Nỗi lòng y bác sĩ và đội tình nguyện khâm liệm cho bệnh nhân COVID-19

0
1924

Khâm liệm bệnh nhân COVID-19 xong, y bác sĩ nhìn sang nhau ai cũng khóc

Khủng hoảng, thậm chí sang chấn tâm lý là những điều khó tránh khỏi với các y bác sĩ trên tuyến ranh giới của sự sống và cái chết trong đại dịch COVID-19.
 
Có những bệnh nhân mắc COVID-19 ít ngày trước còn trò chuyện, động viên ngược lại các y bác sĩ, thì nay đã vĩnh viễn ra đi hay sau tất cả những nỗ lực hồi sức bệnh nhân song chỉ vì thiếu oxy mà người bệnh không qua khỏi… là áp lực mà các y bác sĩ ở giữa tâm dịch thường xuyên phải đối mặt.
 
Bản thân họ hiểu rằng mình không được gục ngã và phải cùng các đồng nghiệp vững tâm để đưa người bệnh bước ra khỏi ranh giới của tử thần.
 
“Chúng tôi rèn luyện ý nghĩ luôn đặt người bệnh ở vị trí là người thân, là ruột thịt của mình và tự nhủ, đừng hoảng, đừng sốc. Mỗi người nén lại lòng mình một chút. Đau lòng nhất là khi liên lạc với gia đình bệnh nhân để báo tin không ai mong muốn” – đây là chia sẻ của BS Nguyễn Thanh Huy, đang làm việc ở Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM.
 
-Quảng Cáo-

Giữ tinh thần không nao núng, BS Huy cùng các đồng nghiệp phải tìm cách an ủi thân nhân người bệnh vì nếu họ hoảng loạn thì bác sĩ cũng thêm day dứt. Trong hoàn cảnh này, dù có đau buồn các y bác sĩ luôn kịp thời chia sẻ với nhau. Nhất là khi gặp phải hoàn cảnh quá éo le như chồng mất vợ vừa mới sinh con được một tháng…

Nhiều đêm, cả đội y bác sĩ cùng lo khâm liệm người bệnh sau khi tử vong, để rồi khi nhìn sang nhau ai cũng khóc. Lúc này, các y bác sĩ là những người cuối cùng tiễn đưa bệnh nhân, với lời cầu nguyện để họ ra đi thanh thản, cầu cho dịch bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại TP.HCM. (Ảnh: Bộ Y tế)

Đây cũng là giải pháp tinh thần giúp các y bác sĩ vơi bớt áp lực nặng nề. Từ những mất mát này, tập thể thầy thuốc tiếp tục động viên, khích lệ nhau dốc hết tâm lực vì người bệnh.

“Những cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân cứ dồn dập đến và hầu như họ đều chết lặng hoặc thảng thốt không dám tin khi nhận thông báo từ bác sĩ nên công việc cũng rất áp lực. Lúc đầu tôi và cộng sự của mình rất khó ngủ. Nếu triền miên như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Người nọ phải chỉ cho người kia cách giữ cân bằng tâm lý, chặn lại các mệt mỏi kéo dài”, BS Huy nói đầy xúc động.

Bên cạnh đó, các y bác sĩ cũng lo tìm cách liên lạc với đơn vị hỏa táng, đồng thời đảm bảo các thông tin về người bệnh phải chính xác nhất. 

“Đến nay, điều rất may mắn là thân nhân của các bệnh nhân đã khuất đều phản hồi rằng họ đã nhận được tro cốt đầy đủ. Điều đó cũng giúp chúng tôi vững tinh thần hơn, ổn định lại tâm lý hơn”, BS Huy chia sẻ.

Những người lo hậu sự cho nạn nhân Covid-19

9h sáng, điện thoại của Thịnh rung lên: “Ca thứ nhất ngày 28/8, tại quận 7”. “Thịnh nhận”, anh gửi tin trả lời xong, quay sang gọi bốn đồng nghiệp lên đường.

Năm người khẩn trương mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính che giọt bắn rồi lên ôtô chạy thẳng tới con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Khánh, phường Tân Thuận Đông, quận 7, nơi có một người mới qua đời vì Covid-19.

