

CHƯƠNG 51 – CHƯƠNG NGẮN NHẤT

Vào một buổi trưa tháng 7 oi bức, tàu phá băng “Lađôga” rời Bến Đỏ ở hải cảng Áckhanghenxcơ. Trên tàu có một đoàn khá đông các khách tham quan. Đội kèn trên bến chơi một bản hành khúc. Những người đi tiễn vẫy khăn, hô lớn: “Chúc đi đường bình an!”.

Con tàu thận trọng đi ra giữa sông Đvina Bắc. Tuôn về phía sau những đám hơi trắng, nó chạy qua nhiều chiếc tàu thủy của Liên Xô và của nước ngoài, đi thẳng về phía cửa biển hẹp của Bạch Hải. Vô số canô, thuyền máy, thuyền đánh cá, thuyền buồm, tàu kéo lưới, xuồng con và những chiếc bè cồng kềnh đang chạy đi chạy lại trên mặt nước êm đềm của con sông lớn ở miền Bắc Nga này.

Các khách tham quan đứng ở boong thượng tạm biệt Áckhanghenxcơ và Đất Lớn để tham gia một cuộc hành trình kéo dài cả tháng.

Một người khách gọi một người khác đang lo lắng chạy tới chạy lui bên buồng thuyền trưởng:

– Vônca! Ông Khốttabít biến đâu mất rồi?

Qua câu nói này, các bạn đọc có thể rút ra một kết luận chính xác là trong số các hành khách có cả ba người bạn cũ của chúng ta.

Quay lại Trang 1 Trang 2 Trang 3 Trang 4 Trang 5 Trang 6 Trang 7 Trang 8 Trang 9 Trang 10 Trang 11 Trang 12 Trang 13 Trang 14 Trang 15 Trang 16 Trang 17 Trang 18 Trang 19 Trang 20 Trang 21 Trang 22Kế tiếp

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận