Ngay sau sự cố Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu khiến người dân Hà Nội lao đao, lại có thông tin Nhà máy nước sông Đuống mới khánh thành nổi lên là đơn vị thay thế. Tuy nhiên, việc Nhà máy nước sông Đuống chưa được nghiệm thu đã đi vào hoạt động, lại dấy lên bất an về chất lượng công trình này.
PV Lao Động đã có cuộc khảo sát tại một số xã đang được sử dụng nước sạch sông Đuống được quảng cáo có thể uống thẳng từ vòi.
Quảng cáo “siêu sạch”, dân vẫn nghi ngờ
Ghi nhận của PV Lao Động ngày 18.11, tại xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội), hầu hết các hộ gia đình đã được lắp đặt đường ống dẫn nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống vào tận ngõ từ hơn 2 tháng nay. Nhiều gia đình đã bắt đầu sử dụng nguồn nước này phục vụ cho việc sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. Tuy nhiên, thực tế, việc người dân sử dụng nguồn nước này còn khá e dè vì nhiều lý do.
Ông Nguyễn Xuân Lăng (thôn 3, xã Trung Mầu) cho biết, khoảng từ tháng 8.2019, gia đình ông bắt đầu sử dụng nguồn nước được cấp từ nhà máy nước mặt sông Đuống. Ông Lăng cho hay, thời gian ban đầu, bằng cảm quan có thể thấy nước có mùi clo và nhiều người trong gia đình cũng không thích mùi này lắm. Được quảng bá là nước dùng tận vòi nhưng mọi người trong gia đình chủ yếu vẫn uống nước qua đun nấu.
Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Đắc Tòng – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội – cho biết, huyện Gia Lâm đã có những đoàn kiểm tra đi lấy mẫu nước của Nhà máy Nước sông Đuống về kiểm nghiệm và có thông báo cụ thể về việc nước nhà máy đảm bảo như thế nào, chúng tôi chỉ là đơn vị hợp tác cùng y tế huyện để đi kiểm tra. Khi được hỏi về việc có văn bản gì đưa về xã về việc kiểm định chất lượng nước hay kết luận kiểm định chất lượng thì ông Tòng cho biết, hiện tại chưa có các văn bản này về xã (!).
Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã rời ghế Tổng Giám đốc của công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống
Phải dừng hoạt động cấp nước
Ngày 28.10.2019, trả lời bằng văn bản tới phóng viên Lao Động, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) – Bộ Xây dựng cho biết, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư (Nhà máy Nước sạch sông Đuống – PV) chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống… Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
“Sau khi chủ đầu tư hoàn thành đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng gửi về bộ phận một cửa của Bộ Xây dựng, Cục Giám định sẽ xem xét các hồ sơ, tài liệu giải trình và sẽ có văn bản về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định” – Cục Giám định khẳng định.
Tuy nhiên đến ngày 18.11, PV Lao Động đã nhiều lần liên hệ với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và các lãnh đạo Cục Giám định để xác minh thông tin đến thời điểm hiện tại, tức ngày 18.11 công trình Nhà máy Nước sạch sông Đuống đã được Cục Giám định chấp thuận kết quả nghiệm thu chưa? Tuy nhiên, từ lãnh đạo cao nhất của Bộ Xây dựng đến Cục Giám định không có phản hồi về thông tin này.