Mai táng không phải là nghề của Trương Văn Thịnh, 30 tuổi, ở quận 7. Anh vốn làm nghề kinh doanh tự do nhưng khi dịch bệnh bùng phát, công việc của Thịnh bị đình trệ. Không chịu được cảnh ngồi yên khi thành phố “bịnh nặng”, Thịnh xin tham gia nhóm thiện nguyện đã hoạt động từ năm 2014 của anh Trần Thanh Long ở cùng quận.

Trưởng nhóm của Thịnh là chị Thái Hà, 32 tuổi, giảng viên ĐH Công nghệ TP HCM, nhà ở Bình Tân. Hồi tháng 6, Hà nhận được điện thoại mời tham gia nhóm của anh Long. Không chút do dự, cô đồng ý luôn.

“Nhóm của chúng tôi có gần 100 người, trong đó đội mai táng khoảng 20 người, đa số là những bạn mới tham gia trong đợt dịch”, anh Trần Long, 41 tuổi, cho biết.

Trương Văn Thịnh (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên trong nhóm cõng thì thể một cụ bà mất vì Covid-19 tại đường Lê Lai, quận 1, đưa đi mai táng hôm 1/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ban đầu, cả Thái Hà và Trương Văn Thịnh tham gia chạy xe cứu thương, tiếp tế oxy cho F0. Sang tháng 8, khi số ca tử vong vì Covid-19 tăng cao, đỉnh điểm là ngày 22/8 có 340 người chết, dịch vụ mai táng của thành phố căng thẳng, hai người được chuyển sang nhóm chuyên lo hậu sự. “Nhóm của tôi toàn những tay ngang, vốn là nhân viên văn phòng, giáo viên, nhân viên ngân hàng thậm chí giám đốc công ty. Thấy bà con khó thì tụi mình giúp thôi”, Hà chia sẻ.

Công việc hàng ngày của Thái Hà là tiếp nhận thông tin từ người dân, đề nghị hỗ trợ của Sở Y tế hoặc Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện. Khi có yêu cầu, cô phân công xe, giao nhiệm vụ cho từng đội. Lúc xe lên đường, Hà ở lại xử lý giấy tờ chứng tử, kho lạnh, đăng ký lịch ở lò thiêu, giao tro cốt đến tận nhà cho người thân. “Có những ngày cao điểm, nhóm phải chia thành ba đội, hỗ trợ hơn 30 ca”, cô kể.

Từ ngày làm đội trưởng, Thái Hà thường xuyên có những đêm ngủ chập chờn do chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le. “Có những em bé mới 1-2 tuổi, chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã mất bố, mất mẹ”, Hà tâm sự. Nữ giảng viên thừa nhận, ban đầu cô khá lo lắng vì thường phải tiếp xúc gần với các F0, thậm chí có lần định xin đổi việc.

“Nhưng nghĩ, mình ở nhà thì ai sẽ làm những việc đó nên lại làm tiếp”, Hà nói.

Mỗi ngày, Trương Văn Thịnh lái xe ra đường từ 9h sáng, kéo dài đến nửa đêm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thi thể người nhiễm Covid-19 phải được xử lý càng sớm càng tốt, sau đó hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong. Do đó, các đội làm việc này luôn trong tinh thần “gọi là xuất phát”, không kể ngày đêm, mưa nắng.

Hơn một tháng làm việc này, Thịnh nhớ nhất trường hợp thai phụ mất chồng tại quận 7 hôm 28/8. “Hôm đó khi đến nơi, mình thấy một người phụ nữ trẻ đang mang bầu, ngồi thất thần, đôi mắt đỏ hoe. Người chồng đã qua đời nằm trên chiếc võng”, Thịnh kể. Anh dìu người phụ nữ ngồi nghỉ, rồi cùng các thành viên trong đội làm các thủ tục cho người mất. Khi thi hài người chồng được đưa lên xe đi hỏa thiêu, chị vợ đứng từ xa, thẫn thờ nhìn theo mãi.