Trao đổi với PV Lao Động, PGS-TS Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – cho biết, về nguyên tắc, trước khi khánh thành công trình và đưa vào hoạt động thì chủ đầu tư – Nhà máy Nước sạch sông Đuống – phải gửi bộ hồ sơ nghiệm thu công trình lên Cục Giám định để thẩm định và công trình chỉ được phép đi vào hoạt động nếu Cục Giám định gửi văn bản cho chủ đầu tư chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Trên thực tế, sáng 5.9.2019, Nhà máy Nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne – Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã khánh thành giai đoạn 1 với tổng công suất 300.000m3 ngày/đêm. Tới dự lễ khánh thành có nhiều lãnh đạo của UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, trước đó 4 ngày, Cục Giám định đã gửi văn bản tới UBND TP.Hà Nội cảnh báo công trình “chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng”, Cục Giám định nêu rõ. Cũng trong văn bản này, Cục Giám định lưu ý UBND TP.Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình…
Về việc này, cũng theo nguyên Cục trưởng Cục Giám định Trần Chủng, bắt buộc báo cáo lên cơ quan cấp trên và cơ quan chủ quản, quản lý công trình. “Trong trường hợp này, Cục Giám định gửi văn bản sang UBND TP.Hà Nội về việc công trình vẫn chưa đủ điều kiện hoạt động. Và khi Cục Giám định gửi sang thì UBND TP.Hà Nội phải ra văn bản dừng hoạt động công trình khi chưa đủ điều kiện. Trong trường hợp Nhà máy Nước sông Đuống chưa chấp nhận kết quả nghiệm thu mà vẫn hoạt động thì UBND TP.Hà Nội phải chịu trách nhiệm” – ông Chủng nói.
Dùng đường ống nước Trung QuốcMột chi tiết đáng chú ý, dự án Nhà máy Nước sông Đuống giai đoạn 1 có dùng đường ống của Cty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Đây chính là doanh nghiệp mà năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà nhưng đã bị Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này. Trả lời PV Lao Động về việc dùng ống nước của Cty Xinxing, đại diện Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống cho rằng, Xinxing là nhà thầu thiết bị được hầu hết các công ty cấp nước tại Việt Nam cũng như trên thế giới tin dùng trong lĩnh vực cấp nước, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam đối với các điều kiện kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm và được Nhà máy Nước sông Đuống lựa chọn sử dụng cho một số tuyến ống dẫn phù hợp địa hình địa chất. Tuy nhiên, ông Phạm Duy Thương – Phó Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng – cho rằng, do chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước (gang dẻo), nên Cục Giám định sẽ có ý kiến sau khi nhận được đầy đủ các hồ sơ của chủ đầu tư. Trao đổi với PV Lao Động, chiều 28.10, đại diện Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống xác nhận, sự cố vỡ đường ống nước ngày 3.6 là đường ống nước Xinxing. |
Công nghệ cao nên giá đắt: Vô lý!Trong khi giá nước sông Đà khoảng hơn 5.000 đồng/m3 thì thành phố Hà Nội lại duyệt cho Công ty sông Đuống mức giá nước 10.246 đồng/m3. Mức này đắt gấp 2 lần so với bình thường và được giải thích là do công nghệ đầu tư hiện đại, chất lượng nước cao hơn hẳn so với bình thường. Theo PGS-TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính: “Về nguyên tắc tài chính không thể nói đầu tư công nghệ cao, quy mô nhà máy lớn mà giá đắt được. Lý do này là vô lý. Khi Chính phủ đã ban hành khung giá nước thì nguyên tắc, giá nước của các đơn vị không được cao hơn giá đó”. Nhà đầu tư trên cơ sở 4 yêu cầu đó phải tính toán làm sao để đáp ứng được yêu cầu nhưng giá thành vẫn phải theo đúng quy định chung. Ông Long nói rằng, thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành sẽ phải tốt hơn, nên việc do công nghệ “đắt đỏ” mà tính giá cao là hết sức vô lý. Ngoài ra, ông Long cho rằng, cần làm rõ vấn đề chi phí lãi vay tính vào giá nước xem có bất hợp lý không. Để xây dựng Nhà máy Nước sạch sông Đuống, nhà đầu tư đi vay tới 80% trong tổng mức đầu tư, dẫn đến việc người dân phải gánh tới 20% tiền lãi vay ngân hàng của họ trong một khối nước sạch. Ông đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp trong tình trạng “tay không bắt giặc” mà lại đồng ý để doanh nghiệp thực hiện để rồi dân è cổ gánh. |
Lao Động