Anh Kim Kiên, 30 tuổi, sống tại Bình Chánh kể, má anh mất tại bệnh viện ngày 7/8. Anh nhắn nhờ nhóm của Hà, Thịnh hỗ trợ và nhận được phản hồi ngay trong đêm.

“Lúc đó mình đau lòng lắm, mọi người trong nhóm vừa phải lo làm hậu sự cho má, vừa phải an ủi, động viên mình. Trong đại dịch này, nếu không có những nhóm thiện nguyện như vậy mình không biết phải làm thế nào”, anh Kiên nói.

Anh Thái Nguyễn Huệ Luân, nhân viên trạm y tế quận 4, cho biết từ đầu mùa dịch, nhóm của anh Long đã hỗ trợ đơn vị rất nhiều. “Khi cần xe đưa F0 đi cấp cứu, hoặc lo hậu sự cho nạn nhân Covid, các bạn ấy luôn có mặt và không nề hà khó khăn”, anh Luân nói.

Quang Trường, 23 tuổi, nhân viên ngân hàng tại quận Tân Phú, cũng đến với công việc này một cách tình cờ.

Tháng 7, cơ quan cho một bộ phận nhân viên làm việc tại nhà. Trường trải qua những đêm trằn trọc khó ngủ. Sức trẻ của một chàng trai tuổi đôi mươi thôi thúc anh phải làm một điều gì đó nên mở laptop đăng ký đi chống dịch. Đến 18/8, Trường được nhận vào một đội thiện nguyện tại quận 10, lái xe cứu thương kiêm hỗ trợ đội mai táng.

“Em đã làm những điều mà trước đây chưa bao giờ nghĩ sẽ làm”, Trường nói. Ban đầu, Trường giấu gia đình chuyện đi lo hậu sự cho người mất vì Covid, chỉ nói đi lái xe chở bệnh nhân. Sau một lần xem livestream trên mạng, ba mẹ mới biết nhưng “không phản đối, chỉ dặn bảo hộ kỹ càng”.

Những anh em trong đội mai táng của anh Trần Long ngồi nghỉ ngơi sau khi khâm liệm cho một ca tử vong vì Covid-19 ở đường Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, ngày 27/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trường cho biết, thời gian đầu chỉ đứng ngoài hỗ trợ những việc như giúp khử khuẩn, đưa dây, đưa bao đựng thi thể. Giờ cậu đã có thể làm được những công đoạn như mặc đồ cho người mất hay di chuyển đến nơi hỏa táng.

“Tụi em muốn tiễn đưa họ đi nốt đoạn đường cuối cùng một cách tươm tất, kỹ càng, gọn gàng nhất có thể”, Trường nói.

Sau những ngày bùng phát cao điểm, tình hình dịch ở TP HCM đang bắt đầu dịu đi. Theo thống kê ngày 25/9, số ca tử vong trong tuần của thành phố giảm hơn 10%. Số ca tử vong trong ngày cũng đang giảm sâu, đến ngày 25/9/2021 còn 123 ca.

Những chuyến xe của Thịnh, Hà hay Trường thưa dần. Một số thành viên trong đội đã trở về với gia đình sau nhiều tháng. Có người bắt đầu quay lại công việc thường ngày. Nhưng cũng có người tiếp tục ở lại hỗ trợ người khó khăn, bệnh nhân, bởi họ đã hứa “khi nào bình yên mới về”.

“Đội của chúng tôi đã hỗ trợ mai táng cho khoảng 300 người. Hiện nhóm vẫn tiếp tục giúp đỡ những gia đình có người thân qua đời nhưng không đủ điều kiện, chi phí để tự mai táng”, đội trưởng Trần Long cho biết.

Quang Trường dự định trở về công việc của một nhân viên ngân hàng khi thành phố nới lỏng giãn cách. “Em sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn nên chưa bao giờ xa nhà lâu như vậy. Và cũng chưa bao giờ tình yêu gia đình, tình yêu thương đồng loại và sự quý trọng mạng sống lại trỗi dậy mạnh mẽ như bây giờ”, chàng trai tâm sự.

(VOV,Vnexpress) 

guest
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
(*) Thông tin bắt buộc phải điền
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi
Xem tất cả bình luận